Học Không Vào Thì Mình... Làm "PHAO" - FuSuSu

Bây giờ hãy cùng chiêm ngưỡng “Phao câu” của Edison (à nhầm, PC của Edison, để biết sức mạnh của nó nhé!)

các làm phao độc đáo mà hiệu quả

Bên trên là một đoạn thông tin dài hơn 400 chữ về Edison, còn mẩu giấy nhỏ xíu với nhiều ký hiệu chỉ-người-tạo-ra-mới-hiểu bên cạnh chính là một PC tương ứng. Nhìn vào đó, tôi có thể tự tin thuyết trình lại toàn bộ nội dung của đoạn văn bản gốc ban đầu.

Hãy thử chiêm ngưỡng tiếp “phao câu” của Henry Ford với độ dài gấp đôi (ối, lại nhầm, PC chứ, thôi nói chung là cứ dùng “Phao câu” cho lành).

cách làm phao độc đáo - thông tin cuộc đời Henry Ford

Sau một vài tháng không ôn lại, chỉ cần nhìn vào mẩu giấy nhỏ (PC) bên trên, tôi vẫn có thể viết lại được hoàn toàn chính xác nội dung đoạn văn bản gốc hơn 800 chữ dài ngoằng ban đầu. Đó chính là sức mạnh của PC, đối với tôi đây là cách học thuộc lòng hiệu quả nhất, mà lại vui vẻ nhất từng được khám phá ra để trị bệnh học không vào.

Tôi tin rằng, nếu bạn làm chủ được nghệ thuật tạo “phao câu”, thì mọi thông tin dù dài và phức tạp đến mấy đều trở nên dễ dàng và thú vị. Những tập đề cương không chỉ dễ nhớ hơn, mà bạn bè cũng có thể há mồm khi thấy bạn tự tin thuyết trình chỉ với mẩu giấy nhỏ (hoặc là không cần luôn).

Nhiều khi học không vào là do bạn cảm thấy chán nản. Tại sao lại chán nản? Đó là vì bài quá dài, nhìn mà ngao ngán. Cho nên chúng ta hãy đến với bước đầu tiên là thu gọn chúng lại. Hãy áp dụng ngay với đoạn dưới đây.

Thử cách học hiệu quả này với một đoạn thông tin khó nhớ nhé!

áp dụng cách học thuộc lòng hiệu quả cho bài dài để tránh tình trạng học không vào

Bước 1 Làm Phao – Trị bệnh học không vàoCách học thuộc lòng #1 – LỌC KHÓA

Nói tới một thứ chiếm ¾ bề mặt trái đất, màu xanh, có vị mặn… bạn nghĩ tới gì? Đúng rồi, đó là nước biển. Và nói tới nước biển, thì có khó để bạn liệt kê ra ba thông tin trên không?

Bộ não rất thông minh, chỉ nắm được các từ quan trọng (từ khóa) là nó sẽ tự liên kết các thông tin lại với nhau. Do vậy, cách học thuộc lòng hiệu quả (kể cả làm phao) đầu tiên là đừng bao giờ cố gắng thuộc từng chữ một!

Khi bạn cố gắng thuộc từng chữ, có nghĩa là kể cả từ khóa, và từ nối, là bạn đang làm cho bộ não của mình “thất nghiệp”. Nó mất đi công việc yêu thích là kết nối mọi thứ vào với nhau. Vì thế, khi thấy mình học không vào, hãy lọc ra những từ khóa để học, bạn sẽ thấy đây là một cách học thuộc lòng hiệu quả!

Có nhiều cách để lọc khóa, bạn có thể khoanh tròn những từ mà bạn cho là quan trọng, hoặc đọc thật nhanh và tóm lại ý chính mà mình hiểu được. Song đây là cách tôi ưa chuộng nhất: gạch, gạch, gạch và gạch.

cách lọc khóa ứng dụng hiệu quả cho cả sơ đồ tư duy lẫn làm phao :)

Sau khi gạch đi những từ nối, những từ không cần thiết lắm, hãy viết ra những từ khóa sang một trang giấy mới. Dấu hiệu của lọc khóa thành công là khi nhìn vào phần từ khóa, bạn có thể đọc lại được các ý chính ở bài gốc.

sau khi lọc khóa - bạn đã sẵn sàng để làm phao :D

Sau khi lọc khóa, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm vì khối lượng chữ thực ra cần học chỉ còn một phần ba. Một điều thú vị là sau khi lọc khóa xong, bạn sẽ thuộc 50% rồi, đó là điểm hay của cách học thuộc lòng này.

Chú ý: Trong trường hợp giáo viên bắt bạn thuộc chính xác từng chữ, thì hãy cứ lọc ra từ khóa, thuộc từ khóa trước. Rồi lúc ấy mới quay lại đọc từng chữ, bạn sẽ thấy dễ nhớ hơn gấp nhiều lần.

Ngoài ra, với các tài liệu chuyên nghành, đề cương rút gọn… thì đa số đều là từ khóa rồi. Bạn có thể bỏ qua bước này và chuyển sang bước tiếp theo để kích hoạt một sức mạnh to lớn của não bộ, song rất hay bị lãng quên!

Bước 2 làm phao – Trị bệnh học không vàoCách học thuộc lòng #2 : HÓA HÌNH

Hãy nhớ về một bãi biển tuyệt đẹp. Có phải thứ đầu tiên hiện ra trong đầu bạn là một hình ảnh nào đó (bãi cát, biển, nắng)? Bộ não lưu trữ thông tin bằng hình ảnh. Đó là lý do người ta dễ bị buồn ngủ khi cầm trên tay một tập đề cương dày cộp toàn chữ. Do đó, ở bước này chúng ta sẽ biến từ khóa thành hình ảnh.

Khi nói tới việc vẽ vời, nhiều bạn rất hứng thú, song cũng có những bạn ái ngại. Tin vui là để áp dụng các học thuộc lòng bằng phao câu này, bạn không cần phải vẽ đẹp (vì sẽ mất thời gian), và cũng đừng lo mình vẽ xấu vì chúng ta sẽ chỉ tạo ra những ký hiệu đơn giản, còn gọi là hình tự chế. Hình tự chế là gì, hãy thử làm thí nghiệm trong Clip sau ^^!

Clip Loading... Vui lòng chờ chút hoặc F5 tải lại...
10s 00:00 / 00:00 x1 x1.25 x1.5 x2
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Quay trở lại bài bên trên. Giả sử tôi cần hóa hình cho từ “sông Hồng”, thì dưới đây là 4 cách vẽ.nên dùng hình tự chế để làm phao

Hình số 1 rất đẹp, như sông Hồng thật, màu nâu là phù sa, tôi gọi đây là hình ảnh mang tính chất minh họa. Đặc điểm của hình minh họa thường là đẹp… nhưng không dễ nhớ. Khi nhìn lại, biết đâu tôi lại nhầm thành… sông vàng?Hình tự chế thường đơn giản và sáng tạo hơn. Số 2, con sông màu Hồng, thú vị đấy, song nếu nếu không có bút màu thì có thể lẫn sang sông Tô lịch.Còn số 3, con sông toàn chữ H màu hồng, chắc chắn là sông Hồng rồi! Song nếu không có màu lại có thể lầm thành sông Hương.Số 4, quả H trôi trên sông? Có quả gì ngoài quả Hồng nhỉ? Được! Quả Hồng trôi trên sông, tôi duyệt hình tự chế này!

Vậy đó, ở bước này bạn tạo ra những hình tự chế đơn giản, đẹp xấu không quan trọng, quan trọng là đơn giản, lạ lùng, hoặc hài hước. Bí quyết là sử dụng sức mạnh liên kết của tiếng Việt giống như trong chương trình đuổi hình bắt chữ vậy. Bạn hãy tách từ đó ra và bắt đầu liên tưởng. Ví dụ từ “Vân Nam”, tách ra là Vân + Nam. Rồi bạn liên tưởng xem Vân khiến mình nghĩ tới gì? Nam thì nghĩ tới gì?

làm phao thật là dễ với hình tự chế
Vân Nam. Hình số 1 ư? Nó chỉ mang tính minh họa.Số 2? Dấu ba chấm? Ba chấm tức là “vân vân”, lại có chữ “Nam” – ý tưởng này cũng hay.Số 3? dấu 3 chấm (vân vân) xếp thành hình chữ N, chắc viết tắt của chữ Nam, cái này hơi rắc rối.Số 4? một đám mây (vân) và nam châm chỉ hướng nam? Chưa kể “cân đẩu vân” lại liên tưởng tới Ngộ Không ở Trung Quốc, tôi duyệt hình này!

Thi thoảng bạn sẽ gặp phải những từ khó chế, hãy tách ra và chế cho từng chữ một. Ví dụ từ “Châu thổ”, nhiều bạn vẽ con trâu và ghi chữ “thổ” bên cạnh, hoặc một số bạn thì để nguyên chữ Châu và vẽ một người thổ dân bên cạnh. Hoặc từ “đất thấp” có bạn chế là “đất low”. Với cách học thuộc lòng kiểu “chơi chữ” thế này thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ cảm thấy học không vào nữa!

Dấu hiệu của một hình tự chế thành công là bạn cảm thấy thú vị, thậm chí bật cười. Và quan trọng là nhìn vào hình đó, đoán ra nghĩa gốc và không bị lẫn với các từ khác. Nhiều bạn có thói quen tạo một sổ tay ký hiệu, lưu trữ những hình tự chế này vào để tiện tra cứu, cũng như đỡ mất công phát minh lại những từ đã có :)

Lưu ý: Không nhất thiết phải hóa hình cho từng từ một, nếu có ít thời gian, hãy tập trung vào những từ quan trọng nhất để hóa hình, những từ khác có thể vẽ minh họa. Ví dụ, “lưu lượng 3000 mét khối trên giây” thì quan trọng nhất ở đây là con số 3000.

Bạn có thể vẽ hình tự chế vào cạnh các từ khóa (đó là lý do tôi khuyên bạn nên viết lại các từ khóa ra một tờ giấy trắng). Sau khi vẽ hết cho các từ quan trọng, bạn sẽ phát hiện ra một điều thú vị: bạn đã thuộc 80%. Song sự thật là dù thuộc đến mấy, bạn vẫn có thể quên. Do đó chúng ta cần bước thứ ba!

Bước 3 trị bệnh học không vàoCách học thuộc lòng #3: KẾT DÍNH

Lúc này, bạn hãy tìm cách kết nối tất cả những hình tự chế của bạn thành một bức tranh. Nếu tôi chia bài đọc về sông Hồng bên trên làm ba đoạn, thì đây là các phần kết dính tương ứng.

Thế là xong, cách học thuộc lòng vừa học vừa chơi này đã giúp tôi thuộc đoạn thông tin địa lý lịch sử rất khó nhớ bên trên một cách dễ dàng. Có thể bạn tự hỏi sao PC sông hồng trên trông khác và to hơn nhiều phao câu của Edison và Henry Ford? Lại nhiều chữ hơn nữa chứ?

Câu trả lời là chẳng có gì hoàn hảo từ đầu. Bước kết dính này bạn sẽ phải làm nhiều lần. Sau mỗi một lần làm, thì phao câu sẽ ngày càng nhỏ hơn, ít chữ hơn, sáng tạo hơn, và dễ nhớ hơn. Ví dụ đây là phao câu Edison lần đầu tiên kết dính (trên giấy A4).

làm phao với thông tin thú vị về edison

Thường thì tới lần kết dính thứ hai, tôi gập đôi tờ A4 thành A5, và vẽ lại. Trong quá trình vẽ đó tôi sẽ cải tiến các hình tự chế sao cho gọn nhẹ hơn, thú vị hơn, sáng tạo hơn. Rồi lần thứ ba, gập đôi tờ A5 lại thành A6 và tiếp tục vẽ lại. Và nếu được hãy gập đôi tiếp tờ A6 thành A7 và vẽ lại, và bạn sẽ có một tuyệt tác phao câu!

làm phao vẽ đi vẽ lại nhiều lần nhé

Một vài lưu ý khi áp dụng cách học thuộc lòng hiệu quả để trị bệnh học không vào này.

Thứ nhất là bạn không cần phải làm các bước liên tục nhau, cũng không cần phải vẽ đi vẽ lại vài lần để kết dính liên tục. Hãy chia ra để học nhiều lần sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn, hôm đầu tiên bạn lọc khóa, và hóa hình. Hôm sau bạn bắt đầu mới kết dính, rồi cuối tuần bạn lấy ra và kết dính, sẽ hiệu quả hơn (giống như luộc phao câu thật, càng luộc càng nhừ)

Thứ hai là có một số bạn kể họ đã đem hẳn phao câu này vào phòng thi, giám thị nhìn không hiểu… rồi bỏ qua. Song tôi không khuyến khích bạn làm vậy, vì chỉ cần vẽ đi vẽ lại vài lần là thuộc lòng luôn. Nếu muốn thì vào phòng thi, bạn có thể lấy giấy trắng và vẽ lại sẽ an toàn hơn ^^! (Cách này giúp tôi đạt 8.5/10 môn Triết Học)

Thứ ba là về thời gian vẽ, tùy vào sự thành thục của bạn. Nếu bạn chưa quen thì vẽ tất nhiên sẽ chậm, và đôi khi cảm giác mệt hơn cách học thuộc lòng cũ. Song một khi đã quen rồi, mỗi lần vẽ chỉ mất 5 – 10 phút thôi, vẽ vài lần thì tổng thời gian khoảng 30 – 45 phút, song chắc chắn nhớ lâu và hiệu quả hơn so với 60 phút học vẹt, để rồi học không vào, và kiến thức cũng trôi ra nhanh chóng.

Tóm lại, khi học không vào, hãy… làm phao.

Hãy áp dụng cách học thuộc lòng đỉnh cao này!

Hãy luyện tập để thành thục ba bước Lọc khóa – Hóa hình – Kết dính bên trên, và bạn sẽ an tâm trước mọi kì thi, dù đề cương có dài đến mấy!

Lưu ý cuối cùng, là đừng dồn tới tận cuối kỳ mới làm phao, hãy làm phao ngay từ đầu kỳ. Trong khi nghe thầy cô giáo giảng bài trên lớp… bạn có thể lọc khóa và vẽ hình tự chế, rồi tối về nhà ngồi kết dính lại thành tranh. Cách này không những giúp bạn… tỉnh ngủ trên lớp, mà còn tăng tốc độ làm phao câu lên gấp ba! (do có sự chuẩn bị từ trước).

Đặc biệt, bạn hãy luyện tập thật nhiều việc hóa hình. Vì đôi khi chỉ cần hóa hình thôi là bạn đã nhớ được rất nhiều rồi. Hãy tham khảo một clip tôi minh họa làm phao nhanh cho một đoạn thông tin phức tạp ở dưới, giúp một bạn ở trường Y học không vào đã vượt qua kì thi khó nhằn nhé!

Clip Loading... Vui lòng chờ chút hoặc F5 tải lại...
10s 00:00 / 00:00 x1 x1.25 x1.5 x2
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Bên cạnh đó, nhiều bạn chia sẻ việc hóa hình cho chữ thì khá dễ (chắc do xem đuổi hình bắt chữ nhiều), nhưng hóa hình cho số thì không dễ chút nào, nên suốt những năm qua, tôi đã dành thời gian để biến hóa các số từ 1-100 thành hình ảnh, bạn có thể tham khảo một vài con số trong clip bên dưới.

Clip Loading... Vui lòng chờ chút hoặc F5 tải lại...
10s 00:00 / 00:00 x1 x1.25 x1.5 x2
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Nếu bạn muốn sở hữu clip vẽ hình 100 con số mà tôi đã dày công sáng tạo trong suốt 5 năm qua, để giúp bạn tiết kiệm thời gian. Hãy dành chút thời gian tìm hiểu về những con số ảo thuật và những cách học thuộc lòng hiệu quả trong sách Numagician nhé, học không vào sẽ không còn là vấn đề nữa!

Từ khóa » Cách Phao Môn Văn