Hỏi đáp Đất Phi Nông Nghiệp - UBND QUẬN 8

Hỏi đáp về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Câu hỏi 1: Tổng Công ty địa ốc có xây dựng và quản lý một khu đô thị mới, trong đó có diện tích đất làm đường. Khu đô thị có tường rào ngăn cách với bên ngoài, có barie chắn đường để kiểm soát ra vào khu đô thị. Đường đi là phục vụ cộng đồng dân cư trong khu đô thị. Vậy diện tích làm đường đi này có thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không?

Trả lời:

Đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là: “3. Đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.”

Theo quy định tại Thông tư 06/2005/TT-BTNMT thì đất đường giao thông trong khu đô thị có rào ngăn cách với bên ngoài là đất công cộng có mục đích kinh doanh

Do đó, diện tích đất làm đường giao thông công cộng trong khu đô thị nêu trên là diện tích đất không chịu thuế nhưng được sử dụng vào mục đích kinh doanh nên thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì vậy, Tổng Công ty địa ốc phải kê khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho diện tích đất làm đường giao thông này.

Câu hỏi 2: Những loại đất phi nông nghiệp nào được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế?

Trả lời:

Đất thuộc đối tượng không chịu thuế là các loại đất phi nông nghiệp thoả mãn 2 điều kiện:

Một là, không sử dụng vào mục đích kinh doanh;

Hai là, thuộc một trong các loại đất sau:

-Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

-Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

-Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

-Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

-Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

-Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

-Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 3: Trong nhà ở của gia đình có một phòng riêng dùng để làm nơi cúng lễ thờ họ thì diện tích đất làm nhà thờ họ này có phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không?

Trả lời:

Đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:

Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ bao gồm diện tích đất xây dựng công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ theo khuôn viên của thửa đất có các công trình này.

Trường hợp này, đất phải thuộc diện đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại khoản 8, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

Do đó, trường hợp nhà thờ họ chung với nhà ở của gia đình, không có khuôn viên riêng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì vậy, gia đình phải nộp thuế sử dụng dất phi nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất ở, bao gồm cả diện tích làm nhà thờ họ.

Câu hỏi 4: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm những loại nào?

Trả lời:

Đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:

- Đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân;

- Đất làm căn cứ quận sự;

- Đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;

- Đất làm ga, cảng quân sự;

- Đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;

- Đất làm kho tàng của các đơn vị vũ trang nhân dân;

- Đất làm trường bắn, thao trường, bãi tập, bãi thử vũ khí, bãi huỷ vũ khí;

- Đất làm nhà khách, nhà công vụ, nhà thi đấu, nhà tập luyện thể dục, thể thao và các cơ sở khác thuộc khuôn viên doanh trại, trụ sở đóng quân của các đơn vị vũ trang nhân dân;

- Đất làm trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

- Đất xây dựng các công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ quốc phòng, an ninh khác do Chính phủ quy định.

Câu hỏi 5: Những loại đất nào sử dụng vào mục đích công cộng thuộc đối tượng không chịu thuế SDĐPNN?

Trả lời:

Đất sử dụng vào mục đích công cộng (không sử dụng vào mục đích kinh doanh) thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:

- Đất giao thông, thủy lợi bao gồm đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, đường sắt, đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, bao gồm cả đất nằm trong quy hoạch xây dựng cảng hàng không, sân bay nhưng chưa xây dựng do được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phát triển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đất xây dựng các hệ thống cấp nước (không bao gồm nhà máy sản xuất nước), hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông, an toàn thủy lợi;

- Đất xây dựng công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng bao gồm đất sử dụng làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, công trình văn hoá, điểm bưu điện - văn hoá xã, phường, thị trấn, tượng đài, bia tưởng niệm, bảo tàng, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, cơ sở dạy nghề, cơ sở cai nghiện ma tuý, trại giáo dưỡng, trại phục hồi nhân phẩm; khu nuôi dưỡng người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;

- Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định bảo vệ;

- Đất xây dựng công trình công cộng khác bao gồm đất sử dụng cho mục đích công cộng trong khu đô thị, khu dân cư nông thôn; đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đất xây dựng công trình hệ thống đường dây tải điện, hệ thống mạng truyền thông, hệ thống dẫn xăng, dầu, khí và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình trên; đất trạm điện; đất hồ, đập thuỷ điện; đất xây dựng nhà tang lễ, nhà hoả táng, lò hoả táng; đất để chất thải, bãi rác, khu xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Câu hỏi 6: Ông A có mảnh đất xây dựng thành nhà xưởng để sản xuất các vật dụng bằng gốm. Xin hỏi ông A có phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với nhà xưởng này không?

Trả lời:

Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế); phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Như vậy, ông A phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho diện tích đất ông xây dựng nhà xưởng để sản xuất gốm.

Câu hỏi 7: Tôi có 1.000 m2 đất vườn. Trong đó có 500 m2 tôi cho đơn vị khác thuê làm trường tiểu học tư. Xin hỏi tôi có phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không?

Trả lời:

Đối tượng chịu thuế thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là: “Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế);”

Như vậy, 500m2 đất ông/bà cho thuê làm trường tiểu học tư thuộc diện chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Câu hỏi 8: Xin hỏi đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp thuộc loại nào thì không phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Trả lời:

Đất không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm: Đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế liên chính phủ được hưởng ưu đãi, miễn trừ tương đương cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; Đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học và công nghệ, ngoại giao của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập.

Trường hợp các tổ chức cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đôn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, sử dụng đất được nhà nước giao để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị vào mục đích khác thì thực hiện theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 9: Ai là người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Trả lời:

Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người nộp thuế là người đang sử dụng đất

Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể người nộp thuế được quy định như sau:

- Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất là người nộp thuế;

- Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thoả thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế;

- Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;

- Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

- Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

- Trường hợp thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước thì người nộp thuế là người cho thuê nhà (đơn vị được giao ký hợp đồng với người thuê).

- Trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà ở để bán, cho thuê thì người nộp thuế là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khác thì người nộp thuế là người nhận chuyển nhượng.

Câu hỏi 10: Chúng tôi có mảnh đất chung dùng để sản xuất kinh doanh gốm, xin hỏi khi nộp thuế thì ai là người đứng ra nộp?

Trả lời:

Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó.

Câu hỏi 11: Tôi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một mảnh đất. Nhưng ông A ở gần đó dã chiếm dụng để làm nơi để kinh doanh vật liệu xây dựng, nay tôi đang nhờ chính quyền và toà án giải quyết để tôi sử dụng, nhưng chưa có kết quả xử lý. Xin hỏi ai là người phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong trường hợp này?

Trả lời:

Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất. Do đó trường hợp này ông A là người phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho mảnh đất đang sử dụng làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng cho đến khi tranh chấp được giải quyết

Câu hỏi 12: Tôi có mảnh đất 10.000m2 cho công ty nước ngoài thuê làm nhà máy trong vòng 10 năm. Xin hỏi ai là người phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong thời gian cho thuê đất?

Trả lời:

Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thoả thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế

Câu hỏi 13: Đất đã được cấp giấy chứng nhận mà diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận nhỏ hơn diện tích đất thực tế sử dụng để ở thì diện tích đất tính thuế được xác định như thế nào?

Trả lời:

Đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận; Trường hợp diện tích đất ở ghi trên Giấy chứng nhận nhỏ hơn diện tích đất thực tế sử dụng thì diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng.

Trường hợp nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng trên một thửa đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế đối với từng người nộp thuế là diện tích đất thực tế sử dụng của từng người nộp thuế đó.

Trường hợp nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng trên một thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế là diện tích đất ghi trên Giấy chứng nhận.

Câu hỏi 14: Diện tích đất tính thuế đối với đất ở của các hộ gia đình, cá nhân tại chung cư được xác định như thế nào?

Trả lời:

Đối với trường hợp người nộp thuế sống tại các khu nhà nhiều tầng có nhiều hộ ở, nhà chung cư, bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế của từng người nộp thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà (công trình) mà người nộp thuế đó sử dụng.

Diện tích nhà (công trình) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng là diện tích sàn thực tế sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo hợp đồng mua bán hoặc theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

-Hệ số phân bổ được xác định như sau:

+Trường hợp không có tầng hầm:

Diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở,

nhà chung cư

Hệ số phân bổ

=

-----------------------------------------------------------------------------

Tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình,

cá nhân sử dụng

+ Trường hợp có tầng hầm:

Diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở,

nhà chung cư

Hệ số phân bổ

=

----------------------------------------------------------------------------

Tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (phần trên mặt đất)

+

50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng

+ Trường hợp chỉ có công trình xây dựng dưới mặt đất:

0,5

x

Diện tích đất trên bề mặt tương ứng với

công trình xây dựng dưới mặt đất

Hệ số phân bổ

=

---------------------------------------------------------------------------

Tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng dưới mặt đất

Câu hỏi 15: Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là gì?

Trả lời:

Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là quy định về hạn mức đất ở do UBND cấp tỉnh quy định áp dụng trên địa bàn tỉnh đối với các hộ gia đình, cá nhân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và được sử dụng để làm căn cứ áp mức thuế suất phù hợp (0,03% hoặc 0,07% hoặc 0,15%) khi xác định thuế SDĐPNN phải nộp đối với diện tích đất thực tế sử dụng để ở thuộc diện chịu thuế.

Câu hỏi 16: Trường hợp gia đình tôi đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì phải áp dụng theo hạn mức nào?

Trả lời:

Trường hợp đất đang sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận thì không áp dụng hạn mức , điều đó có nghĩa là toàn bộ diện tích đất ở của gia đình ông/bà được áp dụng theo thuế suất đối với diện tích đất trong hạn mức là 0,03%

Câu hỏi 17: Đối với trường hợp được nhận thừa kế hoặc quà tặng là đất ở giữa cha mẹ với con hoặc anh em ruột với nhau thì hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế được xác định như thế nào?

Trả lời:

Trường hợ thay đổi người nộp thuế do nhận thừa kế, biếu, tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau thì hạn mức đất ở tính thuế được thực hiện theo hạn mức đất ở quy định và áp dụng đối với người chuyển quyền. Điều đó có nghĩa là, căn cứ nguồn gốc của thửa đất ở được nhận thừa kế hoặc quà tặng (đã có giấy chứng nhận hay không), người nộp thuế mới (người nhận thừa kế hoặc chuyển quyền) cũng được áp dụng theo hạn mức đất ở đã áp dụng với người chuyển quyền.

Câu hỏi 18: Thế nào là đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định, đất lấn, chiếm? Trường hợp đất ở của gia đình tôi có một phần vi phạm lộ giới thì có phải là đất lấn chiếm hay không?

Trả lời:

Việc xác định thế nào là đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định, đất lấn, chiếm thì diện tích đất tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp do cơ quan tài nguyên môi trường quy định.

Trường hợp đất ở của gia đình ông/bà có một phần diện tích vi phạm lộ giới thì khi tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, toàn bộ diện tích đất ở của gia đình ông/bà vẫn được áp dụng các quy định về thuế suất, giá tính thuế đối với đất ở như các trường hợp thông thường khác; Khi cơ quan chức năng xác định phần diện tích vi phạm lộ giới là diện tích đất lấn chiếm thì cơ quan thuế sẽ tính thuế theo quy định đối với đất lấn chiếm và truy thu số tiền thuế còn phải nộp (nếu có).

Câu hỏi 19: Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá đất tính thuế được xác định như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá đất tính thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng do UBND cấp tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương.

Câu hỏi 20: Thuế suất đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định được quy định như thế nào?

Trả lời:

Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%.

Câu hỏi 21: Thuế suất đối với đất lấn, chiếm được quy định như thế nào?

Trả lời:

Đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2%

Câu hỏi 22: Xin cho biết trường hợp nào được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Trả lời:

Các loại đất sau được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

1. Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

2. Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường

3. Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ sở chữa bệnh xã hội.

4. Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.

6. Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính.

7. Hộ gia đình, cá nhân trong năm bị thu hồi đất ở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn thuế trong năm thực tế có thu hồi đối với đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới.

8. Đất có nhà vườn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là di tích lịch sử - văn hoá.

9. Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế.

Câu hỏi 23: Xin cho biết trường hợp nào thì được giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì có 04 trường hợp sau được giảm 50% số thuế phải nộp, cụ thể:

- Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

- Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng.

- Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.

Câu hỏi 24: Xin cho biết doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh, bệnh binh có được miễn, giảm thuế không?

Trả lời:

Doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động bình quân là thương binh, bệnh binh được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động thường xuyên là thương binh, bệnh binh được giảm 50% số thuế phải nộp.

Câu hỏi 25: Tôi làm chủ một cơ sở mầm non tư thục, vậy cơ sở này có được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không?

Trả lời:

Các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, trong đó các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hoá thuộc diện được miễn thuế.

Trường hợp này, các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường phải đáp ứng quy định về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Do vậy, nếu cơ sở mầm non tư thục của bá đáp ứng được các quy định về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản sửa đổi bổ sung) thì được miễn thuế.

Câu hỏi 26: Người có công với đất nước được ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như thế nào?

Trả lời:

- Miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các trường hợp: Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trường hợp này, các đối tượng nêu trên phải là người nộp thuế theo quy định hoặc phải có tên trong hộ khẩu gia đình với người nộp thuế

- Giảm 50% thuế đối với: Đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Câu hỏi 27: Gia đình tôi là hộ nghèo thì có được miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không?

Trả lời:

Hộ nghèo được miễn thuế đối với diện tích đất ở trong hạn mức.

Việc xác định hộ nghèo căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo.

Câu hỏi 28: Trong năm gia đình tôi bị thu hồi đất theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì có phải nộp thuế đất ở cho thửa đất bị thu hồi không?

Trả lời:

Đối với hộ gia đình, cá nhân trong năm bị thu hồi đất ở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn thuế trong năm thực tế có thu hồi đối với đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới.

Câu hỏi 29: Trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng thì được miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như thế nào?

Trả lời:

Người nộp thuế được miễn thuế trong trường hợp gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng và giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế.

Người nộp thuế được giảm 50% số thuế phải nộp trong trường hợp gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng và giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.

Các trường hợp trên phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất bị thiệt hại.

Câu hỏi 30: Trường học của chúng tôi là trường công lập, chúng tôi đã thực hiện huy động vốn để thành lập một cơ sở hạch toàn độc lập hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề, vậy cơ sở mới này có được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Trả lời:

Nếu cơ sở mới này được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyến thì thuộc diện được miễn thuế; Trường hợp việc thành lập không theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được miễn thuế

Câu hỏi 31: Làm thế nào để được cấp mã số thuế?

Trả lời:

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đều được cấp mã số thuế. Căn cứ hồ sơ đăng ký mã số thuế, Chi cục Thuế thực hiện cấp mã số thuế và thông báo cho người nộp thuế trên thông báo thuế.

Câu hỏi 32: Hiện tôi là một cá nhân đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, vậy tôi có phải làm thủ tục xin cấp mã số thuế để nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không?

Trả lời:

Trường hợp tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đã được cấp mã số thuế theo quy định lại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành (đối với các sắc thuế khác) thì mã số thuế đã cấp được tiếp tục sử dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Do vậy, trường hợp của bạn thì mã số thuế thu nhập cá nhân sẽ được sử dụng để nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Bạn không phải làm thủ tục xin cấp mã số thuế nữa.

Câu hỏi 33: Hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế đối với hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

Hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế đối với hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh bao gồm:

- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo mẫu quy định.

- Bản chụp chứng minh thư nhân dân hoặc chứng minh thư quân đội hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Câu hỏi 34: Trường hợp một mảnh đất có nhiều người đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đăng ký mã số thuế như thế nào, ai là người phải làm thủ tục đăng ký cấp mã số thuế?

Trả lời:

Trong trường hợp có nhiều người đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đại diện theo uỷ quyền hợp pháp của các cá nhân đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mã số thuế. Mã số thuế của người đại diện được sử dụng để khai, nộp thuế đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế khác của bản thân người đại diện.

Câu hỏi 35: Trường hợp phát sinh các hoạt động như mua bán, chuyển nhượng, ly hôn, chia thừa kế… dẫn đến thay đổi về người nộp thuế, diện tích chịu thuế, số thuế phải nộp thì ai là người phải kê khai nộp thuế?

Trả lời:

Trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến sự thay đổi về người nộp thuế thì người nộp thuế mới phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính trong thời gian 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày phát sinh các sự việc trên.

Câu hỏi 36: Việc khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có phải thực hiện hàng năm không?

Trả lời:

Việc khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được bắt đầu cho kỳ tính thuế năm 2012 (chậm nhất là 30/06/2012); Trong những năm sau, người nộp thuế không phải thực hiện khai lại nếu không có sự thay đổi về người nộp thuế và các yếu tố dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp như thay đổi vị trí, diện tích đất (trừ trường hợp thay đổi 1m2 đất tính thuế)

Câu hỏi 37: Nếu phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn, người nộp thuế có được khai lại không?

Trả lời:

Trường hợp phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì người nộp thuế được khai bổ sung. Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào.

Trường hợp người nộp thuế là tổ chức thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế bổ sung phải trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Trường hợp đến sau ngày 31/3 năm sau mà người nộp thuế mới phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn thì được khai bổ sung (khai cho cả Tờ khai thuế năm và Tờ khai tổng hợp) trong năm đó.

Câu hỏi 38: Các cá nhân, hộ gia đình phải nộp thuế như thế nào: cơ quan Thuế tính hay người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp của mình?

Trả lời:

Việc nộp thuế hàng năm đối với các hộ gia đình, cá nhân được thực hiện như sau:

Căn cứ Tờ khai của người nộp thuế đã có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thuế tính, lập Thông báo nộp thuế ghi rõ số tiền thuế phải nộp, địa điểm nộp, thời hạn nộp và gửi cho người nộp thuế theo địa chỉ mà người nộp thuế đã đăng ký. Chậm nhất là ngày 30 tháng 9 hàng năm, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo nộp thuế tới người nộp thuế.

Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp thuế của cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền phản hồi (sửa chữa, khai bổ sung) về các thông tin trên Thông báo và gửi tới nơi nhận hồ sơ khai thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không có ý kiến phản hồi thì số thuế đã ghi trên thông báo được coi là số thuế phải nộp.

Người nộp thuế được quyền lựa chọn nộp thuế một lần hoặc hai lần trong năm và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Trường hợp thuộc diện kê khai tổng hợp: căn cứ tờ khai tổng hợp thuế, người nộp thuế phải nộp ngay số thuế chênh lệch tăng thêm vào ngân sách nhà nước hoặc được sử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 39: Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp thuế ở đâu?

Trả lời:

Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo địa chỉ ghi trên thông báo của cơ quan Thuế

Các hộ gia đình, cá nhân được nộp cho UBND xã/phường nơi có đất chịu thuế.

Câu hỏi 40: Trường hợp giữa năm tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất (kèm theo nhà ở) thì tôi có phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm đó không hay là người nhận chuyển nhượng phải nộp?

Trả lời:

Đối với trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến sự thay đổi về người nộp thuế, người chuyển nhượng quyền có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước nơi có đất chịu thuế trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý. Trường hợp thừa kế, nếu chưa hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì người nhận thừa kế có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước

Như vậy, bạn phải thực hiện nộp đủ số thuế phải nộp của năm trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

Câu hỏi 41: Khi nộp tiền thuế cho nhà nước, có chứng từ gì để đảm báo cho việc đó không?

Trả lời:

Khi nhận tiền thuế từ người nộp thuế, cơ quan thuế hoặc tổ chức/cá nhân được cơ quan thuế uỷ quyền thu thuế phải cấp biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo mẫu quy định của Bộ Tài chính cho người nộp thuế

Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và giấy nộp tiền vào ngân sách là các chứng từ để chứng minh người nộp thuế đã thực hiện nghĩa vụ thuế của mình với ngân sánh nhà nước.

Biên soạn:Chi cục Thuế Quận 8

Từ khóa » đất Phi Nông Nghiệp