Huế: Làng đúc đồng Hàng Trăm Năm Truyền Nghề, Giữ Lửa

Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Những người thợ hoặc các gia đình làm nghề này thường sống trong một vùng nhất định tạo thành làng nghề đúc đồng. Ở Thừa Thiên Huế, làng nghề đúc đồng nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam và đã được hình thành khoảng 300 năm về trước.

 

Các gian hàng tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm của Làng nghề đúc đồng truyền thống Huế
Các gian hàng tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm của Làng nghề đúc đồng truyền thống Huế

Được biết, một trong những dòng họ thợ đúc đến Đàng Trong định cư, hành nghề sớm nhất ở Thuận Hóa là dòng họ Nguyễn có xuất xứ từ làng Đồng Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), vì vậy, về sau dòng họ này có danh xưng là Nguyễn Kinh Nhơn. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Cai quan Lương Thanh bá Nguyễn Văn Lương theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam khoảng năm 1600.

Làng đúc đồng ở Huế xưa kia là làng Dương Xuân, gồm có 5 xóm là: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.

Hiện tại, làng đúc đồng ở Huế nằm trên địa bàn phường Phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân (thôn Hạ 2 và thôn Thượng 4), thành phố Huế. Hiện, làng đang có 61 cơ sở sản xuất, trong đó Phường Đúc có 35 hộ, 01 hợp tác xã và 01 doanh nghiệp tư nhân; phường Thủy Xuân có 23 hộ, 01 hợp tác xã.

Từ trước đến nay, làng đúc đồng ở Huế luôn xuất hiện những nghệ nhân tài hoa, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Trai, Nguyễn Văn Tuệ, Lê Văn Sơn, Nguyễn Trường Sơn... tên tuổi của nhiều vị giờ đây đã trở thành thương hiệu của các cơ sở sản xuất đồ đồng trong làng.

 

Di tích địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ (phía trước trường Đại học Sư phạm Huế) do hợp tác xã Thắng Lợi thực hiện năm 2005 với 2600kg đồng
Di tích địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ (phía trước trường Đại học Sư phạm Huế) do hợp tác xã Thắng Lợi thực hiện năm 2005 với 2.600kg đồng

Các thế hệ thợ đúc đồng ở Huế đã để lại nhiều kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể ở nhiều nơi như: Tượng phật tại chùa Linh Sơn (Đà Nẵng), tượng phật tại Phật học viện Nha Trang, vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684), chuông chùa Thiên Mụ (1710), cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1804), Cửu vị Thần Công đặt trước Ngọ môn (1803-1804), chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội” ở Huế...

 

Nhân viên bán hàng đang tấp nập chuẩn bị hàng bán tết
Nhân viên bán hàng đang tấp nập chuẩn bị hàng bán Tết.

Cùng với đó, theo nhu cầu xã hội, để phục vụ người yêu văn hóa trưng bày và khách du lịch mua quà lưu niệm, ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng (đồ thờ cúng) như: lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng… nhiều sản phẩm lưu niệm tinh xảo bằng đồng như: tượng danh nhân, trống đồng, bình hoa, các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Huế và đất nước… cũng được sản xuất, bày bán.

 

Một sản phẩm đồ đồng truyền thống (đồ thờ cúng) đã sẵn sàng cho khách mua về sử dụng
Một sản phẩm đồ đồng truyền thống (đồ thờ cúng) đã sẵn sàng cho khách mua về sử dụng.

Để tạo điều kiện cho sự phát triển của làng nghề, chính quyền địa phương đã cho xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm, trong đó, những cơ sở sản xuất nổi tiếng được phân chia thành các gian hàng để phục vụ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Chị Anh (47 tuổi), nhân viên bán hàng của cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính cho biết, hiện nay, khách hàng mua đồ bằng đồng rất đa dạng, các đồ đồng truyền thống (đồ thờ cúng) giờ đây có vẻ ít khách hơn so với các đồ lưu niệm bằng đồng. Gần Tết, ngoài việc đúc sản phẩm mới, các cơ sở đúc đồng còn rất tất bật với việc đánh bóng đồ đồng cho người dân.

 

Bên cạnh đó, những sản phẩm bằng đồng hướng tới phục vụ khách du lịch mua làm quà lưu niệm đang được thịnh hành nơi đây
Bên cạnh đó, những sản phẩm bằng đồng hướng tới phục vụ khách du lịch mua làm quà lưu niệm đang được thịnh hành nơi đây.

Anh Dũng, một thợ đúc đồng có trên 10 năm kinh nghiệm cho biết, trong quá trình đúc đồng dù là sản phẩm có kích thước to hay kích thước nhỏ đều phải trải qua nhiều khâu và đòi hỏi sự chú tâm, tỉ mỉ của người thợ, chỉ một chút lơ là, sai sót sản phẩm gần như sẽ phải làm lại từ đầu.

Lời tâm tình, sự gắn bó với nghề của người dân nơi đây đã lý giải vì sao làng nghề này tồn tại và phát triển đến vậy. Cùng với đó, có lẽ chính từ sự tỉ mỉ, yêu nghề của những người thợ nơi đây đã tạo ra vô số những kiệt tác về đồ đồng, để rồi, làng nghề đúc đồng ở Huế đã không đơn thuần chỉ là làng sản xuất, kinh doanh mà còn là một địa điểm du lịch được nhiều người biết đến.

 

 

 

 

Văn Nghĩa

Từ khóa » đồ đồng Phường đúc Huế