Hội Nghị Báo Cáo Tình Hình Thi Hành Điều Lệ Công đoàn Việt Nam ...

Ngày 09/5/2022 Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

Thành phần tham dự Hội nghị, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có: Đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn; các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên đại diện các ban, cơ quan trực thuộc Tổng Liên đoàn. Về phía Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam có: Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn; Đồng chí Đỗ Trung Thành, Trưởng Ban Tổ chức - Ủy ban kiểm tra Công đoàn. Về phía Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có: Đồng chí Phạm Văn Toản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Viện KHNN Việt Nam; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Viện.

Đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Đồng chí Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch Công đoàn Viện KHNN Việt Nam, thay mặt Ban Thường vụ báo cáo công tác triển khai, thực hiện; những thuận lợi, khó khăn trong việc thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII và những đề xuất, kiến nghị, gồm:

I. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Điều lệ

1. Công tác cấp phát Điều lệ

Ngay sau khi Tổng Liên đoàn ban hành Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XII, Ban Thường vụ Công đoàn Viện KHNN Việt Nam đã khẩn trương cấp phát Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ tới các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn và Chủ tịch, Phó Chủ tịch của 18 công đoàn cơ sở trực thuộc, đồng thời cấp phát đến 18 công đoàn cơ sở (CĐCS) để phát cho Ban Chấp hành và cán bộ các CĐCS này.

2. Công tác phổ biến, quán triệt Điều lệ đến các cấp công đoàn

Với chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, phát huy vị trí vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị”, ngay sau khi Tổng Liên đoàn ban hành Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII, Ban Thường vụ Công đoàn Viện KHNN Việt Nam đã ban hành kế hoạch phổ biến, tuyên truyền đến các cấp công đoàn cũng như đoàn viên, người lao động về vị trí, chức năng, quyền, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp, đặc biệt là những điểm mới của Điều lệ. Qua công tác tuyên truyền, đã phát huy được vai trò của cán bộ công đoàn và đoàn viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

3. Việc triển khai thực hiện Điều lệ ở các cấp công đoàn

Đã được Ban Chấp hành các cấp xây dựng kế hoạch công tác và cụ thể hóa thành chương trình hành động thông qua các chuyên đề, nhiệm vụ để tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, đoàn viên với nhiều hình thức thông qua lồng ghép các hoạt động chính quyền tại cơ quan, đơn vị, đồng thời tuyên truyền nội dung, những điểm mới của Điều lệ trên website, nhóm Zalo, Facebook công đoàn để đoàn viên, người lao động kịp thời cập nhật thông tin.

4. Nhận thức của cán bộ, đoàn viên về thực hiện Điều lệ

Điều lệ Công đoàn Việt Nam là cơ sở, là nền tảng tạo nên sự thành công của hoạt động công đoàn các cấp trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Thông qua công tác tuyên truyền, nghiên cứu 11 Chương, 35 Điều của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII, công đoàn các cấp đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể trong chức trách nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đoàn viên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chứclao động(CNVCLĐ).

Các đại biểu thảo luận, những kiến nghị và đề xuất với đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

II. Kết quả thi hành Điều lệ

1. Về thuận lợi: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Đảng ủy Viện KHNN Việt Nam và sự phối hợp của Ban Giám đốc Viện, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các Viện, Trung tâm trực thuộc Viện KHNN Việt Nam và sự đồng thuận của Ban Chấp hành công đoàn các cấp, đã luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ trong toàn Viện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết công đoàn các cấp, đồng thời tạo mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để đóng góp cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp trong thời gian qua đạt được những thành tựu to lớn. Đây là nguồn cổ vũ động viên, là nhân tố quan trọng, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và hoạt động công đoàn Viện KHNN Việt Nam, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Những khó khăn: Trong những năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, sắp xếp tinh gọn bộ máy, dần đi vào mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã đặt ra cho người lao động trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp những thách thức mới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, đời sống, việc làm của người lao động. Một số CĐCS nằm rải rác ở gần khắp các tỉnh, thành trong cả nước, một số cán bộ công đoàn chưa thực sự tâm huyết, chưa làm tròn trách nhiệm của tổ chức phân công và một số cấp ủy, lãnh đạo chưa đánh giá đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn, coi công đoàn là tổ chức trực thuộc dưới sự chỉ đạo của chính quyền đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp.

Đối với chính sách tiền lương: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách cải cách tiền lương, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mức sống của người lao động, do giá cả tăng nhanh, sự chênh lệch khoảng cách thu nhập giữa các khu vực và thành phần kinh tế còn lớn, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thấp so với mặt bằng chung của toàn xã hội. Mức thu nhập đối với khối Quản lý hành chính bình quân 4,2  triệu đồng/người/tháng; người lao động trực tiếp bình quân 1,6 triệu đồng/người/tháng, nhưng không ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ và thị trường.

3. Về bố cục Điều lệ

Đại hội Công đoàn Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo nên sự lan tỏa trong ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên cũng như các cấp công đoàn trong việc sửa, đổi, bổ sung và đóng góp ý kiến. Vì vậy, cơ bản quy định về bố cục, chương, điều trong Điều lệ đã không ảnh hưởng đến công tác tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp.

4. Về nội dung Điều lệ

4.1 Công tác đoàn viên và cán bộ công đoàn

4.1.1 Công tác đoàn viên

- Về thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam: Tại mục 4.1 Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII quy định: “Người gia nhập công đoàn phải viết đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn, Ban Chấp hành nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp...” đề nghị nên bỏ các điều kiện và thủ tục rườm rà, vì điều kiện đó thực tế chỉ là hình thức ít diễn ra trong thực tế và chỉ nên quy định đối tượng kết nạp đoàn viên là người lao động được ký hợp đồng lao động, tham gia BHXH; được xét tuyển, thi tuyển và đóng đoàn phí đầy đủ thì được Ban Chấp hành CĐCS ra quyết định công nhận là đoàn viên công đoàn.

- Về công tác quản lý đoàn viên và quản lý thẻ đoàn viên: Đã được quy định tại mục 4.3 Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Tuy nhiên, việc quản lý đoàn viên và quản lý thẻ đoàn viên chưa thực sự hiệu quả, do việc kết nạp, cấp thẻ đoàn viên có nơi có, nơi không, chưa đồng bộ, chưa thống nhất trong toàn hệ thống Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, đề nghị Tổng Liên đoàn khẩn trương hoàn thành phần mềm dữ liệu quản lý đoàn viên và quản lý thẻ đoàn viên đã và đang triển khai.

4.1.2 Về cán bộ công đoàn: Khái niệm, nhiệm vụ, quyền hạn, đề nghị giữ nguyên Điều 5, Chương I, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.2 Về nguyên tắc và hệ thống tổ chức: Hệ thống tổ chức; đại hội, hội nghị công đoàn các cấp; nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn; ban chấp hành; đoàn chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp... Đề nghị giữ nguyên như Chương II, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.3 Về công đoàn cấp cơ sở: Điều kiện thành lập, hình thức tổ chức; trình tự, thủ tục thành lập, giải thể; nhiệm vụ của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, đề nghị giữ nguyên như Chương III, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.4 Về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Thẩm quyền thành lập, đối tượng tập hợp, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đề nghị giữ nguyên như Chương IV, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.5 Về cấp Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương: Đối tượng tập hợp, nhiệm vụ, quyền hạn, đề nghị giữ nguyên như Chương V, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.6 Cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nhiệm vụ, quyền hạn, đề nghị giữ nguyên như Chương VI, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.7 Về công tác nữ công: Tiêu chuẩn, điều kiện lập ban nữ công ở các cấp công đoàn; nhiệm vụ, quyền hạn của ban nữ công, công tác nữ công, đề nghị giữ nguyên như Chương VII, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.8 Về công tác tài chính và tài sản công đoàn: Quy định về thu – chi tài chính, quản lý tài chính, tài sản công đoàn:

- Về quy định về thu – chi tài chính: Đã được quy định rõ tại Điều 26 và hệ thống các văn bản về tài chính, kế toán dùng cho công đoàn các cấp. Tuy nhiên, để phù hợp với mô hình tổ chức và đặc thù của từng tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (CĐCTTTCS), đề nghị Tổng Liên đoàn cần phân loại mô hình tổ chức CĐCTTTCS khối quận huyện với mô hình tổ chức CĐCTTTCS hiện đang quản lý số công đoàn cơ sở (CĐCS) phân tán tại các địa phương.

4.9 Về công tác kiểm tra, giám sát công đoàn: Tiêu chuẩn, số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra; điều kiện thành lập, giải thể ủy ban kiểm tra, phân công cán bộ làm công tác kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra công đoàn...

- Về phân công cán bộ làm công tác kiểm tra: Hiện nay còn nhiều bất cập, do đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS đều là cán bộ không chuyên trách, thời gian dành cho hoạt động của ủy ban kiểm tra còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên môn về công tác tài chính, kế toán, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nên trong quá trình kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc kiểm tra đồng cấp, chủ yếu là đồng thuận với báo cáo quyết toán tài chính, chưa chỉ ra được tồn tại, khuyết điểm và nguyên nhân. Do vậy chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, mà chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.

4.10 Công tác khen thưởng kỷ luật: Đề nghị giữ nguyên như Chương X, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

4.11 Chấp hành Điều lệ CĐVN: Đề nghị giữ nguyên như Chương XI, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII sự kế thừa, tổng hợp ý chí, nguyện vọng cũng như phát huy các ý kiến đóng góp của cán bộ, đoàn viên, người lao động của các cấp công đoàn để xây dựng nền tảng vững chắc cho tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị. Điều lệ đã bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp thay vào đó nhiều điểm mới đảm bảo tính khoa học, thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp cho việc triển khai tại các cấp công đoàn thuận lợi và đạt hiệu quả.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Việc thực hiện chế độ báo cáo

Đối với việc thực hiện chế độ báo cáo sơ, tổng kết hàng năm của các cấp công đoàn là kết quả gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền đồng cấp. Vì vậy đề nghị các ban chuyên đề công đoàn cấp trên nên chủ động xây dựng các biểu mẫu số liệu theo yêu cầu và phối hợp với văn phòng tổng hợp để triển khai một lần tới các cấp công đoàn. Tránh tình trạng có quá nhiều hướng dẫn báo cáo dẫn đến số liệu không chính xác, trong khi đó đội ngũ cán bộ CĐCS 100% là cán bộ không chuyên trách.

2. Công tác tổ chức, cán bộ

2.1 Về việc đổi thẻ đoàn viên: Kế hoach số 102/KH-CĐN ngày 10/5/2017 của Ban Thường vụ Công đoàn Ngành về việc đổi thẻ đoàn viên và Kế hoạch số 42/KH-CĐN ngày 31/01/2019, kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện phần mềm quản lý đoàn viên của Tổng Liên đoàn gặp nhiều khó khăn, do thời gian triển khai quá dài (từ năm 2017 đến nay 2022) và không nhất quán trong việc kê khai phần mềm, nên dẫn đến việc CĐCS đã kê khai, duyệt xong trên hệ thống, thì Tổng Liên đoàn lại nâng cấp thêm phần duyệt in thẻ. Trong khi đó cán bộ CĐCS và người lao động luôn có sự biến động do thay đổi hoặc chuyển công tác đã ảnh hưởng đến việc đào tạo cán bộ mới cũng như việc cập nhật thông tin của đoàn viên trên hệ thống gây mất nhiều thời gian.

2.2 Đối với quy định hồ sơ quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp công đoàn: Hướng dẫn số 05/HD-ĐĐ ngày 14/02/2020 của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn còn quá nhiều văn bản mang tính thủ tục hành chính, gây nên nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cán bộ tại cơ sở. Vì thực tế cán bộ CĐCS là cán bộ kiêm nhiệm, bận nhiều công tác chuyên môn nên khi được quy hoạch thì từ chối, không muốn tham gia công tác công đoàn và chỉ tham gia khi có sự phân công của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị. Vì vậy đối với hồ sơ quy hoạch cán bộ nên phân thành 02 loại, gồm:

- Hồ sơ quy hoạch dành cho cán bộ chuyên trách thực hiện theo Hướng dẫn số 05/HD-ĐĐ của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Hồ sơ quy hoạch cho cán bộ không chuyên trách chỉ quy định, gồm: Tờ trình, báo cáo kết quả kiểm phiếu và danh sách trích ngang. Đối với hồ sơ cán bộ không chuyên trách chỉ yêu cầu những điều kiện, quy định cần và đủ thực hiện theo Hướng dẫn số 05/HD-TLĐ của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn khi được giới thiệu tham gia bầu cử tại các cấp công đoàn.

2.3 Chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách: Tại Điều 4, mục 5.2 về quản lý cán bộ công đoàn chuyên trách quy định: Cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn, do công đoàn trực tiếp quản lý, thực hiện chính sách cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý của Đảng và Tổng Liên đoàn. Tuy nhiên, trong những năm qua từ năm 2013 đến nay cán bộ công đoàn chuyên trách Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã không được hưởng chế độ phụ cấp 30% theo quy định tại Hướng dẫn số 05/HD/BTCTWW ngày 01/7/2011của Ban Tổ chức Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

3. Công tác tài chính

3.1 Về phân phối nguồn thu tài chính: Quyết định số 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính cho CĐCS và công đoàn cấp trên cơ sở. Theo đó, đối với công đoàn cấp trên cơ sở được sử dụng phần kinh phí do CĐCS nộp lên năm 2016 là 34% số thu kinh phí công đoàn, các năm tiếp theo mỗi năm giảm 1%.

Tuy nhiên, tại Quyết định 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/3022 Quyết định về việc ban hành quy định thu – chi quản lý tài chính, tài sản CĐCS thì phần thu của CĐCTTTCS hiện nay chỉ được sử dụng kinh phí do CĐCS nộp lên còn 25%. Điều đó đã gây khó khăn cho Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay đang có 06 tổ chức CĐCS rải rác các tỉnh thành, gồm: TP Vinh, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ và Tiền Giang. Hàng năm, nếu tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ tại CĐCS phía Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí không đủ để chi tiền vé máy bay, phòng nghỉ cho cán bộ được cử đi công tác. Vì vậy đề nghị Tổng Liên đoàn có cơ chế tăng nguồn kinh phí đối với các đơn vị trực tiếp quản lý số CĐCS phân tán ở nhiều địa phương.

3.2 Xóa nợ nguồn thu kinh phí thực hiện Nghị quyết 09c ngày 18/10/2016 của Tổng Liên đoàn trong báo cáo duyệt quyết toán hàng năm. Vì thực tế thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ, giá cả thị trường... trong khi đó nội dung chi tại CĐCS chủ yếu dành cho hoạt động thăm hỏi đoàn viên, nên mục chi hành chính và chi tổ chức các hoạt động phong trào là do cán bộ, đoàn viên tự đóng góp và có sự hỗ trợ của chính quyền đồng cấp.

3.3 Đề nghị Tổng Liên đoàn và Công đoàn Ngành duy trì việc hỗ trợ kinh phí xây nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

4. Công tác thi đua khen thưởng

4.1 Đối với công tác phân bổ chỉ tiêu khen thưởng cuối năm: Khi phân bổ chỉ tiêu khen thưởng cấp Công đoàn ngành và Tổng Liên đoàn, đề nghị nên căn cứ phân loại tỷ lệ chỉ tiêu theo từng lĩnh vực ngành nghề, bao gồm khối quản lý Nhà nước và khối Doanh nghiệp. Tránh tình trạng nơi cần thì không có, nơi có thì không cần.Vì thực tế khối doanh nghiệp đã cổ phần hóa nên người lao động và người sử dụng lao động ít quan tâm đến công tác khen thưởng. Trong khi đó khối quản lý Nhà nước, đặc biệt là khối Viện nghiên cứu thì chỉ tiêu hạn chế nên khó khăn trong việc xét, chọn.

4.2 Đối với giải thưởng Nguyễn Văn Linh, giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh: Đây là hai giải thưởng cao quý xét, chọn cho các cá nhân là cán bộ công đoàn, đoàn viên và công nhân lao động. Vì vậy, đề nghị Công đoàn Ngành nên phân bổ trực tiếp để các đơn vị xét chọn. Tránh tình trạng chỉ tiêu ít, nhưng có quá nhiều hồ sơ dẫn đến việc các cá nhân mặc dù đủ điều kiện nhưng không hào hứng làm hồ sơ tham gia xét, chọn giải thưởng.

4.3 Đối với việc sắp xếp cụm khối thi đua: Nên sắp xếp đúng vị trí chuyên ngành không nên sắp xếp các đơn vị đan xen, vì không phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, nên dẫn đến việc bình xét mang tính hình thức. Bên cạnh đó cần sự giám sát, đánh giá của công đoàn cấp trên chứ không giao phó kết quả xét khen thưởng cho các cụm thi đua. Vì sẽ không phát huy giá trị thực tiễn của phong trào.

4.4 Đối với việc xét tặng Bằng Lao động sáng tạo: Đề nghị Tổng Liên đoàn rà soát lại tiêu chí và đánh giá quy chuẩn phù hợp với từng đặc thù chuyên ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng. Cụ thể: Đối với việc nghiên cứu ứng dụng để sản xuất ra giống rau, hoa, lúa, ngô, đậu đỗ… thời gian từ 5 đến 7 năm nên việc đánh giá hiệu quả kinh tế cho con số định lượng.

Đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản được nghiệm thu sản xuất thử hay công nhận chính thức thì hiệu quả kinh tế mang lại đều vượt trội và đạt từ 10 - 15% hiệu quả sản xuất thì Bộ Nông nghiệp và PTNT mới ra quyết định công nhận. Đề tài nghiên cứu cơ bản không đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt mà mục đích là tạo ra sản phẩm mới, phục vụ lâu dài. Ví dụ: đối với các giống cây ăn quả, cây công nghiệp thời gian nghiên cứu, chọn tạo để phục vụ lâu dài từ 12-18 năm mới cho ra sản phẩm nên không thể đánh giá định lượng số tiền làm lợi trước mắt. Vì thực tế có những nhà khoa học, cả đời công tác cũng chỉ có 1 – 2 công trình nghiên cứu thành công và đến tuổi hưu.

Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu thổ nhưỡng (đất), phân bón, môi trường, bảo tồn nguồn gen đã có rất nhiều lợi ích góp phần nâng cao năng suất cho các giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, môi trường nhưng không mang lại giá trị hiệu quả kinh tế bằng con số định lượng, thì vô hình chung đối với các nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản đã không đủ điều kiện trong các tiêu trí xét Bằng Lao động sáng tạo và không được Tổng Liên đoàn tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Từ khóa » điều Lẹ Công đoàn Việt Nam