Hội Thi Nhà Nông đua Tài - Diễn đàn Thiết Thực đối Với Cán Bộ, Hội ...

Hôm nay (24-6), Hội thi Nhà nông đua tài tỉnh Hậu Giang lần thứ V - năm 2022 chính thức diễn ra với 8 đội thi là Hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là “sân chơi” bổ ích cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Thông tin về hội thi này, ông Châu Minh Tiến (ảnh), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Trong quý I năm nay, 8 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức xong Hội thi Nhà nông đua tài của cấp mình. Theo đó, sau khi huyện Châu Thành A, đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh tổ chức thành công tốt đẹp, các đơn vị còn lại tiếp tục hoàn thành hội thi với nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả; thực hiện nghiêm quy chế, thể lệ và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu kế hoạch theo tiến độ mà Hội Nông dân tỉnh đã đề ra.

Hội thi lần này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông ?

- Đây là hoạt động chính trị rộng lớn trong hệ thống Hội Nông dân, nhằm góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về nhiều mặt cho cán bộ, hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023 và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Thưa ông, ngoài ý nghĩa thiết thực đó, hội thi còn là “sân chơi” bổ ích để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất đối với cán bộ, hội viên nông dân ?

- Đúng vậy, một trong những mục tiêu quan trọng mà hội thi hướng đến là để nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân; thúc đẩy việc áp dụng những kinh nghiệm hay, kỹ thuật khoa học và công nghệ tiên tiến có hiệu quả vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, tạo điều kiện đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên nông dân, nhất là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thi đua xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, hội thi cũng là “sân chơi” bổ ích nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác nông nghiệp và tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết trong cán bộ, hội viên nông dân giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, hội thi sẽ tập trung vào những nội dung chủ yếu nào, thưa ông ?

- Hội thi sẽ tập trung vào việc tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những nội dung về công tác hội và phong trào nông dân; kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Cụ thể là trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, công nghệ số, công nghệ 4.0.

Cùng với đó là những kiến thức về kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; những kiến thức về hợp tác và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, hội thi còn tập trung vào việc tìm hiểu kiến thức về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông dân văn minh.

Thưa ông, để các nội dung trên tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn thì hội thi sẽ được thực hiện bằng hình thức ra sao ?

- Xoay quanh các nội dung mà ban tổ chức đề ra, hội thi được thực hiện theo hình thức sân khấu hóa, bao gồm 4 phần thi: Lời chào nông dân, nghe nông dân nói, kiến thức nhà nông và so tài nhà nông. Trong đó, phần thi lời chào nông dân được các đội thi tự giới thiệu những đặc trưng của địa phương mình như vùng đất, con người, kinh tế, văn hóa…; về hoạt động của hội, phong trào nông dân thông qua các tiểu phẩm vui, các hình thức thơ, ca, hò, vè... Ở phần thi nghe nông dân nói, đội dự thi cử đại diện thuyết trình 1 chủ đề do Ban tổ chức hội thi đặt ra và cho bốc thăm trước.

Đối với phần thi kiến thức nhà nông được chia làm 2 đợt thi, mỗi đợt thi có 4 đội theo thứ tự bốc thăm 1 bộ đề từ đại diện các đội; sau đó các đội dự thi cùng trả lời 1 bộ đề gồm có 10 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng phần thi so tài nhà nông được thực hiện thông qua các tiểu phẩm, kịch nói, cải lương… có nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phê phán những thói hư, tật xấu diễn ra ở nông thôn; tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu gương điển hình…

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi Nhà nông đua tài do Hội Nông dân huyện Châu Thành A tổ chức.

Trước thềm hội thi sắp diễn ra, Ban tổ chức đặt ra yêu cầu gì để “sân chơi” thiết thực này đạt được mục tiêu như kỳ vọng, thưa ông ?

- Như chúng ta đã biết, hội thi là hoạt động đặc trưng của tổ chức Hội; là diễn đàn thiết thực để cán bộ, hội viên nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới. Nó vừa là nơi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, vừa là điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng được xem là cơ hội tập dợt lần cuối để tỉnh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V - năm 2022.

Vì vậy, trước thềm diễn ra hội thi, ngoài bám sát mục đích đề ra, chúng tôi còn đặt ra yêu cầu hết sức cụ thể. Đó là việc tổ chức hội thi phải trên tinh thần tiết kiệm, với nội dung phong phú, hình thức thiết thực, phù hợp và hiệu quả; đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá và các đội tham dự thực hiện nghiêm thể lệ hội thi. Qua đây, nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, hội viên nông dân; đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, huy động, khuyến khích được sự tham gia của các doanh nghiệp “đồng hành cùng nhà nông” để có sự hỗ trợ về nguồn lực, kiến thức, câu hỏi… phục vụ cho hội thi.

Theo thể lệ hội thi, đối tượng tham gia hội thi là cán bộ chi, tổ hội, bao gồm: Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và hội viên nông dân, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn của đội dự thi. Mỗi Hội nông dân của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ thành lập một đội thi gồm có 5 thí sinh chính thức và 1 thí sinh dự bị. Trong 5 thí sinh chính thức phải có ít nhất 1 thí sinh là nữ.

Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba với phần thưởng lần lượt là 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích và 3 giải cá nhân với phần thưởng là 1 triệu đồng/giải.

Xin cảm ơn ông !

GIA NGUYỄN thực hiện

Từ khóa » Kế Hoạch Thi Nhà Nông đua Tài