Hội Thảo Sản Xuất Cồn Nhiên Liệu Từ Sắn

Sau khi tổ chức thành công 3 khóa đào tạo về sản xuất cồn từ sắn, Viện Công nghiệp thực phẩm tổ chức  Hội thảo Sản xuất Cồn Nhiên liệu từ Sắn từ ngày 4-5 tháng 10, 2018 tại Hà Nội. Có 72 đại biểu đến từ Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị Trường Trong Nước- Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Sắn Việt Nam, UNIDO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học  Viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Công nghiệp thực phẩm, Công ty TNHH Tùng Lâm, Công ty TNHH Đại Việt, Công ty Công nghệ Cổ phần Huy Việt, Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông, Công ty cổ phần Rượu Bình Tây, Công ty Cổ phần Cồn và Tinh bột Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội, Công ty cổ phần Rượu Bia Nước Giải khát Aroma, Công ty Brenntag Việt Nam, Novozymes Việt Nam, phóng viên VTC 14 và 7 công ty cung cấp thiết bị tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

       Dự án “Vượt rào cản chính sách, thương mại và kỹ thuật để hỗ trợ cải tiến và chuyển giao công  nghệ khu vực Nam- Nam: Mô hình sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn” nhằm để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Thái Lan đến các nước Lào, Myanmar và Việt Nam. Nhiệm vụ của Viện Công nghiệp thực phẩm trong dự án này là tiếp nhận gói  công nghệ đường hóa và lên men đồng thời với nồng độ chất khô cao trong sản xuất ethanol từ sắn từ Đại học Công nghệ King Mongkut’s Thonburi và chuyển giao công nghệ này cho các nhà máy sản xuất ethanol sinh học tại Việt Nam. Gói công nghệ mới này sẽ giúp các nhà máy sản xuất cồn sinh học với năng suất sản xuất sắn cao hơn, giảm năng lượng và thời gian tiêu tốn trong quá trình lên men. Do đó, bên cạnh những lợi ích về kinh tế đem lại, nó góp phần giảm thiểu phát thải khí và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, và góp phần bảo vệ môi trường.

PGS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng, Giám đốc dự án tại Việt Nam đọc diễn văn khai mạc hội thảo

PGS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng, Giám đốc dự án tại Việt Nam  đọc diễn văn khai mạc hội thảo

       PGS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện CNTP, Giám đốc dự án tại Việt Nam đã đọc diễn văn khai mạc hội thảo. Dự án được thực hiện rất  rộng ở các nước Thái Lan, Lào. Mianma và Việt Nam… Viện CNTP đã cơ bản hoàn thành các công việc tại Việt Nam, như thành lập một trung tâm đào tạo, gửi các cán bộ đi đào tạo tại Thái lan, xây dựng xưởng thực nghiệm sản xuất ethanol từ sắn công suất 50 lít/ ngày tại Viện, tổ chức 3 khóa học về sản xuất ethanol sinh học từ sắn… Xưởng thực nghiệm của Viện được các chuyên gia của KMUTT và UNIDO đánh giá cao. Hiện tại, Viện đang thực hiện pha II của dự án này. Hội thảo Sản xuất Cồn Nhiên liệu từ Sắn là cơ hội để các nhà sản xuất, các chuyên gia, các nhà cung cấp enzym, thiết bị, các nhà xây dựng chính sách tại Việt Nam chia sẻ kinh  nghiệm và trao đổi ý kiến về lĩnh vực này.

Giới thiệu hệ thống làm khan cồn của Xưởng thực nghiệm (Ảnh: Đinh Đức Hiền)

PGS. TS. Vũ Nguyên Thành, Phó Viện trưởng, Điều phối viên dự án giới thiệu hệ thống làm khan cồn của Xưởng thực nghiệm 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về các lĩnh vực có liên quan đến sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn. PGS. Tăng Thị Hạnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày về nguồn nguyên liệu sắn sử dụng trong sản xuất cồn nhiên liệu tại Việt Nam. Đại diện Công ty Brenntag Việt Nam giới thiệu về các enzym mới ứng dụng trong sản xuất ethanol sinh học từ sắn gồm các enzym Liquozymes SC DC, Avantec cassava của Novozymes giúp làm tăng công suất và hiệu suất quá trình sản xuất ethanol từ sắn. Công ty cũng giới thiệu sản phẩm nấm men của công ty Lalleman sử dụng trong sản xuất ethanol sinh học. PGS. Chu Kỳ Sơn, Đại học Bách Khoa Hà Nội trao đổi về công nghệ sản xuất cồn ở nồng độ chất khô cao và phụ phẩm của nhà máy cồn. Đại diện Công ty TNHH Tùng Lâm chia sẻ về thực trạng sản xuất ethanol tại công ty và đưa ra các kiến nghị đối với các chính sách về nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Viện CNTP cũng giới thiệu về quá trình thực hiện dự án tại Viện qua video được trình chiếu. Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương đã trao đổi về những chính sách phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Các chuyên gia cũng như các đơn vị tham gia Hội thảo đã tranh luận sôi nổi  về sản xuất ethanol sinh học tại Việt Nam. Hội thảo đã cung cấp nhưng thông tin hữu ích và tạo cơ hội để các bên có liên quan như các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học, các nhà xây dựng chính sách, các chuyên gia, các nhà cung cấp enzym, thiết bị ngồi lại với nhau để cùng thảo luận về ngành sản xuất nhiên liệu sinh học tại Việt Nam để tìm ra những hướng đi cho ngành này. Viện Công nghiệp thực phẩm sẵn sàng trợ giúp các công ty trong quá trình ứng dụng công nghệ mới này vào sản xuất. Hội thảo cũng được đưa tin trên chương trình của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC 14.

– Bài: Khuất Thị Thủy, Ảnh: Đinh Đức Hiền –

Từ khóa » Nhà Máy Sản Xuất Cồn Công Nghiệp