HỎI - ĐÁP Về Dịch COVID-19: Khu Phong Tỏa Xét Nghiệm Ra Sao?

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Khu phong tỏa xét nghiệm ra sao? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiến hành test nhanh cho kết quả tại chỗ cho người dân tổ 15, ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) vào tối 1-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Việc xét nghiệm trong khu phong tỏa, ở chợ và khu dân cư có F0 sẽ thực hiện mấy lần?

- Với tình hình dịch ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có đề nghị đối với vùng lõi, vùng phong tỏa, vùng áp thiết chế cách ly tập trung... cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần để tìm ra các ca nhiễm, sớm cách ly khỏi cộng đồng.

Đối với khu vực có nguy cơ thì 5 - 7 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần, có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR.

Đối với các khu vực khác, tiến hành giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu theo hộ gia đình. Có thể áp dụng cả xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm gộp mẫu.

Hiện nay, tại TP.HCM đang ưu tiên áp dụng lặp lại xét nghiệm ở những vùng phong tỏa xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần, khu vực có nguy cơ cao xét nghiệm 5 - 7 ngày/lần để loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng.

* Quy định về số ngày phong tỏa ở khu dân cư và các chợ cụ thể như thế nào?

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trả lời: Nhằm khoanh vùng dập dịch triệt để, không để dịch lan rộng trong cộng đồng và lan sang các vùng, địa phương khác..., vùng cách ly y tế (khu vực phong tỏa) sẽ được thiết lập theo quy mô phù hợp với tình hình dịch bệnh như cụm dân cư, khu phố, dãy phố, thôn, tổ, đội, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị.

Chỉ định phong tỏa ít nhất 14 ngày hoặc kéo dài thời gian hơn (tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh) trong cộng đồng nơi đó. Việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo, từng hộ gia đình (bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất) lần lượt được mời ra điểm lấy mẫu.

Tại khu vực phong tỏa cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế; thực hiện cách ly tại từng hộ gia đình trong cộng đồng với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; đảm bảo từng nhà đóng cửa, không ai được ra khỏi nhà, trừ người có nhiệm vụ hoạt động trong khu vực phong tỏa.

* Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ xét nghiệm đại trà ở các quận huyện như thế nào?

- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, qua thông tin điều tra truy vết, TP.HCM đã lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm này phải có sự cân đối số lượng xét nghiệm nhằm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh và chính xác.

Ngoài ra để việc chống dịch thuận lợi, thành phố đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động quyết định các biện pháp phòng dịch trên địa bàn. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, các quận huyện linh hoạt tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh.

Test nhanh COVID-19 có thể thực hiện tại nhà?

Một người bán thịt ở Phú Yên tự mua dụng cụ test nhanh và phát hiện mắc COVID-19, gọi báo trạm y tế, việc này đang được nhiều người quan tâm. Có thể mua test nhanh và tự xét nghiệm tại nhà, kết quả đáng tin cậy không?

Ông Nguyễn Tử Hiếu (phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) cho biết:

Test nhanh COVID-19 chỉ có giá trị sàng lọc, trường hợp kết quả dương tính vẫn phải làm lại xét nghiệm PCR để khẳng định. Tại Việt Nam hiện áp dụng 3 phương pháp xét nghiệm COVID-19: xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể.

Trong đó, xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên đều cho kết quả nhanh hơn so với PCR. Test nhanh kháng nguyên sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch hầu và nước bọt, test nhanh kháng thể sử dụng mẫu máu để xét nghiệm. Sắp tới sẽ có thể xét nghiệm bằng hơi thở.

Về mức độ chính xác, test nhanh kháng nguyên là phương pháp đang bàn đến ở đây cho kết quả chính xác khoảng 80%. Cách xét nghiệm rất đơn giản, lấy mẫu bệnh phẩm cho vào ống dung dịch rồi nhỏ vào khay thử, thời gian cho kết quả 15 - 30 phút.

Hiện có 7 sản phẩm test kit nhanh kháng nguyên đã được cho phép lưu hành, bao gồm 1 sản phẩm sản xuất trong nước và 6 sản phẩm nhập khẩu, giá từ 100.000 - 200.000 đồng/test kit.

Tuy xét nghiệm đơn giản nhưng ngành y tế không khuyến cáo người dân làm xét nghiệm tại nhà mà nên đến cơ sở y tế, do các nguyên nhân có thể xảy ra như dùng bộ xét nghiệm không đúng cách, lấy mẫu bệnh phẩm không đúng... sẽ dẫn đến kết quả không chuẩn xác.

Mẫu bệnh phẩm lấy và để ngoài môi trường (tại nhà) cũng có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh.

L.ANH

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.

TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tận nhà để truy vết F0 TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tận nhà để truy vết F0

TTO - Người lấy mẫu xong chỉ ở nhà, nếu phát hiện F0 thì đưa đi điều trị, còn F1 sẽ cách ly tại nhà; người trong nhà phải cách ly với nhau.

Từ khóa » đi Ra Khỏi Khu Phong Toả