Hợp Tác Trong Lĩnh Vực Y Tế - La France Au Vietnam

Trang chủ > Hợp tác Pháp - Việt > Y tế > Hợp tác trong lĩnh vực y tế

  • RSS
  • Réduire la police du site
  • Agrandir la police du site
Hợp tác trong lĩnh vực y tế [fr]
  • In trang này
  • Facebook
  • Twitter

Hợp tác y tế của Pháp tại Việt Nam nằm trong những ưu tiên chiến lược về y tế thế giới của Pháp, tập trung cho việc đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3, nhằm giúp cho con người sống khỏe mạnh và khuyến khích sự thoải mái của tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Chương trình hợp tác do Cơ quan Hợp tác Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội dẫn dắt, cùng với sự cộng tác chặt chẽ của Tham tán Y tế khu vực tại Bangkok, Expertise France và các viện nghiên cứu trong đó có CIRAD, IRD, ANRS, mạng lưới quốc tế các viện Pasteur.

Từ 1993, năm ký kết hiệp định hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực y tế, Pháp đã đầu tư rất nhiều cho đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ sở y tế Việt Nam. Mối quan hệ thiết lập được trong 35 năm trở lại đây, dựa trên sự ưu tú và việc chuyển giao kỹ năng là động lực cho rất nhiều trao đổi trong khuôn khổ các dự án hợp tác giữa các trường đại học và các bệnh viện (hơn 50 thỏa thuận hợp tác) nhằm hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam trong những thay đổi theo chiều sâu.

Đồ họa về hợp tác của Pháp trong lĩnh vực y tế

PNG

Chương trình hợp tác y khoa của Pháp tiếp nhận bác sĩ Việt Nam nói tiếng Pháp tại các bệnh viện của Pháp. Chương trình đào tạo này kéo dài đến năm 2009 dưới tên gọi Chương trình FFI (Thực hành nội trú), từ năm 2010 được chuyển đổi thành Chương trình DFMS/DFMSA (Đào tạo cấp Bằng bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu). Chính sách đào tạo này đã giúp đào tạo khoảng 3000 bác sĩ Việt Nam và đổi mới bộ mặt y khoa Việt Nam thông qua việc phát triển một đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa pháp ngữ tạo nên một phần lớn các bác sĩ, giáo sư y khoa đầu ngành hiện nay.

Cơ quan hợp tác của Pháp đồng thời hỗ trợ một chương trình đào tạo sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học y, dược khác nhau (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng), chương trình cho phép cấp bằng liên đại học (DIU) trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học y của Pháp và Việt Nam. Năm 2019, khoảng 1500 bác sĩ Việt Nam tham gia vào các khóa đào tạo này (hơn 80 giảng viên Pháp được huy động), tương đương với hơn 1000 giờ giảng của 20 chương trình đào tạo DIU và đào tạo sau đại học. Mục tiêu và nội dung giảng dạy do các điều phối viên Việt Nam và Pháp đưa ra, đáp ứng với các thách thức về sức khỏe cộng đồng..

Trong 15 năm qua, chương trình học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã cấp học bổng cho 65 sinh viên trong lĩnh vực khoa học y dược (Thạc sĩ và Tiến sĩ), trong dó có 14 Tiến sĩ và 21 Thạc sĩ (Master 2) từ năm 2013 đến năm 2020.

Cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, là một ưu tiên của hợp tác. Nước Pháp bằng cam kết tài chính của mình cho Quỹ Toàn cầu (Nước đóng góp thứ hai trên thế giới), là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống lại ba căn bệnh này. Để hỗ trợ cho phương pháp tiếp cận định tính có tác động lớn đến việc phòng bệnh, chẩn đoán và chăm sóc y tế cho bệnh nhân, Quỹ Toàn cầu đã cấp cho Việt Nam một ngân sách 560 triệu USD trong đó hơn 92 triệu USD dành cho phòng chống sốt rét, 233 triệu USD dành cho phòng chống HIV/AIDS, 169 triệu USD cho phòng chống lao và 62 triệu USD cho việc tăng cường hệ thống y tế.

Tổng cộng, Pháp, nhà tài trợ thứ hai trong lịch sử cho Quỹ Toàn cầu, từ năm 2002, đã tài trợ hơn 5,8 tỷ euros cho Quỹ Toàn cầu, tức là khoản đóng góp trực tiếp từ Pháp cho Việt Nam gần 72,8 triệu USD. Một khoản ngân sách 150 triệu USD được phân bổ cho các năm 2021-2023.

Từ tháng sáu 2014, cùng các đối tác quốc tế và nhân tố chủ chốt của Việt Nam (cơ quan thể chế và đại diện xã hội dân sự), nước Pháp tham gia, vào Cơ quan Điều phối viện trợ quốc gia Việt Nam, là cơ quan có nhiệm vụ thông qua các định hướng chiến lược cũng như giám sát việc sử dụng ngân sách được cấp cho các chương trình quốc gia trong khuôn khổ của mô hình tài chính mới của Quỹ Toàn cầu.

Tại đây, kết hợp với các chương trình nghiên cứu, Pháp đặc biệt bảo vệ sự đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, quan tâm nhiều hơn đến nhóm người dễ bị tổn thương trong các can thiệp đổi mới có nhiều ảnh hưởng

Hoạt động của chúng tôi trong khuôn khổ hợp tác đa phương được ANRS (Cơ quan nghiên cứu quốc gia về HIV/AIDS và viêm gan của Pháp) hỗ trợ. Cơ quan này giữ vai trò quan trọng cho sự hiện diện khoa học của Pháp ở Việt Nam, bằng chứng là cam kết lâu năm của Giáo sư Françoise Barré Sinoussi, người được giải Nobel y học năm 2008. Hiện nay ANRS đứng thứ hai trên thế giới về các xuất bản khoa học về HIV/AIDS.

Thông qua « Sáng kiến » do Expertise France triển khai, Pháp có khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên gia của Việt Nam liên quan đến việc thiết kế, triển khai, theo dõi tiến triển và đánh giá tác động của các chương trình do Quỹ Toàn cầu tài trợ. Năm 2021, nhiều dự án đã được hỗ trợ bởi « Sáng kiến » tai Việt Nam, nhằm tăng cường hệ thống y tế, và đồng thời giúp cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tiếp cận được chăm sóc y tế.

Qua đó, Pháp hỗ trợ tổ chức phi chính phủ SCDI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng), đi đầu trong việc hỗ trợ các nhóm hoặc các tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực y tế ; SCDI cung cấp các dịch vụ được biết đến trên thế giới cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đói nghèo, dịch HIV và các hậu quả của việc sử dụng ma túy. Tổ chức phi chính phủ này nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu và cùng làm việc với ANRS trong một chương trình nghiên cứu. SCDI triển khai một chương trình giảm thiểu nguy cơ gắn với việc sử dụng ma túy ở thanh niên dưới 25 tuổi, tại 8 tỉnh thành của Việt Nam.

« Sáng kiến » cũng hỗ trợ Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, lập kế hoạch cung ứng tốt hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... v.v..) và hỗ trợ cộng đồng để dự phòng và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc. Cuối cùng, « Sáng kiến » hỗ trợ Chương trình Chống Lao Quốc gia Việt Nam (NTP) để đánh giá tính hiệu quả của chương trình mới về loại trừ lao « Zero TB Vietnam».

Các hoạt động trong chương trình hợp tác y tế của chúng tôi, bao gồm các chương trình đào tạo song phương và một cam kết đa phương nhằm chống lại HIV/AIDS, lao và sốt rét là trọng tâm của các chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Cộng hòa François Hollande năm 2016 và của Thủ tướng Edouard Philippe năm 2018.

Lịch sử hợp tác song phương

Thế kỷ 19 chứng kiến sự ra đời của những mối quan hệ đầu tiên giữa nền Y học Pháp và Y học Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác đầu tiên được ký kết vào những năm 1880 về việc thành lập tại Hà Nội một "Chứng chỉ Giảng dạy Kỹ thuật Y học" cho phép các học viên trẻ Việt Nam bước đầu học Y học Pháp nói chung và tiêm chủng, tiểu phẫu và nhãn khoa nói riêng.

Việt Nam đã trở thành nơi cho việc phát triển tiêm chủng và nghiên cứu y sinh học, với việc ra đời năm 1890, Viện Pasteur hải ngoại đầu tiên tại Sài Gòn, sau đó là Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Hà Nội. Các viện này đã đóng góp vào sự phát triển của các ngành dịch tễ học, y tế công cộng và y học nhiệt đới. Sự phát triển của kỹ thuật chụp x quang và xạ trị được thể hiện với việc thành lập vào những năm 1920 Viện Radium Đông Dương.

Alexandre Yersin

Alexandre Yersin - JPEG Đầu thế kỷ 20, năm 1902, Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương được thành lập tại Hà Nội, do Alexandre Yersin làm Hiệu trưởng, người đặt nền móng cho đào tạo đại học ngành Y tế. Trường Y khoa Sài Gòn, một chi nhánh của Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội, thành lập năm 1947.

Trong những năm chiến tranh, các bác sĩ Pháp và Việt Nam vẫn liên lạc chặt chẽ và việc giảng dạy y học Pháp vẫn tiếp tục. Nhiều bác sĩ Việt Nam được đào tạo từ Pháp đã gắn bó với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, như Hiệu trưởng Hồ Đắc Di, người đã tiến hành khai giảng đầu tiên của trường đại học y trong rừng vào năm 1945, Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ phẫu thuật tốt nghiệp năm 1937, từ năm 1946, đã thành lập các bệnh viện dã chiến, cũng như Giáo sư Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng xét nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn, đã sản xuất vắc xin ở trong rừng và trở thành Bộ trưởng Y tế năm 1968.

Ngay từ năm 1984, các phác thảo về hợp tác Pháp-Việt trong lĩnh vực y tế đã được vạch ra với việc tiếp nhận các bác sĩ chuyên khoa trẻ người Việt Nam sang các bệnh viện Pháp thực tập (FFI). Một hợp tác toàn diện hơn với các mục tiêu được xác định rõ ràng dần dần được thực hiện, dẫn đến việc ký kết các hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực y tế vào ngày 10 tháng 2 năm 1993. Từ đó, nhiều chương trình hợp tác ra đời và phát triển theo nhu cầu của giới y khoa và người dân Việt Nam.

Các vấn đề hiện nay về hợp tác y tế bao gồm việc lồng ghép tốt hơn hoạt động của Pháp với hoạt động đa phương nhằm đáp ứng các chiến lược do chính phủ Việt Nam xây dựng.

Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1989, theo lời mời của bác sĩ Dương Quang Trung, thời kỳ đó là Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Carpentier quyết định giúp xây dựng cơ sở bệnh viện đầu tiên có khả năng thực hiện phẫu thuật tim ở Việt Nam.

Một bệnh viện bán công là mô hình độc đáo được thành lập. Cơ sở bệnh viện do thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, quỹ Carpentier tài trợ trang thiết bị y tế và đào tạo êkíp địa phương. Các nhóm bác sĩ/ phẫu thuật viên Việt Nam được gửi đi đào tạo tại Pháp và các êkíp của Pháp được cử đến thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, gần như toàn bộ êkíp bác sĩ của Viện Tim đã được đào tạo tại Pháp, phần lớn nhờ vào chương trình FFI (thực hành nội trú) của Pháp, tức DFMS/A hiện nay).

Từ khi bệnh viện đi vào hoạt động, năm 1992, ước tính khoảng 100 000 bệnh nhân đã được điều trị. 24 500 bệnh nhân, phần lớn là trẻ em và thiếu niên đã được phẫu thuật và 225 000 người được theo dõi khám mỗi năm. Tuy nhiên con số này vẫn không thể giúp giải tỏa lượng bệnh nhân, danh sách bệnh nhân phải chờ phẫu thuật tim là hơn hai năm.

Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế để trở thành một bệnh viện phi lợi nhuận. Mỗi năm, khoảng 30% các cuộc phẫu thuật được Quỹ Carpentier tài trợ và người hưởng lợi là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ này có nguồn thu từ Phòng khám đa khoa quốc tế (CMI), một cơ sở y tế nằm trong Trung tâm hoạt động Y tế Pháp, trực thuộc Tổng lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Phòng khám CMI dành toàn bộ lợi nhuận của mình cho Viện Tim.

Viện Tim là cơ sở đầu tiên thực hiện phẫu thuật tim hở, sau này đã giúp chuyển giao kiến ​​thức cho Việt Nam, đào tạo các bác sĩ tim mạch các bệnh viện tại Việt Nam.

Đây cũng là một mô hình phát triển Nam/Nam vì các bác sĩ từ các nước khác như Campuchia hay Sénégal đến học tập tại Viện.

Tham khảo thông tin gần đây về hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế.

Cập nhật ngày 28/04/2021

Trở về đầu trang

Truy cập nhanh

  • Xác nhận/hợp thức hóa giấy tờ

Từ khóa » Ví Dụ Về Hợp Tác