Hợp đồng Dân Sự Là Gì? - Luật Minh Gia

Hợp đồng dân sự là gì? Để tồn tại và phát triển mỗi cá nhân và tổ chức phải tham gia vào nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Việc các bên thiết lập với nhau những quan hệ để chuyển giao các lợi ích vật chất nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chỉ khi nào có sự thể hiện và thống nhất ý chí giữa các bên thì quan hệ trao đổi lợi ích vật chất mới được hình thành, ta gọi đó là hợp đồng dân sự.

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng dân sự
  • 2. Hình thức của hợp đồng dân sự:
    1. 2.1 (i) Hình thức giao kết miệng (lời nói):
    2. 2.2 (ii) Hình thức giao kết bằng hành vi cụ thể:
    3. 2.3 (iii) Hình thức bằng văn bản (viết):
  • 3. Các điều khoản trong hợp đồng dân sự
    1. 3.1 (i) Điều khoản cơ bản
    2. 3.2 (ii) Điều khoản thông thường
    3. 3.3 (iii) Điều khoản tùy nghi
    4. 3.4 (iv) Phụ lục hợp đồng
  • 4. Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng dân sự
    1. 4.1 Các trường hợp vô hiệu toàn bộ bao gồm:
    2. 4.2 Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần

1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng dân sự

Khái niệm hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, theo đó “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận để một bên chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia; ngoài ra cũng có thể là sự thỏa thuận để thay đổi hoặc chấm dứt các nghĩa vụ đó.

Về cơ bản, một hợp đồng dân sự sẽ bao gồm những đặc điểm sau:

- Thứ nhất, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên với nhau, phải có sự thống nhất ý chí và phải phù hợp với ý chỉ Nhà nước

- Thứ hai, hợp đồng dân sự là một sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý: xác lập, làm thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể.

- Thứ ba, nội dung của hợp đồng dân sự là quyền và nghĩa vụ mà các bên chủ thể quy định cho nhau

- Thứ tư, mục đích của hợp đồng dân sự là lợi ích hợp pháp, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của hợp đồng dân sự:

Theo quy định pháp luật, hình thức của hợp đồng dân sự rất đa dạng. Có một số trường hợp pháp luật bắt buộc hợp đồng dân sự phải được giao kết theo hình thức nhất định; còn nếu không có quy định ràng buộc thì hợp đồng giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể hay văn bản vẫn được xem là có hiệu lực.

(i) Hình thức giao kết miệng (lời nói):

Hình thức này thường được áp dụng với các trường hợp thỏa thuận thực hiện một công việc với giá trị của hợp đồng không lớn hoặc khi các bên hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, hoặc là các đối tác tin cậy lâu năm hoặc là những hợp đồng sau khi giao kết, thực hiện sẽ chấm dứt (mua bán ngoài chợ, cho bạn bè người thân vay tiền với số tiền không quá lớn).

(ii) Hình thức giao kết bằng hành vi cụ thể:

Trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận nhau nếu bên bán gửi thư báo giá, mà bên kia không trả lời tức là đã chấp nhận mua hàng theo giá được chào.

(iii) Hình thức bằng văn bản (viết):

Các bên giao kết hợp đồng thống nhất về quyền và nghĩa vụ hợp đồng bằng văn bản. Các bên thỏa thuận với nhau về những nội dung chính mà đã cam kết và người đại diện của các bên phải ký hợp đồng.

3. Các điều khoản trong hợp đồng dân sự

(i) Điều khoản cơ bản

Điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng, do vậy đây là điều khoản không thể thiếu. Nội dung của điều khoản cơ bản do tính chất từng hợp đồng hoặc do pháp luật quy định, có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm… Một số điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản vì nếu không có những điều khoản này thì không thể hình thành hợp đồng, chẳng hạn như điều khoản về đối tượng.

(ii) Điều khoản thông thường

Điều khoản thông thường là những điều khoản được pháp luật quy định trước trong các văn bản liên quan. Khi giao kết hợp đồng, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Khác với điều khoản cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng. Nếu có tranh chấp về những nội dung này thì quy định của pháp luật sẽ là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.

(iii) Điều khoản tùy nghi

Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thoả thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được cụ thể hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thông qua điều khoản tùy nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng, sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.

Dựa vào tính chất của các điều khoản tùy nghi, người ta còn có thể phân chúng thành hai loại khác nhau: tùy nghi ngoài pháp luật và tùy nghi khác pháp luật.

(iv) Phụ lục hợp đồng

Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng

Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

4. Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng dân sự

Theo quy định tại Điều 407 và từ Điều 122 đến Điều 130 Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng dân sự có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần.

Các trường hợp vô hiệu toàn bộ bao gồm:

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần

Khi một phần nội dung của hợp đồng dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.

Khi hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Từ khóa » đồng Dân Sự Là Gì