Hồi ức đen Của Viên Cai Ngục Nhà Tù Phú Quốc - CAND

Mà không phải xa xôi huyền thoại gì, cuối năm 2008 - đầu năm 2009 vừa rồi, Đội K92 của Tỉnh đội Kiên Giang chỉ “ra quân” trong hai chiến dịch, đã phát hiện và cất bốc được tới khoảng 1.300 phần di cốt, có những hố chôn tập thể với 500 con người đã nằm cô quạnh suốt mấy chục năm bên bìa rừng.

Có bộ xương người Cộng sản vì nước quên thân khi cất bốc, người ta vô cùng hãi hùng phát hiện ra có tới 16 cái đinh sắt khổng lồ đóng khắp cơ thể.Với cuộc truy tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam này (3.000 bộ), câu chuyện về địa ngục trần gian với những con quỷ sứ đội lốt người dần được hiện lên, như thước phim quay chậm vô cùng thuyết phục.

Bọn chúng đập vỡ mắt cá chân, dùng ván và đinh ốc ép cho vỡ lồng ngực tù nhân; dùng kìm rút móng chân móng tay, dùng giẻ tẩm dầu đốt… dương vật, dùng cây sắt nhổ dần từng chiếc răng chính trị phạm; móc mắt hoặc dùng bóng điện lớn để gần mắt cho đến khi mắt chín nổ “đòm đọp” mới thôi, luộc người trong chảo nước sôi…

Trong hồ sơ của Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc, hiện còn lưu giữ hồ sơ về 24 ngón đòn tra tấn “bài bản và hiệu quả” mà các viên cai ngục đều đã thực hành, đúc rút, lưu truyền trong suốt mấy chục năm nó làm sứ mệnh của địa ngục trần gian.

Bất ngờ thay, viên cai ngục được coi là tàn ác nhất nhà lao Cây Dừa, năm nay 83 tuổi, vẫn đang sống, ăn chay trường, nhang khói niệm Phật ở khu đồi hẻo lánh ngoài đảo Phú Quốc.Gian nan tìm viên cai ngục

Khi tôi có ý định đi tìm viên cai ngục từng móc mắt, nhổ răng các tù binh Cộng sản, nhiều người đã cực lực phản đối. Có người bảo, ông ta sống ẩn dật trên nương rẫy hoang vu rậm rạp ngoài xó đảo, với bầy chó hung dữ canh gác, tuyệt đối không tiếp xúc với ai.

Có người cảnh báo: Bảy Nhu (viên cai ngục, tên thật là Trần Văn Nhu) làm Giám thị trưởng quyền sinh quyền sát một thời, hắn sống được đến giờ, là nhờ một quyền năng bí ẩn của thế lực nào đó, gặp hắn rất nguy hiểm. Tôi không tin vào những điều đồn thổi đó. Chỉ ngặt vì không tài nào lần ra con đường đến khu vực mà Bảy Nhu đang sinh sống. Và điều tôi băn khoăn nhất là khi vượt biển ra An Thới là sẽ nói gì với ông ta - một đao phủ của địa ngục.

Đại tá, Đội trưởng Đội K92, anh Nguyễn Minh Chánh đón tôi ở TP Rạch Giá. Anh Chánh đã dẫn quân đi khắp núi rừng Campuchia xa xôi, rậm rạp trong nhiều năm, cất bốc hàng vạn bộ hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam. Hiện nay, chính đội quân của anh, cũng đã tìm kiếm và quy tập được hơn 1.000 bộ hài cốt các chiến sỹ Cộng sản đã vì nước quên thân ở nhà tù Phú Quốc.

Đại tá Chánh bảo: Tôi có gặp Bảy Nhu một lần để hỏi ông ta khai quật ở khu vực nào thì trúng địa điểm nhất. Ông ta là người tra tấn, rồi trực tiếp hoặc ra lệnh quẳng xác tù nhân ở đâu, ông ta phải nhớ chứ. Anh vào đó, rất khó tìm đường, càng khó tìm được lý do để có thể gợi cho ông ta mở miệng, khi mà ông ta đã quá mặc cảm, quá cảnh giác trước các cuộc tìm kiếm nhân chứng ác ôn của nhà lao Cây Dừa.

Tôi giới thiệu anh với một người, người này là chỗ chí thân, lại là chỗ cùng mang nỗi mặc cảm là người quản lý của nhà tù Phú Quốc ác ôn ngày xưa kia. Họ có chung nỗi mặc cảm lớn; nhưng ông này hào hiệp, tôi mà gọi điện giới thiệu, ông ấy sẽ giúp anh.

Người đó là ông Hai Nam. Chừng gần 70 tuổi, vốn là tiếp phẩm cho nhà lao, sau thời gian cải tạo, ông Hai Nam đã gần như xóa hết mặc cảm “diều hâu cú vọ” của nhà tù tàn ác, giờ là cán bộ văn hóa của thị trấn với bằng khen giấy khen giăng kín phòng khách, là chủ hãng nước mắm Nam Hương nổi tiếng.

Ông Hai Nam là chỗ quen biết lâu năm và am hiểu cuộc đời Bảy Nhu. Sau cả buổi sáng thuyết phục, ông Nam dè dặt: để tôi gọi điện cho ông ta xem đã. Ông ấy càng già, càng khép mình quanh khu vườn hẻo lánh đó. “Vào đó, cháu bảo cháu là cháu ruột của chú Nam, là người nghiên cứu lịch sử nhà tù Phú Quốc, muốn qua thăm, tặng quà cho Bảy Nhu”.

Người đàn ông râu bạc dùng chiếc Dream chở tôi đi theo những con đường dốc, qua những cánh rừng bạch đàn tối đến một ngôi nhà nhỏ. Bước vào khu vườn, ông Hai Nam thở hắt ra: “Chúng tôi khổ nhục, sống trong cái thời buổi chúng nó bắt lính tàn bạo. Trời gọi ai thì người nấy phải dạ, mà chú”. Dường như nỗi tủi phận dâng ngập lên, từ bấy đến cuối cuộc tiếp xúc với Bảy Nhu, ông Hai Nam chỉ ngồi im, khẽ vuốt vuốt bộ ria mép dày, cứng và bạc.--PageBreak--Lý thuyết ngụy biện của quỷ

Kiên quyết không cho phép… chụp ảnh. Da mồi, sạm đen, tóc bạc, đầu hói, hai hàm răng gẫy mất nhiều phần, Bảy Nhu nói chuyện mệt mỏi, mắt luôn nhìn lơ đầy mặc cảm. Dù tôi và ông Hai Nam giới thiệu thế nào, Bảy Nhu vẫn luôn cảnh giác. Bảy Nhu luôn biết cách tránh những câu hỏi trực diện, kiểu như: ai nghĩ ra trò “nhổ răng” các người tù, ông đã nhổ răng họ bằng dụng cụ gì? Việc tẩm dầu vào giẻ đốt dương vật của người tù có thật không? Dù sám hối rất nhiều thông qua việc ăn chay và niệm Phật, nhưng trong ký ức đen đầy máu, hình như Bảy Nhu vẫn kinh hãi những người đã có ý định trả thù mình.

Bảy Nhu luôn ngụy biện cho sự tha hóa và man rợ của mình: Tui quê ở Đồng Tháp. Sau giải phóng, nhiều người rủ tôi về Đồng Tháp sống để quên hẳn cái chỗ tội ác này đi, nhưng tôi không về. Đã 4 lần các thế lực ở Mỹ muốn tôi nhập cảnh sang bên đó, để đền đáp những cống hiến của tôi với đế quốc và chính quyền Sài Gòn cũ. Nhưng tôi muốn ở lại đây.

Sinh năm 1926, năm 20 tuổi tôi đã bị giặc tổng động viên bắt phải đi lính cho chúng. Sau này, tôi tiếp tục phục vụ trong chính quyền ngụy. Năm 1968, khi Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc vừa mới được chính quyền Sài Gòn thành lập, tôi được điều ra hòn đảo này. Lúc đầu, nó bảo, ra đảo 3 tháng sẽ được về với vợ ở Sài Gòn, rồi 6 tháng, rồi ở đến khi nhà tù giải thể luôn.

Gia đình tôi ở Đồng Tháp, có em trai, chị dâu, cháu tôi đều tham gia hoạt động Cách mạng. Vì thế, các “ông” quản lý nhà tù và chính quyền Sài Gòn thử thách tôi ghê lắm, họ theo dõi tôi từng tí. Vì thế tôi phải nỗ lực làm việc (tra tấn tù nhân thật tàn ác?), để chứng minh là mình hết lòng trung thành với họ. Kẻo họ sẽ thủ tiêu. Dần dà…

Dần dà, Bảy Nhu đã trở thành người phụ trách các phân khu nhốt tù binh Cộng sản, thành người trực tiếp vặn bẻ răng, lấy mắt cá chân của người tù. Nhiều tài liệu cho thấy, Bảy Nhu thậm chí còn sưu tầm răng mà hắn đã vặn của những người tù, để trong một cái mũ sắt.

Đôi mắt lạnh, giọng nói của Bảy Nhu rít lên, hắn cầm một thanh sắt, bắt các người tù há miệng nói: “Mày cho tao xin một cái răng, mày cho cái nào…?”. Rồi hắn gõ mạnh, giật tới, có người tù ngất đi. Lúc tỉnh lại, Bảy Nhu bảo: Mày mà để phun giọt máu nào ra sàn nhà, tao sẽ giết chết, mày hãy uống máu của mày, nuốt hết. Rồi thò tay vào mồm, nhặt trả tao cái răng của mày. Tôi rợn người khi nghe tận tai giọng kể của người tù Cộng sản kiên cường bị nhổ răng ấy.

Hàng trăm nhân chứng khác cũng đã kể như vậy khi đến thăm lại chiến trường xưa Phú Quốc, kể đến mức, các cô hướng dẫn viên ở nhà tù Phú Quốc nghe quá quen thuộc, nhiều người nghe tin Bảy Nhu còn sống thì hùng hổ leo đồi đi tìm đòi… “giết chết chúng nó”. Nhưng khi thấy Bảy Nhu ăn chay, niệm Phật, già nua quá thể, họ đã dừng lại. Họ lại tha tội cho Bảy Nhu một lần nữa.

Khi đoàn khai quật cả nghìn bộ hài cốt ngoài tượng đài Nắm Đấm (gần nhà tù) đang rầm rộ dùng máy xúc máy ủi bóc đất đá tìm kiếm các phần thi thể của 4.000 người tù Cộng sản bị chôn vùi dưới 5-6 mét đất sâu, thì có một người lính già, mặc quân phục bạc màu đến miệng hố ngồi bần thần.

Trung tá Nguyễn Văn Cao, người phụ trách công trường bèn bắt chuyện. Ông căm phẫn kể: Sau nhiều năm ở nhà tù, lúc giải phóng (1975), ông đã quyết tâm sống ở gần khu vực… hố khai quật, vì nỗi ám ảnh địa ngục trần gian. Địch đã giam ông 6 năm, qua sáu bảy cái khu tù binh, đến trước giải phóng miền Nam mới được địch mang ra tận sông Thạch Hãn (Quảng Trị) trao trả.

Ông trực tiếp bị chính Bảy Nhu (người hàng xóm hiện nay) tra tấn bằng cách đè ra nhổ mất 6 cái răng. “Tui nằm trong tù từ năm 1966, suốt gần 7 năm, tui chỉ dám tính đường chết, chứ tịnh không có dám tính đường sống. Nó bắt tôi há mồm, hỏi cho xin cái răng, cho cái nào? Tui chán quá, bảo lấy cái nào thì lấy. Nó ghè thanh sắt vào, nhổ răng tui. Giật gẫy, nó bắt tui thò tay vào miệng mình lôi từng cái răng đỏ quạch máu ra, đặt lên bàn cho nó xem. Rồi nó bắt tui phải tự uống hết số máu chảy trong miệng tui ra, một giọt nào ứa ra ngoài, nó sẽ đánh chết” - cụ Út Minh nói.

Bảy Nhu thở dài: “Nhiều người tù từng bị tôi tra tấn, họ đến thăm lại chiến trường xưa, họ kể lại những năm tháng họ dùng thìa dĩa đào hầm bí mật trốn khỏi nhà tù, rồi họ vỗ vai tôi. Điều đó làm tôi thấy hổ thẹn!”. Ông Nhu khoe tôi tấm ảnh chụp chung với các người tù quả cảm đến kinh hoàng.

Có người mất tới 91% sức khỏe, bị mù mắt, bị ông Nhu vặn răng, nhưng khi gặp lại vẫn chụp ảnh chung, vẫn tha thứ tất cả. Nếu tôi từng cảm thấy kinh hoàng vì tội ác ở nhà tù Phú Quốc, thì giờ đây, điều làm tôi như “chết lặng” đi là sự tha thứ của đồng bào mình, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại.

Khi Nhà nước tiến hành phục dựng nhiều hạng mục của nhà tù Phú Quốc, trưng bày những tấm ảnh thảm khốc về việc tra tấn, giết chóc tù nhân, Bảy Nhu xin được giúp những người làm việc đó dựng lại tội lỗi của chính ông ta và chế độ mà ông ta hầu phục.

Ông chỉ cho cán bộ biết từng quả đồi, nơi nào sẽ chứa nhiều hài cốt người tù nhất. Đồi 37, đồi 100, cứ đào khắc thấy cốt, cả nghìn bộ. Cả trăm vụ vượt ngục, vụ đả đảo chế độ nhà tù, hội họp, rải truyền đơn, treo biểu ngữ; vụ nào khi đem xử lý, thậm chí cũng có người bị hành quyết ngay lập tức.

Bị tra tấn, luộc người, đóng đinh khắp cơ thể, thì kiểu gì chẳng chết. 4.000 người chết, trước năm 1971, ai chết thì chôn rấp ra ngoài bìa rừng. Xe quân cảnh chở xác người ra, ném xuống đấy, rồi nó chạy vội về kẻo sợ du kích bắn tỉa. Cho nên, dù khai quật cả nghìn phần di cốt như vừa qua, cũng chỉ gặp một vài tử sỹ có tên họ kèm theo (là ông Nguyễn Văn Khai, người Thanh Hóa).

Vì sao xuất hiện những bộ cốt có tên họ? Vì khi đồng đội bị chết, nhiều bạn tù đã thương cảm viết tên người xấu số vào mảnh giấy rồi gói trong giấy nilon, để hy vọng sau này con cháu sẽ có thể tìm thấy các bậc Anh hùng.

Khu bãi tha ma chồng chất thây người tù đó, thật là đáng sợ. Giờ đây, khi tôi chỉ cho cán bộ khai quật, người ta không lý giải được là bởi tại làm sao mà thây người bị vùi dưới 5-6 mét đất sâu hoắm. Xe cuốc gào rú suốt ngày đêm, mà dưới đất đen vẫn còn xương người.

Tôi còn nhớ, năm 1968, trại tù binh có tổ chức san ủi khu vực nghĩa địa, cho nên xương người bị khỏa lấp hết. Có người bảo, nhân viên nhà tù người ta làm như vậy, là bởi vì họ sợ các tổ chức nhân quyền, giám sát quốc tế sẽ đến kiểm tra, sẽ phát hiện ra bao điều tàn độc, vô lối, thất nhân tâm.

Sau năm 1971, trước sức ép nhiều mặt, Ban quản lý nhà tù bèn cho thành lập khu “Nghĩa địa tù binh Cộng sản” rộng 11.000m2, với “cổng chào” là hai cây thông khổng lồ, một thanh ván bắc ngang trang trí biển hiệu đàng hoàng. Thế nhưng hình thức tra tấn thì vẫn đủ 24 “món” của ngục A Tỳ.--PageBreak--Kỹ nghệ giết người

Bảy Nhu dè dặt trong chuyện trò đến mức… cao thủ. Có lẽ cái nghề thẩm vấn, tra khảo moi thông tin, tạo dựng các ăng ten (như cách nói của ông ta) để điều tra, ly gián mấy chục nghìn người tù binh Cộng sản suốt nhiều năm đã tạo cho ông ta sự bài bản cáo già trong giao tiếp đó?

Ông ta thích nói về những sám hối và nỗi khổ của mình khi sứ mệnh đen tối của nhà tù Phú Quốc kết thúc, ông ta chung sống với những người còn mãi mãi hãi hùng vì tội ác của ông và đồng bọn:

“Tôi đi cải tạo, nhờ tinh thần cải tạo tốt, tôi được trở về nhà với đàn con của mình sớm hơn so với “bản án” khoảng 2 năm. Thế mà người ta kéo đến, người ta dằn hắt, bảo rằng sao thằng ác ôn nó lại được tha về. Tôi về, mặc áo lành người ta cũng chửi, mặc áo rách người ta cũng chửi. Nhiều người cứ xông lên đòi giết chết tôi.

Chính quyền cơ sở đã bảo vệ tôi. Sau này, tôi thấm thía hai chữ “Đồng bào” của người Việt Nam mình, họ tha thứ cho tôi, nghe nói ở nước ngoài, chữ Đồng bào không dịch được ra tiếng Tây, quý hóa lắm. Tôi tình nguyện làm công tác xã hội để chuộc lỗi lầm, tôi am hiểu về các hố chôn tập thể, các quy cách thủ tục, các vấn đề còn gây nhiều tranh cãi ở nhà tù.

Tôi ở lại gần khu vực nhà tù mà không về Đồng Tháp hay ra nước ngoài theo các quan thầy, là vì lẽ đó. Tôi tiếc là hồi khai quật được rất nhiều hài cốt ở khu vực tượng đài Nắm Đấm, tôi đã bảo người ta rằng, tôi nhớ rõ vụ san ủi năm 1968, phải đào tiếp xuống để cất bốc các chiến sỹ lên, họ sợ làm như thế sẽ gây hư hại đến di tích.

Y như rằng, bây giờ lại tiếp tục phải đào lại và thấy rất nhiều cốt. Nhiều khu vực, rễ cây ăn hết các phần thi thể, rất tội. Tôi bảo, hãy cứ đào, nhiều chỗ chỉ còn đất đen hay đất màu hoàng thổ, lại có mấy miếng vải thôi, cũng cứ phải bốc. Vì sao? Vì rằng, đem đất ấy bỏ vào chậu nước, nếu thấy nổi váng lên, là đất có xương cốt thịt da người tù đấy. Kinh nghiệm của tôi là như thế mà”.

Nhiều đoạn Bảy Nhu lại tìm cách ngụy biện để cố chạy trốn khỏi tội ác tày trời của mình:

“Thời buổi trời gọi ai người nấy dạ mà. Ở đâu thì phải theo đó. Thời buổi mà mình ở trong tay nó thì nó bảo mình đi lính phải đi lính thôi, chứ mình không có biết phải cãi lại nó như thế nào đâu. Nó bảo đi ít ngày rồi về, ai ngờ đi mãi (đến giải phóng). Sau này mình mới hiểu được vấn đề tội ác của mình, sau này mới hiểu được xã hội chủ nghĩa là cái xã hội tốt đẹp thật sự. Thật sự trước đây không biết cái đó, chứ nó gây tội ác xong hết trơn, nó bỏ chạy bỏ lại một mình mình. Lúc mình ở ngoài đảo (làm cai ngục) với bọn ở ngoài đó, nó nói bậy lung tung. Mình không nhận ra là, bọn tay sai của chế độ cũ kia, nó chỉ làm lung tung kiếm tiền thôi, chứ không có lý tưởng gì hết. Nó bảo là Việt cộng ốm (gầy) đến mức treo tàu lá chuối không rớt (rơi). Nó đang đánh vào tâm lý chiến mà mình không biết”.

Có khi bị hỏi độp thẳng tưng, ông ta cũng tiết lộ nhiều chuyện chưa bao giờ công luận, sách sử từng “nghe”:

Hỏi: Hồi đó ông chấp nhận làm nhiều việc ác quá, chắc được giặc nó trả lương cao?

Bảy Nhu: Lương tôi là 1.400 đồng, tiền bây giờ trả không nổi đâu (ý là không ai có tiền mà trả được mức lương ấy đâu). Bấy giờ chỉ chưa đến 10 đồng một chỉ vàng, mà mình nhận 1.400 đồng, tức là 14 cây vàng/tháng. Nuôi vợ con với lại ăn nhậu thoải mái!

Bảy Nhu hồi tưởng quá khứ với giọng mệt mỏi nghe như vọng từ âm phủ. Bây giờ, Bảy Nhu đã ngoài 80 tuổi, ở tuổi ấy, như người ta nói, quỷ thần không chấp nhặt họ nữa. Có người bảo sao độc ác như vậy mà Bảy Nhu vẫn sống. Nhưng tôi nghĩ: ông ta phải sống để chứng kiến lòng nhân ái của con người trên mảnh đất này đối với ông ta, sống để những ký ức đen đầy máu chảy hành hạ ông ta.

Cho dù ông ta ăn chay trường và niệm Phật cũng chưa chắc đuổi được quỷ sứ ra khỏi con người mình. Tôi cảm thấy nhẫn tâm hỏi về cái ác, cái việc đóng 16 cái đinh dọc một cơ thể người, đóng đinh to, cắm phập sâu hoắm đến mức mấy chục năm sau khi Nhà nước ta tổ chức đào hố chôn tập thể lên, những cái đinh vẫn còn nguyên.

Bảy Nhu im lặng, ông ta kể về việc chúng nó dùng ván có đinh tra tấn người, về việc có người bị đánh chân tay gẫy cù lìa làm hai ba đoạn, có khi nó xé người ta làm bốn mảnh. Chúng nó chứ không phải là Bảy Nhu. Sẽ không ai bất ngờ khi ông Nhu nói thế và thậm chí phủ nhận nhiều tội ác của mình - dẫu rằng đã có hàng nghìn tù nhân sống sót mà không có mắt cá chân, không có răng, mù mắt, tàn phế đã về lại Di tích Nhà tù Phú Quốc và tố cáo Bảy Nhu cùng đồng bọn…

Tôi cũng không bất ngờ khi trích các báo cáo truy tìm hài cốt của Sở LĐTB&XH Kiên Giang năm 2008 (với các trường đoạn viết về các di cốt vĩnh viễn không bao giờ được tìm thấy, bởi ban cai quản nhà tù Phú Quốc đã lùa các tù binh lên máy bay, ném xuống Vịnh Thái Lan) cho Bảy Nhu nghe, ông ta thở hắt như đuổi khách: “Hồi xưa máy bay quân sự là của Mỹ thôi ấy, toàn là người Mỹ lái chứ bọn tôi lái đâu mà chúng tôi biết”.

Tôi rời bỏ ngôi nhà của Bảy Nhu như một đứa trẻ chạy khỏi ngôi nhà của một con quỷ trong nỗi kinh hãi tưởng vỡ cả trái tim. Không ai có thể cầm lòng về những người con đấu tranh cho tự do và độc lập của dân tộc đã bị tra tấn vô cùng man rợ ở hòn đảo này.

Tôi biết rằng, tôi sẽ không bao giờ có đủ can đảm để trở lại ngôi nhà của Bảy Nhu nữa cho dù ở đó có một Bảy Nhu già nua đang từng ngày từng đêm sống với những hồi ức đen đầy máu và tự đày đọa mình bằng chính tội ác của mình.

Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn gặp những cơn ác mộng và thấy cảnh những cai ngục nhà tù Côn Đảo vặn những chiếc răng của những tù nhân ở đó. Những hành động ấy chỉ là của những con quỷ ác độc. Có ai, hay có kẻ nào biện hộ cho những hành động thú tính ấy không?

Nhưng dân tộc này đã tha thứ cho một trong những ác quỷ đó – Bảy Nhu. Với tất cả những gì Bảy Nhu đã làm với những con người bị giam cầm ở Côn Đảo thì ông ta đáng bị tử hình 10 lần. Nhưng Cách mạng và nhân dân đã tha tội cho ông ta, nghĩa là đã hồi sinh cho ông ta 10 lần

Theo hồ sơ lưu trữ, ở Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc, có 24 ngón đòn tra tấn cực kỳ hiểm ác được bọn chúng đúc kết kinh nghiệm và ghi chép thành văn bản để chuyền tay nhau học tập, thực hành. Trong đó, có ngón đòn đục răng là khủng khiếp nhất, man rợ nhất. Và Thượng sĩ Nhu được bầy ác quỷ ở các khu giam tôn làm sư phụ của ngón đòn này.

Anh Nguyễn Minh Hoàng - cựu tù Phú Quốc, hiện sinh sống ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai, bị tên Thượng sĩ Nhu đục mất hai chiếc răng trong thời gian ba ngày ba đêm. Anh bảo với tôi: “Bọn chúng cùm tay cùm chân rồi lấy hai mảnh ván bắt ốc vít siết ép ngực cho há miệng ra. Và sau đó, tên Thượng sĩ Nhu dùng đồ nghề chạm khắc các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để đục răng tôi. Gã làm nhẩn nha như là giỡn chơi nhưng đau nhói buốt tận óc, khiến tôi chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần...”. Rất nhiều tù nhân thân thể tiều tụy khi bị tra tấn bằng ngón đòn đục răng đã phải từ giã cõi đời vì không sao chịu đựng nổi. “Gã đục răng tù nhân để dành được cả mấy bơ sữa bò rồi kết lại thành chuỗi tràng hạt đeo tòng teng trên cổ, ngó giống hệt Sa Tăng đeo xâu đầu lâu trên người trong truyện Tây du ký !”. Anh Nguyễn Minh Hoàng kể.

(Trích tác phẩm đã công bố của tác giả Nguyễn Tam Mỹ)

Từ khóa » Hình ảnh Bảy Nhu