Hợp đồng 3 Bên, 4 Bên Trong Xuất Nhập Khẩu - EximShark.Com
Có thể bạn quan tâm
Thông thường một hợp đồng được ký kết bởi 2 bên mua và bán, tuy nhiên với hợp đồng Xuất nhập khẩu mọi chuyện có thể phức tạp hơn khi bạn thấy 3 bên hoặc 4 bên liên quan được đề cập trong hợp đồng. Tùy từng thương vụ, người xuất khẩu có thể đồng thời là người giao hàng và người nhập khẩu có thể đồng thời là người nhận hàng hoặc không.
Mục lục
- 1 1. Hợp đồng 3 bên (Việt Nam – Nước ngoài – Nước ngoài)
- 2 2. Hợp đồng 4 bên (Việt Nam – nước ngoài – Việt Nam – nước ngoài)
- 3 3. Hợp đồng 3 bên (Việt Nam – nước ngoài – Việt Nam)
- 4 4. Tạm kết
1. Hợp đồng 3 bên (Việt Nam – Nước ngoài – Nước ngoài)
Ví dụ:
Công ty B ở Mỹ ký hợp đồng nhập khẩu gạo với công ty A ở Việt Nam nhưng yêu cầu giao hàng thẳng cho công ty C ở Ấn Độ để tiêu thụ. Như vậy đây là hợp đồng 3 bên; Việt Nam là người xuất khẩu đồng thời là người giao hàng, Mỹ là người nhập khẩu nhưng không là người nhận hàng, người nhận hàng là Ấn Độ.
- Nghiệp vụ của A:
- Ký hợp đồng với B
- Nhận tiền thanh toán từ B
- Giao hàng cho C
- Mở tờ khai xuất khẩu
- Làm C/O cho C hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (nếu có)
Cá nhân mình đã thực hiện vô số hợp đồng 3 bên giữa Việt Nam – nước ngoài – nước ngoài nhưng có ngược lại so với ví dụ trên 1 chút. Chẳng hạn công ty Việt Nam nhập khẩu Dây hàn Inox thương hiệu Kiswel từ công ty mẹ ở Hàn Quốc nhưng được công ty này chỉ định nhận hàng từ nhà máy đặt tại Malaysia (bởi vì đặt nhà máy ở đây sẽ giúp thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam được hưởng mức ưu đãi cao nhờ C/O form D).
2. Hợp đồng 4 bên (Việt Nam – nước ngoài – Việt Nam – nước ngoài)
Ví dụ:
Công ty C ở Mỹ ký hợp đồng số 1 thuê công ty B ở Mỹ gia công 1 lô hàng. Công ty B không tự gia công mà ký hợp đồng số 2 thuê công ty A ở Việt Nam gia công lại lô hàng. Công ty C ở Mỹ không sử dụng số hàng hóa đó mà ký hợp đồng số 3 bán cho công ty D ở Việt Nam trực tiếp sử dụng. Hàng được chỉ định giao thẳng từ công ty A ở Việt Nam tới công ty D cũng ở Việt Nam sau khi gia công xong. Như vậy đây là hợp đồng 4 bên; Công ty C ở Mỹ là người bán, công ty B chỉ đóng vai trò trung gian và thu phí gia công. Công ty A ở Việt Nam chỉ là người giao hàng và thu phí gia công trong khi công ty D ở Việt Nam là người mua thực sự và sẽ nhận hàng trực tiếp từ công ty A.
- Nghiệp vụ của A:
- Ký hợp đồng với B
- Nhận tiền thanh toán từ B
- Giao hàng cho D
- Mở tờ khai xuất khẩu
- Nghiệp vụ của D:
- Ký hợp đồng với C
- Thanh toán tiền cho C
- Mở tờ khai nhập khẩu
Trường hợp hợp đồng 4 bên như thế này sẽ rất quen thuộc với các bạn làm trong công ty/ nhà máy ở Khu công nghiệp. Các công ty này có chung 1 đặc điểm là thường làm việc theo quy trình với công ty mẹ ở nước ngoài và được công ty mẹ chỉ định nhập nguyên liệu ngay tại Việt Nam để sản xuất. Những lô hàng được chỉ định giao tại Việt Nam và cũng nhận tại Việt Nam như thế đều sử dụng loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ để mở tờ khai hải quan các bạn nhé.
3. Hợp đồng 3 bên (Việt Nam – nước ngoài – Việt Nam)
Ví dụ:
Công ty C ở Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị với công ty B ở Việt Nam (nhà phân phối) nhưng được công ty B chỉ định nhận hàng từ công ty A ở Mỹ (nhà sản xuất). Như vậy đây là hợp đồng 3 bên; A là người giao hàng, B là người xuất khẩu nhưng không là người giao hàng, C là người nhập khẩu đồng thời là người nhận hàng.
- Nghiệp vụ của B:
- Ký hợp đồng với C
- Nhận tiền thanh toán từ C
- Nghiệp vụ của C:
- Ký hợp đồng với B
- Thanh toán tiền cho B
- Mở tờ khai nhập khẩu
- Nhận C/O từ A để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (nếu có)
Thương vụ này gần giống với trường hợp số 1, chỉ có điều bạn cần nhớ đó là nghiệp vụ thanh toán diễn ra trong nội địa chứ không phải thanh toán quốc tế. Bạn nên bàn bạc với phòng kế toán để chuẩn bị chứng từ cho phù hợp với nguyên tắc hạch toán kế toán nhé.
4. Tạm kết
Theo kinh nghiệm của mình, khi tiến hành các thương vụ 3 bên hoặc 4 bên bạn cần xác định rõ con đường hàng đi và con đường tiền đi, nghĩa là xác định rõ ai gửi hàng cho ai và ai thanh toán tiền cho ai.
Nếu các thông tin đó được làm rõ ngay từ đầu thì công việc chuẩn bị chứng từ cho hợp lý sẽ trở nên chủ động hơn rất nhiều và tránh được phát sinh nhiều rắc rối về các vấn đề tờ khai, hóa đơn, thuế, chứng từ thanh toán…
Từ khóa » Tờ Khai Xuất Khẩu 3 Bên
-
Thủ Tục Xuất Nhập Khẩu Tại Chỗ 3 Bên (Cập Nhật 2022)
-
Thủ Tục Hải Quan Giao Hàng 3 Bên (Cập Nhật 2021) - Luật ACC
-
Thủ Tục Xuất Khẩu Hàng Hóa 3 Bên Bao Gồm Những Gì? - Blog GoSELL
-
Mẫu Tờ Khai Hải Quan Mới Nhất 2022 Và Hướng Dẫn Chi Tiết Cách điền
-
THỦ TỤC HẢI QUAN XUẤT KHẨU TẠI CHỖ
-
[PDF] HƯỚNG DẪN CÁCH GHI CÁC TIÊU THỨC TRÊN TỜ KHAI HÀNG ...
-
Hỏi Về Thủ Tục Hải Quan đối Với Hàng Hóa Xuất Khẩu, Nhập Khẩu Tại Chỗ
-
Mẫu Hợp đồng Xuất Khẩu Hàng Hóa Ba Bên Trong Xuất Nhập Khẩu
-
Quyết định Của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính - Thanh Hóa
-
Thủ Tục Xuất Nhập Khẩu 3 Bên
-
Hợp đồng Ba Bên Khi Xuất Nhập Khẩu - Gonnapass
-
Thủ Tục Mở Tờ Khai Hải Quan đối Với Các Hợp đồng Có Liên Quan đến ...
-
CÔNG VĂN 5529/TCHQ-TXNK NĂM 2021