Huế: Du Khách “than” Giá Vé Di Tích Quá Cao, Nhiều Bất Cập

Khách “phàn nàn”

Những ngày qua, câu chuyện phản ánh của một chủ tài khoản facebook nói về giá vé di tích cao và những bất cập liên quan đã làm xôn xao ngành du lịch ở Cố đô Huế.

Cụ thể, tài khoản facebook Trân ơi phản ánh, một vé vào Đại nội Huế trị giá 200.000 đồng, sẽ bao gồm thêm một vé tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Tuy nhiên, ai muốn vào bảo tàng, khi mua vé vào Đại nội phải nói với người bán vé thì mới có vé, chứ họ không đưa sẵn.

“Nếu bạn chỉ đi bảo tàng mà không muốn đi Đại nội (không muốn hoặc đã từng đi Đại nội rồi) đều phải mua vé đến tận 200.000 đồng, vì vé bán không tách riêng…” facebooker này viết.

adsadasdas.jpg

Những bất cập được phản ánh trên mạng xã hội

Bên cạnh đó, người này còn phản ánh giá vé tham quan lọt top mắc nhất trong các điểm di tích Việt Nam nhưng lại không có nổi một bản đồ Đại nội. Khách đi vào cổng này, lạc đường qua cổng kia không ai biết đường về, đôi lúc thấy mọi người vào Ngọ Môn mà ra tận cửa Hòa Bình. Giữa các hành lang không có bảo vệ nào đứng để nhỡ có gì khách hỏi thăm, không tìm thấy đường đến nhà giữ xe…

Ngoài ra, facebooker này cũng phản ánh liên quan đến điểm di tích thì trùng tu nên bị rào lại, điện Thái Hòa quan trọng nhất không được vào, nhưng không thấy động thái có ý định giảm giá cho du khách, trùng tu không thể một, hai bữa, rất mất thời gian. Tiền vé bỏ ra không xứng đáng với những gì được nhận lại...

PV đã liên hệ với tài khoản facebook đăng tải và người này cho rằng đó là sự góp ý chân thành, muốn du lịch của Huế đi lên bởi lâu nay Huế có nhiều lợi thế, tiềm năng du lịch không thua gì nơi khác, thậm chí là hơn...

e63674af91d5768b2fc4.jpg

Sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường trong Đại nội Huế

Qua tìm hiểu của PV, nhiều đơn vị lữ hành cũng cho rằng giá vé tham quan các điểm di tích ở Huế đang quá cao so với tình hình chung, đặc biệt là trong bối cảnh đang thực hiện kích cầu phục hồi du lịch hiện nay. Một số hướng dẫn viên cũng phản ánh nhận được các ý kiến từ góp ý đến phàn nàn của du khách về mức giá tham quan di sản Huế.

Theo giá vé tham quan di sản Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế công bố, Hoàng cung Huế (Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật Cung đình) có giá 200.000 đồng/ người lớn và 40.000 đồng/trẻ em; các di tích lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định với giá vé 150.000 đồng/người lớn/điểm; các lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao, cung An Định có mức vé 50.000 đồng/người lớn/điểm. Nếu tính vé theo tuyến thì có các mức giá 420.000 đồng, 530.000 đồng, 580.000 đồng/người lớn, tùy theo tuyến gộp các điểm di tích...

Đơn vị quản lý di tích lên tiếng

Liên quan đến các phản ánh kể trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã chính thức lên tiếng để giải thích.

Theo Trung tâm, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là điểm di tích quan trọng, là một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở Việt Nam, nơi lưu giữ và trưng bày đầy đủ nhất những hiện vật ghi dấu về cuộc sống của vương triều Nguyễn. Để góp phần giới thiệu, tuyên truyền quảng bá địa điểm này đến với du khách trong và ngoài nước, Trung tâm đã xây dựng phương án gộp điểm tham quan Đại nội chung với điểm bảo tàng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm tạm dừng phát hành vé lượt tham quan Đại nội để tập trung phát hành vé gộp tuyến Đại nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, áp dụng từ ngày 16/4/2013; và đến lần điều chỉnh phí tham quan vào năm 2014, giá vé Hoàng Cung Huế chính thức được quy định trong Nghị quyết của HĐND tỉnh.

“Du khách khi mua vé tham quan Đại nội sẽ được phát phiếu tham quan (miễn phí) để tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (có phát bổ sung tại cổng ra cửa Hiển Nhơn). Tuy nhiên do thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ của một số khâu, một số du khách chưa hoặc không nhận được phiếu. Vấn đề này Trung tâm xin tiếp thu và sẽ có giải pháp chấn chỉnh nhằm phục vụ du khách được tốt hơn”, lãnh đạo Trung tâm nói.

fc64949d71e796b9cff6.jpg

Du khách tham quan Đại nội Huế

Cũng theo đơn vị quản lý, khu vực Đại nội là điểm tham quan rộng lớn với nhiều điểm di tích, nhiều du khách khi vào tham quan rất lúng túng trong việc xác định điểm tham quan tiếp theo và lối ra. Vì vậy, trong năm 2020, Trung tâm đã đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn phục vụ du khách. Từ cuối năm 2021 đến nay, Trung tâm đang triển khai xây dựng app chỉ đường để phục vụ du khách. Du khách khi tham quan khu vực Đại nội chỉ tải app về trên điện thoại thông minh (miễn phí) sẽ có được các thông tin cần thiết như thông tin về điểm tham quan, điểm dịch vụ, nhà vệ sinh, các chương trình nghệ thuật, gợi ý tuyến tham quan, lối ra... Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang cho triển khai làm sơ đồ khu vực Đại Nội có gắn số đường đi để tạo thuận lợi cho du khách trong việc định vị, tìm điểm tham quan cũng như lối ra.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng thông tin thêm, Điện Thái Hòa là điểm tham quan quan trọng bậc nhất tại khu vực Đại nội. Tuy nhiên, do tồn tại trong một thời gian dài, hiện nay điện Thái Hòa đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không trùng tu sẽ gây nguy hiểm. Trước khi hạ giải điện Thái Hòa, đơn vị đã cho in hình điện Thái Hòa với kích thước lớn dựng ở mặt trước và sau của ngôi điện và lắp đặt 1 màn hình LED trình chiếu các nội dung liên quan đến điện Thái Hòa để phục vụ du khách...

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Theo dự thảo, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có trách nhiệm quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế; phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; tổ chức huy động hỗ trợ, tài trợ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho quỹ; quản lý, giám sát các hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. UBND tỉnh còn có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về việc chấp hành công tác xây dựng kế hoạch thu, chi và quản lý sử dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo việc công khai thông tin về quỹ theo quy định...

Từ khóa » Giá Vé Vào Cổng đại Nội Huế