HỌC TRẢI NGHIỆM LÀ GÌ? - Tổ Chức Giáo Dục FPT

Học trải nghiệm là quá trình khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra các phân tích, kết luận của bản thân về kiến thức ấy. Cụ thể học trải nghiệm là gì? Phương pháp này mang lại hiệu quả gì, ứng dụng trong thực tế ra sao... thì nhiều học sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về học trải nghiệm.

Xem thêm:

  • Tại sao nên học qua trải nghiệm?
  • Top 5 Trải nghiệm sự kiện sinh viên cải thiện kỹ năng mềm 2023

1. Phương pháp học trải nghiệm là gì?

Học qua trải nghiệm được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục phương Tây và phương Đông định nghĩa. Theo thời gian, cùng với những biến động của xã hội, khái niệm này cũng có những sự thay đổi nhất định.

Vào khoảng năm 350 trước Công nguyên, Aristotle đã viết về học trải nghiệm: “Cho những điều chúng ta phải học trước khi làm được, chúng ta học bằng cách thực hiện chúng”.

Lý thuyết học cùng trải nghiệm đã được nghiên cứu từ khá lâu và đang được áp dụng vào chương trình đào tạo ở nhiều trường học trên thế giới và tại Việt Nam.

Hơn 2000 năm trước, Khổng Tử (Trung Quốc) nói: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Đây được coi là một trong những nguồn gốc tư tưởng đầu tiên của học trải nghiệm.

Thời cận đại, David Kobl (1984, Mỹ) là một trong những nhà nghiên cứu giáo dục đầu tiên đưa ra lý thuyết có tính hệ thống, đầy đủ, phân tích cơ chế hình thành và chu trình hoạt động của học tập thông qua trải nghiệm. Theo Kobl, đây là quá trình “học thông qua phản ánh khi thực hiện”.

Đến nay, phương pháp học cùng trải nghiệm đã khẳng định được vai trò và thế mạnh của mình so với các phương pháp khác.

Theo UNESCO định nghĩa, học trải nghiệm là quá trình phát triển kiến thức, kỹ năng, và thái độ dựa trên suy nghĩ có ý thức về một trải nghiệm từng có. (Nguồn: Teaching and Learning for a sustainable future, a multimedia education programme, UNESCO, 2010).

Từ những quan điểm trên, vậy học qua trải nghiệm là gì? Có thể đưa ra định nghĩa: Học trải nghiệm là quá trình khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra các phân tích, kết luận của bản thân về kiến thức ấy.

Trong đó phương pháp học trải nghiệm sáng tạo là hoạt động mang tính tập thể trên tinh thần tự chủ cá nhân, với sự nỗ lực giáo dục giúp phát triển sáng tạo và cá tính của cá nhân trong tập thể. Trích theo Bộ giáo dục và Đào tạo.

2. Vai trò của học tập trải nghiệm

Sau khi hiểu học trải nghiệm là gì? thì việc tiếp theo chúng ta cần tìm hiểu là học trải nghiệm có vai trò quan trọng đối với học sinh, sinh viên. Phương pháp này vẫn đảm bảo cung cấp kiến thức chuẩn cho người học nhưng đồng thời giúp các bạn phát triển nhiều kỹ năng về tư duy, sự chủ động trong nghiên cứu, tiếp thu kiến thức.

2.1 Cung cấp kiến thức nền tảng cho người học

Dựa trên quá trình khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức của người học, học trải nghiệm giúp những bộ môn khoa học hàn lâm trở nên gần gũi với đời sống thực tế. Học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.

Học cùng trải nghiệm vẫn đảm bảo cung cấp kiến thức cơ bản cho người học nhưng theo cách mới và hiệu quả hơn.

Hơn nữa, vì được trực tiếp khám phá tri thức, người học sẽ có ấn tượng sâu sắc. Những trải nghiệm thực tế giúp kiến thức khoa học dễ có khả năng ứng dụng vào thực tế.

2.2 Học tập cùng trải nghiệm giúp phát triển tư duy sáng tạo cho người học

Không còn việc “thầy giảng, trò nghe” truyền thụ kiến thức thụ động một chiều, khi học trải nghiệm, học sinh chính là chủ thể khám phá, tìm tòi, nhận biết về thế giới quan xung quanh. Bằng tư duy của bản thân, các bạn sẽ tự phân tích, đánh giá từ đó rút ra nhận xét về tri thức.

Người học có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo vì được thực hiện những ý tưởng học tập mới.

Mỗi người có một cách tư duy khác nhau, một năng lực sáng tạo khác nhau. Thường xuyên rèn bằng cách học trải nghiệm, học sinh, sinh viên được phát triển góc nhìn mới về những sự vật, rèn tư duy phản biện, đưa ra quan điểm mới về sự việc đã quen. Điều đó giúp các bạn rèn thói quen tư duy sáng tạo, có thể vận dụng vào trong học tập và những lĩnh vực khác của cuộc sống.

2.3 Học qua trải nghiệm giúp rèn luyện kỹ năng cho người học

Học sinh, sinh viên quan tâm đến học trải nghiệm vì cách thức này giúp các bạn dễ dàng tiếp cận, rèn luyện và trang bị cho mình nhiều kỹ năng cần thiết. Đó là những kỹ năng mềm như thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm, nghiên cứu, phân tích vấn đề và tự rút kinh nghiệm.

Học qua trải nghiệm đưa người học đến với phương pháp đòi hỏi rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp, làm việc nhóm….

Ngoài ra, học trải nghiệm còn cung cấp hệ thống kỹ năng sống quan trọng. Thông qua việc tham gia các hoạt động thực tế, học sinh, sinh viên nhận ra kỹ năng có tầm quan trọng không kém tri thức trong việc quyết định thành công của con người. Tự học, tự chăm sóc bản thân, ứng phó trước những tình huống nguy cấp, điềm tĩnh trước áp lực... giúp bạn trẻ có thể sống tốt và tự tin khi cuộc sống thay đổi.

3. Lợi ích của phương pháp học trải nghiệm sáng tạo

So với phương pháp học truyền thống, học cùng trải nghiệm có nhiều lợi ích hướng đến việc tạo hứng khởi cho học sinh, sinh viên, rèn luyện tính chủ động và nhiều kỹ năng mềm khác. Ở phần 1 học trải nghiệm là gì cũng phần nào nói lên được lợi ích. Cụ thể.

3.1 Phương pháp học cùng trải nghiệm giúp việc học trở nên dễ dàng và thú vị hơn

Thay vì học qua sách vở, thụ động nghe bài giảng của giáo viên, người học được trực tiếp thử nghiệm, khám phá tri thức. Bằng tư duy quan sát, phân tích và khả năng tổng hợp của mình, học sinh, sinh viên tự rút ra kết luận về kiến thức mà không gặp phải sự phản đối hay bất đồng quan điểm nào từ phía người dạy.

Được trực tiếp trải nghiệm kiến thức, học sinh sẽ cảm thấy hào hứng với môn học hơn.

Những bài học hàn lâm vì thế trở nên gần gũi, dễ tiếp thu hơn đối với các bạn học sinh sinh viên. Được học những gì mình thích và phát huy năng lực của bản thân, các bạn sẽ cảm thấy hào hứng và thêm yêu môn học đó.

3.2 Học tập trải nghiệm giúp người học tự tin, chủ động hơn

Ở cách học truyền thống, học sinh, sinh viên không được bày tỏ quan điểm cá nhân thường xuyên mà chủ yếu lắng nghe thầy cô giáo giảng. Ngược lại, khi học trải nghiệm, giáo viên sẽ “nhường” vị trí trung tâm giờ học lại cho học sinh. Thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng, còn người học chủ động tự tìm tòi, khám phá, đúc kết kiến thức. Qua đó, các bạn trở nên tự tin hơn khi cần thể hiện quan điểm của mình.

Học sinh chủ động và tự tin hơn hẳn khi được học tập cùng trải nghiệm.

3.3 Phương pháp học cùng trải nghiệm giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn

Tự tìm tòi, thử nghiệm, quan sát để phân tích và rút ra nhận xét về kiến thức, người học như được tham gia vào chính quá trình kiến tạo nên những tri thức cho bản thân và cộng đồng. Với bài học do mình tự tạo ra, học sinh, sinh viên sẽ ghi nhớ lâu hơn, hiểu rõ cách vận dụng chúng vào thực tế cuộc sống. Đồng thời, người học cũng dần tự trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kỹ năng mềm – được coi là phần kiến thức nằm ngoài sách vở nhưng thiết thực trong đời sống.

Sự hấp dẫn, mới lạ trong cách học giúp các em có niềm hứng khởi, tiếp thu kiến thức tốt hơn.

3.4 Phương pháp học trải nghiệm sáng tạo giúp rèn luyện kỹ năng

Không còn thụ động ngồi nghe và ghi chép kiến thức từ thầy cô, học sinh cần tự trải nghiệm, khám phá, tìm tòi tri thức mới khi học trải nghiệm. Do đó, các em sẽ có động lực để phát triển những kỹ năng như tự học, phân tích, tổng hợp thông tin, quan sát, suy luận, rút ra nhận định về kiến thức... dựa trên tư duy bản thân.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên được thường xuyên trao đổi, làm việc nhóm với nhau nên sẽ cùng nhau rèn luyện những kỹ năng mềm như quản lý công việc, lập kế hoạch, thuyết trình, phản biện… Các kỹ năng này hữu ích không chỉ trong việc học mà còn trong cả cuộc sống, việc làm của các bạn sau này.

Học sinh được rèn nhiều kỹ năng mềm và kỹ năng sống hữu ích thông qua học tập trải nghiệm.

4. Các trường học thúc đẩy học tập trải nghiệm như thế nào?

Học trải nghiệm hấp dẫn và có ích lợi đối với người học. Vậy nên, nhiều đơn vị giáo dục đã và đang nỗ lực thúc đẩy đưa phương pháp này vào hoạt động đào tạo bằng một số biện pháp như sau:

4.1 Đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên môn

Nhiều trường học chú trọng tập huấn, đào tạo chuyên môn về học qua trải nghiệm cho giáo viên. Việc này sẽ thay đổi nhận thức và cách thức giảng dạy của các thầy cô giáo từ “thầy giảng – trò nghe” sang để người học trải nghiệm. Ngoài ra, giáo viên cũng cần linh hoạt, chủ động thay đổi giáo án qua từng bài học cụ thể để tạo hứng thú cho học sinh.

Giáo viên FPT Edu tham gia buổi trao đổi kinh nghiệm về phương pháp học trải nghiệm.

4.2 Trang bị cơ sở vật chất

Phương pháp học trải nghiệm đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại để tạo điều kiện cho việc học tập, giảng dạy diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả. Các trường cần đầu tư phòng học đồng bộ với quy mô không quá lớn nhưng tiện ích cho việc chia nhóm, hoặc cá nhân tự học trải nghiệm. Ngoài ra, khu thí nghiệm, thực hành, thư viện và các phương tiện hiện đại hỗ trợ việc trải nghiệm của người học như máy tính, màn chiếu... cũng cần được trang bị đồng bộ.

Học trải nghiệm đòi hỏi sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất.

4.3 Thay đổi tư duy

Học truyền thống là hình thức truyền đạt kiến thức 1 chiều: thầy giảng - trò nghe, nặng về lý thuyết hàn lâm. Trong khi, phương pháp học cùng trải nghiệm chú trọng sự chủ động của người học, cả thầy và trò đều thực hành, khám phá tri thức dựa trên quá trình trao đổi, chia sẻ. Đây là phương pháp hiện đại, thực tế hơn. Thay đổi tư duy từ truyền thống sang hiện đại là bước quan trọng để thúc đẩy việc phát triển học trải nghiệm ở trường phổ thông

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thấu hiểu bản chất phương pháp đào tạo sẽ truyền tải được tinh thần đó đến người học và phụ huynh học sinh. Khi xã hội cùng đồng thuận, học trải nghiệm sẽ trở thành xu hướng tất yếu, tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức số đông.

5. Làm thế nào để biết việc học tập trải nghiệm có hiệu quả hay không?

Cũng như các phương pháp học tập khác, hiệu quả của học trải nghiệm cũng được đo đếm dựa vào một số tiêu chí sau:

5.1 Dựa vào việc tiếp thu kiến thức của người học

Thầy cô giáo có thể đưa ra các bài tập thực hành, vận dụng kiến thức thực tiễn, chia nhóm thuyết trình về vấn đề đặt ra để kiểm tra mức độ tiếp thu của người học. Cần lưu ý, phương pháp học trải nghiệm dựa trên nhận thức mỗi cá nhân nên cùng một vấn đề, mỗi thành viên trong lớp có thể sẽ đúc rút kiến thức khác nhau. Thầy cô dựa vào biểu hiện của cá nhân trong quá trình học và kết quả điểm số bài tập để có thể đưa ra đánh giá chung khách quan, chính xác.

Hiệu quả tiếp thu kiến thức là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả học tập trải nghiệm.

5.2 Dựa vào thái độ của người học

Học trải nghiệm khơi gợi cảm giác hứng khởi, thích thú hơn so với phương pháp học tập truyền thống. Sự hào hứng trong mỗi giờ học cũng phản ánh hiệu quả của việc áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, yếu tố tương tác giữa thầy – trò trong lớp rất quan trọng. Nếu thầy – trò tương tác tốt thì chứng tỏ mô hình học trải nghiệm đã triển khai có hiệu quả.

Nếu phương pháp học trải nghiệm sáng tạo có hiệu quả, người học sẽ thoải mái, hào hứng tham gia thường xuyên.

5.3 Dựa vào việc thể hiện kỹ năng người học

Thông qua phương pháp học trải nghiệm sáng tạo, người học sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm. Các kỹ năng này sẽ được học sinh thể hiện trong lĩnh vực khác của đời sống. Do đó, nếu sau một thời gian học, các bạn có thể phát triển, thể hiện được nhiều kỹ năng xã hội mới đây được xem là bằng chứng cho thấy hiệu quả của học qua trải nghiệm.

Sau một thời gian học trải nghiệm, nếu học sinh thể hiện được nhiều kỹ năng mới thì chứng tỏ phương pháp ấy đã có hiệu quả.

6. Điều kiện cần thiết để tổ chức dạy – học cùng trải nghiệm

Việc dạy – học qua trải nghiệm cần một số điều kiện đến từ cả phía người dạy, người học, các cơ quan quản lý giáo dục để có thể triển khai rộng rãi và có hiệu quả.

Trước hết, nhà trường, các thầy cô giáo cần sẵn sàng đón nhận xu hướng giáo dục mới này. Việc thay đổi cách dạy nên được nhà trường và giáo viên chủ động thực hiện bằng cách cập nhật các phương pháp mới, hình thức trực quan sinh động. Trao đổi với học trò trong quá trình học cũng là việc làm cần thiết để các em hiểu được học trải nghiệm là gì.

Tiếp theo, người học cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để thay đổi vai trò từ thụ động sang chủ động học tập. Việc thường xuyên thực hành, khám phá, trao đổi, chia sẻ kiến thức... cũng đòi hỏi học sinh sinh viên phải nỗ lực hết mình trong suốt quá trình.

Các cơ quan quản lý giáo dục nên tổ chức các chương trình chia sẻ thông tin học tập trải nghiệm hoặc hướng dẫn cách thực hiện phương pháp này phù hợp với từng bậc học.

7. Các bước học tập trải nghiệm

Sau khi có đầy đủ điều kiện để tổ chức dạy và học tập trải nghiệm thì làm thế nào để triển khai được các bước học tập trải nghiệm. Dưới đây là 4 bước học tập trải nghiệm đầy đủ nhất.

  • Bước 1- Xác định nhiệm vụ và mục tiêu của học cùng trải nghiệm
  • Bước 2 - Trải nghiệm
  • Bước 3 - Khái quát, hình thành kiến thức mới
  • Bước 4 - Vận dụng kiến thức

Chi tiết xem thêm: Tổng hợp 4 bước học tập trải nghiệm

8. Các hình thức thường vận dụng trong dạy học tập qua trải nghiệm

Học tập trải nghiệm lôi cuốn học sinh, sinh viên một phần vì có thể triển khai thành rất nhiều hình thức vận dụng. Dưới đây là một số cách thức phổ biến, dễ tiếp cận với người học:

8.1 Học tập qua trải nghiệm Thảo luận nhóm

Học sinh trong lớp được chia thành các nhóm nhỏ, thường dưới 10 thành viên. Các nhóm sẽ cùng thảo luận về một câu hỏi, một chủ đề ví dụ thuộc bộ môn Toán học, Văn học, Hóa học... hoặc mỗi nhóm có 1 câu hỏi riêng thuộc chủ đề bài học. Câu trả lời được trình bày dưới hình thức đại diện nhóm thuyết trình.

Phương pháp học trải nghiệm này được triển khai dưới dạng chia nhóm thảo luận về một câu hỏi, một chủ đề.

Nhờ thảo luận nhóm, học sinh sẽ được trải nghiệm cách học tập chủ động. Mỗi bạn đều cần suy nghĩ về câu hỏi, vấn đề được đặt ra để chia sẻ quan điểm đó với nhóm. Sau đó, các quan điểm riêng được phân tích, tổng hợp thành ý kiến chung của nhóm. Hoạt động này giúp học sinh rèn tư duy phân tích, tổng hợp, thể hiện quan điểm cá nhân, kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm.

Một nhóm học sinh FPT Edu trong giờ học trải nghiệm thảo luận, phân tích vấn đề.

8.2 Học tập qua trải nghiệm Nghiên cứu tình huống

Học sinh được giới thiệu một tình huống trong thực tế qua bài giảng của giáo viên hoặc video clip. Giáo viên sẽ đặt ra các câu hỏi xoay quanh tình huống đó và yêu cầu học sinh phân tích, tìm hiểu.

Hoạt động học tập trải nghiệm này đem đến cho người học cái nhìn thực tế về kiến thức. Đồng thời, nó rèn luyện cho học sinh khả năng tìm kiếm thông tin từ dữ liệu được đưa ra, phân tích, tổng hợp, đánh giá để đưa ra kết luận cuối cùng.

Sinh viên FPT Edu học hỏi từ tình huống thực tế được chia sẻ trong một talk show.

8.3 Học tập trải nghiệm từ thực tế

Người học được học tập từ thực tế thông qua việc thí nghiệm, thực hành trong môi trường thật, chuyển không gian học tập từ trong lớp ra phòng thí nghiệm, tham quan các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phù hợp nội dung bài học... Bằng việc tiếp cận những môi trường thực tế đó, học sinh sẽ mở rộng cách nhìn nhận của mình về vấn đề được đề cập. Môi trường thực tế cũng tác động đến kiến thức nên người học cũng có thể đưa ra những suy luận, đánh giá, phân tích khác nhau thì vì chỉ học từ sách vở.

Sinh viên FPT Edu trong chuyến học tập thực tế tại Clever Ads.

Hoạt động học tập này đem đến cho người học trải nghiệm thực tế, điều kiện thực hành kiến thức trong điều kiện môi trường thật. Học sinh cũng có thể rèn tư duy phân tích, đối chiếu, so sánh… thông qua hoạt động nói trên.

Ở FPT Edu, 100% sinh viên được tạo điều kiện đi thực tập doanh nghiệp trước học kỳ cuối. Đây là hoạt động học tập thực tế rõ nét nhất. Các bạn sẽ được làm việc như một nhân viên thực thụ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ doanh nghiệp.

8.4 Học trải nghiệm qua Đóng vai, trò chơi

Ở hình thức này, người học sẽ tham gia các gameshow kiến thức, trò chơi nhập vai mô phỏng một nghề nghiệp nào đó trong xã hội. Hình thức này thường phù hợp với học sinh cấp 1-2 vì tạo ra không khí học tập vui vẻ, lý thú.

Hoạt động này giúp học sinh tham gia tích cực hơn vào môn học. Các kiến thức trở nên gần gũi, thực tế, dễ tiếp thu hơn. Hình thức triển khai “vừa học vừa chơi” cũng lôi cuốn, hấp dẫn các em hơn so với cách thức truyền thống.

“Sân khấu hóa” văn học - một cách học trải nghiệm ở FPT Edu.

Một số hoạt động học trải nghiệm bằng các trò chơi, nhập vai có thể kể đến là thử làm bác sĩ, nhà báo… hay trò chơi kiến thức mô phỏng Đường lên đỉnh Olympia, Rung Chuông Vàng… Đa phần học sinh, sinh viên đều hào hứng với cách thức học tập này. Được trải nghiệm thực tế, các bạn vừa có kiến thức, vừa rèn luyện được những kỹ năng mềm hữu ích. Các trò chơi, nhập vai còn có tính thi đua giữa các cá nhân, nhóm lớp, tạo động lực học tập cho người học.

Các hoạt động học tập trải nghiệm có vai trò tích cực đến việc tiếp thu kiến thức của người học. Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Edu là một trong những đơn vị có nhiều hình thức trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Nếu còn thắc mắc liên quan tới học trải nghiệm là gì và cách thức triển khai, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại website của FPT Edu - Trường học trải nghiệm.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

Từ khóa » Trải Nghiệm Là Gì