Hỏi Về Chi Phí Hợp Lý Khi Tính Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp

Hỏi về chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Công ty tôi là Công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp, có vốn góp của Nhà nước trên 51%, hoạt động trong lĩnh vực Thương mại và dịch vụ. Xin cho tôi hỏi 2 vấn đề sau: Công ty chúng tôi dự kiến chi từ khoản chi phí có tính chất phúc lợi: - Để tri ân người lao động của Công ty đã nghỉ hưu theo luật Bảo hiểm xã hội; dự kiến chi các khoản chi như chi cho người lao động đang làm việc. - Để ủng hộ giáo dục, y tế: chi các khoản chi đúng theo mục đích sử dụng quỹ phúc lợi tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP, ngày 11/7/2013 của Chính Phủ. Vậy các khoản chi trên có được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: nguyễn đức huy

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu trả lời mang tính tham khảo: Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định về thuế quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau: “Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế”. Căn cứ Điểm c Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định về việc Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp. Căn cứ Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP nêu trên quy định như sau: “4. Quỹ phúc lợi được dùng để: ... d) Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội. đ) Mức chi sử dụng quỹ do Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quyết định, được ghi trong Quy chế quản lý, sử dụng quỹ của doanh nghiệp.” Căn cứ Điều 8 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước quy định như sau: “Điều 8. Về tiền thưởng, phúc lợi Căn cứ vào lợi nhuận hàng năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, các thành viên góp vốn theo quy định của Nhà nước và Điều lệ công ty, công ty xác định tiền thưởng, phúc lợi của người lao động và người quản lý công ty như sau: 1. Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện bằng lợi nhuận kế hoạch. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch thì được trích thêm quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 20% lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch, nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện.” Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: “... 2.22. Chi tài trợ cho giáo dục (bao gồm cả chi tài trợ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp) không đúng đối tượng quy định. ... 2.23. Chi tài trợ cho y tế không đúng đối tượng quy định. ...” Căn cứ các quy định nêu trên: * Doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế. Đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước trong năm có các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ phúc lợi theo quy định thì cần đảm bảo nguyên tắc một khoản chi phúc lợi không hạch toán trùng từ hai nguồn (tính vào chi phí và nguồn quỹ phúc lợi). * Doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế nếu có đầy đủ hóa hơn, chứng từ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. của Bộ Tài chính.

Trả lời bởi: P.N.Hằng

Từ khóa » Chi Phí Không được Trừ Khi Tính Thuế Tndn