Hướng Dẫn Ban Hành Nội Quy Và Sơ đồ Phòng Cháy, Chữa Cháy ...

Mục lục bài viết [Thu gọn]
  • 1. Treo nội quy, sơ đồ PCCC trong công ty có phải việc bắt buộc không?
  • 2. Điều kiện đối với nội quy và sơ đồ PCCC của cơ sở
  • 2.1 Nội quy PCCC
  • 2.2 Sơ đồ PCCC
  • 3. Thời hạn, thẩm quyền ban hành sơ đồ, nội quy PCCC trong công ty
  • 4. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi đã bảo đảm điều kiện về PCCC
  • 5. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC tại cơ sở
  • 5.1 Đối với cơ sở thuộc danh mục quản lý của cơ quan công an
  • 5.2 Đối với cơ sở thuộc danh mục quản lý về PCCC của UBND xã

Bài viết này sẽ khái quát việc ban hành sơ đồ, nội quy PCCC công ty cũng như hồ sơ quản lý hoạt động PCCC để thực hiện theo đúng quy định mới nhất, tránh bị phạt...

1. Treo nội quy, sơ đồ PCCC trong công ty có phải việc bắt buộc không?

Bình chữa cháy, nội quy tiêu lệnh hay sơ đồ PCCC xuất hiện tại các doanh nghiệp vốn không phải là hình ảnh hiếm lạ. Vậy đây có phải việc bắt buộc phải làm tại các công ty? Để trả lời câu hỏi này, ta cần căn cứ Điều 20 Luật PCCC năm 2001, cụ thể:

1. Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Có quy định, nội quy về an toàn PCCC;

b) Có các biện pháp về phòng cháy;

c) Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;

d) Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về PCCC;

đ) Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;

e) Bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC;

g) Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC.

2. Đối với cơ sở khác thì thực hiện các yêu cầu về phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó.

Ngoài ra, theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP:

1. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

[…]

2. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại các điểm a, c và điểm d khoản 1 Điều này; […]

Có thể thấy, theo quy định, có 02 nhóm đối tượng phải có nội quy và sơ đồ PCCC gồm:

- Cơ sở thuộc sự quản lý PCCC của cơ quan công an (Phụ lục III Nghị định 136/2020);

- Cơ sở do UBND cấp xã quản lý (Phụ lục IV Nghị định 136/2020).

Như vậy có thể kết luận, nếu công ty vận hành kinh doanh những cơ sở thuộc sự quản lý về PCCC của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an thì phải có nội quy và sơ đồ PCCC.

2. Điều kiện đối với nội quy và sơ đồ PCCC của cơ sở

2.1 Nội quy PCCC

Nội quy PCCC là văn bản gồm nhiều quy định cụ thể và chi tiết về công tác PCCC tại cơ sở để mọi người tuân thủ thực hiện nhằm ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA, nội quy an toàn về PCCC phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở. Nội quy phải có những nội dung cơ bản sau:

- Quy định việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt;

- Quy định việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC;

- Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về PCCC;

- Những việc phải làm khi có cháy, nổ xảy ra.

Bảng, biển nội quy PCCC cần được treo ở vị trí dễ quan sát, dễ đọc và là khu vực có đông người qua lại.

2.2 Sơ đồ PCCC

Khi xây dựng phương án PCCC cho cơ sở (theo mẫu PC17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP), sơ đồ PCCC là một trong những nội dung đáng lưu ý. Sơ đồ PCCC cơ sở gồm:

- Sơ đồ mặt bằng tổng thể: nêu rõ tên gọi của các hạng mục, nhà, đường giao thông, nguồn nước trong cơ sở và các nguồn nước chữa cháy tiếp giáp xung quanh. Phương án chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới thì bản vẽ phải thể hiện các khu vực nguy hiểm cháy, nổ và bố trí phương tiện chữa cháy. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.

- Sơ đồ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy: phải thể hiện vị trí điểm phát sinh cháy, diện tích dám cháy; hướng gió chủ đạo; bố trí lực lượng, phương tiện để cứu người, hướng dẫn thoát nạn (nếu có) và tổ chức chữa cháy, sơ tán tài sản, chống cháy lan; thể hiện hướng tấn công chính... bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án chữa cháy này. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.

"Nội Nội quy PCCC công ty phải được treo ở nơi dễ quan sát (Ảnh minh họa)

3. Thời hạn, thẩm quyền ban hành sơ đồ, nội quy PCCC trong công ty

Theo nội dung Khoản 4 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp phải thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Nếu trong nội bộ doanh nghiệp có nhiều bộ phận nhỏ hoặc công ty con, chi nhánh…cùng hoạt động, người đứng đầu doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn PCCC chung.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi đã bảo đảm điều kiện về PCCC

Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khi đã bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC thì trong phạm vi quản lý của mình, công ty phải thực hiện các nội dung sau đây:

- Bảo đảm có: nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn PCCC;

- Cử người tham gia đội PCCC cơ sở;

- Phối hợp với người đứng đầu thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.

5. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC tại cơ sở

Nội dung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC cơ sở được quy định chi tiết tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 149/2020/TT-BCA, cụ thể:

5.1 Đối với cơ sở thuộc danh mục quản lý của cơ quan công an

Người đứng đầu doanh nghiệp cần lập và lưu giữ những tài liệu sau:

- Nội quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC; quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác PCCC của cơ sở (nếu có);

- Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có);

- Bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

- Quyết định thành lập đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành (nếu có);

- Quyết định cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ hoặc bản sao chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp;

- Phương án chữa cháy của cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy;

- Biên bản kiểm tra an toàn về PCCC; tài liệu ghi nhận kết quả tự kiểm tra an toàn về PCCC của cơ sở; báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 06 tháng của người đứng đầu cơ sở; báo cáo khi có thay đổi về điều kiện an toàn PCCC (nếu có); văn bản kiến nghị về công tác PCCC, biên bản vi phạm, quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

- Báo cáo vụ cháy, nổ (nếu có); thông báo kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

- Tài liệu ghi nhận kết quả kiểm tra điện trở nối đất chống sét, kiểm định hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực theo quy định (nếu có);

- Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC (nếu có).

5.2 Đối với cơ sở thuộc danh mục quản lý về PCCC của UBND xã

Người đứng đầu doanh nghiệp cần lập và lưu giữ những tài liệu sau:

- Nội quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC; quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác PCCC của cơ sở (nếu có);

- Quyết định cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ hoặc bản sao chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp;

- Phương án chữa cháy của cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy;

- Biên bản kiểm tra an toàn về PCCC; tài liệu ghi nhận kết quả tự kiểm tra an toàn về PCCC của cơ sở; báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 06 tháng của người đứng đầu cơ sở; báo cáo khi có thay đổi về điều kiện an toàn PCCC (nếu có); văn bản kiến nghị về công tác PCCC, biên bản vi phạm, quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

- Báo cáo vụ cháy, nổ (nếu có); thông báo kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

Trên đây là nội dung về việc ban hành sơ đồ, nội quy PCCC công ty cần nắm theo quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc, xin mời quý khách hàng liên hệ với LuatVietnam để được hỗ trợ và giải đáp câu hỏi một cách chi tiết hơn trong thời gian sớm nhất.

Từ khóa » Nôi Quy Pccc