Https://sgddt..vn/75-nam-thanh-lap-oi...
Có thể bạn quan tâm
1.Đặt vấn đề:
Trong thời đại ngày nay với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, vấn đề văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm giữ gìn và phát triển. Bên cạnh những xu hướng lớn chung như: các quốc gia luôn đón nhận giao lưu giữa các nền văn hóa, sẵn sàng tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa có tính nhân loại, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…văn hóa ngày càng phân mãng nhỏ hơn đi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội rất phong phú, đa dạng.
Nếu như một thế kỷ trước đây, người ta chỉ chú trọng hoặc chỉ biết đến vấn đề văn hóa dân tộc, thì ngày nay trên nền tảng đó, chúng ta có nhiều lĩnh vực văn hoá khác nhau đã được tạo dựng làm phong phú thêm đời sống văn hóa của con người như: văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp…Ở nước ta, trong vài thập niên qua vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa đã thành chủ trương của nhà nước và phong trào rộng khắp của nhân dân. Gần đây, vấn đề xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa học đường…đang có nhiều điều bức xúc trên phạm vi cả nước.
Trong bối cảnh đó, trường học hiện nay không chỉ là trường học trí tuệ mà còn phải là trường học văn hóa. Nhà trường không được nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa trong sứ mệnh giáo dục và đào tạo của mình. Mỗi trường học cần có bước đi, cách thức xây dựng văn hoá học đường ở trường mình cho phù hợp.
2. Khái niệm và lý thuyết:
2.1. Văn hóa và văn hóa học đường:
+ Văn hóa:
Văn hóa là hiện tượng riêng có của xã hội loài người. Văn hóa sẽ tồn tại mãi mãi cùng với sự tồn tại của xã hội loài người.
Văn hóa là một khái niệm rất rộng và có nhiều định nghĩa. Cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về văn hóa. Hiện nay có hơn 400 định nghĩa về văn hóa. Tuy vậy, chúng ta có thể nói rằng văn hóa là cuộc sống hoặc văn hóa là toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của con người. Rõ ràng hơn, có thể hiểu : "Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra để làm cho cuộc sống ngày một đẹp hơn, tốt hơn, đó là cách người ta sống, người ta suy nghĩ" [3]. Từ những công trình kiến trúc kỳ vĩ, những tác phẩm văn học nghệ thuật bất tử, hệ thống những tri thức đồ sộ của loài người cho đến một câu thơ, cây kim, sợi chỉ đều mang dấu ấn văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa không phải là vật thể, nhưng cũng không có một cái gì do con người tạo ra mà không có mặt văn hóa của nó, và cũng không có một cái gì chỉ là văn hóa mà không đồng thời là một cái gì khác.
+ Văn hóa học đường:
Thuật ngữ này xuất hiện những năm 1990 trong một số nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc…và dần dần trở nên phổ biến trên thế giới với ý nghĩa tổng quát: Văn hóa học đường là những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách.
Theo Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc thì: "Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp". [1]
2.2. Hành vi văn hóa:
Theo từ điển tiếng Việt, "hành vi là cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể, nhất định". Kết hợp hai khái niệm hành vi và văn hóa, ta có thể hiểu: Hành vi văn hóa là cách cư xử, biểu hiện ra bên ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể, nhất định bị chi phối bởi hệ thống giá trị của văn hóa.
Hành vi văn hóa là hành vi chỉ có ở người và mang tính giá trị, tùy theo hệ thống giá trị văn hóa, một hành vi văn hóa có thể được xã hội đánh giá là tốt, xấu, thiện, ác… và có sự khen, chê, kính trọng hay phê phán, tôn vinh hay lên án…
2.3. Lý thuyết kiến tạo:
Lý thuyết kiến tạo xuất hiện đầu thế kỷ XX do Jean Piaget (1896-1980) - một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ đã có công khởi xướng và xây dựng. Lý thuyết này khi ra đời đã được vận dụng vào nhiều ngành kinh tế-xã hội khác nhau, đặc biệt là ngành giáo dục. Lý thuyết kiến tạo là một triết học, một tri thức luận, một lý thuyết về nhận thức, một định hướng giáo dục. Lý thuyết kiến tạo coi tri thức là một thể năng động được kiến tạo, không là kết quả của một quá trình tiếp thu thụ động.
Luận điểm cơ bản của thuyết kiến tạo là: Con người tự khai sáng cho mình, con người tự làm ra chính mình. Luận điểm này cũng là cơ sở cho các phương pháp giáo dục đổi mới chúng ta thường gặp như dạy học tích cực, dạy học dự án, dạy học lấy học sinh làm trung tâm…
Lý thuyết kiến tạo đề cao vai trò người học nhưng không coi nhẹ vai trò người dạy. Người học tích cực sáng tạo để kiến tạo mình, người dạy khơi nguồn, định hướng chỉ bảo giáo dục đến người học. Sứ mệnh của người dạy là giúp người học khám phá, có năng lực kiến tạo bản thân mình. Người dạy tạo ra môi trường, nhu cầu, động lực để người học cọ sát thực tế những vấn đề mà người học gặp phải, sẽ gặp phải hoặc phải giải quyết để lựa chọn trong quá trình khám phá, kiến tạo. Người dạy là người định hướng nhưng không o ép.
3. Những vận dụng:
Dựa trên nền tảng của lý thuyết kiến tạo chúng ta có thể vận dụng một số nội dung cơ bản của lý thuyết này để xây dựng văn hóa học đường như:
3.1. Xây dựng văn hóa học đường là một hoạt động:
Bản chất của xây dựng văn hóa học đường là hoạt động. Hoạt động của người dạy (nhà trường, nhà giáo dục) và hoạt động của người học (học sinh, sinh viên). Trong đó người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử, văn hóa môi trường, văn hóa chất lượng…mà nhà trường đã lựa chọn xây dựng. Hoạt động này của ngưởi dạy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt lớp, tư vấn cá nhân, lồng ghép qua môn học, đánh giá giáo dục…Người dạy qua hoạt động này cũng phải gương mẫu trong thực hiện các chỉ bảo văn hóa này như đối với người học. Điều đó không thể không có và cũng là nhằm tạo ra môi trường văn hóa chung của nhà trường.
Hoạt động của người học là tự mình kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận, các chỉ dẫn văn hóa đã lĩnh hội tiến đến có hành vi văn hóa chuẩn mực. Làm được điều đó người học phải tích cực như có ý chí, động lực, động cơ hoạt động vớí điều kiện phải hiểu được tri thức văn hóa; có tình cảm, niềm tin về giá trị văn hóa để có hành vi văn hóa tự mình.
Khó có thể xây dựng văn hóa học đường trong một trường học nếu thiếu môi trường văn hóa và người dạy chỉ rao giảng suông về văn hóa. Một người lớn không thể dạy cho trẻ con rằng đừng chửi thề nhưng chính ông ta lại chửi thề. Ông thầy không thể dạy học sinh của mình rằng hãy làm theo những gì thầy nói, đừng làm theo những gì thầy làm.
3.2. Xây dựng văn hóa học đường là phải vượt qua khó khăn, thử thách:
Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn như: Đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học cũng có nhiều biến tướng, bạo lực học đường chưa được ngăn chặn…Thực tế đó vừa đặt ra tính bức xúc, sự cần thiết vì sao phải xây dựng văn hóa học đường đồng thời cũng nói lên rằng đây là vấn đề có nhiều khó khăn và thách thức.
Xây dựng văn hóa học đường đối với người dạy vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Muốn xây dựng thành công văn hóa học đường phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu ngay trên từng tiêu chí, từng nội dung của văn hóa học đường cần xây dựng.
Kiến tạo bản thân để có hành vi văn hóa đối với người học tự nó là phải vượt qua khó khăn, thử thách. Để trở thành người có văn hóa, người học phải rèn luyện, phải vượt qua nhiều chặng đường nhiều chông gai, vất vả, không có con đường nhung lụa, vương giả. Những trở lực do hành vi theo quán tính, phi văn hóa, không văn hóa trong cuộc sống đời thường của mỗi người và những cám dỗ, lôi kéo khác luôn là cản ngại để người học hình thành hành vi văn hoá. Mặt khác, môi trường văn hóa học đường tuy mẫu mực nhưng lại nhỏ bé so với môi trường xã hội rộng lớn hơn, việc kiến tạo đời sống văn hóa của người học vì vậy phải là một sự phấn đấu bền bĩ, kiên trì mới có kết quả.
3.3. Xây dựng văn hóa học đường thông qua trải nghiệm và sự tương tác
Con người tự kiến tạo ra chính mình nhưng mặt khác con người không tách mình ra khỏi cộng đồng, bối cảnh và môi trường sống chung quanh. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa học đường phải dựa trên thực tế của môi trường chung quanh và bối cảnh cụ thể.
Đối với người dạy, xây dựng văn hóa học đường là tích cực tạo dựng môi trường văn hóa – giáo dục trong nhà trường từ văn hóa vật thể như: cổng trường, hàng rào, sân chơi, bãi tập, lớp học, nhà vệ sinh, khẩu hiệu, hoa kiễng…đều toát lên ý nghĩa giáo dục - văn hóa. Xây dựng những giá trị văn hóa phi vật thể như: các mối quan hệ lành mạnh, ứng xử văn minh, các nghi thức, giá trị, niềm tin, chuẩn mực…Ngoài ra, người dạy còn có thể tác động đến môi trường bên ngoài tạo ra những thuận lợi cho xây dựng văn hóa nhà trường. Trong môi trường đó, người dạy tạo điều kiện để người học thể hiện hành vi, ứng xử văn hóa trong sự tương tác với các tổ chức, các thành viên khác trong nhà trường, ngoài nhà trường.
Đối với người học, họ sẽ được đắm mình vào môi trường văn hóa học đường từng bước được tạo dựng. Mỗi người học vừa là người xây dựng, vừa là người hưởng thụ các kết quả từ văn hóa học đường. Người học sẽ có được các trải nghiệm cần thiết, hữu ích thông qua sự tương tác và xử lý các mối quan hệ.
Qua đó, người học có thể mở rộng các trải nghiệm và sự tương tác ra bên ngoài nhà trường trên cơ sở văn hóa học đường và kiến tạo ra đời sống văn hóa cho chính mình hiện tại và trong tương lai.
Trên đây là một số nội dung cơ bản vận dụng lý thuyết kiến tạo trong xây dựng văn hóa học đường. Ngoài ra còn có một số nội dung khác có thể vận dụng trong xây dựng văn hóa học đường như : xây dựng văn hóa học đường thông qua hoạt động giải quyết các vấn đề; xây dựng văn hóa học đường thông qua việc tích tụ các kết quả xây dựng các tiêu chí văn hóa…
Đại biểu, cha mẹ học sinh và thầy, trò Trường trung học cơ sở An Hữu (huyện Cái Bè) trong một nghi thức chào cờ - Ảnh tư liệu của trường
Ghi chú: Trường trung học cơ sở An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những trường đăng ký với Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục tỉnh Tiền Giang quyết tâm xây dựng văn hóa học đường trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018.
4. Kết luận:
Xây dựng văn hóa học đường là một quá trình quản lý giáo dục nhằm mục đích vừa xây dựng nhà trường trí tuệ đồng thời là nhà trường văn hóa. Xây dựng văn hóa học đường còn là một quá trình giáo dục định hướng, hướng người học đến tri thức- văn hóa, văn hóa – tri thức. Nhà trường trong xu thế hội nhập và bối cảnh hiện nay không thể chỉ là nhà trường tri thức đơn thuần.
Xây dựng văn hóa học đường là một cách thức, con đường là quá trình người học kiến tạo ra chính mình để trở thành người có năng lực, phẩm chất tốt, có trình độ học vấn và trình độ văn hóa hài hòa nhau.
Tiến sĩ Phạm Văn Khanh
----------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam (2009). Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Văn hóa học đường – Lý luận và thực tiễn.
2. Phạm Minh Hạc (2010). Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, NXB Giáo dục Việt Nam.
3. Phạm Văn Khanh (2013), Văn hóa học đường, bản chất, nội dung và biện pháp xây dựng.Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc
4. Phan Ngọc (2002) , Bản sắc văn hóa, NXB Văn học.
5. Trang Website : Wekipedia org.com
Từ khóa » Thuyết Kiến Tạo Là Gì
-
Phương Pháp Dạy Học Kiến Tạo Kết Hợp ứng Dụng Công Nghệ Thông ...
-
Lý Thuyết Kiến Tạo Là Gì ? - Làm Cha Cần Cả đôi Tay
-
Dạy Học Theo Lý Thuyết Kiến Tạo Và Dạy Học Nêu Và Giải Quyết Vấn đề ...
-
Lí Thuyết Kiến Tạo - TẠP CHÍ GIÁO DỤC
-
[PDF] THUYẾT KIẾN TẠO – CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỔI MỚI CHƯƠNG ...
-
Thuyết Kiến tạo Là Gì? Đặc điểm Và Loại / Môi Trường | Thpanorama
-
[PDF] VẬN DỤNG LÝ THUYẾT KIẾN TẠO TRONG THIẾT KẾ BÀI HỌC ...
-
Kiến Tạo Là Gì? - SlideShare
-
[PDF] LÝ THUYẾT KIẾN TẠO VÀ VIỆC ÁP DỤNG VÀO QUÁ TRÌNH DẠY ...
-
Thuyết Kiến Tạo Và Dạy Học Dựa Trên Lý Thuyết Kiến Tạo
-
[PDF] TỪ LÝ THUYẾT KIẾN TẠO ĐẾN LÝ THUYẾT KIẾN TẠO XÃ HỘI
-
[PDF] MỤC LỤC - Trường Đại Học Đồng Tháp
-
Nguồn Gốc Và Sự Ra đời Của Thuyết Kiến Tạo Trong Dạy Học
-
Dạy Học Theo Lí Thuyết Kiến Tạo - TaiLieu.VN