HTCTTKQG – Vốn đầu Tư Thực Hiện Toàn Xã Hội - Tổng Cục Thống Kê
Có thể bạn quan tâm
1. Khái niệm, phương pháp tính
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là toàn bộ tiền vốn bỏ ra (chi tiêu) để làm tăng hoặc duy trì năng lực sản xuất và nguồn lực để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm).
Nội hàm của vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội gồm các nội dung sau:
a) Vốn đầu tư tạo ra tài sản cố định là chi phí làm tăng thêm giá trị tài sản cố định, gồm vốn đầu tư xây dựng mới nhà cửa, vật kiến trúc, mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản và chi phí cho sửa chữa lớn tài sản cố định (tức là những chi phí bằng tiền để tạo mới, mở rộng, xây dựng lại, khôi phục hoặc nâng cấp năng lực sản xuất của tài sản cố định của nền kinh tế). Toàn bộ chi phí cho việc thăm dò, khảo sát thiết kế và quy hoạch xây dựng chuẩn bị cho việc đầu tư cũng như chi phí lắp đặt máy móc thiết bị cũng được tính vào khoản mục này.
b) Vốn đầu tư làm tăng tài sản lưu động là chi phí duy trì và phát triển sản xuất gồm vốn đầu tư mua nguyên liệu, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, vật liệu thiết bị xây dựng cơ bản. Đây là khoản chênh lệch tồn kho của vốn lưu động được bổ sung trong kỳ nghiên cứu.
c) Vốn đầu tư thực hiện khác gồm tất cả các khoản đầu tư của xã hội nhằm tăng năng lực phát triển của xã hội. Sự phát triển của xã hội ngoài yếu tố là tăng tài sản cố định, tài sản lưu động còn yếu tố tăng nguồn lực khác như: Nâng cao dân trí, tăng cường phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sinh thái, hỗ trợ các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội và các chương trình phát triển khác như Chương trình, mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, kế hoạch hóa gia đình; Chương trình bảo vệ động vật quý hiếm; Chương trình phổ cập giáo dục, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; Chương trình xóa đói giảm nghèo,…
Trên phạm vi quốc gia, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không gồm những khoản đầu tư có tính chất chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu giữa các cá nhân, hộ dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức,… nhưng không làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động của toàn bộ nền kinh tế trong phạm vi cả nước, như: Chuyển nhượng đất đai, nhà ở, cửa hàng, thiết bị máy móc và các tài sản cố định khác đã qua sử dụng.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội được phân tổ theo nguồn vốn đầu tư; khoản mục đầu tư; loại hình kinh tế; ngành kinh tế; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đầu tư và vùng kinh tế – xã hội.
– Chia theo nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn ngân sách nhà nước là khoản chi của ngân sách nhà nước để chuẩn bị đầu tư, thực hiện và kết thúc đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và một số nhiệm vụ chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để bố trí cho các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được thuộc các ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gồm vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.
Ngoài Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn bao gồm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật (Luật Đầu tư công).
+ Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ là nguồn vốn đầu tư được hình thành từ hoạt động hợp tác phát triển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với các nhà tài trợ là Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên Chính phủ hoặc liên quốc gia.
Vốn ODA gồm ODA viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay.
Vốn vay ưu đãi là hình thức cung cấp vốn vay có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng yếu tố không hoàn lại chưa đạt tiêu chuẩn của ODA vốn vay.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi do Chính phủ Việt Nam vay để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước do ngân sách nhà nước cấp phát được tính là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phần vốn nước ngoài. Còn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ do Chính phủ vay về cho doanh nghiệp vay lại thì không được tổng hợp vào nguồn vốn ngân sách nhà nước.
+ Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là vốn đầu tư cho những dự án đầu tư mà chủ đầu tư có thể vay vốn hưởng lãi suất ưu đãi để đầu tư trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn của nhà nước, các vùng khó khăn nhà nước khuyến khích đầu tư bảo đảm có hiệu quả kinh tế – xã hội, có khả năng hoàn trả vốn vay.
Các dự án đầu tư được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là các dự án thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư ban hành kèm theo Nghị định hiện hành quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước.
+ Vốn vay gồm vay ngân hàng thương mại và vốn vay từ các nguồn khác. Đây là khoản tiền mà chủ đầu tư đi vay từ các tổ chức tín dụng trong nước (không kể tín dụng đầu tư của Nhà nước đã nêu ở trên), vay các ngân hàng nước ngoài, vay các tổ chức quốc tế và vay các tổ chức, cá nhân khác để đầu tư sản xuất kinh doanh.
+ Vốn tự có là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư được hình thành từ lợi nhuận, trích ra để đầu tư; từ tiền thanh lý tài sản, từ khấu hao tài sản cố định, từ các quỹ, huy động cổ phần, góp vốn liên doanh của các bên đối tác liên doanh,…
+ Vốn khác là nguồn vốn đóng góp tự nguyện, cho, biếu, tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, là nguồn vốn huy động ngoài các nguồn vốn trên.
– Chia theo khoản mục đầu tư:
Vốn đầu tư được chia thành: Đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản; sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định; bổ sung vốn lưu động bằng nguồn vốn tự có; đầu tư khác. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản là tổng chi phí bằng tiền mà chủ đầu tư thuộc tất cả các loại hình kinh tế dùng cho việc xây mới, mở rộng, xây dựng lại các dự án/công trình như: Đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng, trường học, bệnh viện, nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh,….
Tùy theo mục đích nghiên cứu, vốn đầu tư xây dựng cơ bản có thể được phân tổ theo các tiêu thức khác nhau. Cùng với những phân tổ theo ngành kinh tế, theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (theo địa bàn), thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn được phân theo yếu tố cấu thành với 3 nhóm chính:
+ Vốn đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị (vốn xây lắp) là phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi cho việc xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị của công trình gồm chi phí xây dựng công trình, chi phí lắp đặt máy móc, thiết bị vào vị trí công trình, chi phí hoàn thiện công trình.
+ Vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị (vốn thiết bị) là phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi cho việc mua sắm máy móc, thiết bị và các dụng cụ, khí cụ, gia súc đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định hiện hành, gồm: Giá trị thiết bị, máy móc, dụng cụ, khí cụ, gia súc được coi là tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bảo quản, gia công, kiểm tra máy móc, thiết bị và các dụng cụ, khí cụ trước khi đưa vào lắp đặt. Vốn thiết bị gồm cả giá trị mua sắm thiết bị máy móc cần lắp đặt và thiết bị máy móc không cần lắp đặt.
+ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản khác là phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản không thuộc vốn xây lắp và vốn thiết bị, gồm: Chi phí tư vấn, đầu tư khảo sát, thiết kế, chi quản lý, chi giải phóng mặt bằng, chi đào tạo lao động tiếp nhận và vận hành công trình, các khoản chi khác.
– Chia theo loại hình kinh tế, vốn đầu tư chia thành 3 loại hình kinh tế:
+ Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước;
+ Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước;
+ Vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
– Chia theo ngành kinh tế: Vốn đầu tư được chia theo các ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC).
2. Phân tổ chủ yếu
a) Kỳ tháng: Vốn ngân sách nhà nước phân tổ theo cấp quản lý (cấp Trung ương và cấp địa phương)
b) Kỳ quý: Loại hình kinh tế.
c) Kỳ năm:
– Nguồn vốn đầu tư;
– Khoản mục đầu tư;
– Ngành kinh tế;
– Loại hình kinh tế;
– Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Vùng kinh tế – xã hội.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu
– Tổng điều tra kinh tế;
– Điều tra doanh nghiệp;
– Điều tra vốn đầu tư thực hiện;
– Dữ liệu hành chính.
5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).
Từ khóa » Tổng Số Vốn Là Gì
-
Vốn Là Gì? Các Loại Nguồn Vốn Trong Doanh Nghiệp Hiện Nay
-
Vốn Là Gì ? Đặc Trưng, Vai Trò Và Phân Loại Vốn Theo Quy định Pháp ...
-
Vốn Là Gì? Nguồn Vốn Là Gì? Phân Loại Vốn Và Nguồn Vốn
-
Cần Bao Nhiêu Vốn Và Các Loại Vốn Cơ Bản để Thành Lập Công Ty
-
Các Loại Vốn Của Doanh Nghiệp - Công Ty Luật Việt An
-
Vốn Của Doanh Nghiệp Là Gì? Hiểu Rõ Về Vốn Của Doanh Nghiệp
-
Hiểu Thế Nào Về Vốn Chủ Sở Hữu, Khác Gì Với Vốn điều Lệ?
-
Phân Biệt Vốn Điều Lệ, Vốn Pháp Định, Vốn Đầu Tư, Vốn Góp Dự Án
-
Khái Niệm Về Vốn, Vai Trò Của Vốn đối Với Doanh Nghiệp
-
Nguồn Vốn Là Gì, Các Phương Thức Huy động Vốn Của Doanh Nghiệp
-
Vốn Kinh Doanh Bình Quân Là Gì? Công Thức Và Cách Tính?
-
Vốn đầu Tư Là Gì? Các Phương Pháp Tính Tổng Vốn đầu Tư?
-
Khác Biệt Giữa Vốn đầu Tư Dự án Và Vốn Góp Thực Hiện Dự án
-
Vốn đăng Ký Kinh Doanh Là Gì? - Công Ty Luật Hùng Thắng