Hồi Sức Trên Bụng Mẹ, Cứu Trẻ Sinh Non - Tâm Anh Hospital

Sản phụ 41 tuổi bị đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, u xơ tử cung và ung thư tuyến giáp, nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con, đã vượt cạn an toàn tại BVĐK Tâm Anh TP HCM.

Chị Nguyễn Hồng Yên (41 tuổi, TP.HCM) nhập viện ở tuần thai 32, huyết áp và đường huyết lên xuống thất thường, thai chậm tăng trưởng nặng, có nguy cơ đột tử trong bụng mẹ. Các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM đã hội chẩn khẩn và quyết định mổ cấp cứu lấy thai. Do chậm tăng trưởng bào thai từ tuần thứ 18, trẻ chào đời với cân nặng chỉ 1.340gr, tím tái, suy hô hấp. Nhờ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Sơ sinh, phác đồ giờ vàng – đặc biệt là “phút vàng” dành cho trẻ sinh non ngay lập tức được áp dụng, các chuyên gia thực hiện hồi sức sơ sinh ngay trên bụng mẹ khi dây rốn vẫn còn đập để trẻ ổn định hô hấp, tuần hoàn, mạch, huyết áp, phòng ngừa biến chứng sinh non. 

Ngay sau đó, trẻ cũng được ổn định thân nhiệt bằng giường sưởi, túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở, giúp cải thiện trao đổi khí ngay trước khi kẹp rốn. Quyết định cắt rốn chậm cũng nhằm cung cấp cho bé thêm một lượng máu vào cơ thể, giúp giảm tỷ lệ phải truyền máu sau sinh, giảm tỷ lệ xuất huyết não. 

“Với tình trạng thai giới hạn tăng trưởng xuất hiện sớm, chậm tăng trưởng nặng trong tử cung, mẹ tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, phải bổ sung nội tiết tuyến giáp…, các khuyến cáo hiện nay trên thế giới đều cho rằng nên kết thúc thai kỳ ở tuổi thai 32 tuần tránh nguy cơ đột tử trong bụng mẹ bất cứ khi nào. Dự báo này cũng là cơ sở để chúng tôi chỉ định cho sản phụ tiêm corticoid, steroid hỗ trợ phổi và giảm hội chứng suy hô hấp cấp cho thai nhi có nguy cơ sinh non. Sản phụ cũng được truyền magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi vì những trẻ sinh non từ 32 tuần trở xuống có nguy cơ cao bại não hoặc tổn thương não”, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, người trực tiếp mổ lấy thai cho chị Yên cho biết.

Sau 3 tuần điều trị, cân nặng của em bé đạt 1.900 gram, sức khỏe hoàn toàn ổn định, có thể tự bú mẹ, giữ thân nhiệt ổn định và có thể xuất viện an toàn. 

hoi suc so sinh tren bung me
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM thực hiện ca mổ bắt thai cho sản phụ Hồng Yên. Ảnh: Phong Lan

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, chị Hồng Yên mang thai sau nhiều năm vô sinh thứ phát. Lúc này, tuổi đã ngoài 40, nguy cơ cao thai nhi mang các bệnh về nhiễm sắc thể, chưa kể sản phụ lại mắc bệnh lý phức tạp: tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường thai kỳ, ung thư tuyến giáp đang điều trị bằng thuốc hóa trị liệu.  

“Từ tuần thứ 18 thai kỳ, ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của chứng tăng huyết áp và đái tháo đường ở mẹ, chúng tôi đã tiên lượng được những nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và con. Vì thế chúng tôi đã theo dõi vô cùng sát sao, sản phụ cũng hợp tác triệt để nhằm giữ thai trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Để giữ được thai trong bụng mẹ suốt hơn 3 tháng khi huyết áp mẹ liên tục “nhảy múa”, đến hôm nay (32 tuần) là cả một kỳ công của gia đình sản phụ và ekip y bác sĩ”, bác sĩ Mỹ Nhi nhớ lại.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tình trạng tăng huyết áp trước 20 tuần thai được coi là mạn tính, chính là khởi đầu bất lợi cho thai vì bé sẽ khởi phát giới hạn tăng trưởng sớm, khiến thai nhi còi cọc kèm nguy cơ sinh non với rất nhiều bất lợi. Sản phụ còn bổ sung nội tiết tuyến giáp liên tục do nhược giáp, từng phẫu thuật cắt trọn tuyến giáp và hóa trị liệu để điều trị ung thư tuyến giáp. 

“Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt, mẹ có nguy cơ bị xuất huyết não, tai biến mạch máu não, đột quỵ và thai nhi chậm tăng trưởng, có khả năng mất tim thai. Chưa kể tình trạng đường huyết của mẹ lên xuống thất thường do đái tháo đường thai kỳ khiến thai nhi có nguy cơ chết lưu trong bụng mẹ. Suốt thai kỳ, cả hai sinh mạng thai phụ và thai nhi đều gặp nguy hiểm và cần được bảo vệ. Từ giai đoạn 18 tuần cho đến thời điểm sinh, sản phụ và cả ekip bác sĩ sản khoa chúng tôi đã trải qua những tháng ngày vô cùng căng thẳng”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.

be trai chao doi o tuan 32
Bé trai chào đời ở tuần thai 32, nặng 1.340 gram. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Để giữ thai cho chị Yên, không chỉ bác sĩ Sản khoa mà bác sĩ Tim mạch, bác sĩ Nội tiết cũng “vào cuộc” và phối hợp chặt chẽ. Theo đó, sản phụ được theo dõi huyết áp tại nhà dưới sự hướng dẫn và theo dõi sát sao của bác sĩ Tim mạch; bác sĩ nội tiết theo dõi chỉ số tuyến giáp và tình trạng đái tháo đường để cùng với bác sĩ Sản khoa đưa ra quyết định tiếp tục giữ thai hay mổ bắt con. Thời điểm này, thai bắt đầu xuất hiện những bất thường trên chẩn đoán hình ảnh, siêu âm thai mất sóng tâm trương trên, báo hiệu dấu hiệu còi cọc, giới hạn tăng trưởng nhỏ. Đến 25 tuần 5 ngày, thai nhi bị mất hết sóng tâm trương, nghĩa là chậm tăng trưởng thể nặng, có thể chết ngạt bất cứ lúc nào. Bác sĩ Mỹ Nhi hội chẩn nhanh cùng các chuyên gia sản khoa và sơ sinh, lên phương án sẵn sàng mổ bắt thai bất cứ lúc nào, chuẩn bị hỗ trợ phổi, dự trù thuốc bảo vệ não thai nhi trước khi mổ, đồng thời bật báo động đỏ cho Trung tâm Sơ sinh hỗ trợ.

Tuy nhiên, phép màu xảy ra khi huyết áp của thai phụ dần ổn định. Từ tuần thai 28, thai phụ được chỉ định siêu âm mỗi 3 ngày một lần. Dù hình ảnh siêu âm thai luôn mất sóng tâm trương nhưng thai phụ kiên định giữ con trong bụng mẹ đến 32 tuần dưới sự theo dõi sát sao của đội ngũ bác sĩ sản khoa, để đảm bảo con cứng cáp và tăng tỷ lệ sống khi chào đời. 

Với sự chỉ đạo của Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Giám đốc trung tâm sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bé trai được các bác sĩ sơ sinh theo dõi, kiểm soát ổn định về hô hấp, tri giác và sinh hiệu. Trẻ được kẹp rốn muộn nhằm ổn định tuần hoàn ngay tại phòng sinh, trước khi được di chuyển về đơn vị hồi sức tích cực bằng dụng cụ chuyên dụng. 

hồi sức cho trẻ sơ snh
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng (bên phải) đang thực hiện hồi sức sơ sinh.

Tại BVĐK Tâm Anh, Trung tâm Sơ sinh được bố trí nằm sát Trung tâm Sản Phụ khoa, nhằm rút ngắn khoảng cách di chuyển trẻ sinh non và cực non. Trẻ được nằm lồng ấp chuyển bệnh, giữ ấm và cung cấp không khí hỗ trợ hô hấp đầy đủ suốt quá trình di chuyển được tính bằng giây bằng phút, được theo dõi nồng độ bão hòa oxy trong máu, theo dõi nhịp tim, điều chỉnh lượng oxy cung cấp phù hợp, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa oxy gây ra những biến chứng ảnh hưởng về sau. Ngay khi được chuyển về đơn vị hồi sức tăng cường, trẻ tiếp tục được tôi bơm Surfactant để hỗ trợ nở phổi.

Hiện tại sau 3 tuần điều trị, cân nặng của em bé đạt 1.900 gram, sức khỏe hoàn toàn ổn định, có thể tự bú mẹ, giữ thân nhiệt ổn định sau sinh tốt và có thể xuất viện an toàn. Trẻ cũng có thể tự ổn định nhịp thở, không có những cơn ngưng thở hay tím tái. Kết quả xét nghiệm máu và khám toàn diện tầm soát bệnh lý, siêu âm não, siêu âm tim, tất cả chỉ số của trẻ đều bình thường như những em bé sơ sinh khác.

Được các bác sĩ, nữ hộ sinh và điều dưỡng hướng dẫn chi tiết về chăm sóc trẻ sinh non bằng phương pháp kangaroo (da kề da) để con trai giữ được thân nhiệt ổn định dù không nằm trong lồng ấp, chị Hồng Yên xúc động chia sẻ: “Biết đến Tâm Anh từ rất lâu do bệnh viện nổi tiếng về hỗ trợ sinh sản và Sản – Nhi sơ sinh, từng điều trị thành công nhiều ca sinh non, tôi thấy rất may mắn khi chọn nơi đây để chăm sóc thai kỳ và vượt cạn. Ở Tâm Anh, mọi thứ đều rất tốt, bác sĩ giỏi và có tâm, các cô nữ hộ sinh đến điều dưỡng đều tỉ mỉ, chu đáo. Tôi rất biết ơn các y bác sĩ đã ngày đêm chăm sóc cả hai mẹ con”. 

suc khoe cua be on dinh sau 3 tuan
Sau 3 tuần, bé trai đạt cân nặng 1.900 gram, sức khỏe hoàn toàn ổn định, có thể xuất viện. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, thai phụ có bệnh nền nên theo dõi thai ở các cơ sở y tế có sự phối hợp tốt giữa các chuyên gia Sản Phụ khoa – Sơ sinh, Nội tổng quát, Gây mê hồi sức… để được theo dõi chặt chẽ, giữ thai nhi khỏe mạnh, chào đời an toàn và phát triển một cách tối ưu nhất. 

Đối với các trường hợp chuyển dạ sinh non, thai phụ nên chọn những bệnh viện có khả năng hồi sức sinh non, vì diễn tiến của trẻ sinh non thường sẽ rất nhanh, nếu không phát hiện kịp thời các dấu hiệu chuyển nặng thì sẽ không xử lý kịp thời. Trong trường hợp không được hồi sức sinh non ngay sau sinh mà phải chuyển đến các cơ sở y tế khác, trẻ có nguy cơ gặp rất nhiều biến chứng trên đường di chuyển: hạ thân nhiệt dẫn tới suy hô hấp, xuất huyết não…

“Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ điều dưỡng tay nghề chuyên môn cao trong hồi sức, chăm sóc, theo dõi, đánh giá trẻ sinh non. Với kinh nghiệm dày dặn trên 10 năm làm chủ các kỹ thuật điều trị cho trẻ sinh non vốn đòi hỏi sự nhẹ nhàng, tỉ mỉ, chính xác, không làm tổn thương em bé…, chúng tôi còn được trang bị máy móc hiện đại, như thở máy rung tần số cao thế hệ mới nhất, hệ thống lồng ấp giường sưởi hiện đại có thể điều chỉnh được độ ẩm phù hợp cho những bé sinh non, cải thiện tình trạng mất nước sau sinh do da trẻ sinh cực non rất mỏng, rất dễ bị mất nước. Điều quan trọng không kém chính là môi trường chăm sóc trẻ sinh non và cực non phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn vì sức đề kháng của trẻ sinh non rất kém, dễ nhiễm khuẩn từ bên ngoài. BVĐK Tâm Anh TP.HCM là một trong những cơ sở y tế hiếm hoi trên cả nước đạt được 3 tiêu chí quan trọng này trong điều trị chăm sóc trẻ sinh non, bao gồm đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và môi trường vô khuẩn”, bác sĩ Ngọc Phượng khẳng định.

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sinh Non 32 Tuần