Hội Chứng QT Kéo Dài Là Bệnh Gì? Triệu Chứng Và điều Trị • Hello Bacsi

Hội chứng QT kéo dài có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải sau một số bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc hay mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Hội chứng này có thể dẫn tới xoắn đỉnh, gây ra ngất đột ngột và co giật, tăng nguy cơ đột tử do tim.

Vì những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra mà những người mắc hội chứng kéo dài khoảng QT cần được điều trị và theo dõi cẩn thận. Nếu đang mang hội chứng này, bạn nên biết những thông tin cơ bản về nó trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Hội chứng QT kéo dài là bệnh gì?

Hội chứng QT kéo dài (LQTS) là một bệnh lý về dẫn truyền tim, xảy ra khi hệ thống dẫn truyền trở nên bất thường. Trong đó, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập. Điều này làm xáo trộn xung điện ở tim và thường có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG) qua khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T.

Hội chứng này có khả năng gây ra nhịp tim nhanh, loạn nhịp. Những nhịp tim nhanh này có thể khiến bạn đột ngột ngất xỉu. Một số người bị chứng co giật. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, LQTS có thể gây đột tử. Những người trẻ có nguy cơ đột tử do tim cao hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài là gì?

hội chứng QT kéo dài là gì?

Nhiều người mắc hội chứng QT kéo dài không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.

Một số trường hợp khác, dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài thường liên quan đến chứng rối loạn nhịp tim và bao gồm:

  • Ngất xỉu không rõ nguyên nhân xảy ra bởi tim không bơm đủ máu đến não. Thường xảy ra trong khi quá vui mừng, tức giận hoặc sợ hãi hoặc khi tập thể dục.
  • Cũng có thể xảy ra do bị giật mình, bởi tiếng điện thoại hoặc chuông báo thức.
  • Choáng váng, tim đập nhanh, suy nhược hoặc mờ mắt.
  • Tim ngừng đập đột ngột không rõ nguyên nhân và có thể khiến bệnh nhân tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Co giật.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài có thể xảy ra trong khi ngủ.

Hầu hết những người có các triệu chứng của hội chứng QT kéo dài xuất hiện đầu tiên ở tuổi 40. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài bẩm sinh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên đến vài tháng sau khi sinh, hoặc sau đó. Một số người mắc hội chứng QT kéo dài bẩm sinh không xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám.

Nhìn chung, sau một đoạn QT dài, tim tự thiết lập lại nhịp đập bình thường của nó. Nếu tim không tự thiết lập lại, hoặc không có máy khử rung tim hỗ trợ kịp thời, người bệnh sẽ đột tử.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn đột nhiên ngất xỉu trong khi hoạt động thể chất hoặc cảm xúc hưng phấn hoặc sau khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào. Nếu bạn có người thân trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái mắc hội chứng QT kéo dài, bạn phải thăm khám với bác sĩ sớm vì tình trạng này có thể di truyền.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng QT kéo dài là gì?

Hội chứng QT kéo dài là một rối loạn dẫn truyền do bất thường trong hệ thống nạp điện của tim. Cấu trúc của tim là bình thường, không bị ảnh hưởng.

Trong hội chứng QT kéo dài, hệ thống điện trong tim của bạn mất nhiều thời gian hơn bình thường để sạc lại giữa các nhịp đập. Sự chậm trễ này thường có thể thấy trên điện tâm đồ (ECG), được gọi là khoảng QT kéo dài.

Hội chứng QT kéo dài thường được chia làm 2 nhóm chính, tùy thuộc vào nguyên nhân. Cụ thể như sau:

Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh

Nguyên nhân của hội chứng QT kéo dài có thể do đột biến di truyền, gây ra bởi đột biến gen điều khiển hệ thống điện tim. Có hơn chục gen và hàng trăm đột biến gen đã được xác định có liên quan tới hội chứng QT kéo dài bẩm sinh.

Có hai dạng hội chứng QT dài bẩm sinh:

  • Hội chứng Romano-Ward (dạng trội nhiễm sắc thể thường). Dạng phổ biến hơn này xảy ra ở những người chỉ thừa hưởng một biến thể gen duy nhất từ ​​cha hoặc mẹ.
  • Hội chứng Jervell và Lange-Nielsen (dạng lặn nhiễm sắc thể thường). Các giai đoạn của dạng LQTS hiếm gặp này thường xảy ra rất sớm trong đời và nghiêm trọng hơn. Trong hội chứng này, trẻ em nhận được các biến thể gen bị thay đổi từ cả cha lẫn mẹ. Những đứa trẻ được sinh ra với hội chứng QT dài và điếc.

Hội chứng QT kéo dài mắc phải

Nguyên nhân gây bệnh là tác dụng phụ của một số loại thuốc, mất cân bằng điện giải (mức độ kali, canxi hoặc magiê trong máu thấp) hoặc các tình trạng bệnh lý khác gây ra. Nó được gọi là hội chứng QT kéo dài mắc phải và có thể đảo ngược được khi nguyên nhân cơ bản được xác định và điều trị.

Hơn 100 loại thuốc có thể gây ra khoảng QT kéo dài ở những người khỏe mạnh. Chúng có thể bao gồm:

  • Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như erythromycin, azithromycin và những loại khác
  • Một số loại thuốc chống nấm dùng để điều trị nhiễm trùng nấm men
  • Thuốc lợi tiểu gây mất cân bằng điện giải
  • Thuốc điều hòa nhịp tim (thuốc chống loạn nhịp) kéo dài khoảng QT
  • Một số loại thuốc chống trầm cảm và chống loạn thần
  • Một số loại thuốc chống buồn nôn

Bạn nên nói với bác sĩ tất cả các thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược mà mình đang dùng.

Các tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến hội chứng QT dài mắc phải bao gồm:

  • Hạ thân nhiệt
  • Hạ canxi máu
  • Hạ magie máu
  • Hạ kali máu
  • Khối u của tuyến thượng thận (không phải ung thư)
  • Đột quỵ hoặc chảy máu não
  • Suy giáp

nguyên nhân gây hội chứng QT kéo dài

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài, bao gồm:

  • Người có tiền sử ngừng tim.
  • Có người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột mắc hội chứng QT kéo dài.
  • Sử dụng thuốc có thể gây QT kéo dài.
  • Những người có nồng độ kali, magie, canxi trong máu thấp.
  • Là phụ nữ và đang dùng thuốc điều trị bệnh tim.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều.
  • Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm lý gây mất cân bằng điện giải.

Biến chứng

Hội chứng QT kéo dài có nguy hiểm không?

Các biến chứng của hội chứng QT kéo dài bao gồm:

  • Xoắn đỉnh. Đây là một dạng rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng. Hai ngăn dưới của tim (tâm thất) đập nhanh và hỗn loạn, làm cho các sóng trên màn hình điện tâm đồ trông như bị xoắn. Tim bơm ít máu hơn. Việc thiếu máu lên não khiến bạn bị ngất xỉu đột ngột và thường xuyên mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu không được điều trị có thể gây co giật toàn thân, dẫn đến rung thất.
  • Rung thất. Tình trạng này khiến tâm thất đập quá nhanh khiến tim run lên và ngừng bơm máu. Trừ khi tim của bạn bị sốc trở lại nhịp bình thường bằng máy khử rung tim, nếu không thì rung thất có thể dẫn đến tổn thương não và đột tử.
  • Đột tử. Hội chứng QT kéo dài là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp đột tử ở những người trẻ tuổi, trẻ em, thanh niên và những người có vẻ ngoài khỏe mạnh. Ngoài ra, ngất do kéo dài khoảng QT có thể gây các tai nạn chết người như chết đuối, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…

Điều trị phù hợp và thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến hội chứng QT kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng QT kéo dài?

chẩn đoán hội chứng QT kéo dài

Để chẩn đoán hội chứng QT kéo dài, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và hỏi về triệu chứng mà bạn gặp phải, cùng với tiền sử bệnh và gia đình của bạn. Bác sĩ cũng nghe tim bằng ống nghe. Nếu nghi ngờ có rối loạn nhịp tim, họ sẽ chỉ định các xét nghiệm bao gồm:

  • Điện tâm đồ (EKG): Là một xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện và ghi lại các hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ thấy được khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T và các dấu hiệu khác của hội chứng QT kéo dài. Tuy nhiên, QT có thể thay đổi theo thời gian. Do đó,
  • Điện tâm đồ gắng sức: Bạn sẽ đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ và được theo dõi điện tâm đồ trong thời gian này. Các bài kiểm tra tập thể dục phản ánh đáp ứng của tim với hoạt động thể chất. Nếu bạn không thể tập thể dục, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc kích thích tim để tim phải hoạt động giống như đang tập thể dục.
  • Xét nghiệm di truyền: Để xác định chẩn đoán và tìm các gen có thể di truyền hội chứng QT kéo dài.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng QT kéo dài?

Điều trị hội chứng QT kéo dài có thể bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa rối loạn nhịp tim và đột tử. Bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp nhất dựa trên triệu chứng và loại hội chứng QT kéo dài của từng bệnh nhân. Đôi khi, bạn phải điều trị ngay cả khi không thường xuyên gặp triệu chứng.

Nếu bạn mắc hội chứng QT kéo dài do thuốc, việc ngừng thuốc sẽ có hiệu quả.

Đối với các loại hội chứng QT kéo dài mắc phải khác, cần thiết nhất là phải điều trị nguyên nhân cơ bản, chẳng hạn như cân bằng điện giải.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một trong số các phương pháp dưới đây:

Thuốc

Thuốc sẽ không chữa khỏi hội chứng QT kéo dài, nhưng có thể bảo vệ bạn khỏi những thay đổi nhịp tim có thể đe dọa tính mạng. Chúng bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta: là liệu pháp tiêu chuẩn cho hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng QT kéo dài. Chúng giúp tim đập chậm hơn, ít xảy ra các đợt QT kéo dài hơn. Thuốc chẹn beta được sử dụng là nadolol và propranolol.
  • Mexiletin: dùng kết hợp với thuốc chẹn beta có thể giúp rút ngắn khoảng QT và giảm nguy cơ ngất xỉu, co giật hoặc đột tử.

Người bệnh luôn nhớ phải uống thuốc theo chỉ dẫn.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Một số người mắc hội chứng QT kéo dài cần phẫu thuật để kiểm soát nhịp tim. Phẫu thuật hoặc các thủ thuật có thể là:

  • Phẫu thuật cắt bỏ thần kinh giao cảm bên trái: thường chỉ được khuyến nghị cho những người mắc hội chứng QT kéo dài và các vấn đề về nhịp tim dai dẳng, những người không thể dùng hoặc không dung nạp thuốc chẹn beta. Phương pháp này không chữa khỏi hội chứng QT kéo dài, nhưng giúp giảm nguy cơ đột tử. Trong thủ thuật này, các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ các dây thần kinh giao cảm kiểm soát nhịp tim, chạy dọc theo bên trái của cột sống ngực. 
  • Cấy máy khử rung tim (ICD). ICD là một thiết bị chạy bằng pin được cấy dưới da gần xương đòn – tương tự như máy tạo nhịp tim. Thiết bị này theo dõi nhịp tim liên tục, nếu phát hiện rối loạn nhịp, nó sẽ chủ động phát ra xung điện để thiết lập lại nhịp tim. Nó có thể ngăn chặn chứng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh là do đột biến gen, không có biện pháp nào để phòng ngừa. Trong trường hợp này, bạn nên điều trị để phòng ngừa biến chứng, đồng thời kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo kiểm soát bệnh tốt. Bạn cũng nên tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và kích hoạt hội chứng này.

Bên cạnh đó, bạn nên:

  • Phải báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh này và bị đột tử.
  • Đảm bảo việc tham gia các môn thể thao là an toàn, bao gồm cả các môn thể thao thi đấu.
  • Giảm âm lượng chuông của các thiết bị như điện thoại, đồng hồ có thể khiến bạn giật mình, đặc biệt là khi đang ngủ.
  • Cố gắng điều hòa cảm xúc, tránh xúc động mạnh bởi điều này có thể gây ra những thay đổi về nhịp tim.
  • Thông báo tình trạng của mình cho những người xung quanh biết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi bạn xuất hiện triệu chứng.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Hội Chứng Qt Kéo Dài Là Gì