Hội Chứng Down

Nguyên nhân gây hội chứng Down

Bình thường ở người bộ có 46 NST, tồn tại thành từng cặp trong nhân tế bào trong đó 23 NST được thừa hưởng từ bố, 23 NST được thừa hưởng từ mẹ và trong bộ NST chỉ có 2 NST 21. Còn người bị hội chứng Down lại có 47 NST, thừa một NST 21. Việc có thêm 1 NST số 21 đã phá vỡ sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên vì NST 21 rất nhỏ, do đó sự mất cân bằng gen do thừa NST này ít nghiêm trọng hơn các NST khác, nên người bệnh vẫn có thể sống được.

Bộ NST của người nữ mắc hội chứng Down

Trong số người mắc hội chứng Down có khoảng 95% là hội chứng Down thuần với tất cả các tế bào cơ thể có 47 NST, thừa 1 NST 21. Khoảng 3-4% là hội chứng Down do chuyển đoạn giữa NST 21 với 1 trong các NST tâm đầu khác trong bộ NST như NST số 13, 14, 15, 21, 22 và số lượng NST trong bộ NST vẫn là 46. Khoảng 1-2% trường hợp là thể khảm với 2 dòng tế bào, một dòng tế bào bình thường có 46 NST, một dòng tế bào 47NST có thừa 1 NST 21.

Nguyên nhân chính xác gây hội chứng Down vẫn chưa được xác định rõ. Thống kê cho thấy tuổi mẹ cao làm tăng nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down. Ở tuổi 30 nguy cơ sinh con Down khoảng 1:1000, nguy cơ này tăng lên 1:400 ở phụ nữ 35 tuổi và 1:60 ở phụ nữ 42 tuổi.

Hội chứng Down có di truyền không?

Khoảng 96-97% thai hội chứng Down do sự bất thường ngẫu nhiên trong quá trình thụ tinh từ các tế bào giao tử trứng hoăc tinh trùng thừa NST 21 và không di truyền.

Chỉ có khoảng 5% các trường hợp hội chứng Down do bố hoặc mẹ bị đột biến chuyển đoạn NST 21 với một trong các NST số 13, 14, 15, 21, 22 và bệnh có tính chất di truyền; trường hợp này cần làm xét nghiệm NST của bố mẹ để tư vấn di truyền cho các lần sinh con tiếp theo.

Biểu hiện của hội chứng Down

Hội chứng Down có các triệu chứng điển hình dễ nhận biết:

- Bộ mặt bất thường: Đầu nhỏ, ngắn, mặt tròn; gốc mũi tẹt; khe mắt xếch; lưỡi to và dày, thường thè ra ngoài làm miệng không đóng kín; tai nhỏ, ở vị trí thấp. Đặc điểm khuôn mặt của những đứa trẻ Down rất đặc trưng, dễ nhận biết và giống nhau giữa các trẻ nên hay còn gọi là bộ mặt Down.

- Bàn tay rộng, các ngón ngắn, có nếp ngang đơn độc ở lòng bàn tay

- Trẻ chậm phát triển tâm thần – vận động: chậm biết lẫy, bò đi hơn các trẻ bình thường. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, khả năng chú ý kém hay cáu gắt, tự kỉ… Chậm phát triển trí tuệ từ nhẹ tới vừa, IQ trung bình là 50.

- Trẻ thường kèm theo các bất thường bẩm sinh khác: dị tật tim, dị tật về thính giác, thị giác, rối loạn tuyến giáp, bất thường về tiêu hóa, động kinh, các vấn đề về hô hấp.

Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh

Đây là biện pháp quan trọng giúp phát hiện sớm các trường hợp thai Down để có phương pháp can thiệp phù hợp. Để phát hiện thai mắc hội chứng Down cần thực hiện tuần tự xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh với các bước sau:

Xét nghiệm giúp đánh giá sàng lọc trước sinh. Ảnh hệ thống xét nghiệm hiện đại tại MEDLATEC.

Bước 1: Xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Xét nghiệm sàng lọc giúp đánh giá nguy cơ thai mắc hội chứng Down từ đó phân ra hai nhóm thai phụ: nguy cơ thấp và nguy cơ cao sinh con mắc hội chứng Down. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh bao gồm:

- Sàng lọc qua huyết thanh mẹ: Double test (thực hiện khi thai 11 - 13 tuần 6 ngày), Triple test (thực hiện khi thai được 15 - 20 tuần 6 ngày).

- Sàng lọc bằng siêu âm thai: các hình ảnh bất thường thai hay gặp trong hội chứng Down: tăng khoảng sáng sau gáy (≥3mm), dị tật tim, thiểu sản/bất sản xương mũi…

- Sàng lọc bằng tuổi mẹ: phụ nữ > 35 tuổi tăng nguy cơ sinh con hội chứng Down.

- Sàng lọc không xâm lấn (NIPT): phát hiện nguy cơ thai mắc hội chứng Down qua xét nghiệm DNA tự do của thai trong máu mẹ. Xét nghiệm được thực hiện khi thai từ 10 tuần tuổi.

Bước 2: Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh: Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh là chọc hút dịch ối hoặc sinh thiết tua rau giúp chẩn đoán xác định hội chứng Down với độ chính xác cao. Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh áp dụng cho các thai phụ với kết quả sàng lọc có nguy cơ cao sinh con mắc hội chứng Down như: xét nghiệm sàng lọc qua huyết thanh mẹ Double test, Triple test nguy cơ cao; siêu âm thai có hình ảnh bất thường (khoảng sáng sau gáy ≥3mm), một số dị tật như dị tật tim, dị tật ống tiêu hóa; phụ nữ trên 35 tuổi hoặc tiền sử gia đình có bất thường di truyền.

Tuy nhiên do xét nghiệm chẩn đoán trước sinh đòi hỏi phải thực hiện một số thủ thuật xâm lấn như chọc hút dịch ối hoặc sinh thiết tua rau nên có thể gặp một tỷ lệ nhỏ (1 - 3%) sảy thai hoặc các tai biến khác.

Chẩn đoán sau sinh

Khoảng 85% số thai hội chứng Down bị chết ngay từ giai đoạn phôi. Những trẻ hội chứng Down sinh ra và sống được phần lớn mắc các dị tật bẩm sinh phối hợp như dị tật tim, dị tật ống tiêu hóa... Sau khi sinh, trẻ mắc hội chứng Down thường dễ nhận biết bằng các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm NST đồ lập Karyotyp từ nuôi cấy và phân tích NST tế bào bạch cầu máu ngoại vi.

Từ khóa » Trong Tế Bào Sinh Dưỡng Của Người Mắc Hội Chứng đao Có Số Lượng Nhiễm Sắc Thể Là