Hủ Tục Cắt âm Vật - Nỗi Căm Hận đến Tận Xương Tủy Của Nữ Siêu Mẫu ...

Waris Dirie sinh năm 1965 trong một gia đình du mục ở Galkayo, vùng Mudug, Somalia. Theo tiếng Somalia, "Waris" có nghĩa là "Hoa Sa Mạc", một loài thực vật được xem như là phép lạ của tạo hóa ở vùng đất khô cằn.

Cũng như nhiều đứa trẻ khác, những năm tháng đầu đời của Waris trôi qua trong yên bình với những đàn gia súc trên vùng đất sa mạc khô cằn đầy nắng và gió. Năm lên 4 tuổi, Waris suýt bị một người bạn của bố cưỡng hiếp. Tuy nhiên, đó chưa phải là ký ức kinh hoàng nhất trong cuộc đời của Waris.

Ký ức kinh hoàng của một nạn nhân của hủ tục ghê rợn

Khi cô vừa được 5 tuổi, mẹ cô ghì chặt cô vào một tảng đá, nhét một mẩu gỗ lớn vào miệng cô rồi bảo cắn thật chặt. Đó là thao tác chuẩn bị cho tục lệ khâu âm đạo bé gái của Somali mà người ta gọi là "truyền thống không thể bỏ".

Không có thuốc tê cũng chẳng có thuốc sát trùng, vết thương sau hành động cắt sống âm vật khiến Waris chẳng thể thoát khỏi nhiễm trùng. Waris bị bỏ lại trong một cái lán nhỏ dưới gốc cây trong nhiều ngày để vết cắt... tự lành.

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 1.

Dù đã có chồng và sinh được 4 người con nhưng Waris chưa bao giờ quên được ký ức kinh hoàng khi cô mới 5 tuổi.

Người dân ở nhiều nước ở Trung Ðông và Châu Phi tin rằng việc khâu âm đạo sẽ giúp cho các thiếu nữ giữ gìn trinh tiết. Bởi các em sẽ không quan hệ tình dục trước hôn nhân vì sợ đau đớn, và sẽ xấu hổ nếu chồng mới cưới phát hiện các vết khâu không còn nguyên.

“Cắn thật chặt vào. Con gái ngoan, cố gắng lên, chỉ một chút thôi", mẹ của Waris nói với con gái. Ngay sau đó, một phụ nữ già chuyên cắt âm đạo trong làng, dùng lưỡi dao lam sắc cắt đi phần ngoài của âm vật, khâu vết cắt và khâu luôn phần âm đạo của Waris khi đó mới là đứa trẻ 5 tuổi.

Quá trình cắt và khâu âm đạo thường rất thô sơ, gây đau đớn, và nguy hiểm có thể chết người. Một người chị họ 6 tuổi của Waris cũng chết vì bị nhiễm trùng máu. Sau này nhớ lại, Waris vẫn còn rùng mình: "Nó giống như ai đó xẻ thịt hay chặt bỏ cánh tay bạn vậy. Đau đớn không thể tả vì đó là chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ”.

Không chỉ bị cắt âm vật, Waris còn là nạn nhân của hủ tục tảo hôn vào năm 13 tuổi. Khi đó, Waris bị bố mẹ gả bán cho một người đàn ông 60 tuổi. Nhưng Waris kiên quyết không để cuộc đời mình bị chôn vùi trong cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác chẳng có một chút tình yêu ấy, cô bỏ trốn khỏi vùng quê Galkayo. Thân con gái một mình lang thang trên sa mạc suốt nhiều ngày liền, Waris phải chống lại thú dữ và những gã đàn ông rình rập.

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 2.

Chia sẻ trên tạp chí Harpersbazaar (Anh), Waris nói: "Khi tôi mới chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi bị cắt bỏ âm vật ở sa mạc Somalia, tôi đã hiểu được rằng FGM là hủ tục vô cùng tàn nhẫn. Một ngày nọ, tôi tự hứa sẽ chiến đấu chống lại hủ tục khủng khiếp này, dù khi đó tôi vẫn không biết phải làm thế nào, khi nào và ở đâu. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng bạn sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn từ một trải nghiệm khủng khiếp như vậy. Tôi từng cảm thấy căm hận mẹ tôi, chính bà ấy là người đã giữ chân tay tôi để cho người ta hành động. Tôi không thể hiểu và không thể chấp nhận lập luận của mẹ tôi rằng sự tra tấn đối với một cô bé như tôi là ý muốn của thánh thần. Làm sao một vị thần tốt lại có thể nhẫn tâm để một bé gái phải chịu đựng đớn đau theo cách đó cơ chứ? Sau này, tôi đã tha thứ cho mẹ.

Tôi lớn lên trong một xã hội mà không ai được phép nói về tình dục. Là một cô gái ở Châu Phi, bạn không có quyền đó. Ban đầu, bạn thuộc sở hữu của gia đình và sau đó là thuộc về chồng hoặc gia đình anh ta. Bạn có thể bị đánh đập, hãm hiếp, bán, đuổi. Không ai giúp bạn vì bạn chỉ là phụ nữ.

Khi tôi 13 tuổi, tôi đã chạy trốn khỏi gia đình vì cha tôi đã cố bán tôi cho một gã mà tôi có thể gọi là ông để đổi lấy 5 con lạc đà. Tôi biết cuộc sống có thể mang đến cho tôi những lựa chọn và cơ hội tốt hơn, nhưng tôi phải mất nhiều năm để vượt qua chấn thương và tìm cách đối phó theo hướng tích cực với khả năng tình dục của mình. FGM là tội ác tàn bạo nhất đối với một cô gái. Mà lý do duy nhất hủ tục ấy vẫn tồn tại là để kiểm soát và đàn áp các cô gái và phụ nữ".

Sau khi bỏ trốn khỏi nhà, cuối cùng Waris cũng đặt chân được tới thành phố Mogadishu và tìm sự giúp đỡ của một người dì. Dì của Waris kết hôn với một đại sứ Somalia ở Vương quốc Anh nên cô theo chân họ đến London để làm giúp việc. Khi vợ chồng người dì trở về nước sau khi kết thúc niệm kỳ, Waris quyết định ở lại học tiếng Anh và làm ở tiệm bán thức ăn nhanh.

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 3.

Bước ngoặt cuộc đời đã đến với Waris khi cô được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Terence Donoven phát hiện...

Cú đổi đời không ngờ

Lần đầu tiên ảnh của Waris Dirie xuất hiện trên trang bìa lịch Pirelli là vào năm 1987. Sau đó, Waris chính thức bước chân vào nghề người mẫu và gặt hái được nhiều thành tựu đáng nể. Cô gái từng vùng lên chạy trốn khỏi nơi địa ngục ngày nào đã trở thành một siêu mẫu, thường xuyên xuất hiện trên các poster quảng cáo của các hãng thời trang và mỹ phẩm hàng đầu thế giới như Chanel, Relvon...

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 4.

Waris cũng góp mặt trên các sàn catwalk lớn ở London, Milan, Paris và New York. Cô còn lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh khi đảm nhiệm một vai trong bộ phim về điệp viên James Bond “The Living Daylights” (1987). Năm 1995, đài BBC công chiếu phim tài liệu “Một người du mục ở New York” để nói về sự nghiệp người mẫu của cô gái châu Phi đầy mạnh mẽ và dũng cảm này.

Sống trong ánh hào quang rực rỡ nhưng Waris không thể quên được ký ức kinh hoàng trong tuổi thơ của mình. Cô luôn cảm thấy day dứt về hủ tục cắt âm vật (FGM) đang đe dọa hàng triệu bé gái ở châu Phi và quyết định "chiến đấu" chống lại hủ tục tàn nhẫn này.

Waris chia sẻ trên tạp chí Marie Claire về tệ nạn FGM: “Thật khủng khiếp và tàn nhẫn bởi không có lý do gì hay một lời giải thích thỏa đáng. Dù cho đó là truyền thống, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng hay là gì đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được. Càng nghĩ tôi càng căm hận”.

Hủ tục cắt âm vật: Nỗi căm hận tận xương tủy của nữ siêu mẫu và sự thật về tục lệ cổ truyền ám ảnh hàng triệu bé gái mỗi năm - Ảnh 5.

Waris thú nhận chưa bao giờ được hưởng sự sung sướng thực sự trong đời sống tình dục. Cô chỉ đơn thuần thưởng thức sự gần gũi về mặt thể xác với chồng và luôn muốn được hạnh phúc trọn vẹn như nhiều phụ nữ khác. Waris cũng không muốn trách mẹ mình nữa bởi cô hiểu: “Trong một xã hội đòi hỏi các cô gái phải trinh trắng trước khi lấy chồng, mẹ tôi không có sự chọn lựa nào khác. Bà chỉ muốn tốt cho tôi”.

Năm 1997, Waris giã từ sự nghiệp người mẫu, trở thành đặc sứ Liên Hiệp Quốc để xóa bỏ hủ tục FGM. Năm 1998, cô cho ra mắt cuốn tự truyện với tựa đề “Desert Flower” (Hoa sa mạc) trong đó tiết lộ những ký ức kinh hoàng về tuổi thơ của mình. Cuốn sách lập tức gây chấn động quốc tế và chiếm vị trí cao trong bảng danh sách “Best Seller”. Năm 2009, nó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên do siêu mẫu Liya Kebede, người Ethiopia, đóng vai Waris Dirie.

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 6.

Năm 2002, Waris thành lập Quỹ Hoa Sa Mạc (DFF) tại Vienna (Áo), kêu gọi thế giới quan tâm đến sự hiểm nguy của FGM, một hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của ba triệu trẻ em hàng năm trên thế giới, đặc biệt ở các nước Đông Phi như Uganda, Kenya, Somalia.

Ngày 16/10/2013, Waris Dirie được nhận Giải thưởng Phụ nữ vận động của năm bởi những đóng góp của cô trong chiến dịch chống lại hủ tục cắt xén cơ quan sinh dục của phụ nữ (FGM).

Phát biểu khi lên bục nhận giải thưởng, Waris nói: “FGM là hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của hàng triệu trẻ em. Không thể coi đây là vấn đề tôn giáo hay chủng tộc, như vậy là hoàn toàn sai lầm. Vấn đề ở đây là bảo vệ trẻ em”.

Hủ tục cần được loại bỏ càng sớm càng tốt

Ở Somalia, ước tính có đến 98% phụ nữ đã phải trải qua hủ tục man rợ này. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, cắt bỏ bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ (FGM) liên quan đến những thủ tục cắt bỏ một phần hoặc nhiều phần bộ phận ngoài của nữ bằng một con dao cạo sắc. FGM phần lớn được thực hiện ở các bé gái có độ tuổi từ sơ sinh cho đến 15 tuổi. Đôi khi, nó cũng được thực hiện ở những người phụ nữ đã trưởng thành.

Somalia không phải là quốc gia duy nhất có hủ tục này. FGM còn là một nghi lễ, một hủ tục ở tây, đông, đông bắc châu Phi, Trung Đông, một vài quốc gia châu Á. Tại châu Phi, hàng năm, ước tính có đến hơn 3 triệu em gái có rủi ro phải trải qua FGM.

Hủ tục cắt âm vật - Nỗi căm hận đến tận xương tủy của nữ siêu mẫu lừng danh và sự thật về thứ văn hóa trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều cô gái - Ảnh 7.

Ảnh minh họa.

Mục đích của FGM là chế ngự ham muốn tình dục và giữ gìn trinh tiết của người phụ nữ trước khi họ kết hôn. Ở một số nơi, người ta thường thực hiện FGM tại nhà mà không hề có gây mê hoặc giúp đỡ của người có chuyên môn về y tế.

Mới đây, dư luận thế giới không khỏi bàng hoàng khi biết chuyện một người cha ở Ai Cập đã buộc ba cô con gái ruột của mình phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ sau khi nói dối với chúng rằng chúng sẽ được tiêm phòng vắc xin chống Covid-19.

Video: Phóng sự của tờ The Guardian về hủ tục cắt âm vật.

Cả 3 bé gái, đều dưới 18 tuổi, đã bị tiêm một loại thuốc mê khiến chúng bất tỉnh trước khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Chỉ đến khi tỉnh dậy, 3 đứa trẻ cảm thấy đau đớn ở bộ phận sinh dục mới biết là mình đã bị lừa.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết "xóa sổ" FGM vào năm 2030, một số nhà vận động tin rằng hủ tục cổ xưa này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. FGM có thể gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần kéo dài bao gồm nhiễm trùng mãn tính, các vấn đề về kinh nguyệt, vô sinh, mang thai và các biến chứng khi sinh.

(Nguồn: The Guardian, Harpersbazaar)

Từ khóa » Fgm ở ấn độ