Hội Nghị Tập Huấn Hướng Dẫn Tăng Cường Công Tác điều Trị Sốt Xuất ...

Bộ Y tế nhận định nguy cơ số xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Nam. Vì vậy, sáng 22/06/2022, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị sốt xuất Dengue do PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế có đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; WHO… Tại điểm cầu 63 tỉnh/thành phố có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố; Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị liên quan.

PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tuần 24 năm 2022, cả nước ghi nhận 9.309 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 01 tử vong tại Khánh Hòa. So với tuần trước (8.639/3) số mắc tăng 7,8%. Trong đó, số nhập viện là 6.773/1, so với tuần trước (6.621/3) số nhập viện tăng 2,3%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc, 29 tử vong tại Bình Dương (7), Thành phố Hồ Chí Minh (6), Tây Ninh (5), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1). So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/05) số mắc tăng 97%, tử vong tăng 24 trường hợp. Số mắc 6 tuần đầu năm giảm so với cùng kỳ 2021, có xu hướng đi ngang từ tuần 7 và tăng cao liên tục từ tuần 14 đến nay, so với diễn biến dịch trung bình giai đoạn 2017-2021 số mắc tăng sớm khoảng 1 tháng.

Tại khu vực miền Nam số mắc trong tuần này chiếm 81% số mắc cả nước, riêng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần ghi nhận số mắc chiếm 23% số mắc cả nước, 8 tỉnh khu vực miền Nam (An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, TPHCM) chiếm 69% số mắc trong tuần của cả nước.

Khu vực miền Trung đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại Khánh Hòa. Số tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 28/29 ca tử vong (chiếm 96,6%), khu vực miền Trung (3,4%). Tỷ lệ mắc/100.000 dân của khu vực miền Nam cũng cao nhất cả nước (123,4/100.000 dân).

“Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 là 6.867 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Riêng tuần 21 (từ ngày 20/05/2022 đến 26/05/2022), TP.HCM ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng... có thể dẫn đến tử vong.

“Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh”- Thứ trưởng khẳng định.

Đại diện WHO cho biết, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue; biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để phòng, chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng.

Hình ảnh các điểm cầu tham dự hội nghị

Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong do sốt xuất huyết Dengue (SXHD) gây ra, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh cho biết, về chuyên môn các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh SXHD theo phân độ tại Cẩm nang điều trị SXHD; Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019, không truyền dịch khi chưa có chỉ định; Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải khi người bệnh ra sốc theo hướng dẫn; Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên.

Chỉ đạo các cơ sở tăng cường việc theo dõi người bệnh SXHD đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXHD có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết;

Củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Nhóm điều trị SXHD bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp SXHD do 01 lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc SXHD;

Đối với các trường hợp nặng cần chuyển tuyến phải thông báo và ghi chép đầy đủ thông tin vào giấy chuyển viện SXHD; Truyền thông số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện để người dân gọi hỗ trợ khi cần ; Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về cách nhận biết người bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay; In và phát tờ rơi hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh…

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tập huấn và phổ biển một số nội dung như: công tác điều trị SXHD và một số giải pháo nâng cao chất lượng điều trị, giảm tử vong do SXHD; tình hình sốt xuất huyết thế giới và cập nhật hướng dẫn điều trị điểm chính; tình hình cung ứng dịch truyền cao phân tử điều trị sốc SXHD; chẩn đoán, theo dõi, điều trị SXHD ngoại trú ở trẻ em; một số lỗi thường gặp trong theo dõi, điều trị SXHD nội trú ở trẻ em; chuyển viện an toàn; theo dõi, điều trị SHXD nội trú ở trẻ em; những lưu ý trong theo dõi điều trị nội trú SXHD ở trẻ em; cách tổ chức một đơn vị khám và điều trị SXHD; chẩn đoán, điều trị SXHD ngoại trú người lớn; theo dõi, điều trị SXHD nội trú người lớn; những lưu ý trong theo dõi, điều trị nội trú SXHD người lớn và chuyển viện an toàn./.

Từ khóa » Chẩn đoán Sốt Xuất Huyết Dengue Bộ Y Tế 2019