HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH ĐỒNG THÁP

LƯỢC SỬ

HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH ĐỒNG THÁP

20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1989 - 2009)

Phần thứ nhất

ĐỒNG THÁP TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

-----

Đồng Tháp hiện nay là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được tạo thành chủ yếu do lượng phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Đồng Tháp có hai con sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Sông Tiền chia cắt Tỉnh thành hai vùng: Vùng phía Đông và Đông - Đông Bắc sông Tiền là một miền đất rộng lớn, một bộ phận quan trọng của Đồng Tháp Mười; vùng phía Nam và Tây - Tây Nam là miền đất tiếp giáp từ hữu ngạn sông Tiền đến tả ngạn sông Hậu. Sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh chủ lưu của sông Cửu Long khi chảy vào Việt Nam, là trục đường thủy chủ yếu và lớn nhất nối liền đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) với các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan… tới nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc).

Diện tích tỉnh Đồng Tháp khoảng 3.238 km2, nằm trong giới hạn 10o11’14” – 10o58’18” vĩ độ Bắc và 105o11’38” - 105o56’42” kinh độ Đông; phía bắc giáp tỉnh Preyveng (Campuchia), phía đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh An Giang và Cần Thơ, phía nam giáp tỉnh Vĩnh long. Từ năm 1990, thị xã Cao Lãnh là trung tâm tỉnh lỵ của Tỉnh.

Đồng Tháp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa nước nổi khoảng giữa tháng 5 đến tháng 11 (đỉnh mùa nước giữa tháng 9 đến giữa tháng 10); mùa khô (còn gọi là mùa nắng nóng) khoảng tháng 12 đến cuối tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm là 27,04oC, độ ẩm trung bình khoảng 82,5%. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.170 – 1.520 mm, tập trung vào mùa mưa chiếm 90 đến 95%. Đồng Tháp chịu 2 hướng gió chính là Tây Nam và Đông Nam (gió chướng), ngoài ra còn có gió Bắc và Đông Bắc.

Địa bàn Đồng Tháp có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển. Bờ tả ngạn sông Tiền có Quốc lộ 30 nối Quốc lộ 1 lên đến biên giới giáp nước bạn Campuchia; bờ hữu ngạn có 51km Quốc lộ 80 nối Quốc lộ 1 từ Mỹ Thuận (Vĩnh Long) qua Sa Đéc đến Bắc Vàm Cống (sông Hậu). Quốc lộ 54 nối Quốc lộ 80 tại Bắc Vàm Cống chạy dọc tả ngạn sông Hậu xuống nối với Quốc lộ 1 tại bến Bắc Cần Thơ (đoạn qua Đồng Tháp dài 35km). Liên tỉnh lộ 23 (ĐT 848) nối Quốc lộ 80 tại thị xã Sa Đéc, từ đó theo bờ hữu ngạn sông Tiền đi về Bắc Cao Lãnh và tiếp tục lên Cái Tàu Thượng, Hội An, Chợ Mới (tỉnh An Giang). Ngoài ra, Đồng Tháp có 14 đường tỉnh, hơn 800 km đường huyện, hơn 1.300km đường nông thôn và 180 km đường đô thị. Bên cạnh đường bộ, giao thông đường thủy ở Đồng Tháp hình thành rất sớm, phát triển nhanh.

Đồng Tháp là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng. Diện tích vùng đất phía Bắc sông Tiền của Tỉnh chiếm một phần lớn vùng Đồng Tháp Mười, đây là căn cứ cách mạng nổi tiếng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược; là bản lề, hành lang nối miền Đông với miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông rạch, nhất là sông Tiền, sông Hậu nên cũng nhiều bất lợi về quân sự.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do địch bình định chiếm đóng nên công tác giao thông liên lạc, vận chuyển của lực lượng cách mạng phải vượt hai sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) và các trục lộ nằm dọc bờ sông (lộ 30, lộ 23 và lộ 54) rất nhiều khó khăn.

Quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng, do tương quan lực lượng giữa ta và địch trong từng thời kỳ mà ta có sự điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh cho phù hợp.

Từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến cuối năm 1947, địa bàn của Tỉnh chủ yếu gồm 3 quận Lai Vung, Châu Thành và Cao Lãnh (Sa Đéc). Từ đầu năm 1948, ta thành lập tỉnh Long Châu Tiền gồm toàn bộ các quận tả ngạn sông Hậu đổ vô Đồng Tháp Mười của hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Từ năm 1951 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 7/1954) ta thành lập tỉnh Long Châu Sa, địa phận gồm tỉnh Long Châu Tiền và tỉnh Sa Đéc. Thời kỳ chống Mỹ, từ năm 1954 đến năm 1956, ta chủ trương hoạt động theo địa giới hành chính của chính quyền Sài Gòn là Sa Đéc, Long Xuyên và Châu Đốc. Năm 1956, Chính quyền Diệm cho thành lập tỉnh Kiến Phong gồm toàn bộ vùng Bắc sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp ngày nay; phía hữu ngạn sông Tiền của Tỉnh, các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thị xã Sa Đéc giao về tỉnh Vĩnh Long. Năm 1974, theo chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, ta tái thành lập tỉnh Long Châu Tiền và tỉnh Sa Đéc. Từ sau ngày Miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, cuối năm 1975, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh Đồng Tháp ngày nay có 9 huyện, một thành phố (Cao Lãnh), 2 thị xã (Sa Đéc, Hồng Ngự), trong đó có 2 huyện (Hông Ngự, Tân Hồng), một thị xã (Hồng Ngự) giáp biên giới Campuchia.

Nguồn gốc dân cư trong Tỉnh gồm đại bộ phận là lưu dân từ miền Trung vào đây khai phá từ cuối thế kỷ XVII, chủ yếu là người Kinh, ngoài ra còn có hơn 3.600 người thuộc 19 dân tộc khác (người Hoa, Khmer, Ngái, Tày, Chăm, Ê đê, Gia rai, Thái, Mường, Nùng...). Dân cư đông đúc nhưng phân bổ không đều, phần lớn sinh sống hai bờ sông Tiền và Bắc sông Hậu, ở ven các con sông, kinh, rạch chạy vào Đồng Tháp Mười và trên các tuyến lộ giao thông. Trước giải phóng, vùng sâu Đồng Tháp Mười mật độ dân số thưa hơn vùng ven sông Tiền và Bắc sông Hậu. Dân số tòan tỉnh hiện nay (2009) có khoảng 1.682.725 người.

Đồng Tháp có nhiều tôn giáo với khỏang 378.408 tín đồ(1), chiếm 23,3% so dân số trong tỉnh (trong đó Phật giáo Hòa hảo 159.795 tín đồ (9,85%), Phật giáo 108.480 tín đồ (6,68%), Cao Đài 56.946 tín đồ (3,51%), Công giáo 46.394 tín đồ (2,86%), Tin Lành 7.012 tín đồ (0,43%) và khoảng hơn 4 ngàn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ (khoảng (0,25%).

Nhân dân Đồng Tháp có truyền thống yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, cần cù lao động, kiên cường trong cải tạo vùng đất mới, chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán…) và chống ngoại xâm. Từ khi có Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân đòan kết, một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ; đã anh dũng đấu tranh chống các kẻ thù, cùng cả nước tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời không bao lâu thì thực dân Pháp lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh đưa quân đội viễn chinh xâm lược nước ta lần thứ hai. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, nhân dân trong Tỉnh nhất tề đứng lên kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, không ít khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, quân và dân ta vừa xây dựng lực lượng vừa chiến đấu chống địch trên khắp các vùng (vùng căn cứ, du kích, vùng tranh chấp và vùng địch chiến đóng). Được sự cưu mang, che chở, đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân, các lực lượng vũ trang Tỉnh từng bước hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ các đơn vị dân quân tham gia cướp chính quyền đến các đơn vị Vệ quốc đòan, Đại đội 27, Chi đội 18, Chi đội Hải ngoại 4, Trung đòan 115, Tiểu đòan 311 và các đơn vị trinh sát, đặc công, biệt động, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích đều trưởng thành nhanh chóng, đánh thắng địch giòn giã. Các đơn vị du kích phối hợp với lực lượng vũ trang Long Xuyên tập kích diệt một trung đội địch ở Cù lao Giêng 14/9/1945, diệt đồn Phong Mỹ (TXCL), đánh bại cuộc càn quét của binh đoàn Nyo (Âu - Phi) thiện chiến của Pháp ở An Phong, Chân Đùng, Cái Hố; đánh chìm 2 tàu Hải đỉnh D27, D28 của Pháp ở Sở Thượng (Hồng Ngự) và Bình Thành (Thanh Bình) diệt hơn hai đại đội (Âu - Phi) thu toàn bộ vũ khí. Lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với các đơn vị vũ trang của trên liên tiếp đánh địch và chiến thắng trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quân dân Đồng Tháp còn có nhiều đóng góp xây dựng và bảo vệ căn cứ Đồng Tháp Mười huyền thoại cho Xứ ủy Nam Bộ, Bộ tư lệnh Nam Bộ và Quân khu 8 trong những năm đầu kháng chiến chống giặc Pháp đầy gian lao thử thách.

Địa bàn của Tỉnh là căn cứ, có vị trí chiến lược tiếp giáp giữa miền Tây lên miền Đông Nam Bộ ra Trung ương và ngược lại. Trong suốt cuộc kháng chiến cứu nước, quân và dân nơi đây còn góp phần bảo vệ an toàn đường hành lang vận chuyển người, lương thực và vũ khí thông suốt giữa miền Đông sang miền Tây Nam Bộ.

Hơn 3.000 ngày (23/9/1945 - 20/7/1954), Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Chánh phủ, Bác Hồ, trực tiếp là Xứ ủy và Trung ương Cục, đã tiến hành cuộc kháng chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ hy sinh nhưng đã giành nhiều thắng lợi góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn ven lãnh thổ của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, miền Bắc - phân nửa nước ta sạch bóng quân xâm lược.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước lâu dài, anh dũng 21 năm (1954-1975), quân dân tỉnh Đồng Tháp thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tiếp tục đứng lên chiến đấu với đường lối chiến tranh nhân dân, phương châm 2 chân, 3 mũi giáp công ở ba vùng chiến lược, đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Khu ủy Khu 8, các lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh dựa hẳn vào nhân dân, “kiên cường bám trụ, giữ đất, giành dân” chủ động liên tục tấn công địch, chống phá bình định, đánh giao thông, hậu cứ, sân bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt tiêu hao nhiều sinh lực địch; phát triển lực lượng mạnh mẽ để kháng chiến, giữ vững căn cứ, cửa khẩu, hành lang và địa bàn chiến lược của Tỉnh, bảo đảm cho sự tồn tại và thắng lợi. Nhiều chiến công lẫy lừng của quân dân trong Tỉnh đã đi vào sử sách, làm nức lòng quân dân cả nước. Trận đánh địch ngày 26 tháng 9 năm 1959 tại giồng Thị Đam, gò Quản Cung diệt tiểu đòan địch, thu tòan bộ vũ khí, đánh bại cuộc hành quân cấp trung đoàn của quân chủ lực ngụy, là một trong những trận thắng lớn mở màn cho đấu tranh chánh trị - vũ trang, để đến cuối năm 1959, đầu năm 1960 tiến hành cuộc Đồng khởi thắng lợi theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Các trận đánh diệt thuyền bay, công đồn địch trong mùa nước nổi, đặc biệt là trận diệt 37 tàu Mỹ - ngụy trên sông Rạch Ruộng (04-12-1967) và hàng trăm trận lớn nhỏ của 3 thứ quân trên địa bàn, nhiều trận phối hợp với các đơn vị bộ đội cấp trên tham gia chiến đấu mang tầm chiến dịch làm cho quân địch “thất điên bát đảo”, bị động đối phó nhiều nơi, nhiều hướng và phải chịu tổn thất nặng nề.

Trải qua chiến đấu gian khổ hy sinh, các lực lượng vũ trang từng bước trưởng thành, từ tháng 2/1956 tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang “danh nghĩa giáo phái” cấp đại đội (402 và 510), rồi thành lập Tiểu đòan 5, Tiểu đòan 2, Tiểu đòan 502 A+B … và hàng chục đại đội địa phương các huyện, thị xã. Do tính chất và vị trí quan trọng của địa bàn, nhiều đơn vị của Quân khu, của Miền liên tục đứng chân như: Sư đoàn 5, Trung đòan 1, Trung đòan 88, Trung đòan 320 và hàng chục tiểu đòan pháo binh, đặc công và hậu cần của Quân khu. Đầu năm 1975, quân dân Đồng Tháp mở nhiều cao điểm hoạt động, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tạo điều kiện nắm thời cơ tiến công, nổi dậy xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng, các lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp cùng cả nước làm phá sản các chiến lược chiến tranh, cuối cùng đánh thắng hai kẻ thù xâm lược lớn của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đất nước ta vừa mới độc lập thống nhất, công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh đang bề bộn, thì kẻ thù lại gây ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam (Đồng Tháp có đường biên giới giáp tỉnh Pray-veng - Campuchia 48,02 km). Phát huy truyền thống hào hùng trong hai cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc trước đây, Đảng bộ, quân và dân Đồng Tháp đã nổ lực tập trung lực lượng phòng thủ chống địch ở biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị, ổn định đời sống của nhân dân và cùng quân dân cả nước, đặc biệt đã phối hợp với lực lượng Sư đòan 339, Trung đòan thiết giáp của Quân khu, các đơn vị tỉnh bạn tạo thành sức mạnh tổng hợp làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chiến đấu, xây dựng giúp bạn Campuchia, thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đất nước Campuchia được giải phóng thóat khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn-Pốt Iêng-xa-ri. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi bề vào những ngày đầu mới giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp với tấm lòng chí nghĩa, chí tình, tiếp tục đưa lực lượng bộ đội Trung đòan 320 và nhiều tiểu đòan, đại đội của tỉnh và các huyện, thị sang giúp bạn củng cố thành quả cách mạng; đưa một khối lượng lớn vũ khí, kỹ thuật, vật tư, lương thực sang giúp cho nhân dân tỉnh Preyveng kết nghĩa. Từ năm 1979 đến 1989, các lực lượng vũ trang ta đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân bạn, trực tiếp đánh địch, ổn định tình hình, xây dựng chính quyền, cứu đói cho nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất và đời sống nhân dân tỉnh bạn. Trải qua chiến đấu gian khổ, hy sinh, các lực lượng ta và bạn đã trưởng thành nhanh chóng, toàn diện được nhân dân bạn khâm phục và khen ngợi.

Qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, với những hy sinh mất mát, công hiến to lớn, các lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Campuchia tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân (Xem phụ lục).

Điểm nổi bật của quân dân Đồng Tháp là truyền thống đánh giặc giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Trong tiến trình lịch sử vẻ vang ấy, các lực lượng vũ trang Đồng Tháp giữ vai trò nòng cốt xuyên suốt các cuộc chiến tranh, đã lập nên nhiều chiến công vang dội, mà chiến công ấy phải đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sĩ, đồng bào để quê hương, đất nước mãi mãi thanh bình, độc lập, tự do. Truyền thống vẻ vang ấy của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã được lịch sử ghi nhận và được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày quê hương, đất nước hòa bình, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang thực hiện các chính sách của Nhà nước và Quân đội, phục viên, chuyển ngành… cùng nhân dân địa phương xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã dạy. Dù cuộc sống hàng ngày còn nhiều gian nan vất vả, các anh chị CCB vẫn phát huy tốt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn tiền phong gương mẫu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mới.

Từ khóa » đặc Công Việt Nam đánh Sang Thái Lan