Hội Nghị Phát Triển Giáo Dục Và đào Tạo Vùng Tây Nguyên - Bộ GD&ĐT

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Văn phòng Chính ủy, Ủy ban dân tộc và lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên.

Vũng trũng giáo dục, đào tạo

Khu vực tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Thống kê đầu năm học 2017-2018 từ các Sở GD&ĐT cho thấy, số học sinh từ mầm non đến hết các cấp phổ thông khu vực Tây Nguyên hiện lên tới 1.445.275 học sinh, trong đó đông nhất là Đắk Lắk.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội nghị

Số học sinh tốt nghiệp THPT được đào tạo tiếp tục sau trung học phổ thông hoặc tham gia thị trường lao động hàng năm xấp xỉ 60 nghìn và đang có xu hướng giảm, đây là lực lượng nòng cốt cho nguồn nhân lực trình độ cao của Tây Nguyên.

Tỷ lệ lao động được đào tạo ở khu vực Tây Nguyên tăng khá chậm so với cả nước, bình quân mỗi năm tăng lên chưa tới 1%. Tây Nguyên hiện vẫn là vùng có tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực “nông, lâm nghiệp và thủy sản” cao nhất (72,2%).

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 20 trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp và CĐ nghề. So với các vùng kinh tế khác, Tây Nguyên hiện có số lượng các trường ĐH, CĐ ở mức thấp nhất nước, trong đó tỉnh Đắk Nông hoàn toàn “trắng” trường ĐH, CĐ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong vùng thấp, mới chỉ đạt 26,3% (chỉ tiêu đến 2015 là 35%), chất lượng đào tạo còn hạn chế.

Tây Nguyên cũng là một trong số các vùng trũng giáo dục khi tỉ lệ bỏ học vẫn còn khá cao, trong đó ở cấp tiểu học là 0,3% (cả nước 0,16%, Tây Bắc 0,1%, ĐBSCL 0,45%); cấp THCS 1,3% (cả nước 1,37%, Tây Bắc 1,04%, ĐBSCL 3,26%); cấp THPT 1,32% (cả nước 1,79%, Tây Bắc 1,99%, ĐBSCL 3,94%) và ở một số huyện, xã đang có chiều hướng tăng cao. Đáng chú ý là số học sinh thuộc dân tộc rất ít người chiếm đến 70% số học sinh bỏ học.

Là đơn vị trực tiếp khảo sát và xây dựng báo cáo tổng quan định hướng quy hoạch và cơ chế chính sách phát triển giáo dục và đào tạo khu vực Tây Nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM đã đề xuất một số cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo đó, cần xây dựng, ban hành các chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ cán bộ thôn bản, xã, huyện; mở rộng đối tượng cử tuyển và có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc rất ít người trong việc học tập, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm;

Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật từ nơi khác về công tác lâu dài ở Tây Nguyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ; xây dựng lộ trình và giải pháp nâng cao chất lượng các trường ĐH, CĐ hiện có và đầu tư các trung tâm dạy nghề trên địa bàn.

Kiến nghị chính sách đặc thù cho giáo dục, đào tạo Tây Nguyên

Trao đổi tại Hội nghị, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay vấn đề tăng trưởng dân số và di dân tự do đang đặt ra khó khăn cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, đào tạo. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song giáo dục Đắk Nông vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, tỷ lệ xóa mù bấp bênh…

Các đại biểu dự hội nghị

Từ đó, bà Hạnh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét có cơ chế bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Đắk Nông để tuyển dụng thêm giáo viên; bố trí, ưu tiên phân bổ kinh phí từ nhiều nguồn đặc biệt là từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2016-2020 cho tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với giáo dục và đào tạo các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng nhằm đẩy nhanh sự phát triển  giáo dục, đào tạo của khu vực này.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc bố trí sinh viên sư phạm và sinh viên cử tuyển ra trường tại địa phương hiện nay, bà H'yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Lắk đề xuất nên xem xét lựa chọn một số ngành cử tuyển phù hợp với thực tiễn của các địa phương, trước mắt nên ngừng cử tuyển hai ngành Sư phạm và Y vì đã thừa nguồn sử dụng, riêng ngành Y, bà H'yim Kdoh cho rằng, nếu tiếp tục cử tuyển thì nên gắn với địa chỉ sử dụng.

Bà H'yim Kdoh cũng kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên đầu tư cho tỉnh Đắk Lắk để triển khai Đề án xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, tăng mức học bổng của học sinh trường phổ thông DTNT học sinh học ở trường, lớp bán trú để đảm bảo việc nuôi dạy các em tốt hơn.

Cùng chung những khó khăn như Đắk Nông và Đắk Lắk, bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu thêm ý kiến, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Về việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới, các địa phương khu vực Tây Nguyên đồng tình với chủ trương giãn tiến độ một năm của Chính phủ, tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng bày tỏ sự lo lắng khi đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Vì vậy, các địa phương cùng chung kiến nghị sẽ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành liên quan về cơ chế, chính sách, ưu tiên ngân sách để trước mắt có thể đáp ứng được những điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và xa hơn là đưa Tây Nguyên thoát khỏi vũng trũng giáo dục, đào tạo.

Giải quyết bài toán quy hoạch mạng lưới linh hoạt

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, khu vực Tây Nguyên và các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giáp Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, vì vậy, đây luôn là khu vực nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách cụ thể, trong đó có những chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận Hội nghị

Theo Bộ trưởng, thời gian qua giáo dục, đào tạo khu vực Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng để đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có điều kiện và chất lượng giáo dục thấp nhất cả nước, điều này đòi hỏi giáo dục Tây Nguyên phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Do đặc thù địa hình chia cắt, điều kiện đi lại khó khăn nên hiện nay ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên tồn tại nhiều trường và điểm trường nhỏ lẻ, vì vậy, theo Bộ trưởng, việc dồn dịch, quy hoạch là cần thiết nhưng phải được triển khai linh hoạt với yêu cầu cao nhất là chất lượng, hiệu quả và đảm bảo các điều kiện tối thiểu về ăn ở cho học sinh bán trú, nội trú.

Để giúp các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng như các khu vực khó khăn khác trong cả nước có được nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, Bộ trưởng thông tin, tới đây Chính phủ sẽ xem xét để cơ cấu lại ngân sách cho giáo dục theo hướng, phổ thông ưu tiên phổ cập, phổ cập ưu tiên vùng trũng, ngân sách sẽ được sử dụng cho việc đầu tư để lấp trũng.

Về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng lưu ý, việc thừa thiếu cục bộ là vấn đề đang diễn ra ở một số địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, vì vậy, các tỉnh cần chủ động rà soát đội ngũ để tham mưu cho địa phương cũng như kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để cân đối, sắp xếp đội ngũ. Trước yêu cầu đổi mới, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng, đào tạo lại theo các chuẩn, quy chuẩn mới, đồng thời chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận đổi mới.

Về một trong những mối quan tâm của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học, bắt đầu từ lớp 3 trong khi ở nhiều nơi trong khu vực lứa tuổi đó vẫn đang phải dạy tiếng Việt, Bộ trưởng cho rằng, Tây Nguyên là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế quá trình chỉ đạo Bộ GD&ĐT cũng có tính đến đặc thù này và sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện thực hiện. Đồng thời cần sớm chuẩn bị phần nội dung chương trình giáo dục địa phương trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ khóa » Các Tỉnh Bắc Tây Nguyên