Hỗn Loạn Khai Thác Khoáng Sản ở Kiên Giang - Tiền Phong

> Cách nào bảo vệ môi trường? > Lúng túng trước luật mới

Núi biến mất

Đảo Phú Quốc có 99 ngọn núi, hai ngọn đã bị san phẳng để lấy đất, đá là núi 37 và 58 ở thị trấn An Thới. Đại tá quân đội về hưu Trần Văn Ứng từng kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhiều lần về việc ngưng khai thác hai ngọn núi có giá trị là điểm cao chiến lược quân sự đã được xác định từ thời kháng Pháp và Mỹ.

Điểm cao 37 còn là nơi diễn ra một trận đánh oanh liệt của phân đội đặc công Huyện đội Phú Quốc năm 1969, phần lớn là chiến sỹ vượt ngục từ nhà tù Phú Quốc, nên được kiến nghị xây dựng tượng đài chiến thắng, một di tích lịch sử. Nhưng sau nhiều kiến nghị, hai ngọn núi vẫn bị san phẳng. Nhu cầu xây dựng nhiều công trình lớn đang khiến nhiều đồi núi ở hòn đảo du lịch Phú Quốc nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ đối mặt sự xâm hại.

Khu vực Hòn Sóc, huyện Hòn Đất đã trở thành công trường khai thác đất, đá rộng lớn từ nhiều năm qua. Dãy núi Hòn Sóc rộng khoảng 120 ha nhưng gần 100 ha bị bóc đất, khai thác đá với hơn 1.000 người thường xuyên đục, đẽo đá. Bên cạnh lao động thủ công, hàng chục doanh nghiệp với các loại xe cơ giới ngày đêm đào bới, nổ mìn.

Núi rừng bị tàn phá nặng nề nhất lại diễn ra tại huyện Kiên Lương, một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây có nhiều nhà máy xi măng đang hoạt động, mỗi nhà máy được cấp ít nhất một ngọn núi đá để khai thác nguyên liệu. Hàng loạt ngọn núi khác bị đào bới để phục vụ các lò nung vôi, các công trình xây dựng.

Trong đó, lớn nhất là Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương, công trình này cần hàng chục triệu mét khối đất đá để lấn biển 300 ha. Một cán bộ huyện Kiên Lương nói, huyện cũng không biết được hiện có mấy chục doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản trên địa bàn, bởi tất cả giấy phép khai thác đều do tỉnh cấp.

Ở Kiên Lương các ngọn núi như Trà Đuốc Lớn, Trà Đuốc Nhỏ, Mây, Trầu… đang được khai thác ồ ạt, thời gian cấp phép 20- 50 năm. Không chỉ cho phép khai thác cắt ngọn, một số mỏ đá còn được phép lấy âm xuống lòng đất hàng chục mét. Những ngọn núi lớn như Huỷnh, Mây, Sơn Trà… đang được doanh nghiệp làm thủ tục xin san phẳng.

Quần thể sinh học bị đe dọa

Trong cuộc họp về khai thác khoáng sản mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa thừa nhận: “Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập”.

Theo ông Sa, đáng lo ngại nhất là công tác hậu kiểm sau cấp phép lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp được cấp phép khai thác không tuân thủ các cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và tiêu thụ tài nguyên khoáng sản. Với tốc độ khai thác ồ ạt, tràn lan như hiện nay, không bao lâu nữa nguồn tài nguyên khoáng sản của Kiên Giang sẽ cạn kiệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi nói: “Phải khẩn trương lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu đã hết hạn giấy phép thì cương quyết không cấp lại. Tỉnh sẽ ưu tiên hình thức đấu giá để cấp phép khai thác khoáng sản, tạo sự cạnh tranh minh bạch giữa các doanh nghiệp, nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản”.

Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho biết, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh gồm: Đá xây dựng đá vôi, đất sét gạch ngói và vật liệu san lấp. Ngoài ra, còn có quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt gồm 8 mỏ đá vôi trữ lượng hơn 153 triệu tấn và 4 mỏ sét xi măng trữ lượng hơn 82 triệu tấn.

Trong 8 mỏ đá vôi, có 6 mỏ trữ lượng lớn được Bộ TN-MT cấp phép cho 5 nhà máy xi măng (tập trung tại huyện Kiên Lương) và một nhà máy sản xuất clinker công suất 450.000 tấn/năm. Các mỏ đá vôi còn lại có trữ lượng thấp cũng đã được tỉnh cấp 11 giấy phép khai thác.

Trong lúc, núi đá vôi Kiên Lương là môi trường sống của nhiều hệ sinh vật độc đáo, có những loài chưa được biết đến. Những loài đã biết gồm 322 loài thực vật, 155 loài động vật có xương sống, 65 loài không xương sống, 9 loài dơi, 13 loài lưỡng cư, 32 loài bò sát, 144 loài chim. Trong đó, 6 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, 31 loài thú chưa điều tra khảo sát tình trạng quần thể.

Vùng núi đá vôi Kiên Lương là nơi sinh cư của đàn voọc bạc Đông Dương, loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ hiện chỉ còn chưa đầy 200 con sinh sống trong các hang động núi đá vôi Bãi Voi, Khoe Lá, Hàng Tiền, Chùa Hang, hòn Lô Cốc…

Tình trạng san phẳng núi đồi, không chỉ làm biến dạng địa hình mà còn đe dọa nghiêm trọng các quần thể sinh học quí hiếm nơi đây.

Hồng Lĩnh Theo Báo giấy

Từ khóa » Khoáng Sản ở Kiên Giang