Hồn Thiêng Sông Núi Bạch Đằng Giang

Đại Việt anh hùng vang trần thế

Bạch Đằng oanh liệt, nức muôn phương

Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc lại nô nức đi trẩy hội. Một trong những điểm du xuân đầu năm thường được hướng đến là du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn dân tộc. Đến với thành phố biển Hải Phòng trong dịp đầu năm mới, du khách không quên dừng chân vãn cảnh một vùng đất non nước hữu tình, nơi tọa lạc của Quần thể di tích Bạch Đằng Giang - công trình thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với các tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Quảng Trường chiến thắng Bạch Đằng trong Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang (thành phố Hải Phòng).

Cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 20 km về phía Đông Bắc hiện hữu một vùng mây núi giao hòa, mênh mông sóng nước. Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng ngày nay), địa danh đã đi vào lịch sử với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng cùng với trận địa cọc gỗ là minh chứng hào hùng về sự kết hợp giữa sức mạnh và trí tuệ, tinh thần đoàn kết, tài thao lược của bậc tiền nhân, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). 

Năm 938, trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt, làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội lần thứ hai. Năm 1288, sông Bạch Đằng lại một lần nữa cuộn sóng, nhấn chìm quân xâm lược Nguyên - Mông. Trận Bạch Đằng 1288 của quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.

Dòng Bạch Đằng sau bao phen tao loạn, nước sông loang đỏ máu giặc xâm lăng đã xanh trong trở lại trong cuộc sống đời thường và cần mẫn tháng năm đắp bồi phù sa cho đôi bờ. Sự thay đổi ấy giúp cho mảnh đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) ngày nay có tầm vóc rộng dài, bề thế hơn, xứng đáng là trung tâm quan trọng của cả vùng Đông Bắc. Nơi đây tọa lạc Quần thể Di tích Lịch sử Danh thắng Tràng Kênh - Bạch Đằng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vào năm 1962, một trong những di tích, cụm di tích được xếp hạng sớm nhất của Hải Phòng.

Cùng với các công trình kiến trúc tín ngưỡng có lịch sử hàng trăm năm, một quần thể kiến trúc với quy mô bề thế, khang trang đã được hình thành là Khu Di tích Bạch Đằng Giang nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ngày 4/11/2020, Khu di tích Bạch Đằng Giang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ năm 2008 đến nay, khu di tích đã không ngừng được mở mang, hoàn thiện, đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan. Quần thể khu di tích bao gồm: Linh Từ Tràng Kênh, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Đền thờ Đức vương Ngô Quyền, Đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trúc Lâm tự Tràng Kênh, Quảng Trường chiến thắng Bạch Đằng, văn bia, nhà trưng bày và mô hình bãi cọc trên sông Bạch Đằng.

Nổi bật trong khuôn viên Khu di tích là Quảng Trường chiến thắng Bạch Đằng. Đây là quảng trường nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2.000m2, sừng sững tượng đài cả ba vị anh hùng dân tộc: Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng nơi vùi xác quân thù; Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm; Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang. Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi tượng có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong. Xung quanh quảng trường là bãi cọc gỗ lim rộng lớn phục dựng trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa, quanh năm sóng vỗ như phần nào phản ánh tầm vóc, hào khí của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Khu di tích Bạch Đằng Giang cũng là một trong số ít địa điểm trong cả nước thực hiện 3 không: Không thương mại, không thu phí (kể cả phí gửi xe) và không rác thải, đã mang đến một không gian văn hóa - lịch sử yên bình đúng nghĩa, được người dân và du khách ghi nhận, đánh giá cao.

Gần đây, bãi cọc Cao Quỳ nằm trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê và bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên được phát lộ đã mang lại nhiều phát hiện mang tính lịch sử to lớn, trở thành một hợp phần quan trọng trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa rộng lớn dọc bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng. Căn cứ kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống cọc gỗ cùng nhiều hiện vật lịch sử thời nhà Trần. Bước đầu nhận định, bãi cọc có thể là thế trận địa có niên đại vào cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần. Hiện nay, khu di tích Bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng được bảo tồn và kết nối với Khu di tích quốc gia Bạch Đằng Giang, góp phần quan trọng bổ sung giá trị tiến tới đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đến thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang đã ghi nhận và hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã gìn giữ, đầu tư, tôn tạo, tu bổ Khu di tích lịch sử đặc biệt quý giá này. Tổng Bí thư mong muốn: Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên không chỉ là nơi tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Minh Ngọc

Từ khóa » Di Tích Bãi Cọc Sông Bạch đằng