L.m. Francis Lương Minh Tri, CMC Phụ Trách | 115. Con có thể đổi lại lời hứa với Chúa không? Con bị chứng bệnh đã nhiều năm nay đi bác sĩ không hết. Con có cầu nguyện và hứa với Chúa nếu lần này con chữa hết bệnh, con sẽ cắt đi bộ tóc dài của con, nhưng sau đó con thấy tiếc nên con đã đổi lại lời hứa là nếu con hết bệnh con sẽ gửi vào nhà thờ một số tiền khá lớn (một tháng lương của con). Thưa cha, con làm như vậy có sai không? (Tran Le) Thăm anh/ chị Tran Le, Anh/chị làm một lời hứa xuống tóc giống thánh Phaolô như Công vụ 18:18 kể lại. Một lời hứa có suy tính và tự do để hứa với Chúa tự ý buộc mình làm một việc lành, việc đó có thể làm được và tốt hơn mình sẽ thực hiện, người ta gọi đó là lời khấn. "Lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo". Giáo lý Công Giáo dạy Trong nhiều hoàn cảnh, người Kitô hữu được kêu gọi hãy có những lời hứa với Thiên Chúa.... Do lòng sùng kính riêng tư, người Kitô hữu cũng có thể hứa mình sẽ làm việc này việc nọ, sẽ đọc kinh này kinh kia, sẽ bố thí, sẽ đi hành hương,v.v. Sự trung thành với các lời hứa với Thiên Chúa là tỏ bày sự kính trọng đối với Uy quyền của Ngài và đối với tình yêu mến của ta đối với Ngài là Đấng Trung thành (2101). Bình thường khấn thế nào phải giữ như vậy. Chính người khấn phải giữ; nếu việc khấn liên quan đến người khác, phải có sự đồng ý của họ. "Sách Công vụ Tông đồ cho ta thấy thánh Phaolô lo lắng thực hiện những lời ngài đã khấn với Thiên Chúa". Nhưng đôi khi vì lý do tương xứng, cần thay đổi lời khấn. Giáo Luật điều 1197 đã dự liệu việc đó như sau: Một công việc đã hứa do lời khấn tư có thể được hoán cải ra một việc khác tốt hơn hay tương đương do chính người đã khấn; còn việc hoán cải ra một điều thiện kém hơn chỉ có thể cấp bởi người có quyền miễn chuẩn theo điều 1196. Áp dụng vào trường hợp của anh/chị thì sao? Việc gởi vào nhà thờ một tháng lương có tốt hơn (hay ít là tốt tương đương) việc xuống tóc không? Nếu anh/ chị trả lời có, anh /chị có thể tự mình thay đổi. Trường hợp anh chị trả lời không, anh chị cần tìm một việc tốt hơn hay làm theo Giáo luật điều 1196 là đến gặp cha sở hay Đức Giám Mục địa phương trình bày lý do (dĩ nhiên, không được thiệt hại đến ai khác) để xin thay đổi hay cả khi xin miễn chuẩn những lời khấn tư đã làm. (Đây là trường hợp nhiều ông bà khấn hứa trước khi xuất ngoại, nhưng sau khi đến nước ngoài khó quá, không giữ nổi!) 114. Khi xưng tội, có phải xưng số lần đã phạm một tội trọng không? Xin cha cho biết khi xưng tội có phải nói rõ đã phạm mỗi loại tội bao nhiêu lần không? Đôi khi chúng con thảo luận với nhau, có người cho rằng không cần nói số lần, có kẻ nói phải nói rõ số lần đã phạm, nếu không nhớ rõ cứ xưng đã phạm nhiều lần hơn càng tốt. Thưa cha, như vậy thì làm thế nào mới đúng? (Thanh, CA) Đáp: Ông Thanh thân mế, Giáo Luật Điều 988 dạy chúng ta: 1. Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép rửa tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng. 2. Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa. "Theo từng loại và số "(in kind and number/ in specie et numero/ selon leur espère et leur nombre) để nói nên hối nhân cần rõ ràng nhìn nhận bản chất nặng nề của tội lỗi mình và để thừa tác viên phán đoán với đủ hiểu biết. Trong bản luật cũ năm 1917 còn ghi rõ hối nhân cần giải thích cho cha giải tội hoàn cảnh thay đổi loại tội. Như thế theo luật hiện nay, hối nhân không cần giải thích hoàn cảnh của tội miễn là nói rõ loại và số tội. "Đựơc trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội" (nghĩa là nhờ quyền bính và mục vụ của Giáo Hội) lấy lại từ điều 902 của bản 1917. Có thể Chúa đã tha thứ cho hối nhân rồi nhờ việc ăn năn tội cách trọn. Tuy thế, sự bắt buộc vẫn còn phải trình với quyền tháo gỡ của Giáo Hội. Trường hợp xảy ra như một tội nặng bị quên trong nhiều lần thực tình xưng tội, Chúa đã tha thứ. Nhưng khi nhớ buộc phải thưa lại để quyền tha thứ của Giáo Hội áp dụng. Cũng như thế, "chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng" nghĩa là các tội nặng đã được tha thứ trong dịp xưng tội tập thể, vẫn bó buộc phải thưa lại trong lần xưng tội riêng lần tới. Dù được nhấn mạnh nghi thức nhưng để chiếm được ơn cứu độ của bí tích thống hối, theo như chương trình của Chúa tình thương, tín hữu phải xưng thú với linh mục từng và hết mọi tội nặng mà họ nhớ sau khi cẩn thận xét mình. Dù đi tu từ nhỏ, tôi cảm thấy xưng tội là một gánh nặng hơn là ơn giải thoát. Tôi vốn tự hỏi sao Giáo Hội đặt gánh nặng cho con cái mình khi bắt xưng tội với một người dù người đó chẳng biết mặt mình, dù người đó không được nói ra? Vì chỉ Chúa mới có quyền tha tội, sao không xưng tội trực tiếp với Chúa như Tin Lành? Đồng ý là như thế ơn Chúa quá rẻ! Nhưng từ khi tôi biết tâm lý học hiện đại xác quyết theo tâm lý, "'Cái tôi' không tin những gì chúng ta nghĩ và cảm cho đến khi chúng ta nói ra rõ ràng với một người quan trọng" tôi mới thấy Giáo Hội làm đúng ý Chúa. Chúa muốn chúng ta dùng bí tích này để sửa đổi nhưng trước hết chúng ta cần nhận thực ra tội lỗi mình: tuyên bố trước một người quan trọng. Ai đã từng dự một buổi họp của các nhóm chữa trị mê nghiện như AA chẳng hạn sẽ phải quả quyết điều này thích hợp với tâm lý con người. Trong các buổi họp này, một người nghiện rượu chẳng hạn phải nói rõ tên tuổi và bị mê nghiện cái gì. Chính việc nói rõ đó cho họ nghị lực để sửa chữa. Khi không nhớ rõ ràng chúng ta nhớ phỏng chừng bao nhiêu lần. Cứ thành thực như mình nhớ phỏng, đừng nhiều lần hơn, đừng ít hơn. Sau này dù biết rõ số lần cũng không cần xưng lại. (TTDM-11/05) 113. Mắc Tội Trọng Mà Chịu Lễ! Lâu nay con có 1 thắc mắc, hôm nay con mạo muội viết thư này mong cha giải thích để cho con yên tâm giữ đúng luật Giáo Hội dạy. Thưa cha, trong Thánh lễ đến phần giáo dân chịu Mình Thánh Chúa. Trong lúc con cũng lên xếp hàng như mọi người để rước lễ, nhưng con chợt nhớ ra con mới mắc 2 tội trọng, con không xứng đáng rước Chúa vào lòng con trong lúc này. Thưa cha, trong trường hợp này nếu con tách khỏi hàng đi xuống con sợ mọi người nhìn con và nghĩ thế này thế nọ con cảm thấy xấu hổ. Nếu con không đi xuống cứ tiếp tục lên rước lễ (chỉ vì sợ xấu hổ với mọi người) và sau Thánh lễ con sẽ xưng tội. Thưa cha con có được phép làm điều này không? Con mong cha chỉ dạy. Con cám ơn cha. (TNK) Đáp: Ông TNK thân mến, Theo sát chữ ông viết, " chỉ vì sợ xấu hổ với mọi người" thì không được. Tuy nhiên tôi hiểu là ông đủ các điều khác: như có ý ngay lành (vì mến Chúa chứ không vì thói quen, không vì khoe khoang muốn tỏ ra đạo đức ...) và giữ chay đủ một giờ. Ông muốn hỏi là khi thiếu điều kiện đầu tiên như Giáo Luật điều 916 qui định: "Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể." Như thế, ông đã giữ chay và đã xếp hàng lên rước Chúa vì mến yêu Chúa. Nhưng bất chợt ông ý thức mình phạm tội nặng và giờ đây đã lỡ xếp hàng không còn dịp xưng tội và nếu ông tách hàng đi xuống thì sẽ xấu hổ. Điều đó có thể hiểu là lý do quan trọng. Ông quyết chí xưng tội sau thánh lễ là tốt nhưng quan trọng là thống hối trọn vẹn mà chúng ta quen gọi là ăn năn tội cách trọn: gớm ghét tội lỗi vì phạm đến Chúa đáng mến vô cùng và quyết xin Chúa thứ tha qua bí tích hòa giải ngay sau thánh lễ. (TTDM-11/05) 112. Con thắc mắc và bối rối về sự kiện cha giải tội bảo con rằng con đã phạm tội trọng và phạm sự thánh! Xin cha gỡ rối giúp con. Trọng kính Cha, con tên là Giuse LVM, trân trọng xin Cha vui lòng dẫn giải cho con đôi điều bối rối sau đây: Nơi toà giải tội con thưa với Cha ngồi tòa rằng: "Con đã nhìn xem hình ảnh sex trên computer 2 lần, con không xem đó là tội (vì con đã già, những hình ảnh đó không gây một xúc cảm nào cho con) nhưng điều đó làm con lỗi nhân đức trong sạch của tâm hồn". Cha ngồi tòa nói: "Như vậy là con đã phạm tội trọng vì không ai nhìn xem những hình ảnh ấy có thể cầm lòng được". Rồi ngài hỏi: "Từ khi phạm tội đó đã rước lễ bao nhiêu lần?" Con thưa: "Khoảng 10 lần". Cha bảo: "Như thế là đã phạm sự thánh nhiều lần...". Rồi ngài nói với giọng không bình thường... Con thì nghĩ đến 3 yếu tố để thành tội trọng là: (1) biết điều đó là trọng; (2) cố tình vi phạm; và (3) đã có hành động thực sự vi phạm. Điều băn khoăn của con là: Cha ngồi tòa buộc con tội trọng thứ nhất là xem hình ảnh sex và tội trọng thứ hai nặng hơn nhiều là phạm sự thánh nhiều lần. Trong khi tự lương tâm con không buộc mình vì tội thứ nhất đã không đủ yếu tố để thành tội trọng, như vậy tội thứ hai không còn căn cứ nào để buộc tội. Sự suy nghĩ của con như vậy có đúng không? Con vẫn không hết được bối rối... Từ lần xưng tội đó đến nay đã gần 1 năm, mỗi khi cần xưng tội, con cứ lo ngại bị buộc tội thêm nên sinh lười biếng. Như vậy có lỗi không? Thưa cha, con hết lòng trông đợi những điều dẫn giải của cha để con sớm được an lòng. . . (LVM) Đáp: Ông LVM thân mến, theo định nghĩa của Thánh Augustinô và Tôma Tiến sĩ, "tội là một lời nói, một hành vi, hoặc một ước ao nghịch với lề luật vĩnh cửu" (xem GLCG 1849). Căn nguyên của tội nằm trong tâm hồn con người, trong ý chí tự do của con người, như chính Chúa đã phán trong Phúc Âm: "Tự lòng con người phát ra những ý định xấu, những tội sát nhân, ngoại tình, phóng đãng, trộm cắp, làm chứng gian, nói xấu tha nhân: đó là những sự làm cho con người trở thành ô uế" (Mt 15:19-20). Để trở thành tội trọng, phải có đủ cả ba điều kiện này: "Tội trọng là tội có đối tượng là một chất liệu nghiêm trọng, và mình phạm với ý thức đầy đủ và chủ tâm đồng ý" (Mortal sin is sin whose object is grave matter and which is also committed with full knowledge and deliberate consent) (GLCG 1857). Theo như ông nói, chỉ nhìn xem mà "không gây một cảm xúc nào" tôi nghĩ chất liệu chưa đến nỗi nghiêm trọng. Đúng theo như ông lý luận, nếu điều đó theo lương tâm của ông chưa phải là tội trọng thì việc rước lễ không phải là phạm sự thánh. Xin ông yên tâm và cứ tiếp tục xưng tội rước lễ chứ đừng vì lý do nào mà ngại ngùng biếng nhác ra, thiệt hại cho linh hồn mình. (Lm Phi Quang) Điều áy náy với tôi không phải xúc cảm hay không, chưa phải trọng hay nhẹ nhưng chúng ta cần vượt qua những đạo đức cá nhân để nhìn những chuyện sống đạo trong chiều kích xã hội hơn một chút. Sách Giáo Lý số 2354 nói về phim ảnh xấu "là một lỗi nặng" vì: - biến chất hành vi phu phụ. - gây thương tổn nặng nề cho nhân phẩm. Qua việc xem, người ta có coi chúng ta như cổ động, ủng hộ kỹ nghệ đồi bại đó không? 111. Phải hiểu việc "xét đoán" như thế nào trong hai đoạn Thánh Kinh I Cor 1-11 và Lc 6:37-39? Hôm nay con xin giử tới cha một thắc mắc khi con đọc Thánh Kinh I Cor 6:1-11 và Lc 6:37-39. Để có thể giúp ích cho người khác nữa, xin cha giải đáp trên báo Trái Tim Đức Mẹ. Trân trọng cám ơn Cha. I Cor 6:1-11: Ta được phán xét cả Thiên Thần nữa huống hồ là việc đời này? Luca 6:37-39: Đừng xét đoán, và các ngươi sẽ không bị xét đoán... Thưa cha, đọc đoạn Thánh Kinh trên phải hiểu thế nào, phải áp dụng thế nào để khỏi thắc mắc và tự cảm thấy có mâu thuẫn quan trọng từ trong tư tưởng, văn tự của Thánh Kinh đến hành động bên ngoài về phương diện xã hội và tôn giáo? (Dom. VVH) Đáp: Kính Bác Dom. VVH, Vâng, xem ra có sự mâu thuẫn vì một bên bảo không xét đoán, một bên bảo phải xét đoán. Luca 6:37-39: Đừng xét đoán, và các ngươi sẽ không bị xét đoán... (xem Matt 7:1). Chúa dùng ý và lời quen thuộc với người Do Thái. Các đạo sĩ Do Thái từng khuyên ai xét đoán người khác nhân từ sẽ được Chúa Giavê nhân từ lại. Nghĩ tốt về người khác là một trong sáu việc thánh của người Do thái. Có ba lý do để không xét đoán: (a) Chúng ta không biết trọn việc hay trọn người. Không ai biết sức mạnh của cám dỗ nơi người khác. Nếu chúng ta nhận thức được điều người khác trải qua, chẳng những không xét đoán, chúng ta còn lạ lùng sao họ tốt như vậy! (b) Hầu như không có thể không thiên vị trong xét đoán. Chúng ta bị lôi kéo theo trực giác phi lý luận. Người ta kể đôi khi người Hy Lạp xử án đặc biệt quan trọng, quan án và bồi thẩm đoàn không được thấy bị can để họ không bị ảnh hưởng gì khác ngoài sự kiện. Chỉ ai hoàn toàn không thiên vị mới được xét đoán. Người ta tự nhiên thiên vị. Chỉ có Chúa có thể xét doán. (c) Nhưng chính Chúa Giêsu đã nêu lý do mạnh mẽ không được xét đoán vì mình không tốt đủ! Không ai tốt lành đủ để phán xét người khác. Chúa dùng hình ảnh sống động một người với cái đà trong mắt mình mà muốn nhặt cái rác nơi mắt người khác. Chỉ ai không sai lỗi mới có quyền xét lỗi người khác. Không ai có quyền phê bình người khác trừ phi ít là để việc tốt lành hơn. Đoạn Tin Mừng dạy đừng xét đoán được Thánh Mátthêu (7:1) và Thánh Luca (6:37) trình thuật luôn được giải thích như cảnh tỉnh đừng có phê bình xét đoán người khác khắt khe và tự phụ, chứ không có ý chống lại lập trường rõ rệt và công khai về các nố luân lý ảnh hưởng xã hội. Trong khi đó, thánh Phaolô nói xét đoán theo nghĩa chúng ta phải biết phân biệt phải trái. Một việc trái nếu không biết xét đoán chúng ta cho là phải thì không được. Chúng ta phải biết cái gì xấu, cái gì tốt. Chúa Giêsu cũng dạy thái độ này và điều này hợp với truyền thống ngôn sứ. Từ các ngôn sứ nhất là Amos, Isaia và Giêrêmia cho đến Tin Mừng, dân Chúa được dạy phải trừ triệt bất công trong xã hội. Họ không được phép dửng dưng với những gì xảy ra. Họ được lệnh không những kết án sự dữ mà còn làm hết sức loại bỏ sự dữ khỏi xã hội con người. Chúa Giêsu theo đúng tinh thần này. Bài giảng trên núi, tiêu chuẩn phán xét chung như Mátthêu 25 ghi lại, và nhiều dịp khác khi Chúa nói về những bất công anh chị em phải chịu, tất cả đều nói Chúa không dửng dưng. Ngài cũng không mong đợi những môn đệ Ngài làm khách bàng quan khóc thương các nạn nhân. Rõ ràng Chúa không can ngăn mọi loại xét đoán qua hai đoạn Phúc Âm Mátthêu và Luca nêu trên. Cả đoạn Tin Mừng có câu "đừng xét đoán" chỉ cho thấy dù không được hận thù và hung ác, chúng ta phải nhìn ra và giúp xã hội nhìn ra và triệt hạ bất công phá hoại cuộc sống con người. Dù sao, chúng ta chỉ nhìn ra "phải-trái" một cách khách quan dù chúng ta không thể biết ý muốn và tự do của ai đó nên không thể nói họ có tội với Chúa hay không. 110. Dân nào giết Chúa Giêsu? Thưa Cha, dân nào giết Chúa Giêsu? Con nghe mấy người khách nói chuyện: Một người nói dân Do Thái giết Chúa. Trong khi có mấy người đạo Do Thái ở đó, họ nói là người "Roman Catholic" giết. Xin cha giải thích dùm con. (T. Hoàng) Đáp: Chèng đéc ơi! Ai nói thì ông hỏi họ có ý nói gì, chứ sao tôi biết ý họ mà giải thích dùm ông đây! Mấy người khách đó nói bằng ngôn ngữ gì, tiếng Việt như ông viết cho tôi hay ngôn ngữ gì khác! Tôi sợ ông hiểu sai ý họ! Nếu thấy gì không rõ ràng chúng ta cứ việc yêu cầu đương sự nói lại cho rành mạch. Như thế mới là nói chuyện, là đối thoại chứ! Có lẽ "trong lúc đó có mấy người đạo Do Thái ở đó, họ nói là" người Rôma giết, chứ không phải "Roman Catholic" như ông nghe vì "Roman Catholic" (người Công Giáo Rôma) khi đó đã có đâu mà nói đến. Lịch sử nói một số người Do Thái và một số thuộc người Rôma đã góp tay trong vụ đó. Nhưng trong nghĩa thiêng liêng, tất cả mọi người có tội, cả tôi cả ông, đã góp tay trong vụ giết người này. Cuốn phim "Pasion of the Christ" cố gắng làm sáng tỏ việc này nhưng chưa thành công lắm. |