“Hùm Xám Đường 9” Và 13 Danh Hiệu Dũng Sĩ Diệt Mỹ
Có thể bạn quan tâm
QĐND - Trong lần trở lại Quảng Trị và đi dọc Đường 9 huyền thoại, chúng tôi được người dân địa phương kể nhiều về ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, một người con của xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) từng có hơn 10 năm chiến đấu với kẻ thù ngay tại mảnh đất quê hương. Tính ra, ông đã tham gia chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu hàng trăm trận. Được gọi với biệt danh “Hùm xám Đường 9”, chính quyền Sài Gòn đã từng “định giá” 100 lượng vàng cho bất cứ ai bắt hoặc tiêu diệt được ông...
“Hùm xám đường 9” Nguyễn Minh Kỳ. Ảnh: Quang Huy |
“Hùm xám” tuổi đôi mươi
Khi vừa tròn 18 tuổi, ông Kỳ gia nhập bộ đội địa phương huyện Cam Lộ, đây là thời kỳ Mỹ và chính quyền Sài Gòn dồn dân vào các khu tập trung ở bắc và nam Đường 9, các cao điểm từ Cồn Tiên, Dốc Miếu cho tới phía tây Cam Lộ đều bị địch chiếm đóng. Ông Kỳ nhớ lại: “Các điểm cao 52, 69, 241, 544... do địch chiếm giữ đều có từ một đại đội cho tới cả trung đoàn lính Mỹ. Khi đó, anh em chúng tôi vừa thiếu gạo, vừa thiếu muối nên phải đốt cỏ tranh để thay muối ăn. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn tự nhủ: “Bám được dân thì có cơm, có gạo/ Bám được địch thì ít pháo, ít phi”. Quả thực, để tránh đạn pháo của địch thì chẳng có cách nào hay hơn là làm hầm ở… gần đồn địch. Để không bị lộ, chúng tôi tổ chức các trận đánh ở những vùng khác, sau đó lại rút về nơi “an toàn” ngay bên cạnh kẻ thù”.
Ở tuổi đôi mươi, ông đã cùng đồng đội góp phần làm tiêu hao sinh lực địch trên Đường 9, hạn chế những cuộc hành quân của chúng sang chiến trường Lào. Khi được hỏi “Biệt danh “Hùm xám Đường 9” là do anh em đồng đội hay chính kẻ thù đặt cho ông?”, ông Kỳ bảo rằng, chính kẻ thù đã đặt cho ông biệt danh ấy, có lẽ vì chúng rất “ngán” những cán bộ nằm vùng người địa phương như ông, bởi thế bao giờ quân đội Sài Gòn cũng tìm cách tiêu diệt những người mà chúng cho là “nguy hiểm” nhất. Riêng ông, kẻ địch đã cho rải truyền đơn với nội dung: “Ai bắt hoặc giết được Nguyễn Minh Kỳ, chính phủ sẽ trọng thưởng 100 lượng vàng”. Vì thế mà để đánh lạc hướng và bảo vệ ông khỏi bị kẻ địch truy lùng, anh em cả trung đội biệt động huyện Cam Lộ đã khắc chữ “đồng chí Kỳ” trên những chiếc bi-đông vẫn thường mang trên mình.
“Hùm xám” Nguyễn Minh Kỳ là một trong số những cán bộ sớm trưởng thành trong lửa đạn và trở thành cán bộ Huyện ủy Cam Lộ khi mới ở tuổi 24. Năm 1967, khi ông thoát ly tham gia cách mạng được 3 năm thì nhận được tin người cha và người bác ruột đang là cán bộ huyện Cam Lộ đã hy sinh. 5 năm sau, ông lại nhận tin người chú ruột hy sinh khi đang là cán bộ thị xã Đông Hà. Từ nỗi đau mất mát của gia đình mà ông đã trút căm hờn lên đầu giặc bằng những trận chiến đấu mưu trí ngay tại mảnh đất quê hương …
Hàng trăm trận đánh và 13 danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"
Với hàng trăm trận đánh trong hơn chục năm quân ngũ, ông Nguyễn Minh Kỳ khó có thể nhớ và kể hết những trận mà ông từng chỉ huy hoặc trực tiếp chiến đấu. Trong số đó, ông Kỳ nhớ nhất trận ông và đồng đội đã tiêu diệt gọn một trung đội ngụy khét tiếng ở Cam Lộ mang tên “Xì Chuồn”. Địch tuyển chọn vào trung đội này không phải thanh niên mà là những trung niên người dân tộc thiểu số với nhiệm vụ chính là trinh sát hành lang và hậu cứ của ta rồi thường xuyên vào các thôn, làng cướp bóc tài sản, cưỡng hiếp phụ nữ. Trung đội này thường phục kích trên Đường 9 và gây khá nhiều tổn thất cho phía ta, trong khi đó chúng còn “biểu diễn” trò bịp bằng việc ngậm đầu đạn trong miệng để đồng bọn đứng từ xa hàng chục mét nổ súng, sau đó những tên này nhả đầu đạn ra rồi “khoe” với dân địa phương rằng mình là những người “đạn bắn không thủng!”. Ông Kỳ khi đó đang là Huyện đội phó huyện đội Cam Lộ, đã quyết định cùng anh em tiêu diệt trung đội khét tiếng này.
Một ngày đầu tháng 3-1967, tại bến sông thuộc điểm cao 52 Cam Lộ, tiểu đội của ông bố trí 3 mũi phục kích nằm sát bờ sông Hiếu. “Khoảng hơn 6 giờ sáng, khi phát hiện trung đội ngụy, tôi ra lệnh cho anh em phải để địch lọt vào giữa trận địa mai phục mới được nổ súng. Theo đúng kế hoạch, tôi nổ phát súng đầu tiên, anh em ở tổ mai phục đón đầu hạ gục 4 tên, địch hoang mang quay đầu bỏ chạy thì bị mũi thọc sườn nhả đạn, các tên còn lại cũng bị mũi đánh úp tiêu diệt. Trận đó, toàn bộ 28 tên trong trung đội địch đã bị ta diệt gọn”.
Ông Nguyễn Minh Kỳ (áo trắng, giữa) cùng đại diện đồng đội Trung đoàn 27-Triệu Hải dâng hương trong ngày khánh thành bia ghi danh liệt sĩ Hồ Khê (năm 2009). Ảnh do CCB Lê Bá Dương cung cấp |
Có một điều đặc biệt là từng có nhiều trận xông pha, đối mặt với kẻ thù nhưng chưa một lần ông Kỳ bị thương và hầu như trận nào ông tham gia cũng mang lại chiến thắng. Thậm chí có những trận mà chính ông còn cảm thấy bất ngờ với thắng lợi có được. Ấy là trong trận đánh năm 1967, ông đã tìm cách diệt trực thăng của quân Mỹ bằng những trái mìn đặt trên… cành cây. Ông kể: “Hồi đó, do nắm được quy luật của địch thường dùng máy bay đi lùng Quân Giải phóng, tôi nghĩ ra cách trèo lên một cây cao chừng 20m rồi treo 3 quả mìn lên theo 3 hướng khác nhau, chốt an toàn của các quả mìn được buộc cố định bằng dây dù vào cành cây. Xong việc, trước khi rời xa vị trí, tôi xuống dưới đốt lửa để cho thật nhiều khói bay lên. Hôm ấy, địch huy động 3 máy bay trực thăng quần thảo khu vực có khói bốc lên để lùng bắt bộ đội ta, một chiếc sà xuống thấp đúng vị trí cây có treo 3 trái mìn, sức gió từ cánh quạt của trực thăng đã làm cho cành cây rung chuyển và kích nổ các trái mìn. Kết cục là hai tên giặc lái đã tan xác cùng chiếc máy bay”.
Trong hơn 10 năm quân ngũ, ông Nguyễn Minh Kỳ đã 13 lần được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tính ra, ông đã tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, chưa kể bọn ác ôn ngụy quyền. “Nhiều người bảo, thành tích của tôi xứng đáng được phong Anh hùng, nhưng tôi lại nghĩ khác. Mình còn sống, lành lặn trở về, trong khi biết bao đồng đội của mình bị thương tật hoặc vĩnh viễn nằm lại ở các cánh rừng, vậy thì hãy để danh hiệu ấy cho anh em”, ông vẫn thường tâm sự với mọi người như vậy. Tự đáy lòng mình, ông Kỳ luôn thấm thía sự mất mát, hy sinh mà đồng đội phải gánh chịu khi chính ông là người đã từng đi gom từng mảnh thi thể đồng đội ngay sau những trận đánh khốc liệt ở Hồ Khê, Cam Tuyền, Cam Lộ...
Vài năm nay, khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Minh Kỳ mới có nhiều thời gian dành cho việc trở lại các địa danh mà ông và đồng đội đã từng thuộc nằm lòng trong những năm chiến tranh. Ông bảo, những tháng ngày tham gia cách mạng, tham gia chiến đấu rồi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở huyện, tỉnh... là những “chuyến đi dài”. Giờ đây, điều mong mỏi của ông sau những “chuyến đi dài” ấy là được trở về thăm và tri ân bạn bè, đồng đội. Tại những nơi đồng đội của ông nằm xuống, đã có những đài tưởng niệm, các nhà bia được dựng lên nhờ sự góp sức của ông.
Ở tuổi 65, nhưng “Hùm xám Đường 9” vẫn còn vẹn nguyên chất lính, ông đang tiếp tục cùng bạn bè dọc ngang Đường 9 để kiếm tìm đồng đội từng một thời vào sinh ra tử…
Bùi Minh Tuệ
Từ khóa » Nguyen Minh Ky Quang Tri
-
Nguyễn Minh Kỳ - HĐND Tỉnh Quảng Trị
-
Ông Nguyễn Minh Kỳ Thôi Giữ Chức Chủ Tịch UBND Tỉnh Quảng Trị
-
Ký ức Một Thời Hoa Lửa - BÁO QUẢNG TRỊ > Chính Trị
-
Các Tin Khác - UBND Tỉnh Quảng Trị
-
Kỳ Họp Thứ I, HĐND Tỉnh Quảng Trị Khóa VIII, Nhiệm Kỳ 2021-2026
-
Nguyen MINH KY | Lecturer | Nong Lam University, Ho Chi Minh City
-
Hùm Xám Đường 9 - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Chủ Tịch Tỉnh Quảng Trị Bị Kỷ Luật - VnExpress
-
Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết Thăm Tặng Quà Gia đình ...
-
NGUYỄN MINH QUÂN VINH DỰ NHẬN BẰNG KHEN CỦA ... - ISchool
-
Võ Văn Hưng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nguyễn Minh Hiến - Trường TH & THCS Cam Thành