Hội Chứng EDWARDS Và PATAU - Bệnh Viện Từ Dũ
Có thể bạn quan tâm
Hỏi - 21/10/2020
Chào bác sĩ!
Em năm nay 31t em mang thai lần 3 và vừa mất bé, khi thai 20 tuần thì em siêu âm và trọc ối bị hội chứng EDWARDS và PATAU. Nên bs khuyên em ngừng thai vợ chồng em rất buồn vì sau 2 bé đầu em sinh vẫn khỏe mạnh bình thường mà bé thứ 3 lại vậy. Nếu tương lai em muốn sanh thêm thì bé sau của em có bị giống vậy không? Khoản bao lâu thì em có thể có thai lại và có biện pháp nào tầm soát sớm không? Cảm ơn bs ạ
Trả lời
Chào em!
Hội chứng Edward (Trisomy 18) và hội chứng Patau (Trisomy 13) là những hội chứng do bất thường số lượng nhiễm sắc thể (NST), tương tự như hội chứng Down (Trisomy 21).
Bộ nhiễm sắc thể người bình thường có 23 cặp NST. Trisomy 13,18 hoặc 21 xuất hiện khi thai nhi có thừa 1 NST số 13,18 hoặc 21.
Em đã sinh 2 bé đầu bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này không phải do di truyền từ bố mẹ mà có thể là do xảy ra sai sót trong quá phôi thai phân chia. Do đó, em hoàn toàn có khả năng sinh bé sau bình thường.
Sau một biến cố thai kỳ, em cần nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ. Trước khi có kế hoạch mang thai lại, em nên uống bổ sung 0,4-0,6mg acid folic mỗi ngày từ 3-6 tháng. Ngoài ra, em nên có kế hoạch mang thai sớm trước 35 tuổi, vì sau đó nguy cơ bất thường NST càng tăng khi tuổi mẹ lúc mang thai càng lớn.
Hiện nay, Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) là phương pháp tầm soát bất thường số lượng NST 13,18,21 và NST giới tính sớm nhất, thực hiện từ 10 tuần tuổi thai. Phương pháp tầm soát bằng Double test và siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) được thực hiện từ 11 tuần. Nếu xét nghiệm tầm soát ban đầu cho ra nguy cơ cao thai nhi bị bất thường NST, sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối vẫn và can thiệp cần thiết để khẳng định chẩn đoán.
Chúc bạn vui khoẻ.
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Các bài viết khác29tháng 12Nystatin có dùng được trong thai kì không?Chào bạn Mai Nhung,
Đối với thuốc rơ lưỡi có thành phần nystatin là thuốc nhóm C trong phân loại FDA thuốc dành cho phụ nữ có thai - tương đương với việc cho đến nay chưa có đủ nghiên cứu để kết luận được ảnh hưởng của thuốc đối với thai kỳ. Tuy nhiên, vì bạn đang sử dụng thuốc rơ lưỡi (có tác dụng tại chỗ) và bản thân hoạt chất nystatin cũng không được hấp thụ nhiều qua đường uống, do đó bạn có thể sử dụng với trường hợp nhiễm nấm candida ở lưỡi. Lưu ý rằng bạn nên tiếp tục dùng thuốc cho đến 48h sau khi không còn triệu chứng nhiễm nấm và thời gian sử dụng tối đa là 14 ngày. Tuy nhiên nếu sử dụng 7 ngày và vẫn còn triệu chứng thì khuyên rằng bạn nên đi khám bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp. Trong khoảng thời gian này bạn nên kết hợp với việc xúc miệng bằng nước muối sinh lý (mua ở tiệm thuốc tây) để làm sạch khoang miệng, hỗ trợ điều trị.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
ThS.DS. Nguyễn Hoàng Linh Đan
27tháng 11Dùng thuốcChào bạn,
Vì không có thông tin cụ thể về hàm lượng hoạt chất của các sản phẩm bạn đang sử dụng nên không thể đưa ra câu trả lời chính xác về vấn đề trùng lặp hoạt chất.
Khi sử dụng thuốc chứa canxi và sắt, bạn cần lưu ý bổ sung canxi ngay sau bữa ăn và bổ sung sắt trước bữa ăn để tăng hấp thu. Tuy nhiên một số sản phẩm chứa sắt có các dạng bào chế đặc biệt, có thể dùng sau bữa ăn. Ngoài ra, canxi làm giảm nồng độ hấp thu sắt nên 2 thuốc này cần được sử dụng cách nhau ít nhất 2 giờ.
Việc sử dụng vitamin tổng hợp các sản phẩm bổ sung sắt và canxi phụ thuộc nhiều vào tuổi thai và thể trạng cũng như nhu cầu của mẹ và bé. Bạn nên sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo được cung cấp vitamin/khoáng chất đầy đủ và an toàn.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
DS. Đặng Nguyễn Quỳnh Như
23tháng 10Bệnh lupus ban đỏ cần làm gì trước khi mang thaiChào bạn!
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh lý tự miễn dịch. Phụ nữ có SLE hoàn toàn có khả năng tự mang thai và sinh con khoẻ mạnh. Nhờ những tiến bộ y học ngày nay, bệnh nhân Lupus ban đỏ đã được kiểm soát tốt hơn. Hầu hết các thuốc dùng cho bệnh lý này được sử dụng an toàn trong thai kỳ.
Trước khi mang thai, bạn sẽ được đánh giá mức độ ổn định của bệnh. Bạn được khuyên nên có thai khi không có tiến triển nặng trên lâm sàng và cận lâm sàng trong vòng 6 tháng liên tiếp.
Khi mang thai, bạn sẽ được khám, sàng lọc và làm các xét nghiệm giống một thai kỳ bình thường. Ngoài ra, tuỳ theo diễn tiến của bệnh trong lúc mang thai, bạn có thể phải làm thêm các xét nghiệm tương ứng để chẩn đoán và điều trị.
Tuy nhiên bạn không cần phải nhập viện trong suốt thai kỳ. Bạn sẽ được theo dõi ngoại viện, như một thai kỳ nguy cơ cao. Chỉ nhập viện khi diễn tiến bệnh nặng lên hoặc có các biến chứng nguy hiểm.
Về vấn đề mang thai hộ, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Bạn nên đến trực tiếp bệnh viện để nhận sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhé.
Chúc bạn khoẻ mạnh và vui vẻ!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
23tháng 10Thai 14 tuần nhau bám mépChào em!
Kết quả siêu âm ngày 19/10/2020 cho thấy hiện tại (21/10/2020) thai của em khoảng 14-15 tuần có bánh nhau bám thấp đến lỗ trong cổ tử cung. Ra máu âm đạo trong trường hợp này nhiều khả năng là do chảy máu từ các mạch máu liên kết giữa bánh nhau và tử cung. Tình trạng chảy máu này có thể tự cầm nếu các mạch máu tổn thương ít, tử cung không co thắt và em không có bệnh lý về rối loạn đông máu. Đồng thời khi thai và tử cung lớn lên theo thời gian, bờ dưới bánh nhau cũng sẽ được kéo lên cao về phía thân tử cung, tình trạng ra huyết sẽ thuyên giảm.
Hiện tại nếu em ra huyết âm đạo rỉ rả, lượng ít và có xu hướng giảm dần, em có thể theo dõi và nghỉ ngơi tại nhà. Hạn chế vận động mạnh. Tái khám 1 tuần sau theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nếu tình trạng ra huyết của em tăng dần lên, ra huyết đỏ tươi lượng nhiều >1-2BVS mỗi giờ, em phải nhập viện ngay để bác sĩ theo dõi sát hơn hoặc có những biện pháp can thiệp khác nhằm đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và thai.
Tái khám ngay nếu tình trạng ra huyết âm đạo nặng hơn hoặc nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, gò tử cung em nhé.
Thân mến!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
22tháng 10Khám thaiChào em!
Đo độ mờ da gáy được thực hiện bằng Siêu âm. Phí Siêu âm đơn thai hiện tại ở bệnh viện Từ Dũ là 120.000vnđ (phí dịch vụ theo yêu cầu)
Double test xét nghiệm một số chất trong máu mẹ, kết hợp với độ mờ da gáy và tuổi mẹ để chỉ ra nguy cơ thai nhi có hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau là cao hay thấp. Phí xét nghiệm Double test hiện tại ở bệnh viện Từ Dũ là 450.000vnđ (phí dịch vụ theo yêu cầu)
Em có thể tham khảo bảng giá các dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện Từ Dũ tại đây:
http://tudu.com.vn/vn/huong-dan-dich-vu/bang-gia/bang-gia-dich-vu-kham-benh-chua-benh-13067/
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
22tháng 10Khám trước mang thaiChào em!
Việc khám tiền hôn nhân hay khám trước mang thai luôn được khuyến khích thực hiện bất kể bạn đã từng có thai hay chưa. Mục đích khám để đánh giá khả năng sinh sản, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sàng lọc các bệnh lý về di truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai (nếu cần) cho các cặp đôi. Phát hiện sớm nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn. Tư vấn thời điểm sinh con tốt nhất và các biện pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh cho các cặp vợ chồng. Tư vấn chích ngừa và bổ sung các chất cần thiết trước mang thai.
Trong trường hợp của em, em cần đến bệnh viện để điều trị tình trạng thai lưu trước. Sau khi hồi phục hoàn toàn em có thể đến Khoa Chăm sóc trước sinh của bệnh viện Từ Dũ khám và xét nghiệm trước mang thai bất kỳ lúc nào sau khi có kinh lại, tốt nhất là khi vừa sạch kinh nhé. Thời gian làm việc là từ 7h-16h30 các ngày trong tuần. Em cũng có thể khám ngoài giờ vào thứ 7 và chủ nhật. Chi phí khám và xét nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ tham khảo tại đây:
http://tudu.com.vn/vn/huong-dan-dich-vu/bang-gia/bang-gia-dich-vu-kham-benh-chua-benh-13067/
Chúc em vui vẻ và khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
22tháng 10Chỉ số thai nhiChào em!
Siêu âm là một phương tiện dùng để theo dõi các vấn đề của thai, như hình thái thai, sự trăng trưởng, tưới máu thai… Phương pháp này sử dụng máy siêu âm và được thực hiện bởi bác sĩ siêu âm. Mỗi máy siêu âm, mỗi bác sĩ, qua mỗi lần siêu âm khác nhau, sẽ có sự chênh lệch nhỏ trong số đo. Nếu sai số này <10% là trong phạm vi chấp nhận được.
Em siêu âm 2 lần chỉ cách nhau 1 tuần, do đó sự chênh lệch các chỉ số như vậy nằm ở mức chấp nhận được. Em bé của em không có bất thường về số đo BPD và vòng đầu. Điều quan trọng là cân nặng ước tính và vòng bụng của em bé có nằm trong giới hạn bình thường so với tuổi thai hay không, tình trạng bánh nhau, lượng nước ối, tim thai có tốt không. Vào tuần cuối thai kỳ này em cần tái khám gần hơn, mỗi 3-4 ngày, để có thể theo dõi sức khoẻ thai nhi một cách tốt nhất và có sự chuẩn bị cho cuộc sinh sắp tới.
Chúc em vui khoẻ!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
20tháng 10Bầu bị sâu răng nhổ được khôngChào em!
Thủ thuật lấy tuỷ răng và nhổ răng không ảnh hưởng đến thai kỳ nếu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Nhưng nếu em không điều trị, bệnh dễ tiến triển đến viêm-áp xe nha chu. Đây là một bệnh lý gây ảnh hưởng xấu đến kết cục thai kì nếu không được điều trị. Do vậy, em nên đến cơ sở khám chữa bệnh răng hàm mặt uy tín để được điều trị sớm. Ngoài ra, em nên đến bệnh viện khám thai định kỳ để đánh giá sự phát triển của thai trong 3 tháng cuối nhé.
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh HươngP. Công tác xã hội
20tháng 10Niêm mạc tử cung dày 11mm có khả năng mang thai koChào em!
Sau sinh con, hoạt động nội tiết-kinh nguyệt cần có thời gian để khôi phục lại dần dần. Một số chu kỳ kinh đầu tiên có thể không đều đặn hàng tháng như bình thường. Dựa vào thông tin em cung cấp, có khả năng em đang bị rối loạn kinh nguyệt sinh lý sau sinh.
Độ dày của NMTC thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Đầu chu kỳ thường mỏng hơn và dày dần lên cho đến thời điểm trước khi có kinh. Nhưng điều đó không có nghĩa NMTC dày là sắp ra kinh. Một số yếu tố như tăng sinh NMTC, polyp lòng tử cung, nhân xơ tử cung dưới niêm mạc có thể làm ảnh hưởng đến việc đo chính xác bề dày NMTC.
Ngừa thai bằng phương pháp xuất tinh ngoài có một tỉ lệ có thai ngoài ý muốn rất cao. Em nên đến phòng khám bệnh viện Từ Dũ để được tư vấn về phương pháp ngừa thai hiệu quả và phù hợp nhất cho mình nhé.
Chúc em vui vẻ và khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh HươngP. Công tác xã hội
20tháng 10Bánh nhau bám thấp - Dãn nhẹ não thất tráiChào em!
Hiện tại thai của em được 32 tuần. Từ đây cho đến lúc sinh, bờ dưới bánh nhau sẽ được kéo dần lên cao theo sự lớn dần của thai và tử cung. Cho nên vào thời điểm chuyển dạ em hoàn toàn có khả năng sinh ngã âm đạo nếu diễn tiến tiếp theo của thai kì không có các chống chỉ định khác.
Em cần được bác sĩ theo dõi thêm ở những lần tái khám sau. Nếu chỉ có 1 hình ảnh não thất dãn nhẹ mà không kèm theo bất thường nào khác, và ở những lần khám sau kích thước não thất giữ nguyên hoặc giảm đi thì em bé của em nhiều khả năng là bình thường. Hãy đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhé.
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh HươngP. Công tác xã hội
20tháng 10Sức Khoẻ Mang ThaiChào em!
Đầu tiên chúc mừng em đã có thai. Với phụ nữ với bệnh lý lạc nội mạc tử cung, có thai tự nhiên là một điều hạnh phúc. Khi có thai, việc xuất hiện nang hoàng thể thai kỳ là bình thường và nang này hiếm khi vỡ gây biến chứng nặng. Riêng nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, tỉ lệ vỡ u trong thai kỳ cũng rất thấp. Em cần biết các triệu chứng có thể gặp khi vỡ u là gì để kịp thời đến bệnh viện. Triệu chứng thường là đau bụng âm ỉ hoặc đau nhói, có thể kèm theo cơn gò tử cung và giảm cử động thai. Hãy đến ngay bệnh viện gần nhất khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường. Em cũng nên đến bệnh viện định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nữa nhé.
Chúc em có một thai kỳ thuận lợi!
ThS. BS. Lê Võ Minh HươngP. Công tác xã hội
20tháng 10Mang thai khi còn vòng tránh thaiChào em!
Dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) tồn tại khi mang thai là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai cũng như các kết cục thai kỳ bất lợi khác. Nguy cơ kết hợp của các kết cục bất lợi như: sẩy thai, thai chết lưu, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và vỡ ối non là 36,8% ở nhóm tháo vòng và 63,3% ở nhóm giữ lại vòng tránh thai. Do đó, bất kể vòng tránh thai có được tháo ra hay không, thai kì của em nằm trong nhóm nguy cơ cao cần được theo dõi tại cơ sở chuyên khoa sản. Chỉ định lấy vòng hay không tuỳ thuộc vào mong muốn giữ thai của em và vị trí vòng. Với vòng tụt thấp dưới cổ tử cung thì khả năng lấy vòng được là rất cao. Em hãy đến bệnh viện tái khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để tiếp tục thực hiện những biện pháp điều trị tiếp theo nhé.
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh HươngP. Công tác xã hội
13tháng 10Chụp x quang khi mang thaiChào bạn!
Tiếp xúc với tia X dưới ngưỡng an toàn (5 rads) đã được chứng minh không ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.
Liều bức xạ X tiếp xúc với thai khi chụp X-quang tuỳ thuộc vào vùng chụp và số lần chụp. Liều bức xạ lên thai tính cho một lần chụp tương ứng với các vùng như sau:
Cột sống cổ <0.001 rad.
Ngực <0.01 rad.
Cột sống lưng: 0.35-0.62 rad.
Tổng <0.6 rad. Do đó hầu như không ảnh hưởng đến thai nếu bạn đã chụp 3 lần ở 3 vị trí trên.
MRI không sử dụng tia X nên an toàn cho thai kỳ.
Ngoài ra, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và theo dõi sự phát triển của thai.
Chúc bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
13tháng 10Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có mang thai được không?Chào bạn!
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh lý tự miễn dịch. Phụ nữ có SLE khi mang thai phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt bệnh cấp tính, tiền sản giật và các biến chứng khác có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Do đó cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời bệnh lý này cũng làm tăng nguy cơ thai lưu, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hội chứng lupus sơ sinh. Mức độ hoạt động của bệnh ở thời điểm thụ thai có liên quan đáng kể đến kết cục thai kỳ bất lợi. Bạn cần lên kế hoạch với bác sĩ nội khoa và sản khoa để ổn định tình trạng bệnh trước khi mang thai nhằm giảm bớt nguy cơ. Mặc dù phần lớn các liệu trình điều trị SLE là chống chỉ định khi mang thai, tuy nhiên vẫn có một số thuốc an toàn trong thai kỳ, bạn cần tiếp tục sử dụng để ổn định tình trạng bệnh. Bất kể thời điểm mang thai tình trạng bệnh có ổn định hay không, thai kỳ của bạn nằm trong nhóm “thai kỳ nguy cơ cao” cần có sự theo dõi sát và phối hợp đa chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị suốt thai kỳ.
Chúc bạn khoẻ mạnh và vui vẻ!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
13tháng 10Mang thai khi còn vòng tránh thaiChào Khánh Ly!
Chảy máu từ lòng tử cung khi mang thai giai đoạn sớm thường do các mạch máu liên kết giữa cơ tử cung và bánh nhau bị vỡ, gây chảy máu vào khoang màng đệm ở giữa. Tuỳ mức độ và vị trí bóc tách, có thể gây xuất huyết ít hay nhiều. Dụng cụ tử cung (DCTC) tồn tại khi mang thai là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai cũng như các kết cục thai kỳ bất lợi khác. Nguy cơ kết hợp của các kết cục bất lợi như: sẩy thai, thai chết lưu, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và vỡ ối non là 36,8% ở nhóm tháo DCTC và 63,3% ở nhóm giữ lại DCTC. Trẻ sơ sinh của những thai phụ còn tồn tại vòng tránh thai có điểm số Apgar sau sinh thấp hơn và tỷ lệ nhập đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) cao hơn so với nhóm đã tháo vòng.
Bất kể vòng tránh thai có tháo được hay không, thai kỳ của bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao, do đó, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa sản phụ khoa uy tín để khám và theo dõi toàn bộ thai kỳ.
Chúc bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
13tháng 10Thai 5-6 tuần nhưng chưa có phôi thaiChào em!
Siêu âm là 1 trong những phương tiện dùng để chẩn đoán vị trí và tính sinh tồn của thai. Hình ảnh siêu âm gián tiếp cho thấy các hình ảnh của túi thai. Một số trường hợp khi túi thai <20mm, phôi thai còn quá nhỏ để thấy được qua hình ảnh siêu âm. Điều này khá thường gặp và không liên quan đến nguy cơ sảy thai sau này. Tuy nhiên cũng có trường hợp thai không phát triển để có phôi thai sống hay còn gọi là thai ngưng phát triển. Do đó, để xác nhận em thuộc trường hợp nào, bác sĩ cần khám lại sau 1 tuần nhằm đánh giá sự phát triển của túi thai.
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
13tháng 10Sức khỏeChào em!
Akudinir là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, phân nhóm B theo FDA. Đã có nhiều nghiên cứu thực hiện trên động vật cho thấy thuốc không có tác động xấu cho bào thai, nhưng chưa có bằng chứng chắc chắn trên người.
Cedipect có chứa thành phần Codeine không có bằng chứng bất lợi trên thai kỳ.
Glyceryl guaiacolat thuộc phân nhóm C theo FDA. Chưa có nhiều nghiên cứu thực hiện trên người. Một số bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa sử dụng Glyceryl guaiacolat trong tam cá nguyệt 1 với thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh, nhưng không có nguy cơ dị tật bẩm sinh khi dùng thuốc trong tam cá nguyệt 3.
Việc dùng thuốc điều trị các bệnh lý nội khoa trong thai kỳ luôn phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Trong tình huống lợi ích của điều trị vượt qua nguy cơ thì việc dùng thuốc là cần thiết. Em nên đến bệnh viện để bác sĩ trực tiếp tư vấn và theo dõi sức khoẻ mẹ và thai.
Chúc em có một thai kỳ khoẻ mạnh!
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
09tháng 06Uống nước lạnh rất nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳEm Gái Năm thân mến.
Một người bình thường hoăc khi có thai nếu vào mùa hè nhiệt độ tăng uống tối đa 3 lít nước vì trung bình mỗi ngày một người uống 2 lít nước một ngày. Những thai kỳ sau đây có nhiều nguy cơ bệnh: tăng cân nhanh vượt mức khuyến nghị, uống nhiều, tiểu nhiều.... Em nên đến cơ sở y tế gần nhất để tầm soát huyết áp, thử test dung nạp đường nhằm tầm soát đái tháo đường thai kỳ,ngoài ra thử sinh hóa máu và thử nước tiểu tầm soát khả năng lọc cầu thận. Em nên đi khám thai sớm ở các cơ sở có uy tín để tìm bệnh sớm.
Chúc em khỏe.
20tháng 02Sẩy thai tự nhiênEm Ngọc Hân thân mến!
Như vậy, thai em đã sẩy tự nhiên sau khi thì huyết âm đạo có thể kéo dài từ 5-7 ngày, có thể kéo dài ngày hơn chu kì kinh. Sau khi sạch hết huyết âm đạo thì sẽ đến Bv Từ Dũ tầm soát ung thư cổ tử cung, tái khám phụ khoa định kì. Về ăn uống, em ăn đủ 4 nhóm thực phẩm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất và uống đủ nước. Về nhóm đạm mình có thể bổ sung thêm các loại như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu hạt như đậu xanh, đỏ, hạt dẻ, óc chó,v.v... Ăn nhiều rau có màu xanh đậm như rau bó xôi, cải xanh, đậu bắp,... các loại trái cây như bưởi, ổi, kiwi,... chứa nhiều vitamin C. Tuy nhiên, nếu muốn có chế độ dinh dưỡng chính xác cho từng cá thể thì cần phải đến Bv khám tổng quát và đến phòng khám tư vấn dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp. Bổ sung thêm Vitamin theo chỉ định của Bác sĩ.
Chúc em khỏe mạnh và vui vẻ!
11tháng 02mang thaiChào em,
Lidocain là thuốc gây tê tại chỗ thường được sử dụng trong các phẫu thuật. Hiện tại, chưa có bằng chứng nguy cơ của việc sử dụng Lidocaine trên phụ nữ mang thai.
Bộ Y Tế khuyến cáo nên tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai nhằm phòng ngừa uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho trẻ. Do đó, việc tiêm phòng uốn ván là cần thiết và không ảnh hưởng lên thai nhi.
Ngoài ra, em nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh,
Ds. Lê Bảo Trang.
Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ
Từ khóa » Hội Chứng Patau Và Edward Là Gì
-
Ảnh Hưởng Của Hội Chứng Patau Lên Thai Nhi | Vinmec
-
Hội Chứng Edwards | Vinmec
-
HỘI CHỨNG EDWARDS LÀ GÌ ? - GENLAB
-
Hội Chứng Patau Là Gì? Cần Làm Gì Khi Thai Nhi Bị Hội ... - Hello Bacsi
-
Xét Nghiệm Double Test đánh Giá Nguy Cơ Mắc Bệnh Down, Edward ...
-
Hội Chứng Patau- Trisomy 13 - Bệnh Lý Về Di Truyền
-
Hội Chứng Edward - Trisomy 18 - Bệnh Lý Về Di Truyền
-
Hội Chứng Patau Là Gì? 6 điều Cha Mẹ Cần Biết Cho Thai Nhi - Genetica
-
HỘI CHỨNG EDWARDS LÀ GÌ ? - Xét Nghiệm Sàng Lọc NIPT
-
Hội Chứng Edwards Là Gì? - Viện Công Nghệ DNA
-
[9+] Điều Cần Biết Về Bệnh Patau Mẹ Bầu Cần Biết!
-
Hội Chứng Patau Là Gì? - GENTIS
-
Những điều Cần Biết Về Hội Chứng Edwards
-
Từ A đến Z Các Xét Nghiệm Dị Tật Thai Nhi Trong Suốt Thai Kỳ