Hỏi đáp CSTC - Bộ Tài Chính

 

Điều 3, Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp quy định: Các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc. Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại Thông tư này và các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán, phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý của đơn vị. Mẫu chứng từ bắt buộc theo quy định của Thông tư 107/2017/TT-BTC bao gồm Phiếu thu, phiếu chi, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và Biên lai thu tiền.

Điều 16 Luật Kế toán quy định “Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;

b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;

c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;

d) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;

đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;

g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán”.

 

Căn cứ các quy định nói trên, trường hợp độc giả hỏi đơn vị sẽ tự thực hiện  thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đơn vị có thể vận dụng theo mẫu chứng từ hướng dẫn của Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa để thiết kế mẫu chứng từ cho đơn vị mình và trong trường hợp này không cần chữ ký của người bán hàng.    

Từ khóa » Hệ Thống Chứng Từ Kế Toán Bao Gồm