#hoiuc1972- Chiếc Kem Mút

Mùa hè xưa có vị gì nhỉ?

Là vị của chiếc kem mút của ông bán kem dạo, phải không?

Là nó. Là khoảng trời tuổi thơ tôi, tuổi thơ của lũ con nít chạy nhông nhông một thời…

Mỗi dịp hè sang, lũ trẻ con chúng tôi luôn ngóng chờ ông bán kem đi ngang qua nhà cùng tiếng rao quen thuộc.

- Ai kem mút đê, ai kem mút nào.

- Ai đổi dép nhựa, lông ngan, lông vịt, sắt vụn lấy kem mút đê.

Tôi không hiểu vì sao hồi đó chỉ có những ông bán kem dạo mà không có bà bán kem dạo. Ông thường đi một chiếc xe đạp nữ, phía sau dùng dây cao su để chằng thùng gỗ đựng kem. Bên trong thùng ông lót một lớp xốp và những lớp vải để giữ lạnh, mỗi lần mở nắp thùng sẽ bay những nghi ngút hơi mát – thứ mà lũ chúng tôi đã từng nghĩ hẳn ông bán kem phải có phép màu kỳ diệu nào để biến cái thùng đấy bốc lên những lớp như khói phả vào mặt mát mát rượi như thế. Bốn xung quanh thùng ông ghi nguệch ngoạc chữ “Kem” màu đỏ, to đùng; mà hồi đó tôi đồ rằng, ngoài việc để ông tiện chẳng mặt thùng nào cũng được thì đó là một cách quảng cáo cho những ai chưa biết cái thùng đó ông đựng gì.

Ông bán kem có một cái còi đặc biệt, được làm từ một cái lọ nhựa gắn kèm với một cái loe bằng cao su. Mỗi lần đi qua, tiếng kêu phát ra từ tiếng còi ấy y hệt như tiếng rao của ông: "kem mút… kem mút...kem mút”. Nó giống đến lạ kỳ, lâu dần thành quen, lũ chúng tôi chỉ cần nghe loáng thoáng tiếng ông bóp còi từ xa là chạy túa xua đứng đầu ngõ đợi ông đi qua.

Kem hồi đó cũng không có nhiều vị như bây giờ. Tôi nhớ kem mút có màu trắng đục, cứng và nhiều đá. Bên ngoài kem không có túi bọc, chỉ để trần vậy thôi. Xưa, nghèo mà, nên cũng không phải có tiền để ăn thường xuyên. Thèm lắm, thèm đến nỗi, mỗi trưa hè nắng như đổ lửa mà ông bán kem có đi qua, thì kiểu gì đang ngủ trưa trong nhà tôi cũng phải lồm cồm bò dậy cho bằng được, rồi phi ra ngoài đầu ngõ để đứng ngóng. Tôi ngóng vậy thôi, để nhìn cái thùng kem cho đến khi nào đi khuất hẳn tầm mắt. Ông bán kem đi qua rồi còn ngoái lại phía tôi:

- Cháu ơi, mua kem mút không cháu?

Tôi lắc đầu rồi quay người chạy vô nhà, trong đầu tưởng tượng ra cái vị mát mát đang len lỏi trong từng kẽ răng và chảy trong mọi ngóc ngách cơ thể tôi.

Cái hồi đó, kem chỉ có 100 đồng một chiếc hoặc được đổi bằng những đôi dép nhựa rách, chai nhựa bỏ đi, lông ngan, lông vịt, sắt vụn… Vì thế tụi trẻ con chúng tôi chăm đi nhặt nhạnh lắm. Tôi thì chỉ chực đợi trong nhà có đôi dép nào bị vứt đi, là vội vàng cất ngay vào túi sắt vụn đã để riêng một chỗ. Những mảnh sắt đã rỉ, dù nhỏ như cái đinh cũng được tôi gom lại cất vô trong một cái ống bơ. Thành ra tôi lại thích mê cái thú đi gom đồng nát. Mỗi khi cái túi đã chất đầy những đồ, tôi lại ngóng ông kem mút đi qua mỗi ngày. Nghe tiếng ông rao từ xa là tôi đã lật đật tay xách nách mang tất cả những gì gom được đứng đợi ông đến. Lũ bạn tôi nếu có đang chơi gần đó thì kiểu gì cũng chạy lại, đứng ngó vô cái thùng kem, miệng thầm xuýt xoa.

Cầm trong tay chiếc kem mát lạnh trước sự thèm thuồng của tụi bạn mà lòng tôi thầm dậy lên một niềm sung sướng khó tả. Tôi không vội cắn ngay mà liếm láp cái kem một cách chậm rãi, vì sợ rằng nếu mình ngoạm một miếng thì có thể đi ngay một nửa, giống như Trư Bát Giới ăn quả đào tiên, sẽ chẳng nhớ được vị nó như thế nào. Có lần nhìn lũ bạn đang đứng quây tròn chăm chú nhìn tôi, cái sự áy náy trong tôi trỗi dậy: “ Không lẽ lại ăn một mình”. Tôi đưa quanh mỗi đứa mút que kem một miếng. Thế là cả hội gật gù, tấm tắc khen ngon. Cứ thế mỗi đứa một lượt cho đến khi cái kem tan chảy thành giọt cuối cùng, tôi sẽ mút hết, mút sạch cái que xong mới dám vứt đi. Cũng có khi hai anh em tôi đứng phía đầu hồi nhà bà ăn chung với nhau. Anh một miếng, em một miếng. Miếng kem tan chảy trong đá, vị hơi hơi mặn mặn lúc đầu, rồi ngọt dần kèm với cái lạnh đến tê tái, chảy qua cổ họng xuống tận gan dạ rồi như bắn ngược lại lên phía đầu. Miệng đứa nào cũng nhoe nhoét hết cả. Ăn xong tôi còn cố lè cái lưỡi liếm những gì còn sót lại xung quanh miệng.

Tôi nhớ nó – nhớ mùi vị ngọt ngào của cái kem ngày xưa.

+

Từ khóa » Cảnh Bán Kem Ngày Xưa