Hướng Dẫn Bổ Sung Axit Folic đúng Cách, Hiệu Quả - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tại sao cần bổ sung axit folic?
  • Bổ sung axit folic bao nhiêu là đủ?
  • Bổ sung axit folic bằng cách nào?
  • Những rủi ro khi uống axit folic

Bổ sung axit folic là điều cần thiết đối với cơ thể. Đặc biệt là đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú. Vậy, bổ sung axit folic như thế nào cho đúng cách? Hãy đọc ngay bài viết hướng dẫn dưới đây của YouMed bạn nhé!

Tại sao cần bổ sung axit folic?

Folate là thuật ngữ chung cho cả folate tự nhiên trong thực phẩm và axit folic dạng tổng hợp trong các thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường. Đây còn là vitamin B9, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và trao đổi chất của tế bào.

Bổ sung axit folic khi mang thai và khi có kế hoạch mang thai là điều đặc biệt cần thiết. Nó giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh về não và cột sống của trẻ. Các nghiên cứu đã cho thấy khả năng mắc tật nứt đốt sống và thiếu não có thể giảm từ 50% trở lên.

Axit folic cũng có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật và chuyển dạ sớm. Nhiều bác sĩ khuyến cáo rằng, bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung vitamin tổng hợp hoặc viên uống bổ sung axit folic. Bởi vì axit folic có thể bảo vệ chống lại các dị tật bẩm sinh hình thành trước khi phụ nữ biết mình mang thai.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dinh Dưỡng, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bổ sung axit folic khi mang thai và khi có kế hoạch mang thai là điều đặc biệt cần thiết
Bổ sung axit folic khi mang thai và khi có kế hoạch mang thai là điều đặc biệt cần thiết

Axit folic còn được sử dụng để điều trị sự thiếu hụt folate. Tình trạng này có thể gây ra thiếu máu và các vấn đề khác. Sự thiếu hụt folate thường xảy ra ở những người có vấn đề về tiêu hóa, bệnh thận hoặc gan, hoặc những người nghiện rượu.

Axit folic cũng được sử dụng để giảm độc tính của thuốc methotrexate ở bệnh nhân vẩy nến và viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, axit folic đã được nghiên cứu như là phương pháp điều trị cho nhiều tình trạng khác. Tuy nhiên cho đến nay, kết quả của những nghiên cứu này vẫn chưa thể kết luận được.

Bổ sung axit folic bao nhiêu là đủ?

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) của folate bao gồm cả folate từ thực phẩm và các chất bổ sung axit folic. Cụ thể, lượng folate khuyến nghị mỗi ngày được trình bày dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng: Lượng hấp thụ vừa đủ (AI)* là 65 microgam/ngày;
  • Trẻ sơ sinh từ 7 – 12 tháng: Lượng hấp thụ vừa đủ (AI)* là 80 microgam/ngày;
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 150 microgam/ngày;
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 200 microgam/ngày;
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 300 microgam/ngày;
  • 14 tuổi trở lên: 400 microgam/ngày;
  • Phụ nữ mang thai: 600 microgam/ngày;
  • Phụ nữ cho con bú: 500 microgam/ngày.

* Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, không đủ dữ liệu để tính RDA, chỉ sử dụng “một lượng hấp thu vừa đủ” (AI)

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) của folate
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) của folate

Lượng folate tối đa mà hầu hết mọi người có thể dùng một cách an toàn (UL) được trình bày dưới đây.

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 300 microgam/ngày;
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 400 microgam/ngày;
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 600 microgam/ngày;
  • 14 – 18 tuổi: 800 microgam/ngày;
  • 19 tuổi trở lên: 1000 microgam/ngày.

Liều cao hơn có thể được sử dụng để điều trị thiếu hụt folate. Tuy nhiên, đừng tự ý uống axit folic liều cao hơn mức trên, trừ khi bác sĩ khuyến nghị.

Bổ sung axit folic bằng cách nào?

Thực phẩm giàu folate

Thực phẩm là nguồn cung cấp folate tự nhiên tốt nhất cho cơ thể. Các nguồn thực phẩm giàu folate là:

  • Các loại rau có màu xanh đậm như: rau bina, bông cải xanh và rau diếp;
  • Các loại đậu như: đậu Hà Lan và đậu lăng;
  • Các loại trái cây như: chanh, chuối và dưa hấu;
  • Các sản phẩm tăng cường thêm axit folic như: một số loại bánh mì, nước trái cây và ngũ cốc.

Viên uống bổ sung axit folic

Ngoài việc bổ sung folate qua các loại thực phẩm có trong tự nhiên, bạn có thể sử dụng các viên uống bổ sung axit folic hoặc các loại vitamin tổng hợp.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu folate cao và đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để biết chính xác lượng folate trong thực phẩm đã đủ chưa. Bởi vì tùy loại thực phẩm và cách chế biến mà sẽ cung cấp một lượng folate khác nhau. Do đó, đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên bổ sung dạng thuốc uống với liều 400mcg acid folic/ngày trước khi mang thai ít nhất là 1 – 3 tháng.

Sau đó, bạn nên uống các loại thuốc bổ sung sắt và axit folic từ khi nhận biết mình mang thai đến hết một tháng sau sinh. Như vậy sẽ giúp thai phụ yên tâm, không lo sợ bổ sung thiếu hay thừa axit folic.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu folate cao và đặc biệt quan trọng
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu folate cao và đặc biệt quan trọng

Vậy, uống axit folic vào thời điểm nào trong ngày? Bạn có thể uống axit folic lúc no hoặc đói đều được. Tốt nhất là nên uống sau bữa ăn 30 phút. Hoặc có thể uống vào buổi tối trước khi ngủ 2 tiếng kèm một chút đồ ăn nhẹ. Như vậy sẽ khiến dạ dày của bạn được dễ chịu hơn.

Những rủi ro khi uống axit folic

Tác dụng phụ

Axit folic thường được coi là an toàn và rất hiếm có tác dụng phụ. Tuy nhiên, liều cao axit folic có thể gây buồn nôn, đầy bụng, đầy hơi và mất ngủ. Ngoài ra, việc bổ sung axit folic đôi khi có thể che lấp các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng và nguy hiểm do thiếu hụt vitamin B12.

Nếu dùng viên uống phối hợp axit folic và sắt, phân có thể có màu đen. Đây là tác dụng phụ khi bổ sung sắt, hoàn toàn không phải là dấu hiệu nguy hiểm, đáng lo ngại.

Tương tác thuốc

Liều cao của axit folic có thể ngăn chặn tác dụng của một số loại thuốc động kinh. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc thông thường nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ. Họ sẽ xem xét liệu chúng có ảnh hưởng đến việc bổ sung viên uống axit folic của bạn hay không.

Tóm lại, việc bổ sung axit folic là vô cùng đơn giản. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn uống axit folic đúng cách, đúng liều và an toàn bạn nhé!

Từ khóa » Thuốc Bổ Sung Axit Folic Cho Bé