[Hỏi đáp Cùng Dược Sĩ] Làm Sao để Uống Thuốc Xổ Giun đúng Cách?

Việc uống thuốc xổ giun đúng cách có thể giúp loại bỏ các chất cặn bã có hại trong cơ thể, đồng thời tăng cường lợi khuẩn, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa một cách tốt nhất. Vậy, bạn nên uống thuốc xổ giun khi nào và cần lưu ý gì trong cách sử dụng thuốc xổ giun để đảm bảo an toàn cho mọi đối tượng?

Hãy cùng Hello Bacsi và Dược sĩ Thu Hà đi tìm lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc xoay quanh việc uống thuốc xổ giun trong bài viết sau đây nhé!

Vì sao nên uống thuốc xổ giun định kỳ?

Dược sĩ Thu Hà: Giun là loài ký sinh trùng khi ở lâu trong cơ thể sẽ hút mất các chất dinh dưỡng, vitamin, protein… khiến cơ thể suy nhược, xanh xao, thiếu máu và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, khi ký sinh lâu trong đường ruột, giun không chỉ hấp thu thức ăn mà còn thải ra các chất độc dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng… Thậm chí, nó có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm loét ruột, viêm đường tắc mật, tắc ruột, viêm tuỵ cấp…

Các thuốc tẩy giun có hiệu quả diệt trừ 98% những loại giun thường gặp như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun mỏ, giun xoắn… Cách uống thuốc xổ giun hay uống thuốc xổ giun đúng cách là uống định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng/lần). Đây là cách đơn giản và hữu hiệu để phòng tránh các bệnh về hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột, tạo cảm giác ngon miệng, giúp cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất thiết yếu, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn.

Thuốc xổ giun bao gồm những loại nào? 

Dược sĩ Thu Hà: Thuốc xổ giun (thuốc tẩy giun, thuốc xổ lãi) là những thuốc có tác dụng tiêu diệt giun ký sinh trong đường ruột bằng cách ngăn tổng hợp nguồn dinh dưỡng cho giun khiến chúng chết hoặc làm tê liệt cơ của chúng để cơ thể dễ dàng đào thải ra ngoài qua phân. Hầu hết các thuốc này chỉ diệt được ấu trùng và giun trưởng thành, không diệt được trứng giun.  

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại thuốc tẩy giun, nhưng phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất có thể kể đến như: 

  • Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở trong ruột, bao gồm: mebendazole, albendazole, thiabendazole, pyrantel có tác dụng loại bỏ hầu hết các loại giun thông thường như: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun mỏ, giun đũa, thậm chí cả sán dây.
  • Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở ngoài ruột: Nếu ivermectin có hiệu quả loại bỏ giun lươn, giun chỉ cao thì diethylcarbamazin sẽ là lựa chọn hàng đầu để điều trị giun chỉ bạch huyết.

Những lưu ý để uống thuốc xổ giun đúng cách dành cho người trưởng thành?

Dược sĩ Thu Hà: Đối với người trưởng thành, cách uống thuốc tẩy giun hay cách uống thuốc xổ giun hiệu quả nhất là nên nhai nát viên thuốc trước khi uống với nước. Việc nhai nát sẽ giúp thuốc tăng khả năng tẩy được số lượng lớn giun hơn, đảm bảo hiệu quả như mong muốn. 

Một lưu ý trong việc uống thuốc xổ giun đsung cách là do đa phần các loại thuốc tẩy giun hiện nay không tiêu diệt được trứng giun, nên sau 2 – 4 tuần, hãy dùng thêm 1 liều thuốc tẩy giun nữa để đảm bảo tiêu diệt được hết ấu trùng do trứng nở ra và số lượng giun còn sót lại.

triệu chứng sau khi uống thuốc xổ giun

Phụ nữ mang thai có nên dùng thuốc xổ giun hay không?

Dược sĩ Thu Hà: Giun ký sinh trong ruột sẽ hút lấy chất dinh dưỡng và tiết ra chất độc khiến phụ nữ mang thai thường xuyên bị choáng váng, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân, thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không tẩy giun kịp thời. Vì vậy, việc uống thuốc xổ giun đúng cách là vô cùng quan trọng giúp mẹ khỏe mạnh, thai nhi cũng phát triển tốt hơn.

Hiện nay, thuốc tẩy giun vẫn có loại dùng được cho phụ nữ mang thai. Nếu bị nhiễm giun nặng, mẹ bầu nhất định phải tiến hành tẩy giun với những loại thuốc đảm bảo an toàn dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Tốt nhất, để phòng tránh mọi rủi ro có thể xảy ra cho cả mẹ và bé, phụ nữ mang thai nên tránh xổ giun trong 3 tháng đầu và nên đi thăm khám thường xuyên, tiến hành xổ giun theo chỉ định của bác sĩ.

Những đối tượng nào không nên sử dụng thuốc xổ giun? Vì sao?

Dược sĩ Thu Hà: Một số đối tượng sau đây tuyệt đối không nên sử dụng thuốc xổ giun:

  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này còn kém nên dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ khi dùng thuốc xổ giun.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu: Giai đoạn này thai nhi chưa ổn định dễ gây ra tình trạng sảy thai và dị dạng thai nhi.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc sẽ đào thải thông qua đường sữa mẹ dẫn đến trẻ hấp thu chất độc hại. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải uống thuốc xổ giun thì mẹ nên ngưng cho con bú từ 2-3 ngày để thuốc có thời gian đào thải ra hết khỏi cơ thể. 
  • Người bị suy gan, suy thận, hen suyễn, người đang mắc bệnh cấp tính, sốt trên 38,5 ०C: Những tác dụng phụ thường gặp của thuốc xổ giun sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh.
  • Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.

Nên uống thuốc xổ giun định kỳ bao lâu một lần để đạt hiệu quả tốt nhất?

Dược sĩ Thu Hà: Đối với người lớn và trẻ nhỏ trên 2 tuổi, nên thực hiện tẩy giun định kỳ 2 – 3 lần/năm (4 – 6 tháng/lần). Còn đối với trẻ dưới 2 tuổi nghi ngờ nhiễm giun nên đi khám và làm các xét nghiệm để có thể tiến hành xổ giun đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc xổ giun đúng cách, định kỳ giúp giảm hoặc tẩy sạch giun trong đường ruột. Mỗi lần tẩy giun nên thực hiện cho tất cả các thành viên trong gia đình để tránh trường hợp bị nhiễm giun chéo.

cách uống thuốc xổ giun hiệu quả

Nên uống thuốc xổ giun khi nào, trước hay sau khi ăn? Vì sao?

Dược sĩ Thu Hà: Thuốc tẩy giun hiện nay không yêu cầu bạn phải để bụng đói hay dùng thuốc xổ (thuốc nhuận tràng) trước khi tẩy giun, vì vậy, bạn có thể tẩy giun bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thời điểm tẩy giun tốt nhất là uống vào sáng sớm khi bụng đói (trước khi ăn sáng khoảng 30 phút). Lúc này, giun sẽ nhầm lẫn giữa thức ăn và thuốc, giúp tăng hiệu quả xổ giun tốt hơn.

Những triệu chứng sau khi uống thuốc xổ giun thường gặp nhất là gì? Cách khắc phục hiệu quả?

Dược sĩ Thu Hà: Những triệu chứng sau khi uống thuốc xổ giun thường gặp nhất là: đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, dị ứng với thành phần của thuốc. Khi gặp các triệu chứng này, bạn nên nghỉ ngơi để các triệu chứng này giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu cơ thể phản ứng mạnh hơn với thuốc như bị sốt, mệt rã rời, nôn mửa nhiều… thì hãy đi thăm khám kịp thời.

Đối với các trường hợp sử dụng thuốc quá liều có thể sẽ xảy ra những phản ứng có hại như: rối loạn chức năng gan, viêm gan, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, viêm cầu thận. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu trong trường hợp này, cách khắc phục hiệu quả là trong giờ đầu tiên sau khi sử dụng thuốc quá liều nên súc dạ dày càng sớm càng tốt.

Uống thuốc xổ giun đúng cách cho trẻ em có gì khác biệt so với người lớn? Cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho trẻ?

Dược sĩ Thu Hà: Đối với trẻ em, chỉ nên bắt đầu tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Trong trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bị nhiễm giun sán thì nên đưa đi khám và làm các xét nghiệm tầm soát, cũng như tiến hành tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

trẻ em uống thuốc sổ giun

Sau khi uống thuốc tẩy giun, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng phụ như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy… Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể bị dị ứng với thuốc gây phát ban, ngứa, nổi mề đay, nôn nhiều, sốt cao, co giật. Khi đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Câu 18 Uống Thuốc Tẩy Giun đúng Cách Là