HPV Virus Là Gì? Có Bao Nhiêu Chủng Virus HPV? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. HPV là bệnh gì?
  • 2. Virus HPV lây nhiễm như thế nào?
  • 3. Có bao nhiêu chủng loại HPV?
  • 4. HPV tồn tại trong cơ thể người bao lâu?
  • 5. Virus HPV gây ra bệnh gì?
  • 6. Virus HPV có gây ra ung thư không?
  • 7. Cách phòng tránh bị nhiễm HPV?
  • 7. Bệnh HPV có thể chữa trị được không?
  • 8. Xét nghiệm HPV như thế nào?

HPV là một tên gọi được viết tắt từ Human Papilloma Virus. Virus HPV là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, sùi mào gà. HPV là tên của một loài virus gồm rất nhiều chủng loại, có một số có tiềm năng cao gây ung thư và được gọi là “nguy cơ cao”.

Còn những chủng HPV có ít khả năng gây ung thư thì gọi là nguy cơ trung bình. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về virus HPV nhé

1. HPV là bệnh gì?

HPV là gì? HPV bản chất không phải tên của một căn bệnh. HPV là từ viết tắt của một loài virus có tên đầy đủ là Human Papilloma Virus. Loài virus này có hơn 100 chủng khác nhau!

Human Papilloma Virus trên kính hiển vi
Human Papilloma Virus trên kính hiển vi.

Đây là loài virus sống ở các tế bào bề mặt của cơ thể. Ví dụ: Da, niêm mạc cổ tử cung, hậu môn, dương vật, thậm chí là hầu họng…

HPV gồm nhiều chủng loại và được chia thành 3 nhóm:

  • Nguy cơ cao: Khả năng cao gây ra ung thư.
  • Nguy cơ trung bình: Khả năng gây ung thư thấp.
  • Nguy cơ thấp: Không có nguy cơ gây ra ung thư.

HPV là nguyên nhân chủ yếu gây ra 2 căn bệnh tương đối thường gặp:

  • Ung thư cổ tử cung.
  • Sùi mào gà.
  • Ngoài ra, đôi khi HPV có thể gây ra ung thư dương vật, hậu môn.

Xem thêm: Virus HPV gây ung thư miệng: Những điều bạn cần biết

2. Virus HPV lây nhiễm như thế nào?

HPV thường được biết là sẽ lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số trường hợp virus HPV có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp giữa da người với nhau. (1)

Trong một số hiếm trường hợp khác, HPV có thể lây nhiễm từ mẹ sang con.

Vì chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, do đó, nam giới cũng có thể mắc phải HPV. Bao cao su cũng không thể ngăn chặn sự lây nhiễm này, nó chỉ có thể giảm một phần nguy cơ mắc HPV mà thôi.

Hình ảnh minh hoạ sùi mào gà trên da.
Sùi mào gà.

3. Có bao nhiêu chủng loại HPV?

Người ta gọi tên các chủng HPV khác nhau theo con số. Ví dụ: HPV 6, HPV 11… (1), (2), (3)

Có khoảng 100 chủng HPV. Trong đó, khoảng 40 chủng lây nhiễm chính yếu qua đường tình dục (vùng bề mặt cơ thể ẩm ướt). Một bộ phận (khoảng 15 chủng) trong số 40 chủng này liên quan đến ung thư. Do đó, không phải toàn bộ các chủng lây nhiễm qua đường tình dục đều nguy hiểm.

HPV nguy cơ cao

Là các chủng HPV có khả năng gây ra ung thư cổ tử cung. 2 chủng nổi tiếng nhất trong nhóm này là HPV 16 và HPV 18. Hai loại HPV vừa nêu là nguyên nhân gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn một số chủng HPV khác như: HPV 31, HPV 33, HPV 45, HPV 52, HPV 58 và một vài chủng khác.

Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung.

HPV nguy cơ thấp

Điển hình là 2 chủng HPV 6 và HPV 11. 2 loại này gây ra 90% trường hợp sùi mào gà – một bệnh lý rất ít liên quan đến ung thư. Sùi mào gà thường xuất hiện sau vài tuần – vài tháng sau khi quan hệ tình dục với người nhiễm 2 chủng này.

4. HPV tồn tại trong cơ thể người bao lâu?

Hầu hết các chủng HPV tồn tại trong cơ thể ở một thời gian khá ngắn – 1 đến 2 năm. Những chủng tồn tại kéo dài hơn thường liên quan đến tình trạng tiền ung thư – ung thư. Trên thực tế, bác sĩ xác định việc đào thải HPV dựa vào 2 – 3 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính.

Nói cách khác, hầu hết HPV tấn công cơ thể sẽ bị đào thải. Một tỷ lệ nhỏ HPV có thể tồn tại dai dẳng, điều này được xác định bằng 2 – 3 lần liên tiếp xét nghiệm ra cùng 1 chủng HPV. (1)

Để xác định chủng HPV, cần tiến hành xét nghiệm tìm DNA của loại HPV đang nhiễm. Xét nghiệm PCR DNA HPV ở nước ta hiện đã có mặt ở nhiều cơ sở y tế lớn trên toàn quốc.

Trong các chủng virus HPV nguy cơ cao, chủng HPV 16 thường tồn tại lâu hơn các chủng khác.

5. Virus HPV gây ra bệnh gì?

Virus HPV rất dễ lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. (3)

Tuy nhiên, khi đã nhiễm phải HPV, bạn có thể gặp phải một số bệnh lý như:

  • Đối với chủng nguy cơ thấp có thể gây ra sùi mào gà, bệnh lý này xuất hiện khoảng vài tuần – vài tháng sau nhiễm. Nam giới nhiễm bệnh thường bị sùi mào gà ở dương vật, hậu môn.
  • Đối với chủng nguy cơ trung bình, cao có thể gây ra ung thư cổ tử cung, dương vật, hậu môn…

6. Virus HPV có gây ra ung thư không?

Câu trả lời đã được nhắc đến ở đoạn trên. HPV có những chủng nguy cơ cao và trung bình hoàn toàn có khả năng gây ra ung thư. Tuy nhiên, hầu hết các chung HPV đều là nguy cơ thấp, gần như không liên quan gì đến ung thư.

Có khoảng 15 chủng HPV gây ra ung thư. Trong đó, chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên thế giới. Những chủng HPV nguy cơ cao khác thường được nhắc đến là HPV 31, HPV 33, HPV 45. Các chủng gây ra ung thư này hầu hết đều lây nhiễm qua đường tình dục.

Hiện nay, tất cả các vaccin chủng ngừa HPV đều bao gồm 2 chủng chủng HPV 16 và HPV 18. Điều này giúp giảm đáng kể khả năng bị ung thư cổ tử cung.

7. Cách phòng tránh bị nhiễm HPV?

Cách dự phòng HPV tốt nhất là sử dụng bao cao su và tìm hiểu về tình dục an toàn.

Bao cao su không thể phòng tránh hoàn toàn được HPV virus. Nhưng bao cao su hoàn toàn có thể giảm tỉ lệ nhiễm HPV nếu dùng đúng phương pháp.

Tình dục an toàn:

  • Là việc kiểm tra các bệnh lý qua đường tình dục như viêm gan A, B, HPV, thậm chí là HIV.
  • Quan hệ 1:1. Việc có nhiều bạn tình làm tăng cao khả năng nhiễm bệnh.
  • Sử dụng bao cao su đúng phương pháp.

Bên cạnh 2 phương pháp này, việc chích ngừa vaccine HPV cũng rất thiết yếu. Ở Mỹ, độ tuổi chích ngừa HPV là 11 và 12 tuổi ở cả bé trai và gái bằng 2 liều. Đối tượng 15 – 26 tuổi cũng có thể chích ngừa HPV nhưng với chế độ 3 liều. Ở độ tuổi 27 – 45 cũng có thể chích ngừa HPV, tuy nhiên cần sự tư vấn của bác sĩ.

7. Bệnh HPV có thể chữa trị được không?

Nếu bạn nhiễm HPV và không có triệu chứng gì:

  • Bạn có thể không cần điều trị gì cả, ít nhất là sẽ không điều trị khẩn cấp. Do hầu hết các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự đào thải virus.
  • Đối với nữ giới, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm phết cổ tử cung (PAP test) để đánh giá các tế bào ở đây.
  • PCR DNA HPV cũng có thể là cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

Nếu xét nghiệm tế bào trên phết cổ tử cung ghi nhận các bất thường liên quan mạnh đến ung thư:

  • Áp lạnh: Đông lạnh các tế bào bất thường bằng hơi lạnh.
  • Sinh thiết chóp cổ tử cung.
  • Liệu pháp laser: Đốt tế bào cổ tử cung bằng laser.
  • LEEP: Cắt chóp cổ tử cung bằng vòng tạo nhiệt.

Tất nhiên, nếu ghi nhận tình trạng ung thư cổ tử cung đã diễn tiến đến giai đoạn muộn thì vấn đề điều trị ở đây sẽ là điều trị ung thư cổ tử cung, và đây không phải mục tiêu của bài viết này.

8. Xét nghiệm HPV như thế nào?

Có 2 xét nghiệm HPV hiện nay góp phần chủ yếu trong việc chẩn đoán HPV.

  1. PAP test: Test này nhằm mục đích tìm các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư ở cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đưa một que phết vào trong âm đạo, phết 1 vòng tròn ở cổ tử cung. Test này có thể gây ra cảm giác hơi khó chịu cho đối tượng nhưng sẽ hết ngay sau khi hoàn thành thủ thuật. (3)
  2. HPV DNA: Xét nghiệm tìm DNA của HPV trong máu của đối tượng. Xét nghiệm này không chỉ giúp xác định có nhiễm HPV hay không mà còn có thể tìm chủng loại gây bệnh.

Những phụ nữ ở độ tuổi 21 – 29 nên thực hiện PAP test mỗi 3 năm. Nếu kết quả test bất thường bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm HPV-DNA sau đó.

Ở độ tuổi 30 – 65, có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án sau:

  • PAP test mỗi 3 năm.
  • PAP test + HPV – DNA cùng lúc mỗi 5 năm (hay còn gọi là đồng xét nghiệm – co-testing).

Đối với những trường hợp xét nghiệm ghi nhận bất thường rõ hoặc kéo dài, đặc biệt là ở các chủng HPV có khả năng gây ung thư, bệnh nhân cần đi tái khám theo dõi thường xuyên hơn theo dặn dò của bác sĩ.

Virus HPV là tên của một loài virus. HPV có hơn 100 chủng virus khác nhau và khoảng 15 chủng có khả năng gây ung thư.

Ngoài con đường tình dục, tiếp xúc da kề da đôi khi cũng là con đường lây nhiễm HPV. Nếu tồn tại lâu dài trong cơ thể người, HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư.

Phòng ngừa và tầm soát HPV giúp giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung đáng kể.

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Con Virus Hpv