Hơn 300 Trăm Năm "trọng Nghĩa Khinh Tài - Công An Nhân Dân

- Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông có thể nói sơ lược về lịch sử của Sài Gòn?

- Năm 1623 Chúa Nguyễn đã lập được hai đồn thu thuế tại các địa điểm là Bến Nghé và Chợ Lớn. Đương nhiên, khi Chúa Nguyễn đã đặt đồn thu thuế tức là không thể chọn vùng đất hoang nhàn để đặt đồn, mà phải là vùng có sự thông thương hoặc có cộng đồng dân cư sinh sống. Đây là cột mốc quan trọng để đánh dấu sự "xuất hiện" của Sài Gòn.

- Và chính vì Bến Nghé - Chợ Lớn là địa điểm thông thương quan trọng, nên vùng đất này cũng đã sớm hình thành những nét văn hóa riêng biệt cho mình do điều kiện kinh tế phát triển?

- Sài Gòn xưa đã được mệnh danh là thành phố cảng, vì vừa có giang cảng (tức cảng sông) và hải cảng (cảng biển). Khoảng năm 1750, miền Nam đã sản xuất được rất nhiều lúa gạo và hàng hóa. Chính thời gian này, 4 mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu từ Sài Gòn đi các nước là: gạo, cau, đường và muối. Ngoài ra, còn các mặt hàng quý hiếm khác như sừng tê, gạc hươu…

Người Sài Gòn có nét văn hóa riêng biệt. Đó là việc giữ gìn được bản sắc văn hoá của mình, đồng thời tiếp thu cởi mở đối với những nền văn minh khác. Rõ nhất trong nét văn hoá riêng biệt của người Sài Gòn là phong cách sống. Khi hàng hoá dư dả để xuất khẩu, người Sài Gòn không còn sợ cái đói nữa, dẫn đến tình trạng coi nhẹ vật chất.

Cộng thêm việc mở lòng tiếp đón những người ngoại quốc đến nơi này sinh sống và làm ăn, tiếp thu thêm cái văn hoá mới của họ. Các yếu tố này cộng lại, khiến người Sài Gòn biến thành những kẻ "trọng nghĩa khinh tài". Điểm khác biệt giữa "trọng nghĩa khinh tài" của người Sài Gòn và "trọng nghĩa khinh tài" của Trung Hoa là do chúng ta có cuộc Nam tiến năm 1698.

Nếu không có cuộc Nam tiến này, tôi cho rằng chúng ta đã lâm vào cái thế mất nước. Vì Nam tiến đã phát quang được một vùng đất mới với tiềm lực kinh tế khủng khiếp. Đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong 10 đồng bằng trù phú nhất thế giới.

- Ông từng cho rằng văn hoá Sài Gòn chia thành nhiều giai đoạn. Vậy đâu là giai đoạn thiết yếu kế tiếp, ngoài giai đoạn hình thành cái chất "trọng nghĩa khinh tài" như ông vừa nhắc?

- Năm 1862, Pháp xây dựng lại thành phố, gọi Bến Nghé là Sài Gòn, gọi Chợ Lớn là thành phố Chợ Lớn. Pháp quy hoạch Sài Gòn theo lối kiến trúc phương Tây, không theo kiểu "phong thuỷ" phương Đông. Năm 1914 Pháp làm xong hai việc rất lớn là dời chợ Bến Thành đến địa điểm như hiện nay và chuyển cảng Sài Gòn sang cảng Khánh Hội bây giờ.

Sau 1914, Sài Gòn bắt đầu được mệnh danh theo cách gọi hoa mỹ là "Hòn ngọc Viễn Đông", nghiễm nhiên thừa nhận Sài Gòn một thành phố kiểu Tây tiêu biểu nhất ở Đông Dương. Thêm vào đó, con cháu người Việt tứ xứ đến đây từ hồi xa xưa đã mờ nhòa gốc cũ, tạo thành một lớp người Sài Gòn bản địa.

Tuy nhiên, kết cấu từ rất lâu trong cộng đồng người Việt là kết cấu làng xã. Những người tứ xứ đến đây, hình thành những khu vực riêng biệt, như đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay xưa kia toàn bán đồ gỗ, đường Lê Thánh Tôn bán toàn đồ giày da…

Còn một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử cũng như văn hoá Sài Gòn, nhưng có lẽ không nên nói tới. Chỉ biết rằng, một vài hành động trong thời điểm này đã phá nát kết cấu làng xã, một kết cấu quan trọng trong cộng đồng tại Sài Gòn.

- Ngoài lịch sử và những nét văn hoá vừa kể trên, ông có thể đưa ra nhận xét chung về cái gọi là "chất Sài Gòn"?

- Chữ Quốc ngữ Latinh phát triển đầu tiên tại Sài Gòn, ngôn ngữ ảnh hưởng khá mạnh đến thẩm mỹ, nếu như miền Bắc vẫn giữ được tuồng và chèo cổ điển, thì Sài Gòn đã phát triển thêm nhiều loại hình khác như cải lương hay vọng cổ.

Dẫu một thời gian, cải lương bị kì thị, nhưng giờ đang dần hồi phục. Thêm vào đó, như tôi đã trình bày, người Sài Gòn rất thoáng trong suy nghĩ và tiếp nhận, nên xét về nhiều phương diện như báo chí hay tinh thần dân chủ, tôi cũng cho rằng tại Sài Gòn phát triển hơn.

- Hiểu như thế nào là thoáng trong suy nghĩ và tiếp nhận, thưa ông?

- Tức là không câu nệ, cầu kỳ… Sự thay đổi trong tiếp nhận có chừng mực, không bê nguyên xi văn hoá của người khác thành văn hoá của mình. Chẳng hạn như việc thay đổi model quần áo, kiểu tóc… họ cũng chỉ thay đổi có chừng mực sao cho nền nã hơn, trang nhã hơn.

Người Sài Gòn thoáng trong suy nghĩ, nên phóng khoáng và bao dung trong xử thế. Mà đã phóng khoáng thì không cầu kỳ, không câu nệ tiểu tiết sinh ra dễ dãi. Có vậy thôi. Với lại, người Sài Gòn có phong thái riêng của Sài Gòn.

- Xin cảm ơn ông!

Từ khóa » Trọng Sắc Khinh Tài