“Hùm Xám” Trị Thiên (tiếp Theo Và Hết) - Công An Nhân Dân

Nội dung thể hiện trong các tài liệu lưu trữ cho thấy ông T. đã khai chi tiết hệ thống tổ chức ủy ban Kháng chiến Liên khu V, số lượng và tình hình đảng viên trong chi bộ và các cơ quan khác mà ông ta biết. Đặc biệt nghiêm trọng là T. đã khai toàn bộ kế hoạch tình báo Liên khu V giao cho ông ta thực hiện, bao gồm: Nhiệm vụ cụ thể, phương châm, phương pháp hoạt động trong lòng địch, đường dây liên lạc, các cán bộ giao thông trong tổ chức, các cơ sở nội tuyến của ta ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Nguy hiểm hơn là T. đã khai một cán bộ tình báo của ta vào hoạt động tại Huế từ năm 1954, đang làm việc trong một cơ quan của Mỹ…

Chỉ sau một thời gian ngắn thử thách, địch đã kết luận: "T. thành khẩn và chuyển biến tốt, đủ khả năng để thực hiện ý đồ chiến lược "đánh" vào nội bộ Cộng sản".

Từ nhận xét trên, N.T.T. được "ĐCTĐBMT" lập hồ sơ theo đúng thủ tục một mật báo viên quan trọng. Tháng 2/1959, T. nhận nhiệm vụ của địch và rời trại giam dưới hình thức "phóng thích", trở lại bình phong với nghề cũ và hoạt động trong phong trào hướng đạo Huế.

Với kinh nghiệm nghề nghiệp đã được trang bị lại tạo được vỏ bọc hợp pháp nên T đã hăng hái hoạt động và sớm gây được uy tín đối với cán bộ cấp trên. Vì vậy, T. nhanh chóng tìm cơ hội trở về với tổ chức để tiếp tục "cống hiến cho sự nghiệp cách mạng".

Cảnh giác với âm mưu của địch và do chủ trương sách lược của ta trong giai đoạn đó nên việc T. tìm bắt liên lạc với cán bộ cơ sở của ta đang hoạt động tại thành phố Huế không thực hiện được. Vì vậy, T. phải trường kỳ mai phục, chờ thời cơ, đồng thời thực hiện chỉ đạo của địch đi sâu nắm tình hình các giai tầng xã hội, đặc biệt là giới trí thức, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên…

T. coi đây là một thử thách nên đã hăng hái hoạt động và đã cung cấp cho địch nhiều tin tức quan trọng để chúng sử dụng đàn áp phong trào cách mạng, lùng bắt cán bộ, gây nhiều tổn thất cho ta.

Lợi dụng sự mất cảnh giác của ta, cuối năm 1965, N.T.T. đã móc nối được với đường dây liên lạc của tổ chức Đảng tại thành nội Huế và trở thành cán bộ của đường dây này. ông ta đã thông báo cho cán bộ điều khiển ngay, đồng thời báo công luôn bằng một số tin tức về đường dây này. Cũng từ đó mà một số chủ trương và chỉ đạo của tỉnh, kế hoạch đấu tranh của phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn và có lúc bị tổn thất nặng.

Tháng 6/1967, cố vấn CIA từ Sài Gòn ra Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Ty Cảnh sát quốc gia nhanh chóng thành lập toán tình báo đặc biệt, lấy bí số là T115 do L.V.T. làm trưởng toán và N.T.T. trở thành 1 trong 10 tình báo viên của toán này. T. được giao nhiệm vụ xâm nhập nội bộ các tổ chức cách mạng, dưới sự điều khiển trực tiếp của cố vấn Mỹ và L.V.T. Kể từ đây T. làm việc cho CIA (thông qua T115) và cho cả Cơ quan Cảnh sát đặc biệt ngụy. Song, tổ chức "ĐCTĐBMT" vẫn nuôi ý đồ chiến lược nên tìm cách đưa T. chui trở lại tổ chức tình báo của ta. Năm 1968, T. được đưa ra khu căn cứ cách mạng. Kẻ địch xác định đây là cơ hội để T. trở thành con bài dự trữ chiến lược phục vụ cho kế hoạch hậu chiến của chúng. Tháng 9/1968, T. được đưa ra miền Bắc để an dưỡng và học tập. Đây là điều kiện thuận lợi để ông ta ngấm ngầm tạo dựng vỏ bọc chờ cơ hội chui sâu leo cao.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, N.T.T. trở về Huế và được giao trách nhiệm ủy viên ủy ban nhân dân cách mạng, kiêm trưởng một phòng của tỉnh Thừa Thiên. Ở cương vị công tác mới, T. càng có điều kiện "đánh bóng" mình, tạo uy tín để củng cố địa vị. Khi chính thức trở thành đại biểu Quốc hội thống nhất (Khóa VI) và được giao chức vụ ủy viên ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ty kiêm Phó bí thư Chi bộ cơ quan, T. đã lợi dụng quyền hành để thực hiện một số hoạt động hòng che giấu quá khứ tội lỗi của mình và âm mưu lôi kéo tụ tập tay chân nhằm củng cố địa vị bằng cách: chứng nhận lý lịch "có hoạt động cách mạng" cho hàng chục phần tử địch trước đây mà trong đó có cả tên cầm đầu đảng Đại Việt ở Huế, nhiều tên là mật báo viên trong mạng lưới tình báo T115, để đưa chúng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cách mạng…

Sau khi dựng lại quá trình phản bội của N.T.T. thông qua các nguồn tài liệu, Cơ quan An ninh đã tập hợp báo cáo lên Trung ương Đảng và ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 31/8/1978, Công an Bình Trị Thiên (cũ) thực hiện chỉ đạo của Bộ đã thi hành Quyết định số 312/NQ/QH6 ngày 25/5/1978 của Quốc hội, bắt khẩn cấp N.T.T. và công khai mở cuộc điều tra.

Trước những chứng cứ, tài liệu xác đáng, T. đã phải khai báo toàn bộ quá trình làm tay sai cho địch. Ngày 27/4/1980 tại Huế, Tòa án nhân dân mở phiên tòa công khai xét xử N.T.T. can tội làm gián điệp cho Mỹ - ngụy và phạm tội gián điệp (Điều 5 pháp luật trừng trị các tội phản Cách mạng). Tòa tuyên phạt NTT mức án 18 năm tù giam. Đồng bọn của T. lần lượt bị bắt và xử phạt đích đáng.

Khám phá, triệt tiêu đầu mối nội gián N.T.T. đã góp phần vô hiệu hóa một mũi quan trọng trong kế hoạch tình báo chiến lược hậu chiến của địch. Đó là một chiến công lớn của quân và dân Bình Trị Thiên mà Lực lượng Công an là nòng cốt. Cố nhiên có sự phối hợp của các cơ quan đơn vị chức năng và vai trò quan trọng của công tác chỉ huy chỉ đạo mà người đứng đầu là Anh hùng Nguyễn Đình Bảy.

Thiết nghĩ, sự kiện trên cũng là bài học xương máu về tinh thần cảnh giác cách mạng trong mọi tình huống - thời chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi hậu quả khôn lường.

Chuyện cũ không nói lại

Lần đàm đạo thứ hai "đại lão gia" Bảy Khiêm nói với tôi nhiều về Chuyên đề bảo vệ An ninh văn hóa - Tư tưởng. Trước hết là công tác bảo vệ di tích, di sản văn hóa. Bởi quê ông là xứ sở của đền, chùa, lăng tẩm. Huế đã trở thành địa bàn trọng điểm về tham quan, du lịch. Và giờ đây, Huế đã trở thành thành phố của Festival. Nếu công tác đảm bảo an ninh, an toàn không được quan tâm đúng mức, chỉ cần một sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ổn định chính trị, thế lực thù địch sẽ triệt để khai thác vào các chiến dịch phản tuyên truyền chống Việt Nam. Tôi như "bà cốt gặp mùi nhang", sốt sắng bám vào mạch chuyện của ông. Bởi công tác tham mưu nhằm đảm bảo an ninh trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật… (trong đó có di tích, di sản văn hóa) và an ninh, an toàn lễ hội, các Festival lại là một mảng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi. Tôi coi cuộc gặp gỡ hôm ấy trở thành một buổi ngoại khóa lý thú và thiết thực.

Nhân cơ hội ấy, tôi muốn theo ông ngược dòng quá khứ trở về với vùng đất máu lửa một thời - cái thời mà bậc "đại lão gia" của ngành ngồi trước mặt tôi đây đang là Tư lệnh lực lượng điệp báo của Công an Thừa Thiên - Huế đã từng tả xung hữu đột trong nhiều đợt tấn công diệt ác, phá kìm, tổ chức và chỉ huy nhiều trận đánh làm "náo động thiên cung" để trở thành cái tên như trong huyền thoại mà đồng đội tặng cho "Hùm xám Trị Thiên".

Điển hình trong số đó là trận đánh tiêu diệt tên thủ lĩnh đảng Đại Việt, Hội đồng chấp chính lâm thời Trung Kỳ. Đó là một tổ chức, một đảng phái chính trị phản động, ngự trị ngay nơi thành Huế. Những chuyện này, về sau tôi tìm hiểu trên sách báo mà biết chứ hôm đó chẳng được nghe ông nói. Mấy lần khêu gợi, ông khẽ lắc đầu - "thôi chuyện cũ không nên nhắc lại". Tôi hiểu tâm lý ông và nhiều cán bộ hoạt động cùng thời với ông ở tất cả các chiến trường đều thế - sợ kể lại chiến tích xưa là "nhuốm bệnh" công thần. Có lẽ cũng vì thế mà mãi tới cuối năm 2010, khi đã ở độ tuổi ngấp nghé bách niên, ông mới được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Việc này, tôi trộm nghĩ chắc là cơ quan tổ chức từ địa phương tới Trung ương sẽ phải mất công sức lắm đây.

Trong cuộc gặp hôm ấy, duy nhất có một chuyện thuộc về quá khứ, khi nghe tôi nhắc tới, ông vui vẻ kể lại, dẫu chỉ là đôi nét tóm tắt sự việc. Chả là lúc đó, loáng thoáng có một số thông tin nói rằng vụ ám sát xảy ra ngay trong "tổng hành dinh" Phủ Thủ hiến Trung Việt thời kháng chiến chống Pháp là một vụ "ám sát nhầm". Tổng cục An ninh đã giao cho đơn vị chúng tôi xác minh lại việc này.

Một khu lăng mộ triều Nguyễn tại cố đô Huế.

Tình hình chiến trường Trung Bộ và đặc biệt là địa bàn Thừa Thiên - Huế những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ trước cực kỳ căng thẳng, khốc liệt. Địch tăng cường lùng diệt cán bộ cách mạng và cơ sở bí mật của ta, đi đôi với thẳng tay đàn áp phong trào quần chúng. Nhiều cán bộ bị địch bắt và tra tấn hết sức dã man. Một số người đã đầu hàng, khai báo, nhận làm chỉ điểm cho địch đánh phá phong trào cách mạng. Tổng hành dinh chỉ huy các chiến dịch đàn áp đẫm máu đó tập trung ở Phủ Thủ hiến Trung Việt, có trụ sở tại số 3 đường Ju Les Ferry (đường Lê Lợi bây giờ). Đứng đầu tội ác trên, cố nhiên phải là Thủ hiến và Phó thủ hiến.

Trước tình hình trên, đầu năm 1950, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Lực lượng Công an cần có kế hạch và biện pháp trấn áp kẻ địch, nhằm vào mục tiêu là các cơ quan đầu sỏ của chúng. Lãnh đạo Ty Công an họp bàn với các đơn vị chức năng và đi tới quyết định tấn công trấn áp mục tiêu quan trọng nhất của bộ máy bù nhìn, đó là Phủ Thủ hiến Trung Việt. Đối tượng cụ thể là 2 tên: Thủ hiến và Phó thủ hiến. Trước mắt, tổ chức trấn áp Thủ hiến, đồng thời có phương án dự phòng là trấn áp Phó thủ hiến.

Công việc khẩn trương là phải chuẩn bị lực lượng và sơ đồ bố phòng của Phủ Thủ hiến. Chỉ mấy ngày sau, thông qua một cơ sở bí mật ta đã có một sơ đồ chi tiết bố phòng của Phủ Thủ hiến.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ, đây là khâu khó nhất, vì kẻ địch rất cảnh giác, bằng con đường hợp pháp không dễ gì tiếp cận mục tiêu. Vì vậy, Ban lãnh đạo quyết định sử dụng một số hàng binh tin cậy là người châu Âu thực hiện. Rất may lúc bấy giờ, trong tay Lực lượng Công an Thừa Thiên có 3 hàng binh nói được tiếng Pháp và một ít tiếng Việt do Bộ Tư lệnh Phân khu Bình - Trị - Thiên chuyển cho từ năm 1949 do Ban Điệp báo trực tiếp chỉ huy gồm: K'men (quốc tịch Áo), một người quốc tịch Thụy Sỹ (có tên Việt Nam là Việt) và Julio (quốc tịch Ý). Nhiệm vụ chính được giao cho K'men và Việt là người hỗ trợ cùng đột nhập mục tiêu. Cố nhiên có lực lượng trinh sát bảo vệ và hỗ trợ vòng ngoài.

Cả miền Trung thời điểm đó thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Văn phòng Thủ hiến đã phải kêu gọi mọi cá nhân, mọi nhà buôn hãy bán lương thực, thực phẩm cho chính quyền. Lợi dụng cơ hội đó, hai "chiến sĩ hàng binh" được hóa thân thành hai nhà buôn của hai hãng lương thực lớn ở Sài Gòn ra miền Trung xin gặp Thủ hiến để thương thuyết về giá cả và phương thức vận chuyển (cố nhiên tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp).

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Thời điểm thực thi kế hoạch đã ấn định thì xảy ra tình huống bất ngờ. Sau mấy trận mưa lớn, phòng làm việc của Thủ hiến bị dột nặng. ông ta phải chuyển về làm việc tại nhà riêng (ngôi nhà nằm trong khuôn viên bệnh viện) được canh phòng cẩn mật. Một mục tiêu quá khó khăn, đã qua nhiều lần điều nghiên đều bế tắc phương án tác chiến. Vì lẽ đó mà Ban lãnh đạo bàn gấp kế hoạch chuyển mục tiêu sang nhân vật số 2 trong Phủ Thủ hiến.

Kế hoạch trấn áp Phó thủ hiến được thực hiện vào sáng ngày 29/6/1950 ngay tại phòng làm việc của Phó thủ hiến trong Phủ Thủ hiến Trung Việt.

Sau ít phút chờ đợi, viên thư ký của Phó thủ hiến ra dẫn K'men vào gặp. K'men tự giới thiệu bằng tiếng Pháp rồi mở cặp lấy tài liệu, thực ra là lấy súng, bất ngờ chĩa thẳng khẩu Colt vào Phó thủ hiến, bóp cò.

Sự kiện Phó thủ hiến bị ám sát tại Phủ đã làm rúng động thành Huế, rúng động cả xứ Trung Kỳ. Bọn ác ôn co vòi lại không còn dám hung hăng đàn áp phong trào cách mạng như trước.

Sự tình là vậy, sao có thể gọi là "ám sát nhầm"!

Lời kết

Thời gian trôi đi nhanh quá, mới đó mà đã mười mấy năm, kể từ sau 2 lần tiếp kiến người đồng chí, người thầy kính trọng và ngưỡng mộ của tôi. ấp ủ bao năm mới có được một bài viết muộn màng và đơn điệu như trên. Dẫu sao đó cũng là tấm lòng tôi, thay bó hoa tươi chúc mừng "đại lão gia" Nguyễn Đình Bảy - người vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hà Nội, tiết thu 2011

Từ khóa » Tiểu Sử Xám Huế