Hồi Sinh Loài Sâm Bảy Lá Một Hoa | Báo Dân Tộc Và Phát Triển

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh (giữa) kiểm tra vườn sâm quý
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh (giữa) kiểm tra vườn sâm quý

Đường đi vào xã Tây Sơn không quanh co, ngoằn ngoèo như các xã khác. Ở đây, bà con gần như còn giữ nguyên vẹn những mái nhà bằng gỗ sa mu, đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Tây Sơn địa hình không thuận lợi, diện tích ruộng nước không nhiều, bà con chủ yếu sống nhờ vào rừng. Vì thế mà khi hay tin có người “rước” được sâm bảy lá một hoa từ rừng về vườn, thì ai cũng rất vui.

Ông Vừ Bả Tềnh, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, vui ra mặt: Phùa ua thểnh (cây bảy lá một hoa), người Mông ta gọi là sùa thểnh, nghĩa là thôi bệnh nhanh. Loài cây này mọc ở trong rừng sâu, nó quý lắm, nếu bị tiêu chảy chỉ cần nhai mấy lát là cầm ngay tắp lự. Từ xa xưa, các cụ đã sử dụng nó làm thuốc, dần dà phát hiện nó còn có công dụng tăng cường sinh lực, chữa bệnh cao huyết áp… nên càng nhiều người tìm kiếm. Nhiều năm nay, giống cây này không còn nhiều nữa, đi cả ngày trời chưa chắc đã tìm được củ nào. May thay có ông Vừ Vả Nù trồng thành công một ít trong vườn, thế là bà con thi nhau trồng theo.

Theo lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Vừ Vả Nù ở bản Huồi Giảng 2. Việc đầu tiên phải làm là chào chủ nhà bằng rượu sùa thểnh. Bữa nay ông Nù hơi mệt không uống được rượu, nên vợ ông tiếp khách thay chồng. Mỗi người phải uống hai chén rượu mới được, vì cái lý của bà con là “con ong bay đi, con ong phải bay về”. Ôi chao, cái loại rượu dễ uống làm sao, nhấp đến giọt cuối cùng vẫn còn thơm phức. “Rượu sùa thểnh đấy. Uống xong thì leo dốc khỏe phải biết, nhất là leo cái dốc kia…”, ông Nù vừa nói vừa cười vang.

Đúng là phải leo dốc thật, nhưng là leo xuống, vì bà con ở đây ở trên cao, còn vườn thì tận dưới sâu. Ông Nù từ từ mở khóa, cẩn thận xếp đặt cái cổng bằng tấm lưới B40, cười với khách: Sâm này dễ bị đào trộm nên ta phải rào giậu cẩn thận. Trời lắc rắc mưa, đất dốc trơn kinh khủng. Nếu không có anh cán bộ bản níu tay, chắc tôi phải văng xuống hàng chục mét.

Chỉ vào những bụi cây cao tầm nửa mét, ông Nù giới thiệu: Đây, đây là sâm bảy lá một hoa. Đoạn ông giảng giải, loài sâm này mỗi năm chỉ ra một lá và chỉ ra đến 7 lá mà thôi. Và nó chỉ đơm một bông hoa duy nhất. Khi cây ra lá thứ 7, có nghĩa nó đã được 7 tuổi và đó cũng là lúc thu hoạch sâm tốt nhất. Mỗi cây có một củ, từ khoảng 7 lượng đến hơn 1kg. Với giá thị trường hiện nay thì mỗi kg sâm này có giá hơn 1 triệu đồng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, khách vào tận vườn mua luôn. “Năm ngoái, ta bán quạ cho người ta một khoảnh nho nhỏ dưới kia, được 40 triệu đồng đấy”, ông Vừ Vả Nù hào hứng.

Ông Vừ Vả Nù giới thiệu về cây sâm bảy lá một hoa
Ông Vừ Vả Nù giới thiệu về cây sâm bảy lá một hoa

Không biết có phải ngấm men sùa thểnh hay không, mà tôi cứ phăm phăm leo hết vườn nhà ông Nù đến nhà anh Vừ Bá Tủa. Anh Tủa còn trẻ nhưng lại rất hào hứng với loài sâm này. Anh cho biết, sau khi ông Nù trồng thành công, anh đã cất công đi tìm hiểu về loài sâm. Không như ông Nù vào rừng “rước” sâm về, anh Tủa ra tận Sa Pa để tìm mua giống. Hiện anh đã trồng được 1.000 gốc và sẽ tiếp tục trồng thêm 5.000 gốc nữa. “Nhà ta có gần 4.000 m2 đất vườn, phải trồng thêm 5.000 gốc sâm mới hết đất. Loài sâm này không cần phải chăm bón, không tốn tiền phân, trồng xuống, khoảng từ 5 năm là thu hoạch được rồi”, anh Tủa nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì cho biết: “Khi phát hiện loài sâm quý, tôi đã chỉ đạo anh em Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, giống cây cho bà con. Trước mắt đã có 9 hộ gia đình ở xã Tây Sơn đăng ký trồng thử nghiệm với diện tích 7 ha. Tin rằng, loài sâm bảy lá một hoa này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thậm chí là làm giàu cho bà con xã Tây Sơn”.

Để quốc bảo trở thành “quốc kế dân sinh”

Từ khóa » Tác Dụng Của Củ Bảy Lá Một Hoa