Hồi 37: Nghĩa Chẳng Đặng Đừng - Kilopad
Có thể bạn quan tâm
Đơn Minh vội thốt:
- Trong võ lâm, các môn phái nào lại tránh khỏi lúc thịnh lúc suy? Thịnh thì oai danh chấn động khắp sông hồ, suy chỉ thoát khỏi vòng thị phi, qui ẩn chờ thời khôi phục thế lực. Nhưng cứ như sự hiểu biết của lão phu thì trong vòng ngàn năm trở lại đây, trong võ lâm Trung Nguyên chẳng có một môn phái nào mang tên Vô Vi cả.
Vô Vi Tiên Tử đáp:
- Lúc trước bổn phái chưa chánh thức thành lập, và sự hành đạo trên giang hồ do tổ sư Phong Trần Tam Kỳ đảm nhận.
Đơn Minh vỗ tay bôm bốp:
- Lão phu nhớ ra rồi! Năm trăm năm trước, Phong Trần Tam Kỳ quả có xuất hiện trên giang hồ, theo lời truyền thuyết thì ba vị tiền bối đó thịnh danh rất trọng, dù các vị lãnh đạo Thiếu Lâm, Võ Đang lúc đó cũng không hơn! Bỗng trong một đêm, cả ba vị cùng mất tích.
Mãi đến ngàynay, thời gian qua đã hơn mấy trăm năm rồi, cùng chẳng ai biết được kết cuộc của ba vị như thế nào. Sự mất tích của ba vị đã trở thành một nghi vấn cho toàn thể võ lâm, một trong ba nghi vấn trọng đại. Không ngờ quí phái lại dời cư ra tận cùng Quan Ngoại xa xôi này. Lão phu biết được căn nguyên phát xuất của quí phái, thật là một điều may mắn lớn! Mong Tiên Tử giải thích rành hơn.
Vô Vi Tiên Tử trầm buồn ra mặt:
- Vì nguyên nhân thoát xuất giang hồ của tam vị tổ sư thực tình bổn tòa không được hiểu rõ lắm.
Đơn Minh bật cười ha hả:
- Việc của mình mà mình không biết thì còn ai biết cho, và làm sao người ta tiếp trợ?
Vô Vi Tiên Tử thoáng lộ vẻ thẹn:
- Việc mà bổn tòa định nhờ Triệu thiếu lệnh chủ tiếp trợ là tra cứu nguyên ủy của sự tình.
Đơn Minh lắc đầu:
- Sự tình xảy ra cách đây hơn năm trăm năm, dù có chứng cớ nhưng chứng cớ đó cũng theo thời gian mà tiêu diệt rồi. Hắn còn làm gì được để tiếp trợ quí phái chứ!
Vô Vi Tiên Tử thốt:
- Chứng cớ vẫn còn lại Thánh Địa Thần Cung, chưa hề tiêu diệt.
Đơn Minh chớp con mắt duy nhất:
- Chừng như Tiên Tử có phần nào mâu thuẫn với mình. Nếu chứng cứ còn, tại sao Tiên Tử không biết nguyên nhân, lại yêu cầu người khác trợ cứu.
Vô Vi Tiên Tử thở dài:
- Chứng có còn, nhưng chưa về tay bổn tòa! Nếu đã nắm được chứng cớ trong tay thì bổn tòa đâu dám làm nhọc đến Triệu thiếu lệnh chủ.
Đơn Minh chẳng hiểu chi cả, cau mày, trầm giọng:
- Tiên Tử nói tới nói lui, lão phu không hiểu nổi.
Vô Vi Tiên Tử tiếp:
- Đơn đại hiệp hỏi đến đâu bổn tòa đáp đến đó, thành thử chưa kịp nói gì.
Đơn Minh gật đầu:
- Được rồi! Lão phu chẳng còn hỏi gì nữa. Tiên Tử cứ nói đi.
Vô Vi Tiên Tử hướng qua Triệu Sĩ Nguyên, điểm nhẹ một nụ cười thốt:
- Thoại xuất võ lâm Trung Nguyên rồi, cứ mỗi lần thay đổi chưởng môn thì liền sau khi tiếp nhận quyền lãnh đạo, người chưởng môn phải đến Kim Sơn bái thần vị tổ sư, và cũng để nhân dịp này tìm di thơ do tổ sư chôn dấu tại thánh địa, di thơ đó có ghi chú nguyên nhân ly khai Trung Nguyên, đồng thời chỉ dẫn cách thức phản hồi nguyên quán.
Nàng dừng lại một chút rồi tiếp nói với giọng buồn:
- Trong năm trăm năm qua, chẳng có một vị chưởng môn nào thu thập được một kết quả nào, dù là nhỏ mọn.
Triệu Sĩ Nguyên hỏi:
- Mỗi một vị chưởng môn chỉ có mỗi một cơ hội duy nhất sao?
Vô Vi Tiên Tử đáp:
- Phải đợi đủ năm năm mới sai phái người dọ thám một lần. Thời gian tra cứu chỉ được ấn định trong một khoảng cách năm năm thôi.
Triệu Sĩ Nguyên lại hỏi:
- Trong năm trăm năm qua, chắc quí phái đã làm nhiều cuộc tra cứu lắm chứ?
Vô Vi Tiên Tử nhẩm tính một lúc:
- Kể cả lần này là đã có được một trăm lẻ chín lần tất cả?
Triệu Sĩ Nguyên cau mày:
- Di thư chôn dấu ở đâu mà bí mật thế! Nếu lại tại thần cung thánh địa, thì tại sao hơn một năm lượt điều tra truy tầm, chẳng ai tìm được một manh mối nào?
Vô Vi Tiên Tử thở dài:
- Di thư được chôn dấu ngay dưới thần tọa, trong một địa đạo. Đệ tử nào được sai phái xuống đó truy tầm chỉ có đi mà không bao giờ có trở lại? Chẳng ai biết được tại sao có sự mất tích đó!
Đơn Minh cau mày hỏi:
- Vậy là Tiên Tử muốn nhờ Triệu Sĩ Nguyên làm cái việc thám địa huyệt?
Vô Vi Tiên Tử nhìn thoáng qua Triệu Sĩ Nguyên đáp:
- Nếu thiếu lệnh chủ sẳng sàng trợ giúp, thì chẳng những riêng bổn tòa, mà toàn thể những người trong Vô Vi phái sẽ cảm kích vô cùng.
Đơn Minh nỗi giận:
- Tiên Tử nói sao không biết thẹn! Làm cái việc lợi kỷ, bất chấp tổn nhân, như vậy là đạo lý gì chứ? Tiên Tử mở miệng nói được cái điều đó thì thật lạ lùng.
Vô Vi Tiên Tử điềm nhiên:
- Lợi kỷ, đành là có, song vị tất tổn nhân? Nếu chẳng nhận thức ra Thiếu lệnh chủ là bậc kỳ tài thì khi nào bổn tòa dám nhờ làm một việc như vậy?
Đơn Minh không thốt lời gì chống đối nữa, chừng như Vô Vi Tiên Tử thổi phồng Triệu Sĩ Nguyên, lão cũng nghe mát ruột vô cùng.
Triệu Sĩ Nguyên trầm ngâm một lúc lâu, sau cùng cất tiếng hỏi:
- Chưởng môn có khi nào tìm hiểu tại sao các vị tổ sư làm khó cho đệ tử các đời sau như vậy chăng?
Vô Vi Tiên Tử chớp mắt:
- Cứ theo như sự suy đoán của bổn tòa thì ngày trước sở dĩ bổn phái thoái xuất võ lâm Trung Nguyên là do một áp lực nào đó. Cái áp lực đó quá mạnh, các vị tổ sư không cưỡng lại được nên phải đào tỵ viễn phương, để cầu tụ bảo!
Dừng lại một chút, nàng có ý chờ nghe Triệu Sĩ Nguyên tỏ bày ý kiến, song Triệu Sĩ Nguyên chẳng có nói gì, nàng phải tiếp luôn:
- Sợ đệ tử các đời sau chểnh mảng luyện công, khiến bổn phái càng ngày càng suy yếu rồi tiêu diệt, nên các vị tổ sư mới bày ra cái việc truy tầm di thơ, để cứ năm năm có một cuộc khảo khí một lần, khảo khí bằng cách trở lại thần cung, vào địa huyệt. Không qua lọt cuộc khảo khí đó, nghĩa là vào địa huyệt mà không đủ khả năng trở ra là còn kém, chưa có thể đương đầu với địch, chưa vọng tưởng trở lại Trung Nguyên được.
Nàng thở dài, rồi tiếp:
- Năm trăm năm qua, hơn trăm lần thực nghiệm, bổn phái vẫn thất bại đủ cả bao nhiêu lần. Như vậy là võ công của bổn phái chưa đạt được đến cái mức thành tựu mong muốn của các vị tổ sư!
Đơn Minh cười khan:
- Sĩ Nguyên chẳng phải là người trong phái Vô Vi, dù cho hắn làm được cái việc xuống địa đạo, lấy di thơ, nếu các vị được mãn nguyện, bất quá chỉ nhờ sức người, chứ nào phải chính do tài năng của các môn đồ đâu? Như vậy là trái ngược với kỳ vọng của tổ sư, bởi các lão tiền bối đó mong muốn chính đệ tử trong phái mạnh mẻ hơn, để đủ sức đối đầu với cường địch khi trở lại Trung Nguyên kia mà.
Vô Vi Tiên Tử gật đầu:
- Đơn đại hiệp nói rất đúng, nhưng bổn tòa nhờ Triệu thiếu lệnh chủ vào địa đạo chẳng phải để lấy di thơ mà chỉ để quan sát các cơ quan, giúp bổn phái hoạch định một phương pháp hành động sau này. Sự giúp đỡ của Thiếu lệnh chủ sẽ tiết giảm cho bổn phái rất nhiều thời gian. Đó là một cách đốt giai đoạn để tiến nhanh về đích.
Triệu Sĩ Nguyên cất tiếng cười sang sảng, rồi cao giọng thốt:
- Tại hạ sẵn sàng giúp quí phái! Tiên Tử cứ định thời gian hành động!
Đơn Minh ngăn chặn:
- Đừng gấp, Sĩ Nguyên! Ngươi nên nghĩ xa một chút. Giả như ngươi thất bại thì lịnh tôn sẽ thất vọng như thế nào? Chẳng hóa ra bao nhiêu sự hy sinh từ lâu, cầm như bỏ trôi theo mây gió à? Ngoài ra, ngươi còn có một trách vụ lớn lao đối với võ lâm! Hầu hết các phái lớn đều trông vào có mỗi một ngươi đó!
Lão thấp giọng tiếp nối:
- Theo ý của lão phu, thì trước hết ngươi phải giải quyết vấn đề với Vô Tình lệnh chủ, khi nào xong việc đó ngươi sẽ giúp Vô Vi phái. Ta nghĩ cũng chẳng muộn gì!
Lão hướng sang Vô Vi Tiên Tử, quắc con mắt độc nhất lên, bắn tinh quang sáng rực, gằn từng tiếng:
- Năm trăm năm còn chờ được, cớ sao lại phải gấp một đôi ngày.
Đơn Minh có lý rất vững, ai ai cũng phải nhìn nhận như vậy.
Vô Vi Tiên Tử thở dài, muốn nói gì sau đó song thấy bất tiện nên nín lặng.
Triệu Sĩ Nguyên nhớ đến ân nghĩa của người trong phái Vô Vi đối với chàng, từ cái việc gặp gở Ngô Độc Hạc tại Quân Sơn học được kỳ công, đến cái việc Tiên Tứ cho thuốc quí cứu chàng thoát nạn vì Thiết chưởng của Âm Dương lệnh chủ.
Cái ân đó chàng làm sao quên được, bởi là ân thành toàn, ân tái tạo?
Huống chi trong tương lai rất có thể chàng sẽ nhờ đến Vô Vi phái trong cuộc đương đầu với Vô Tình lệnh chủ.
Giúp người hôm nay, chàng vừa báo đáp ân trọng, mà cũng vừa cấu tạo cảm tình, hẳn ngày sau có một viện thủ phi thường đắc lực.
Việc đó nên làm lắm chứ!
Chàng trấn an Đơn Minh:
- Bá bá không nên quá lo ngại. Tiểu điệt nghĩ, chắc chẳng đến đổi nào đâu. Giả như tiểu điệt yểu mạng, thì cũng hẳn đã chết từ lâu.
Chàng day qua Vô Vi Tiên Tử, tiếp nối:
- Nếu tại hạ đi ngay bây giờ, làm một cuộc dọ thám như Tiên Tử ủy thác, thì Tiên Tử nghĩ sao? Có điều tại hạ xin nói trước, là giả như tại hạ may mắn làm tròn sứ mạng, thì liền sau đó tại hạ xin cáo từ để lo liệu cho Lý Linh cô nương.
Vô Vi Tiên Tử nghiêng mình:
- Đa tạ Thiếu lệnh chủ dành cao nghĩa đối với bổn phái. Vào động sâu ngay trong giờ phút này là đúng thời gian thích nghi đó.
Triệu Sĩ Nguyên đáp lễ.
Chấp pháp trưởng lão nối lời Tiên Tử:
- Lão phu đi trưóc, chuẩn bị sẵn sàng mọi vật dụng cần thiết chờ đợi chưởng môn và Triệu thiếu lệnh chủ.
Đơn Minh hỏi gấp:
- Lão phu có thể theo Sĩ Nguyên vào động chăng?
Vô Vi Tiên Tử đáp:
- Bên trong địa đạo có rất nhiều cơ quan nguy hiểm, ai vào đó là phải luôn luôn đề cao cảnh giác, cho nên từ năm trăm năm qua bổn phái chỉ cho từng người một đảm trách việc dọ thám thôi, mà chẳng hề chấp thuận nhiều người cùng đi, cố tránh phân tâm chiếu cố lẫn nhau, bất lợi cho việc truy tầm, tra cứu. Một người đi, để tùy cơ ứng biến hơn cho nên để mưu cầu an toàn tối đa, mà cũng để cho người được sai phái để hành động có kết quả, bổn tòa có ý kiến là Đơn đại hiệp không nên đi theo Triệu thiếu lệnh chủ.
Đơn Minh hừ một tiếng:
- Lão phu làm sao tin được các vị ngấm ngầm an bày một quỹ kế nào đó!
Vô Vi Tiên Tử thoáng biến sắc, song lấy ngay bình tịnh lại, cười nhạt thốt:
- Đơn đại hiệp có thể cùng bổn tòa ở tại tịnh thất trong khu địa đạo, chờ đợi Thiếu lệnh chủ.
Đơn Minh vẫn không yên lòng.
Triệu Sĩ Nguyên bắt buộc phải can thiệp:
- Tiểu điệt tin rằng Tiên Tử không có ý gì đâu, bá bá! Bá bá cứ yên trí.
Đơn Minh miễn cưỡng gật đầu, không nói gì nữa.
Cả ba rời gian phòng khách, đi sâu vào trong miếu.
Dọc hai bên lối đi có đệ tử phái Vô Vi đứng thành hàng nghinh đón.
Triệu Sĩ Nguyên nhận thấy đệ tử của phái này gồm toàn người người cao tuổi. Bất quá chỉ có một số ít người thuộc hạng thanh thiếu niên.
Sự kiện này rất lạ, trái hẳn với tổ chức của các môn các phái trên giang hồ.
Chàng nghĩ rằng, cái học của phái Vô Vi không có chỗ thực dụng ngoài đời, hoặc giả môn quy quá nghiêm khắc, hạn chế hành động của các đệ tử đến mức tối đa, cho nên hạng thanh thiếu không ngưỡng mộ cho lắm, thành rất ít kẻ nhập môn.
Do đó môn phái có cái quang cảnh suy tàn với thành phần già nua, lúc nào cũng trầm trầm nghiêm lặng.
Bên dưới thần tọa có cửa đá, ba người dò cửa đá xuống sâu.
Họ đến một tòa thạch thất.
Nơi đó có mười tám vị trưởng lão chực chờ, trong số có vị Chấp pháp.
Chấp pháp trưởng lão cầm một chiếc bọc bước đến trước mặt Triệu Sĩ Nguyên, hai tay nâng cao, trịnh trọng nói:
- Đây là những vật ứng dụng khi vào động, xin thiếu lệnh chủ kiểm qua.
Triệu Sĩ Nguyên tiếp nhận chiếc bọc mở ra xem.
Có một hạ Dạ Minh Châu, một thanh đoản kiếm rất quý, một chiếc hộp bằng gỗ tử đàn, hộp sơn đúng hai mươi ba màu, trong hộp có được hai mươi ba loại thuốc, đựng trong hai mươi ba chiếc bình, màu sắc khác nhau, dược màu bình và màu hộp tương phù.
Triệu Sĩ Nguyên cau mày, không hiểu công dụng của các loại thuốc đó.
Vô Vi Tiên Tử giải thích:
- Đó là người thuốc giải nghiệm chất độc, mỗi thứ thuộc giải nghiệm một loại độc riêng biệt. Thiếu lệnh chủ mang theo sẽ chẳng còn sợ nhiễm độc nữa.
Đơn Minh trầm giọng hỏi:
- Trong thiên hạ chỉ có hai mươi ba loại độc dược thôi sao?
Vô Vi Tiên Tử đáp:
- Theo sự nghiên cứu của bổn phái từ mấy trăm năm qua, đại khái chỉ có ngần ấy thứ độc đáng sợ nhất, có thể có trong địa đạo, bổn phái không dám quả quyết là sự nghiên cúu đó chính xác lắm, song thiết tưởng chẳng đến đổi quá sai lệch.
Triệu Sĩ Nguyên cất chiếc bọc vào mình, đoạn bảo:
- Xin các vị mở cửa cho tại hạ vào địa huyệt ngay!
Vô Vi Tiên Tử và mười tám vị trưởng lão ngưng trọng thần sắc, chính Chấp pháp trưởng lão bước đến một bức tường, đưa tay ấn nút cơ quan..
Một khoảng tường tách rời ra, một vọng cửa nhỏ đà hiện lên.
Bên trong chẳng có ánh sáng.
Triệu Sĩ Nguyên cầm hạt Dạ Minh Châu bước qua vọng cửa đó, chớp mắt khuất dạng.
Một người vào trong thám hiểm, bao nhiêu người ở bên ngoài chờ đợi.
Cuộc thám hiểm đã kéo dài đúng bảy ngày đêm rồi, người bên trong vẫn chưa trở ra, người bên ngoài chờ đợi, càng phút càng hồi hộp, bồn chồn lo lắng.
Đơn Minh không còn giữ bình tĩnh được nữa, công khai trách cứ Vô Vi Tiên Tử, lão nói nói nhạ phái Vô Vi đủ tiếng đủ lời.
Thực ra người lo lắng, khổ sở hơn hết chẳng phải là Đơn Minh, mà chính là Vô Vi Tiên Tử.
Bởi, nàng có cảm tình rất nặng đối với Triệu Sĩ Nguyên. Sở dĩ nàng phải nhờ chàng làm công việc thám hiểm là vì nàng muốn giải tỏa những sự hiềm khích sau này giữa chàng và những môn đồ Vô Vi phái, mối niềm khích được phát sanh từ sự xâm nhập thánh địa.
Ngoài ra nàng còn tin tưởng chàng thành công vì nàng biết trong mình chàng có chất tiên thảo, giải trừ mọi chất kịch độc trên đời.
Do trong địa đạo có hơi độc nguy hại đến đâu, hơi độc đó cũng không làm gì nổi chàng.
Nhưng chàng vào địa huyệt bảy ngày đêm rồi, thời gian đó nào phải ngăn? Bảo sao Đơn Minh không nổi nóng, bảo sao nàng không khổ sở...
° ° ° Đêm đó trong khách sạn Bảo Khang đang cơn ngủ chập chờn, Thanh Liên Ngọc Nữ Lý Linh mông lung thấy Triệu Sĩ Nguyên ra khỏi phòng.
Nàng kinh dị tỉnh ngủ ngay, hấp tấp bước xuống giường ra ngoài.
Đêm tối không nhìn xa, gió mạnh, không nghe rõ những tiếng động, Lý Linh không hiểu được Triệu Sĩ Nguyên đi về phương hướng nào.
Nàng trầm ngâm suy nghĩ, cho rằng có lẽ vì quá lo ngại mà thành ra có cảm giác mơ hồ, chứ Triệu Sĩ Nguyên đâu có sự khẩn cấp mà phải mạo gió đêm vất vả bôn ba, không kể là nguy hiểm bất ngờ chờ đón chàng ở bên ngoài.
Nào hay, khi trở lại nàng thấy cửa phòng của Triệu Sĩ Nguyên chỉ khép hờ, nàng đẩy luôn cánh cửa vào trong, chẳng thấy chàng đâu cả.
Nàng trở ra ngoài, nhìn sang cửa phòng của Đơn Minh, định gọi lão, bỗng nghe có tiếng cười hắc hắc phía sau lưng, rồi một giọng nói âm trầm vang lên tiếp nối:
- Triệu Sĩ Nguyên đang ở ngoài thành, muốn tìm hắn cô nương hãy đi theo lão phu.
Vì quá lo ngại cho Triệu Sĩ Nguyên bị ám toán, Lý Linh hấp tấp hỏi:
- Chàng ở nơi nào bên ngoài thành?
Hai câu đối đáp ngắn ngủi đó làm kinh động Nhất Mục Song Nhãn Đơn Minh.
Lão lập tức bước ra khỏi phòng, vừa kịp thấy Lý Linh phi thân vút đi.
Không do dự, lão theo sau liền.
Người gọi Lý Linh đi trước hướng về ngoại thành, Lý Linh đi theo sau người đó, còn Đơn Minh bám sát phía hậu Lý Linh.
Ra ngoài thành rồi, họ tiến thẳng đến một gò đất, có cỏ loạn mọc đầy, nơi đó lửa ma chập chờn, gió lạnh rì rào, dù ai có can trường thiết thạch, hắn cũng phải rợn mình khi đặt chân nơi đó, giữa đêm khuya.
Vừa đến nơi Lý Linh chưa kịp nhận định địa thế, từ bốn phía có bốn bóng người lao vút đến, thân pháp của họ rất nhanh, họ lướt đi, rít gió vù vù.
Cả bốn người vận y phục đen, mặt bao kín. Họ xuống đột ngột giữa khung cảnh này làm cho Lý Linh càng sợ hãi, có cảm tưởng là bị quỷ ma bao vây.
Vừa lúc đó có tiếng Đơn Minh hét lên phía sau:
- Kẻ nào dám chận đường lão phu chứ?
Đơn Minh đã động thủ với bọn người đó, chận đường lão ta.
Lý Linh vội đảo mắt nhìn quanh bốn người đó, đoạn trầm giọng hỏi:
- Các vị định động thủ với bổn cô nương?
Một trong bốn người đáp:
- Nếu cô nương thức thời vụ thì nên đi theo lão phu đến một nơi. Như vậy là song phương còn giữ được hòa khí đó với nhau.
Lý Linh hừ một tiếng:
- Nếu bổn cô nương không đi?
Người đối thoại bật cười ha hả:
- Thì ít nhất cô nương cũng phải thắng bọn lão phu bốn người.
Đang nóng nẩy về tình trạng an nguy của Triệu Sĩ Nguyên, Lý Linh không thể phí thời gian tranh luận với họ, cười lạnh một tiếng, thốt:
- Các vị người đông, bổn cô nương phải xuất thủ trước!
Nhích tới một bước, Lý Linh tấn công liền lão nhân đối thoại với nàng.
Nàng nhận thấy, trong trường hợp này cần phải đánh nhanh, thủ thắng gấp, tranh thủ thời gian, thanh toán bọn người này càng sớm càng có lợi, nên chiêu chưởng phát ra, nàng vận dụng toàn công phu nội lực.
Lão nhân khẽ lệch đầu vai qua một bên, rút chân tạt theo, phất ống tay áo lên, nghinh đón chưởng kình của nàng, đồng thời quát:
- Khá lắm đó! Song chẳng lợi ích gì.
Cả hai cùng xử dụng công phu âm nhu, nên kình đạo song phương chạm nhau không gây ra tiếng động, cả hai chừng như cùng bị chấn động nên cùng lùi lại một bước.
Lão nhân kinh hãi song sự kinh hãi của lão ít hơn Lý Linh, vì nàng nghĩ, công lực của một người còn mạnh như thế đó, nếu cả bốn người cùng liên thủ thì làm sao nàng chống trả nổi?
Nhưng nàng có sợ hãi cũng chẳng ích gì, điều tối cần là làm sao thoát khỏi vòng vây.
Không chậm trễ một giây, nàng vung tay hữu phóng ra một đạo chỉ phong chiếu thẳng vào ngực lão nhân đứng bên hữu.
Lão nhân đó hừ một tiếng, vươn cánh tay hữu lên, bàn tay gò năm ngón, ngón lại cong lại như năm móc câu chụp vào cổ tay nàng, đồng thời lão lao mình về phía tả tránh chỉ phong của nàng.
Lý Linh kinh hãi, cấp tốc thu tay về, rồi lùi nhanh mấy bước.
Một lão nhân khác lướt tới, đưa tay điểm vào mình nàng.
Lý Linh vừa né tránh thế công đó, thì lão nhân thứ tư tiến lên, đánh vào hậu tâm nàng.
Bốn lão nhân theo đạo pháp liên hoàn xuất chiêu tới tấp, Lý Linh cố gắng lắm mới chịu được nổi mười chiêu, mồ hôi đầm ra ướt mình.
Một lúc sau, nàng nghe công lực kém giảm rất nhiều, thủ pháp không còn linh hoạt như trước.
Trong trường hợp đó dĩ nhiên nàng phải để lộ sơ hở.
Nàng cầm cự thêm mấy phút nữa, bỗng nàng nghe nhói ở huyệt Kiên Tĩnh nơi đầu vai, đồng thời ống tay áo của một lão nhân quét ngang qua huyệt Xúc Tinh của nàng.
Tuy nàng đánh trúng một lão nhân, nhưng chưởng đó chẳng tạo cho nàng một thắng lợi nhỏ, đối phương chẳng việc gì còn nàng thì tối tăm mày mặt, hôn mê liền.
Từ khóa » Chẳng đặng đừng Là Gì
-
Chẳng đặng đừng - Wiktionary Tiếng Việt
-
Chẳng đặng đừng Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Mình đọc Sách Thấy Từ "chẳng đặng đừng" Không Hiểu Nghĩa Là Gì ...
-
Tra Từ: Bất đắc Dĩ - Từ điển Hán Nôm
-
Chẳng đặng Là Gì
-
Chẳng đặng đừng - Báo Đại Biểu Nhân Dân
-
Chẳng đặng đừng Là Gì - Top Công Ty, địa điểm, Shop, Dịch Vụ Tại ...
-
Canh Bạc Chẳng đặng đừng! - Tuổi Trẻ Online
-
Nghĩa Của Từ Đặng - Từ điển Việt
-
Chuyện Chẳng Đặng Đừng | Thiên Hạ Sự 2018
-
TKTT-CHUYỆN CHẲNG ĐẶNG ĐỪNG - Con Ong Viet
-
Chuyến Đi Chẳng Đặng Đừng Của Nguyễn Minh Triết - Việt Tân