Hội Nghị Liên Tịch Thường Niên Giữa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Và ...
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến |
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Về phía Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài cùng các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị |
Báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2021, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, năm 2021, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là phối hợp trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, với tỷ lệ 99,60% cử tri tham gia bỏ phiếu bầu được 499 đại biểu Quốc hội; 3721 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện, 239.788 đại biểu HĐND cấp xã bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần và số lượng theo quy định của pháp luật. Ngày bầu cử đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân thể hiện ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước.
Phương thức phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng được đổi mới về nội dung và hình thức; có sự trao đổi, bàn bạc, thảo luận, thống nhất giữa lãnh đạo của hai cơ quan thông qua gặp gỡ trao đổi, hội nghị, tọa đàm và bằng văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề nghị tổ chức hội nghị sơ kết phối hợp công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2021 |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện quy chế phối hợp. Một số cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn công tác bầu cử; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kỳ họp thứ nhất và thứ hai, Quốc hội khóa XV. Văn phòng Quốc hội tích cực phối hợp trong công tác tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tổ chức hội nghị liên tịch giữa hai cơ quan.
“Nhiều ý kiến đóng góp và phản biện của Đoàn Chủ tịch là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, góp phần bảo đảm để các luật được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, việc phối hợp hướng dẫn hoạt động tiếp xúc cử tri trong tình hình dịch COVID-19 được kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế. Công tác phối hợp xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại mỗi kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, đề cao trách nhiệm của mỗi bên, góp phần phản ánh đầy đủ, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đến với Quốc hội. Cùng với đó, việc phối hợp trong hoạt động giám sát được tăng cường, nhất là giám sát bầu cử, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Trong đó, tập trung vào một số dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Công nghiệp Quốc phòng, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Dân số, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân,…
Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”; tham gia phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học đánh giá hoạt động giám sát với chuyên đề "Thực trạng công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, sự tham gia của nhân dân, báo chí trong giám sát thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước”;...
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Về trọng tâm công tác phối hợp năm 2022, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội; động viên Nhân dân đoàn kết phòng, chống dịch COVID- 19 đạt hiệu quả.
Trong công tác xây dựng pháp luật, hai cơ quan tăng cường phối hợp góp ý kiến, phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, quyền, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên; phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tập hợp, tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện một số nội dung giám sát năm 2022 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Để công tác phối hợp ngày càng thực chất, hiệu quả
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; hoạt động giám sát và công tác xây dựng pháp luật...
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua, Quốc hội và MTTQ Việt Nam đã kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ đi trước và phát huy những sáng kiến đó trong hoàn cảnh mới. Trong đó, MTTQ Việt Nam thực hiện khẩu hiệu “Đâu dân cần Mặt trận có, đâu dân khó có Mặt trận”, cán bộ Mặt trận ở các cấp “lăn xả” cùng nhân dân để lo cuộc sống cho dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đổi mới phương thức làm việc, nhiều quyết sách của Quốc hội chưa từng có đã tạo điều kiện cho Nhà nước có những quyết định kịp thời giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội Nguyễn Túc cũng cho rằng trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức của năm 2021 nhưng với sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ đó chiến thắng đại dịch, dần phục hồi kinh tế. Những thành tựu đạt được trong khó khăn càng thể hiện rõ tài năng, bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ mới vừa kế thừa và phát huy kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước vừa có sự sáng tạo, quyết liệt trong hoàn cảnh mới, bởi vậy ông Nguyễn Túc đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm cho chính sách khen thưởng đối với người có công trong đại dịch, chính sách an sinh xã hội.
Đề cập đến thực tế từ khi Luật MTTQ Việt Nam ra đời, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam không ngừng mở rộng và trách nhiệm nặng nề hơn, tuy nhiên bộ máy tổ chức của Mặt trận vẫn không có sự thay đổi. “Mặt trận giống như một chàng thanh niên trai tráng đang mặc chiếc áo của thiếu nhi” ông Nguyễn Túc bày tỏ và đề nghị Quốc hội ủng hộ cho Mặt trận có bộ máy tương xứng với chức năng, nhiệm vụ hiện nay.
Nhấn mạnh trí tuệ Mặt trận là trí tuệ của toàn dân, trong đó có sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn, vừa chuyên sâu lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Túc cho rằng cần có thêm chính sách để các thành viên Hội đồng tư vấn có thêm điều kiện để phát huy tốt hơn vai trò của mình.
Trong quá trình phối hợp, hai cơ quan đã có nhiều sự tiến bộ được nhân dân ghi nhận, đặc biệt là tinh thần đấu tranh, phản biện trong các phiên họp của Quốc hội được nhân dân hết sức đồng tình, vì vậy, ông Nguyễn Túc mong muốn, trong năm tới, hoạt động này sẽ càng tiến bộ hơn, thực hiện được khẩu hiệu của Đại hội XIII đề ra “MTTQ Việt Nam là nòng cốt chính trị để thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tất cả vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội phải thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và khơi dậy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của cử tri để nâng cao chất lượng, thực chất trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
“Tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội phải chủ động khơi dậy ý kiến của cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các chính sách pháp luật hiện hành mà trong kỳ họp Quốc hội sẽ thảo luận; đồng thời ít nhất mỗi năm một lần, đại biểu Quốc hội phải báo cáo việc thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri trong thời gian đi vận động bầu cử trước đây. Việc làm này sẽ gắn kết vai trò quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và ngược lại”, ông Đỗ Duy Thường nêu ý kiến.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung, trong đó có việc tiếp xúc cử tri, cần bổ sung cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam trong công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng phải có cơ chế đôn đốc, giám sát việc trả lời kiến nghị, như vậy mới đánh giá được kết quả, hiệu quả, thực chất của công tác này.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật GS.TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại Hội nghị |
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật GS.TS Trần Ngọc Đường mong muốn trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đi vào chiều sâu theo đúng định hướng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm công tác mặt trận. Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm duy trì các cuộc gặp mặt, hội nghị, trao đổi giữa hai cơ quan. Đặc biệt, trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần thiết thực trong phòng, chống dịch bệnh, chăm lo đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời vui mừng trong phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, hoàn thành tốt các nội dung phối hợp đã đề ra góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhận xét rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong năm 2022, hai bên cần phối hợp xây dựng pháp luật theo phương châm chuẩn bị từ sớm, từ xa. Trong đó, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn trong phản biện, góp ý theo đúng tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát cùng với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“MTTQ Việt Nam cần huy động sự vào cuộc của MTTQ tại 63 tỉnh, thành phố để phối hợp chặt chẽ với HĐND các cấp và đoàn đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác tiếp xúc cử tri”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, MTTQ Việt Nam cần chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và hơn 100.000 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân kịp thời, sâu sắc hơn, để nghe dân nói, nói dân nghe và phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.
Quyết định những vấn đề quan trọng, kịp thời, đáp ứng tốt hơn mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị |
Nhất trí với dự thảo báo cáo đã trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, thực hiện hiệu quả quy định của Pháp luật nhất là trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thành công trong công tác phối hợp phải kể đến hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đưa ra các quyết sách phục hồi, phát triển kinh tế. Nổi bật là Nghị quyết 30/2021/QH15 ban hành ngày 28/7/2021 đã thể hiện quyết tâm chính trị, kịp thời tạo khung pháp lý và cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch với những diễn biến nhanh, khó lường và hết sức phức tạp. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành với MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức vận động xã hội, hỗ trợ an sinh.
“Qua nắm bắt tình hình cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và cảm nhận sâu sắc qua 1 năm hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức kỳ họp, quyết định những vấn đề quan trọng, kịp thời, đáp ứng tốt hơn mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, công tác tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp Quốc hội vẫn chưa phản ánh hết được các góc cạnh thực tiễn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác giám sát, tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân của các Bộ ngành còn hình thức, chưa “đeo bám” đến cùng sự việc, đặc biệt các vụ việc gây bức xúc lớn trong nhân dân; công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với các dự án Luật, các nghị quyết về cơ chế, chính sách, giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước; giám sát tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoạt động của đại biểu dân cử còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả chưa cao…
Xuất phát từ thực tế triển khai nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ thông qua Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; cơ cấu, vị trí, chức năng, chế độ chính sách của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc xây dựng dự án Luật giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trước mắt ủng hộ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, hiện nay Ban soạn thảo Luật Thanh tra đã bỏ chế định thanh tra nhân dân trong dự thảo luật và đưa chế định này vào dự thảo luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nhưng thực tế thanh tra nhân dân là chế định hết sức quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, dân là chủ, bởi vậy, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ theo hướng giữ nguyên chế định thanh tra nhân dân trong luật thanh tra đến khi ban hành Luật giám sát, phản biện xã hội được chấp thuận thông qua.
“Nếu đưa chế định thanh tra nhân dân vào luật thực hiện dân chủ cơ sở thì phải đảm bảo nội dung đầy đủ, toàn diện và khả thi hơn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị |
"Mặt trận luôn gần gũi, sâu sát với các tầng lớp Nhân dân"
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là tổ chức đại diện của Nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. MTTQ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội; chú trọng các công tác tôn giáo, dân tộc; tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch; có nhiều cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh,…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng được quan tâm, củng cố, tăng cường; nhất là từ khi Quy chế phối hợp được ban hành năm 2003, sau đó tổng kết 15 năm thực hiện để sửa đổi, ban hành thay thế năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để hai bên triển khai hiệu quả, nghiêm túc, thực chất, các lĩnh vực, nội dung cam kết phối hợp công tác.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, thách thức vô cùng to lớn của năm 2021 sự phối hợp giữa hai cơ quan lại càng được đẩy mạnh, chặt chẽ, thường xuyên góp phần tích cực trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua thách thức, kịp thời giải quyết những việc mới, việc khó, việc chưa từng có tiền lệ.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác phối hợp chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hưởng ứng lời kêu gọi ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch COVID-19; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường phối hợp quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia các kỳ họp, phiên họp, các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp hướng dẫn hoạt động tiếp xúc cử tri trong tình hình dịch COVID-19; thường xuyên lắng nghe, ghi nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp; đồng thời, gửi kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét, giải quyết.
"Mặt trận luôn gần gũi, sâu sát với các tầng lớp Nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội nghị |
Nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 16/8/2021; làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối vững chắc giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh năm 2022 có rất nhiều việc đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn nữa giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với trọng tâm công tác phối hợp đã đề ra và đề nghị quan tâm một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội.
Ba là, trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, đối với chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham gia các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả
Bốn là, hai bên tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phối hợp thường xuyên: Tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng tiếp xúc cử tri để thu hút rộng rãi, đông đảo cử tri tham gia với tinh thần luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; Tăng cường trao đổi thông tin về chương trình và kết quả công tác
Năm là, đề nghị nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan để chuẩn bị sang năm có thể sơ kết 05 thực hiện, sửa đổi những vấn đề nếu xét thấy cần thiết cho phù hợp với tình hình mới.
Sáu là, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu; chủ động đề xuất các chương trình cụ thể nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác.
Hương Diệp - ảnh Kỳ Anh
Từ khóa » Các ủy Ban Thuộc Quốc Hội
-
Ủy Ban Của Quốc Hội (Việt Nam) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hội đồng Dân Tộc Và Các Uỷ Ban Của Quốc Hội
-
Các Cơ Quan Quốc Hội
-
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Danh Sách 17 Thành Viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ... - VnExpress
-
Toàn Văn - Trung ương
-
Danh Sách 9 Chủ Nhiệm Các Uỷ Ban Của Quốc Hội Vừa được Bầu
-
Câu 10. Cơ Cấu Tổ Chức Của Quốc Hội được Quy định Như Thế Nào?
-
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Cho ý Kiến Bước đầu Về Kỳ Họp Thứ 4
-
Thông Tin Tổng Hợp - Chính Phủ
-
Quy Chế Hoạt động Của Các Uỷ Ban Của Quốc Hội - LuatVietnam
-
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Thông Qua Nghị Quyết Về Chức Năng ...
-
CSDLVBQPPL Bộ Tư Pháp - Tổ Chức Quốc Hội
-
Các Cơ Quan Của Quốc Hội Việt Nam Và Lào Chia Sẻ Kinh Nghiệm