Hội Chứng Trầm Cảm Cười: Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị

Ngày cập nhật: 23/08/24 Tác giả: Dược sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú Theo dõi Docosan trên Google News

Trầm cảm cười (smiling depression) là một bệnh lý trầm cảm tuy thể hiện niềm vui, nụ cười bên ngoài nhưng tận sâu bên trong là những suy nghĩ cực đoan, tâm lý tuyệt vọng, chán nản. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về định nghĩa, dấu hiệu trầm cảm cười và cách điều trị chứng bệnh này nhé!

Tóm tắt nội dung

  • 1 Bệnh trầm cảm cười là gì?
  • 2 Bệnh trầm cảm cười có nguy hiểm không?
  • 3 Nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm cười
  • 4 Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của trầm cảm cười
  • 5 Các đối tượng nguy cơ mắc trầm cảm cười
  • 6 Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh trầm cảm cười
  • 7 Các điều trị bệnh trầm cảm cười
    • 7.1 Tâm lý trị liệu
    • 7.2 Sử dụng thuốc
    • 7.3 Thay đổi lối sống
  • 8 Khi nào cần gặp bác sĩ?
    • 8.1 Dấu hiệu bất thường
    • 8.2 Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Bệnh trầm cảm cười là gì?

Trầm cảm cười hiện nay vẫn chưa được đưa vào hệ thống danh pháp quốc tế về các rối loạn tâm thần và chưa có một định nghĩa chính thống, miêu tả một cách chính xác rằng trầm cảm cười là gì. Tuy nhiên, để giúp nhận biết, nâng cao nhận thức về bất thường trầm cảm cười, các chuyên gia trong ngành tâm thần học đã miêu tả trầm cảm cười là tình trạng người bệnh trầm cảm vẫn thể hiện ra bên ngoài sự vui vẻ, hạnh phúc, sinh hoạt, làm việc như không có gì bất thường. 

So với một người bệnh trầm cảm điển hình có khí sắc u buồn và có khả năng lan rộng sự tiêu cực, trầm buồn của bản thân ra xung quanh thì người bệnh trầm cảm cười luôn thể hiện ra bên ngoài rằng bản thân mình vẫn ổn, có thể hoàn thành tốt thậm chí là xuất sắc các công việc hàng ngày. Điều này khiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,… không nhận ra tình trạng bệnh cho tới khi có biến cố xảy ra. 

Người bệnh trầm cảm cười che giấu cảm xúc tuyệt vọng vào bên trong
Người bệnh trầm cảm cười che giấu cảm xúc tuyệt vọng vào bên trong

Bệnh trầm cảm cười có nguy hiểm không?

Nếu người bệnh mắc phải trầm cảm cười nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây nguy hiểm và làm gia tăng nguy cơ các biến chứng như sau:

  • Ảnh hưởng đến cân nặng do chế độ dinh dưỡng mất cân đối đến từ việc cảm giác chán ăn, sụt cân hoặc mất kiểm soát trong việc ăn uống. Một số trường hợp người bệnh trầm cảm tìm đến đồ ăn, thức uống để giảm stress, căng thẳng,… có thể dẫn đến thừa cân béo phì. 
  • Việc sức khỏe tinh thần bị suy giảm khiến cơ thể người bệnh không đạt được trạng thái thể lực cũng như tâm lý khỏe mạnh 100%, dễ mắc các triệu chứng về thể chất như mất ngủ, đau đầu, hồi hộp, lo lắng,…
  • Việc giấu nhẹ cảm xúc của bản thân vào bên trong, chỉ bộc phát khi ở một mình có thể thúc đẩy người bệnh tìm đến các chất kích thích bia, rượu, chất hướng thần như thuốc lắc, ma túy,…
  • Bản chất người bệnh vẫn đang mắc phải bệnh lý trầm cảm, do đó vẫn có xu hướng tự làm hại, làm đau bản thân như rạch cổ tay, tự sát,…

Nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm cười

Bệnh trầm cảm cười có thể do một số nguyên nhân như:

  • Người có tiền sử cá nhân hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm
  • Những người đang trải qua những thay đổi tiêu cực lớn trong cuộc sống, chấn thương hoặc căng thẳng
  • Những người mắc các bệnh lý nghiêm trọng như tiểu đường, ung thư, bệnh tim, đau mãn tính hoặc bệnh Parkinson
Việc cố gắng thể hiện niềm vui ra bên ngoài ở người bệnh trầm cảm cười xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Việc cố gắng thể hiện niềm vui ra bên ngoài ở người bệnh trầm cảm cười xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của trầm cảm cười

Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng giúp nhận biết tình trạng trầm cảm cười:

  • Tâm lý buồn bã kéo dài, đặc biệt khi ở một mình.
  • Tâm trạng lo lắng, bồn chồn, cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng, mất niềm tin vào mọi thứ.
  • Cảm giác tội lỗi, cảm thấy bản thân vô dụng dù đã cố gắng rất nhiều.
  • Mất hứng thú trong việc thực hiện, tham gia các hoạt động sở thích của bản thân.
  • Thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, thao tác chậm chạp, không còn được nhanh nhẹn như trước đây.
  • Mất tập trung thường xuyên, giảm khả năng ghi nhớ, trí nhớ kém dần, mất khả năng đưa ra quyết định.
  • Ăn uống không ngon miệng, các món trước đây yêu thích cũng thấy không còn ngon, khẩu vị thay đổi.
  • Khó rơi vào giấc ngủ hoặc có thể ngủ nhiều, rối loạn giấc ngủ trong đó bao gồm cả mất ngủ.
  • Có những suy nghĩ về việc chấm dứt mạng sống của bản thân.
Có sự khác biệt rõ rệt giữa cảm xúc thể hiện ra bên ngoài và cảm xúc thật bên trong của người bệnh trầm cảm cười.
Có sự khác biệt rõ rệt giữa cảm xúc thể hiện ra bên ngoài và cảm xúc thật bên trong của người bệnh trầm cảm cười.

Các đối tượng nguy cơ mắc trầm cảm cười

Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về các đối tượng có nguy cơ cao mắc trầm cảm cười. Tuy nhiên, các đặc điểm của trầm cảm cười thường thấy nhiều hơn ở một số đối tượng sau:

  • Người trải qua các sự kiện lớn và mất mát người thân quan trọng.
  • Những người có tiền sử rối loạn trầm cảm kéo dài (chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nhưng có các biểu hiện của bệnh).
  • Những người đang có cuộc sống suôn sẻ, công việc đạt được nhiều thành tựu, mối quan hệ tình cảm hạnh phúc nếu bị trầm cảm sẽ có xu hướng biểu hiện thành trầm cảm cười.
  • Người cầu toàn, chỉn chu, lo sợ về việc vẻ ngoài của mình có thể làm người khác lo lắng. 
  • Ở một số đối tượng như phụ nữ, người trong cộng đồng LGBT Q+, tiền sử gia đình có người mắc các bệnh lý mạn tính,… thường có tỷ lệ trầm cảm cao hơn.
Lựa chọn đem niềm vui đến cho người xung quanh và đè nén cảm xúc của bản thân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm cười.
Lựa chọn đem niềm vui đến cho người xung quanh và đè nén cảm xúc của bản thân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm cười.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh trầm cảm cười

Bệnh lý trầm cảm là một bệnh lý tâm thần, do đó để chẩn đoán trầm cảm thường chỉ chủ yếu dựa vào các đặc điểm, triệu chứng người bệnh khai bệnh và các triệu chứng khác cũng như kết quả bài test trầm cảm. Các xét nghiệm được thực hiện chủ yếu để loại trừ các bệnh lý khác như rối loạn tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến thượng thận,…

Do đó, trong một số trường hợp người bệnh có thể được thực hiện đo chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận,… để phục vụ cho công tác chẩn đoán, loại trừ các bệnh lý có thể gây nhầm lẫn. 

Các điều trị bệnh trầm cảm cười

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể điều trị được, các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là dùng thuốc và tư vấn tâm lý. Các khuyến cáo hiện nay cho rằng nên kết hợp giữa việc sử dụng thuốc và tư vấn tâm lý, gỡ các nút thắt trong lòng người bệnh. Tùy vào mức độ nặng của bệnh người bệnh sẽ có các phác đồ điều trị riêng phù hợp cho từng giai đoạn bệnh.  

Tâm lý trị liệu

Liệu pháp tâm lý là một biện pháp điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý tâm thần, chi phí tương đối phù hợp với hầu hết bệnh nhân nhưng hiệu quả đem lại là rất to lớn. Các biện pháp trị liệu có thể giúp người bệnh nhận thức hành vi của bản thân, tăng sự tương tác giữa người bệnh và mọi sự việc, sự kiện xung quanh. 

Người bệnh có thể tìm đến bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý để có thể giúp bản thân gỡ các nút thắt trong lòng, có thể thể hiện niềm vui của bản thân một cách tự nhiên, không bị gồng ép vào khuôn khổ. Tuy nhiên, việc tư vấn tâm lý có thể kéo dài trong một khoảng thời gian dài do tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân là khác nhau, do đó thời gian trị liệu về mặt tâm lý có thể khác nhau. 

Trị liệu tâm lý là biện pháp điều trị hiệu quả giúp người bệnh giải tỏa được cảm xúc bên trong
Trị liệu tâm lý là biện pháp điều trị hiệu quả giúp người bệnh giải tỏa được cảm xúc bên trong

Sử dụng thuốc

Hiện nay thuốc điều trị trầm cảm thường được sử dụng kê toa là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), lý do thuốc thường được sử dụng nhiều hơn các loại khác là vì ít tác dụng phụ. Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm khác cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp khác như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs),…

Các loại thuốc điều trị trầm cảm hầu hết đều là thuốc kê toa, người bệnh chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn, đồng ý của bác sĩ điều trị. Vì các loại thuốc trị trầm cảm có tác động trực tiếp lên hệ thần kinh do đó nếu sử dụng sai cách có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thần kinh, làm nặng hơn tình trạng bệnh.

SSRIs là loại thuốc điều trị trầm cảm thường được dùng nhất hiện nay
SSRIs là loại thuốc điều trị trầm cảm thường được dùng nhất hiện nay

Thay đổi lối sống

Người bệnh trầm cảm cần xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa sẽ giúp người bệnh tránh các vấn đề rối loạn dinh dưỡng. Người bệnh cũng nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. 

Người bệnh nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động thư giãn sau giờ làm, sau giờ học, giúp giải tỏa stress, căng thẳng. Ngoài ra người bệnh cũng cần tạo môi trường sống lành mạnh nơi làm việc, nơi học tập, giữ tinh thần lạc quan tích cực, tránh các mối quan hệ tiêu cực.

Thực hiện các hoạt động ngoài trời giúp người bệnh trầm cảm nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất
Thực hiện các hoạt động ngoài trời giúp người bệnh trầm cảm nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu bất thường

Khi các triệu chứng trầm cảm cười kéo dài, dai dẳng làm cho người bệnh gặp khó khăn trong công việc, học tập, liên tục có cảm giác mất tập trung, vô vọng, bất lực, thiếu ý chí, thiếu nghị lực sống, có những suy nghĩ về việc chấm dứt mạng sống, bản thân không kiểm soát được các hành vi thì người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn can thiệp kịp thời. 

Người bệnh trầm cảm cần được tư vấn tâm lý, gỡ các thắt nút trong lòng
Người bệnh trầm cảm cần được tư vấn tâm lý, gỡ các thắt nút trong lòng

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Khi bản thân hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu bất thường như trên, bạn cần đến thăm khám ngay các bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế có chuyên khoa Tâm thần như Bệnh viện Tâm thần TP. HCM, Bệnh viện Tâm thần Trung ương,… Ngoài ra, bạn có thể đến khám tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh uy tín hỗ trợ điều trị các bệnh lý tâm thần kinh. 

Xem thêm:

  • Trầm cảm sau sinh – Triệu chứng, nguyên nhân và những câu hỏi thường gặp
  • Có nên tự điều trị trầm cảm sau sinh tại nhà?
  • Rối loạn lo âu xã hội và những điều bạn cần biết
  • 8 Vấn đề tâm lý phổ biến nhất hiện nay
  • 3 bài test trầm cảm đánh giá chính xác gần như tuyệt đối

Bài viết đã cung cấp các thông tin về trầm cảm cười là bệnh gì và các đặc điểm của bệnh, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị. Hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân những thông tin bổ ích từ bài viết nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Overview: Smiling depression – WebMD

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/depression/smiling-depression-overview
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

2. Smiling depression: Hiding behind a smile – MedicalNewsToday 

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/smiling-depression
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

3. Depressive disorder (depression) – WHO

  • Link tham khảo: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

Từ khóa » Cười Chừng