Hướng Dẫn Bốc Bát Hương Và Những Kiêng Kỵ để Tránh đại Họa

Bát hương là đồ thờ quan trọng nhất trong mỗi gia đình, vì vậy Khi lập ban thờ Gia tiên, thờ Thần Linh hay thờ Phật thì việc bốc bát hương luôn là điều được mọi người quan tâm nhất. Vậy bát hương là gì, chọn bát hương thế nào cho tốt, cách bốc bát hươngnhững kiêng kỵ về bát hương để tránh đại họa là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu các vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.

Khi lập ban thờ Gia tiên, thờ Thần Linh hay thờ Phật thì bát hương luôn là điều được mọi người quan tâm nhất. Vậy bát hương là gì, chọn bát hương thế nào cho tốt, cách bốc bát hươngnhững kiêng kỵ về bát hương để tránh đại họa là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu các vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Bát hương là gì

Bát hương là nơi để thắp hương khi tưởng niệm đến những người đã khuất, khi cúng lễ hay khi cầu khẩn điều gì đó… Khi thắp hương và thành tâm thì có thể kết nối âm dương, câu thông giữa thế gian với các cõi vô hình. Vì vậy bát hương là đồ thờ linh thiêng và quan trọng nhất trong mỗi gia đình.

Bát hương
Bát hương trên ban thờ gia tiên

Xem thêm: Ý nghĩa số nén hương khi thắp trên ban thờ, khi nào thắp một, hai, ba, năm…?

Bát hương có mấy cấp bậc?: Thông thường Bát hương được chia làm 4 cấp bậc theo thứ tự như sau.

1. Bát hương thờ Phật: Cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia đình, giải thoát tai ương.

2. Bát hương thờ Thần: Thờ Thổ Công, Táo Quân, Long Mạch, Thần tài, Tiền Chủ, và những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ. Thờ Thần linh để cầu cho gia đình ăn ở an ổn và phát đạt.

3. Bát hương thờ Gia tiên: Thờ tổ tiên, ông bà, bố mẹ… họ nội nhà mình.

Lưu ý: Nếu thờ ai đó họ tộc bên ngoại (trường hợp người đó không có người thừa tự) thì phải lập bát hương và ban thờ khác.

4. Bát hương thờ bà Cô ông Mãnh: Do chết lúc tuổi còn nhỏ, nên bà cô ông mãnh không dám (không được) ngồi chung với tổ tiên vì vậy có bát hương riêng cho bà Cô, ông Mãnh.

Vì vậy thông thường trên ban thờ gia tiên sẽ có 3 bát hương riêng biệt (ban thờ Phật lập riêng). Tuy nhiên trên thực tế nhiều nhà chỉ lập 1 bát hương trên bàn thờ. vậy việc lập 1 bát hương có sao không?

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu thì việc một bát hương vẫn có tác dụng như 3 bát hương. Điều cốt yếu là định vị tâm thức vào ban thờ, đặc biệt khi cúng khấn. Nếu Tâm thành tuy một bát hương nhưng thỉnh cầu vẫn tới cả Tổ tiên và Trời – Phật – Thánh – Thần; vẫn có tác dụng phù hộ độ trì, che chở bảo vệ cho gia chủ.

Còn có lập nhiều bát hương mà phép tập hợp không đúng quy tắc thì vô tình gia chủ đã tạo ra sự tán phát, gây loạn năng lượng và khi đó không tác dụng phát huy sức mạnh Tâm linh khi cầu cúng.

Nhưng nhớ rằng các chư vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đều là những bậc đại năng, công bằng, vô tư, không vì ai cúng nhiều đồ hơn thì sẽ phù hộ nhiều hơn, nên nhớ rằng: “Đức năng thắng số” và Luật Nhân Quả là luật thiêng liêng của Trời Đất. Sự giàu có, thăng tiến không phải do van xin, mà là do phúc đức từ kiếp trước, do tu dưỡng hiện thân.

Việc thờ cúng, cầu khấn chỉ có tác dụng phù trợ, thúc đẩy thêm và cốt nhất ở tâm thành. Còn nếu kiếp trước gây nhiều việc ác, kiếp nầy làm nhiều việc xấu, tâm địa ác độc thì có lạy cầu đến dập trán, bươu đầu cũng không thể khá hơn.

Hoặc như có người chỉ chăm chăm đi cầu đầu năm, giả lễ cuối năm nhưng cha mẹ sống thì đối xử tệ bạc, khi chết quên cả ngày giỗ thì việc cầu cúng Thần, Thánh, Phật đó phỏng có ích gì?

2. Sơ đồ bố trí bát hương trên ban thờ

Đặt bát hương trên ban thờ phải theo một nguyên tắc nhất định của từng vùng. Bát hương là nơi “giáng” của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và cũng thể hiện sự thành kính của gia chủ đối với cõi vô hình. Bát hường thờ là hình thức hội tụ tâm thức. Giống như một sợi dây vô hình để khi gia chủ thắp hương cầu nguyện thần linh, tổ tiên có thể chứng giám được lòng thành.

so do bo tri ban tho
Sơ đồ bố trí ban thờ gia tiên

Với người dân vùng đồng bằng Bắc bộ và những cư dân gốc ở đây thường là đặt 3 bát hương trên đế Tam sơn cho một ban thờ. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì: Bà tổ cô bên trái, Thần linh ở chính giữa và Gia tiên bên phải. Trong đó bát hương thần linh bao giờ cũng to hơn 2 bát kia và đặt ở vị trí cao hơn.

Nhiều nhà đặt quá nhiều bát hương trên ban thờ là không đúng cách, không tổ hợp được sức mạnh Tâm linh hoặc là, theo thời gian số người mất trong gia chủ tăng lên thì bàn thờ cỡ bao nhiêu để bày cho đủ số bát hương (cho Tổ tiên, Kị, Cụ, Ông Bà, Bố Mẹ, Bà Cô, Ông Mãnh…).

Mặt khác cũng không được dán giấy ghi rõ bát hương nào thờ Thần, bát nào thờ Tổ tiên, bát nào thờ ai cụ thể. Bởi ghi như vậy là một việc làm trịnh thượng vô tình đã “phạm thượng” với bề trên, nó như là việc con cháu quy định cho chỗ đi về cho Thần linh và Tiên tổ!

3. Hướng dẫn bốc bát hương mới

Khi bốc bát hương phải nhờ thầy, đó là thầy chùa (sư) hoặc pháp sư (người tu tại gia). Khi bốc bát hương các Thầy chú nguyện, thỉnh Thần linh, vong linh về an nhập. Thực chất đây là việc cung cấp cho bát hương một nguồn năng lượng ban đầu và sau này trong quá trình thờ cúng, năng lượng đó ngày một tăng trưởng khiến cho độ linh thiêng ngày càng cao.

Đây cũng tương tự như việc Khai quang, Điểm nhãn cho tượng mỗi khi đúc xong, việc này có tác dụng làm tăng linh khí của pho tượng và bát hương trước khi thờ cúng, nhằm không cho các vong linh hỗn tạp tá vào. Theo dân gian chỉ sau khi hoàn thành công đoạn này thì việc mới biến một vật từ vô tri trở nên linh thiêng, bát hương mới có các vị Thổ công, Thần linh, Gia tiên theo chứng minh cho thân chủ khi vái cúng và tạo được linh khí để có thể giúp đỡ, độ trì cho gia chủ.

Quy trình thay bốc bát hương vào nhà mới : Bao gồm nhiều công đoạn từ công đoạn chuẩn bị cho đến công đoạn thực hiện lễ cúng vào nhà mới (Lễ Nhập Trạch)

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục về nhà mới đầy đủ nhất.

Bước 1. Chuẩn bị đồ trước khi bốc bát hương

Để thực hiện cách bốc bát hương đúng phong thủy, việc đầu tiên bạn cần làm đó là chuẩn bị đầy đủ đồ vật trước khi thực hiện, gồm:

  1. Bát hương (Số lượng phụ thuộc vào từng gia chủ)
  2. Tro nếp hoặc tro đốt từ trấu bởi trấu bọc gạo là ngọc thực. Nó thanh sạch và cao quý. Hoặc ở nhiều nơi có thể sử dụng cát, tùy theo văn hóa vùng miền.
  3. Tờ hiệu (ghi tên người được thờ)
  4. Bộ Thất Bảo (cốt bát hương): Bao gồm vàng, bạc, xà cừ, ngọc, san hô đỏ, mã não, thạch anh.
  5. Gói thạch anh ngũ sắc, giấy trang kim, gừng, chỉ ngũ sắc, grượu trắng, trầm hương, gói ngũ vị hương, các đồ vật cần thiết khác như thau, chậu, …
  6. Sắm đồ lễ: Thùy tâm và phụ thuộc vào thờ gia tiên, thần linh hay thờ phật mà đồ lễ sẽ khác nhau

Cụ thể hơn, trong bát hương thường đặt một bộ Dị hiệu gồm có:

Tờ hiệu viết họ của Gia chủ và tên người được thờ

Tờ này thường in giấy vàng, chữ đỏ, kèm theo bát hương. Tên người được thờ được viết dọc vào ô trống ở giữa (xem hình bên dưới).

to hieu
Tờ hiệu
  • Có thể viết chữ Việt, chữ Hán, ví dụ lời viết thường như sau:
  • Thờ Thần linh Thổ công : Phụng thờ: THÀNH HOÀNG BẢN THỔ THẦN LINH THỔ ĐỊA CHƯ VỊ TÔN THẦN
  • Thờ Đức Phật: Phụng thờ: Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát anh minh.
  • Thờ Thần tài: Phụng thờ NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN
  • Thờ Gia tiên ( Miền Bắc ): Phụng thờ: HỘI ĐỒNG GIA TIÊN HỌ …….. CHƯ VỊ CHÂN LINH
  • Thờ Gia tiên ( Miền Bắc ): Phụng thờ: CỬU HUYỀN THẤT TỔ HỌ …….. CHƯ VỊ CHÂN LINH
  • Thờ Bà cô Ông mãnh (là những người chết trẻ trong dòng họ): Phụng thờ: HỘI ĐỒNG BÀ CÔ ÔNG MÃNH HỌ …….. CHƯ VỊ CHÂN LINH
  • Thờ Ông Táo: ĐÔNG TRÙ TƯ MỆNH TÁO PHỦ THẦN QUÂN

Một bát hương thờ nhiều người thì ghi chung vào 1 tờ hiệu hoặc ghi thêm tờ hiệu khác đều được.

Bộ Thất bảo

Là 7 thứ quý mà người xưa coi trọng như: Vàng, bạc, mã não, san hô, hổ phách, xà cừ, trân châu (dùng để trang điểm hoặc khảm vào đồ dùng trong nhà). Ngày nay Thất bảo thường làm đồ giả bán kèm theo bát hương, không có giá trị. Có khi chỉ là một bao giấy, bên trong có một số mảnh giấy kim tuyến có màu khác nhau, cũng chỉ là đồ giả mang tính tượng trưng.

Thất Bảo làm đồ giả là không tốt. Có thể thay bằng một chút vàng lá hoặc một chút bạc thật. Người không có điều kiện thì có thể đặt Thất bảo là một đồng tiền giấy 500đ hoặc 1- 10.000đ là được rồi.

Sau đó, tất cả được gói trong một tờ giấy trang kim để bảo vệ rồi đặt dưới đáy bát hương.

cốt thất bảo để bóc bát hương
Cốt thất bảo

Bước 2. Tẩy uế cho bát nhang, bộ thất bảo

Cách tẩy uế cho bát hương rất quan trọng. Thực hiện việc tẩy uế bạn sẽ cần biết cách pha nước tẩy uế phong thủy:

  • Gừng phải được rửa sạch, sau đó giã nhỏ rồi cho vào trong rượu trắng, lọc lấy nước để tẩy uế.
  • Hoặc có thể ngâm rượu trắng với gói ngũ vị hương và dùng nước này để tẩy uế cho bát hương.
ngu vi huong tay ue
Ngũ vị hương dùng để tẩy uế cho bát nhang

Khi mua bát hương về, bạn cần tẩy uế trước khi sử dụng (Nếu là bát hương cũ đang dùng thì bạn cũng cần rửa sạch và tẩy uế). Đầu tiên dùng nước sạch rửa thật sạch bát hương, sau đó dùng rượu trên để rửa (đây gọi là tẩy uế) sau đó dùng khăn sạch lau thật khô và để nơi sạch sẽ chuẩn bị cho các công đoạn bốc bát hương kế tiếp.

Cách tẩy uế cũng tương tự cho bộ thất bảo và thạch anh vụn ngũ sắc. Tiếp đó, bạn để nơi sạch sẽ cho khô ráo (Riêng vàng và bạc không tẩy uế, vì lá vàng lá bạc được cán rất mỏng nên sẽ dễ bị rách trong quá trình tẩy uế).

Bước 3. Cúng lễ xin thần linh được bốc bát hương

Chuẩn bị mâm lễ để thắp hương xin thần linh được bốc bát hương. Mâm lễ tùy tâm thông thường gồm: Cau, trầu, rượu, nước, sôi, thịt luộc, tiền vàng.

Văn khấn xin thần linh được bốc bát hương

Con nam mô a di Đà Phật!

Con nam mô a di Đà Phật!

Con nam mô a di Đà Phật! (3 lạy)

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

– Con lạy quan thần linh số nhà … đường… phố…. Phường…. quận…. thành phố… Hôm nay là ngày lành tháng tốt, ngày tốt tháng lành, là ngày … tháng… năm… Con xin phép quan thần linh thổ địa cho con được bốc (1 hay 3 thì nói rõ) bát hương thờ cúng thần linh và gia tiên nội ngoại bà cô ông mãnh họ ….

Con xin quan phù hộ độ trì cho đại gia đình con được mạnh khỏe, cầu tài đắc tài cầu lộc đắc lộc cầu bình an đắc bình an, chín tháng đông ba tháng hè vô tai vô ách, vô bệnh, vô hạn cho gia chung chúng con lộc làm lộc ăn, lộc gần mang đến, lộc xa mang lại, buôn bán làm ăn gặp nhiều may mắn. (thích gì thì khấn nấy). Quan phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được như tâm sở nguyện, như ý sở cầu.

Con nam mô a di Đà Phật!

Con nam mô a di Đà Phật!

Con nam mô a di Đà Phật! (3 lạy)

Bước 4. Bốc bát hương

Có nhiều người thắc mắc: Có nên tự bốc bát hương không? Hay nên bỏ gì vào bát hương? Như đã chia sẻ ở trên, một bát hương sẽ gồm có một bộ Di Hiệu. Trả lời cho câu hỏi này đó là bạn có thể tự bốc bát hương.

Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ về thủ tục bốc cũng như những điều kiêng kỵ khi bốc bát hương ở bên dưới của bài viết để bát hương được bốc đúng phong thủy nhé.

  1. Sau khi tẩy và làm sạch bát hương thì bạn rửa tay sạch bằng nước gừng pha rượu trắng rồi tiến hành bốc bát hương.
  2. Tiến hành gói bộ Dị Hiệu. Đặt tờ Hiệu lên trên gói “thất bảo” và dùng giấy trang kim để gói.
  3. Rải một lớp thạch anh ngũ sắc xuống đáy bát hương.
  4. Đặt bộ Dị Hiệu đã gói lên trên lớp đá thạch anh.
  5. Sau đó vừa bốc tro nếp đã chuẩn bị để bỏ vào bát hương. Vừa bỏ vừa đếm theo vòng “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Đến nắm tro cuối cùng cho vào bát hương dừng lại ở chữ Sinh là được.

Lưu ý: Trong quá trình bốc tro thì kết hợp vừa bốc vừa ấn nhẹ tro để tạo độ chặt và kết hợp đọc bài khấn bốc bát hương, đưa lên tâm nguyện sở cầu của bản thân, gia đình.

Nội dung bài văn khấn như sau:

Nam mô a di đà phật

Nam mô a di đà phật

Nam mô a di đà phật! (Kèm 3 lạy)

Con lạy chín phương trời mười phương chư phật, chư phật mười phương. Con kính lạy các chư vị thần linh, hiển linh, hiển pháp, pháp thuật vô biên.

Hôm nay là ngày … tháng … năm …

Tên con là …………………….

Ngụ tại …………………………….

Hôm nay ngày lành tháng tốt, con xin quan thần linh, gia tiên nội ngoại, bà cô ông mãnh dòng họ (…) cho con được làm lễ bốc bát hương mới để thờ cúng thần linh, gia tiên nội ngoại bà cô ông mãnh dòng họ (…) tại gia.

Con xin kính lạy chư vị thần linh, các cụ tổ tiên nội ngoại, bà cô ông mãnh. Kính xin chư vị thần linh, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, ông bà, bố mẹ (nếu bố mẹ đã mất), bà cô, ông mãnh về chứng tâm chứng lễ về phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.

Con là người trần mắt thịt, con ăn chưa sạch, học chưa thông, còn nhiều lầm lỗi. Con xin thần linh, gia tiên nội ngoại, bà cô, ông mãnh xá lầm lỗi cho con, phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được tâm cầu sở nguyện, như ý sở cầu.

Con Nam mô a di đà phật, Nam mô a di đà phật, Nam mô a di đà phật! (3 lạy).

Sau đó khi đọc văn khấn xong, bạn kết hợp đọc trú ngũ bộ thần trú trong quá trình bốc bát nhang như sau:

(Um Ram, Um Si-Ram, Um Ma Ni Pad Mê Hum, Um Ca Lê Cun Lê Sờ Va Ha, Um B-Rum). Đọc suốt quá trình bốc bát hương.

Bước 5. Đặt bát hương nên ban thờ

Sau khi bốc bát hương xong thì bạn tiến hành đặt bát hương đúng vị trí nên ban thờ,tiến hành làm lễ và xin quẻ âm dương. Phép xin quẻ âm dương thường được các thầy dùng để bói xem việc lập bát hương, đặt bát hương đã được Thần linh chấp nhận hay chưa. Nếu bạn không thạo có thể bỏ qua việc xin âm dương này. Quan trọng là tâm thành để Thần linh chứng là được.

Sau khi đặt bát hương nên ban thờ xong thì bạn tiến hành cúng lễ lần đầu.

Sắm lễ thay bàn thờ, bốc bát hương

Sắm lễ không cần quá long trọng mà tùy tâm và tùy điều kiện của mỗi gia đình. Dưới đây là một gợi ý để bạn tham khảo về một mâm lễ đầy đủ:

  • Một con gà lễ, 1 đĩa xôi, 1 chân giò luộc chín, 1 chai rượu trắng, 2 lạng thịt vai để sống, 5 quả trứng gà ta để sống (lễ xong phải luộc chín luôn).
  • 3 lá trầu + 3 quả cau, 3 chén trước, 9 bông hồng, 5 quả tròn (Quả táo,… các loại quả có hình tròn).
  • 1 đĩa gạo muối không trộn lẫn, 1 bao thuốc lá, 1 lạng chè ngon.
  • 1 đinh vàng hoa, 1 bộ quần áo quan thần linh đỏ, hia, mũ, ngựa đỏ, kiếm trắng, 5 lễ vàng tiền.
  • 1 mâm cơm canh không hành tỏi.

Văn khấn sau khi đặt bát hương lên ban thờ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm cơm cúng, rượu nước, trầu, cau, tiền vàng … Ăn mặc quần áo ngay ngắn, chỉnh tề. Sau đó thắp đèn và đốt 3 nén hương/bát hương (nếu 3 bát hương là 9 nén), thành tâm cắm hương cho ngay ngắn.

Rồi lùi lại 3 bước, lạy 3 lạy rồi khấn như sau:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài Đông Thần Quân.
  • Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch.
  • Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.
  • Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
  • Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.
  • Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc Bá huynh đệ, cô Di tỷ muội, cùng toàn thể chư vị Hương linh họ …… (đọc cả họ và tên đệm của dòng họ)

Tín chủ chúng con là:…. (đọc họ tên theo tứ thự sau. Chồng, Vợ, con trai trước, gái sau)

Ngụ tại: Số…… , ………………đường, ………..Thôn, …….phường / xã,……… quận/ huyện, …………tỉnh, Việt Nam quốc.

Hôm nay là ngày …. tháng……. năm………, tín chủ con thiết lập lô nhang phụng thờ Thần linh, thờ gia tiên và thờ chư vị hương linh dòng họ ……. Nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao Tiên Tổ, con thành tâm sắm lễ, hương, hoa, trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời: Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc Bá huynh đệ, cô Di tỷ muội, cùng toàn thể chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ … cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia đình chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Lưu ý: Khấn xong vái ba vái rồi lùi lại 2-3 bước sau đó mới quay người bước đi.

Lưu ý: Với bát hương mới lập thì buổi sáng hàng ngày gia chủ cần thắp mỗi bát hương 1 nén cùng với rượu trắng và nước lọc. Thắp đủ 100 ngày thì bát hương mới tụ được năng lượng.

4. Kiêng kỵ về bát hương cần tránh.

  1. Ban thờ phải luôn sạch sẽ, không được để uế tạp. Những vật phẩm, đồ cúng cần xin lộc ngay sau khi hết tuần hương. Tránh để quên, để hoa héo, thường xuyên thay nước cho lọ hoa (nếu có).
  2. Bát hương, bài vị tuyệt đối không được xê dịch, không được nâng lên hạ xuống. Nếu dọn dẹp cần dùng tay sạch giữ cho bát hương không dịch chuyển rồi lấy khăn sạch cùng nước gừng pha rượu để tẩy uế.
  3. Bát hương không dùng cần thả xuống sông, suối. Không được vứt vào nơi ô uế. Thực tế có nhiều người chỉ vì xử lý không đúng với bát hương cũ mà gặp phải điều không may.
  4. Mỗi khi cầu cúng cần mở rộng cửa, thắp đèn trước, rót nước, rót rượu, rồi thắp hương và khấn cúng. Chú ý số nén hướng cần thắp cho đúng. xem thêm: Ý nghĩa số nén hương khi thắp trên ban thờ, khi nào thắp một, hai, ba, năm?
  5. Khi cắm hương cần cắm cho ngay ngắn mới có tác dụng dẫn lời thỉnh cầu tới đúng nơi cần đến. Xem thêm: Nén hương có thẳng thì lòng mới ngay
  6. Trường hợp bát hương tự nhiên bốc cháy, dân gian cho rằng đó là “điềm báo“.
    1. Hoá âm là khi chân hương cháy âm ỉ từ trong ra, rồi lan ra xung quanh thì thường liên quan đến mồ mả, thờ cúng.
    2. Hoá dương là cháy từ trên xuống có liên quan đến nhà cửa, cuộc sống hằng ngày.
  7. Nếu đang cúng mà hương tắt cứ để thế mà châm lửa tiếp, đừng nhổ lên đốt lại bởi khi nhổ lên cắm lại thành hương thừa, mất gốc, cầu cúng mất linh nghiệm. Cổ nhân cho rằng, ngoài lý do hương kém phẩm thì cần phân biệt:
    1. Hương tắt phần trên là ở Thiên, liên quan đến nóc nhà, ban thờ…
    2. Hương tắt ở đoạn giữa là Nhân, liên quan đến thành viên gia đình
    3. Hương tắt đoạn cuối nghĩ đến Địa, liên quan đến mồ mả, đất cát…

5. Thời điểm thích hợp để bốc bát hương

Nếu bạn có ý định thay bát hương hoặc bốc thêm bát hương thì thời điểm thích hợp để thực hiện là dịp cuối năm, có ý nghĩa xua đuổi đi những điềm xui xẻo và thay chân nhang mới. Do đó, có không ít người chọn ngày 23 tháng chạp để dọn dẹp bàn thờ, bốc bát nhang và tiền ông táo về trời.

Với quan điểm “Phật ở tại tâm”, việc bốc bát nhang vào ngày nào không quan trọng, chủ yếu là sự thành tâm. Tuy nhiên, người xưa có câu: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó, chọn ngày tốt để bốc bát hương nhằm đảm bảo mọi sự thuận lợi.

Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến chọn ngày tốt đó là hợp tuổi gia chủ, có sao tốt hội chiếu và tránh những ngày đại kỵ như tam nương, sát chủ, nguyệt kỵ…

6. Hướng dẫn chọn người bốc bát nhang

Thông thường thì dân ta đưa lên chùa nhờ bốc bát hương. Ai bốc thì cũng phải có tâm thành và thánh thiện. Không có tâm thành và thánh thiện thì bát hương không được người âm chấp nhận nên không linh.

Người có khả năng thì bốc xong bát hương là đã có tính linh ngay rồi. Nhà chùa bốc bát hương xong thì thường cũng linh ngay, nhưng Dị hiệu phải viết đúng. Gia chủ bốc bát hương thì không biết bát hương đã linh hay không. Nhưng nếu thành tâm thờ cúng thì rồi lâu cũng sẽ linh, có khi phải sau một vài năm thờ cúng.

Chú ý: Bát hương làm bằng vật liệu đồng, gốm, sứ, đá, xi măng cát v.v… đều được.

7. Một số lưu ý để bốc bát hương đúng cách

Hướng dẫn cách bốc bát hương cũng có một số lưu ý như sau:

  • Mọi bát hương thờ cúng đều phải linh. Người bốc bát hương quyết định tính linh này. Người bốc bát hương phải có tâm thiện thì bát hương mới linh.
  • Bốc bát hương mà tâm không thiện thì thường bát hương không linh.
  • Một bát hương linh thì khi thắp hương, người được thờ sẽ về.
  • Bát hương không linh là bát hương không được người thờ chấp nhận, nên khi thắp hương thì không về.

8. Nguyên nhân bát hương không linh

Có không ít nhà bị bát hương không linh, nghĩa là thắp hương mà không có ai về. Hỏi ra thì thấy có mấy trường hợp sau đây:

  • Trong bát hương không có Dị hiệu. (thì không biết thờ ai mà về): Nhiều bát hương ở các nhà không có Dị hiệu bên trong. Rất nhiều các bàn thờ Thần tài ở các cửa hàng không ghi Dị hiệu thờ ai làm Thần tài. Cũng có trường hợp người bốc bát hương có khả năng mời người được thờ về nhận bát hương ngay, mà không cần viết Dị hiệu. Nhưng trường hợp này là rất ít.
  • Bát hương ghi dị hiệu không đúng: Ví dụ bát hương thờ Thần linh Thổ công lại ghi nhầm thờ người nào đó trong dòng họ. Hoặc Dị hiệu ghi thờ quá nhiều người, trở nên lôm côm. Điều này gặp ở bất cứ người nào bốc bát hương: Thầy, cô, nhà chùa đều có thể phạm. Nhiều khi chỉ là vô tình khi bốc nhiều bát hương đã bỏ nhầm Dị hiệu nọ sang bát hương kia.
  • Bát hương bị yểm âm binh: Thường các bát hương này do các thầy cô đồng có điện thờ bốc. Cũng có cả một số nhà sư yểm âm binh vào bát hương. Các vị sư này đã làm ảnh hưởng xấu đến nhà chùa. Những người này đã yểm âm binh trong điện của mình vào bát hương. Có khi còn chôn bùa yểm âm binh dưới nền nhà hoặc dán trên tường. Hậu quả là Thần linh và Gia tiên đều không chấp nhận bát hương này (nhưng gia chủ không biết). Các âm binh thường cậy thế điện mà gây cản trở cho người được thờ về bàn thờ. Có âm binh còn bắt Thần linh, Gia tiên lạy mình mới cho vào. Nhẹ hơn thì bắt chia lộc lễ. Thần linh gia tiên không chịu nên không về (các vị không thèm tranh cướp với bọn ma cô!). Kết quả là gia chủ chỉ thờ âm binh mà thôi. Rất tai hại là có nhà bốc bát hương đã trên 10 năm mà tình trạng thờ cúng cứ như vậy. Cần phải bốc lại bát hương ngay! Các thầy cô đồng, nhà sư bốc bát hương như vậy là thiếu tâm thiện, cần phải lên án. Các vị phải chịu trách nhiệm về việc này. Nhất định các vị sẽ phải trả nghiệp cho việc làm này đấy. Người bốc bát hương phải thành tâm và không được cầu lợi. Bốc bát hương là việc làm thiện giúp đời.

9. Cách nhận biết bát hương không linh

Gia chủ nếu không có công quyền năng đặc dị thì không thể biết. Phải nhờ người có công quyền năng kiểm tra tính linh của bát hương. Người kiểm tra có thể kiểm tra trực tiếp tại bàn thờ hoặc kiểm tra từ xa tùy theo khả năng của mình. Thông thường người này có khả năng mời người được thờ về. Nếu không thấy về thì bằng công quyền năng triệu về để hỏi, sẽ rõ ngay

Chú ý: Mọi bát hương đều cần được kiểm tra tính linh trước khi dùng!

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách bốc bát hương cùng với rất nhiều chia sẻ về những đại kỵ về bát hương cần tránh. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn đã biết cách tự bốc bát hương đúng cách. Cũng như hiểu hơn về bát hương và văn hóa tín ngưỡng của người Á Đông nói chung.

Chúc bạn an nhiên và hoan hỉ!

Qua bài viết: Hướng dẫn bốc bát hương và những kiêng kỵ để tránh đại họa nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

Thi công 24h

Thiết kế một cuộc sống đẳng cấp hơn

Zalo: 0976 067 303 Email: thicongxaydung24h@gmail.com

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người.

Chúc bạn buổi tối tốt lành!

Từ khóa » Bỏ Gì Vào Bát Hương