Hướng Dẫn Cách Bố Trí Phòng Tắm Khoa Học Và đẹp Mắt - Trangkim

Dù gọi là “công trình phụ”, nhưng thực tế phòng tắm lại là một trong những không gian quan trọng, được sử dụng thường xuyên nhất. Nơi này không chỉ phục vụ cho mục đích vệ sinh, mà còn đem lại sự thư giãn, nghỉ ngơi cho các thành viên trong gia đình. Vì thế, cách bố trí phòng tắm sao cho khoa học, đẹp mắt luôn là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này qua nội dung sau đây!

Thiết kế phòng tắm khoa học và đẹp mắt 1

Mục lục

  • Những điều cần biết khi bố trí phòng tắm
    • Tiêu chuẩn kích thước phòng tắm
    • Cấu trúc và các phân khu chức năng
    • Thiết bị vệ sinh cần có
    • Hệ thống điện và thông gió
  • Hướng dẫn bố trí phòng tắm khoa học, hợp lý
    • Bố cục cho phòng tắm diện tích nhỏ
    • Bố cục cho phòng tắm diện tích vừa
    • Bố cục cho phòng tắm diện tích rộng
    • Lưu ý về độ cao lắp đặt các thiết bị vệ sinh
  • Nguyên tắc phong thủy trong bố trí phòng tắm
    • Vị trí phòng tắm
    • Xác định hướng tốt cho phòng tắm
    • Nguyên tắc trang trí phòng tắm
  • Tips chọn nội thất cho phòng tắm cực chuẩn
  • Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp

Những điều cần biết khi bố trí phòng tắm

Tiêu chuẩn kích thước phòng tắm

Tùy thuộc vào diện tích tổng thể và nhu cầu của người sử dụng mà phòng tắm được xây dựng với những kích thước khác nhau. Việc bố trí phòng tắm đúng diện tích tiêu chuẩn sẽ giúp ngôi nhà cân đối, hài hòa về mặt cấu trúc. Đồng thời, đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng.

  • Phòng tắm có diện tích nhỏ

Thông thường, kích thước phòng tắm tối thiểu dao động từ 2.5m2 đến 3m2. Theo lời khuyên của chuyên gia kiến trúc, dù bạn sở hữu ngôi nhà nhỏ hẹp thì vẫn nên xây dựng phòng tắm đạt diện tích tối thiểu. Vì nếu nhỏ hơn diện tích này, việc bố trí các thiết bị vệ sinh sẽ rất bất tiện.

  • Phòng tắm có diện tích vừa

Diện tích tiêu chuẩn cho phòng tắm cỡ vừa là 4m2 đến 6m2. Nhiều ngôi nhà ở dân dụng, căn hộ chung cư hiện nay đang áp dụng kích thước này. Bởi lẽ, nó đủ rộng để mang lại sự thoải mái khi sử dụng; cũng như cho phép gia chủ dễ dàng lắp đặt các thiết bị vệ sinh hiện đại.

Tiêu chuẩn kích thước phòng tắm 1
Phòng tắm cỡ vừa đáp ứng tốt về cả công năng lẫn việc bày trí
  • Phòng tắm có diện tích rộng

Phòng tắm cỡ lớn có diện tích từ 10m2 – 12m2. Chúng phù hợp với kiểu nhà biệt thự hoặc các căn hộ chung cư sang trọng. Với diện tích này, gia chủ có thể “biến hóa” phòng tắm thành không gian spa với đầy đủ các thiết bị hiện đại như bồn tắm, xông hơi…

  • Thông số kích thước nội thất phòng tắm

+ Cửa nhà vệ sinh có chiều cao dao động từ 1,9m – 2,1m – 2,3m; tương ứng với chiều rộng 0.68m – 0.82m – 1.02m.

+ Gạch lát sàn nên ưu tiên kích thước 20x20cm vì phòng tắm diện tích có diện tích nhỏ, sử dụng gạch kích thước lớn hơn sẽ gây mất cân đối.

+ Kích thước khuyên dùng cho gạch ốp tường phòng tắm là 20×20 hoặc 20x30cm.

Cấu trúc và các phân khu chức năng

Về cơ bản, phòng tắm được chia thành 2 phân khu khô – ướt riêng biệt, tương ứng với chức năng sử dụng. Khu vực khô gồm lavabo, bồn cầu… thường được bố trí gần cửa để phục vụ các hoạt động như thay đồ, trang điểm, vệ sinh cá nhân. Khu vực ướt gồm bồn tắm, vòi sen… phục vụ nhu cầu tắm, giặt.

Để phân định khu vực khô – ướt riêng biệt, người ta thường sử dụng vách ngăn kính, rèm, giật cấp… Trong đó, lắp vách kính tắm là phương án tối ưu, được nhiều kiến trúc sư khuyên dùng.

Cấu trúc và các phân khu chức năng 1
Thông thường, phòng tắm được chia thành 2 phân khu chức năng

Thiết bị vệ sinh cần có

Để bố trí phòng tắm hoàn chỉnh, cần có các thiết bị vệ sinh như sau:

  • Thiết bị vệ sinh tắm: vòi sen, bồn tắm, bình nóng lạnh.
  • Bồn cầu và các thiết bị liên quan như vòi xịt, bộ xả, hộp giấy vệ sinh…
  • Lavabo và bộ vòi xả đi kèm.
  • Nhóm phụ kiện vệ sinh: gương soi, thanh hoặc móc treo khăn tắm, kệ đựng xà bông, phễu thoát nước…

Ngoài ra, tùy vào điều kiện, gia chủ có thể lắp đặt thêm các thiết bị vệ sinh thông minh như xông hơi, máy sấy tay; tủ kệ, các vật dụng decor, trang trí… để phòng tắm thêm tiện nghi và đẹp mắt hơn.

Hệ thống điện và thông gió

Điện

  • Đi ngầm đường điện trong tường, các dây điện có ống gen bảo vệ.
  • Lắp đặt đèn trần thay vì các loại đèn treo. Đảm bảo đèn cách xa tầm với ít nhất 50cm.
  • Ổ cắm điện đặt tại nơi cách xa nguồn nước ít nhất 182cm và có GFCI bảo vệ.
  • Công tắc đèn nằm ở bên ngoài, gần lối đi vào nhà tắm.

Thông gió

Không nhất thiết phải lắp đặt quạt thông gió cho phòng tắm. Tuy nhiên, cần có ít nhất một ô cửa sổ với kích thước tối thiểu là 0.3m2. Nên bố trí cửa thông gió ở vị trí cao, sát trần để đảm bảo tính kín đáo.

Hệ thống điện và thông gió 1
Nên bố trí cửa thông gió cho phòng tắm

Hướng dẫn bố trí phòng tắm khoa học, hợp lý

Bố cục cho phòng tắm diện tích nhỏ

Đối với diện tích từ 2.5m2 đến 3m2, phòng tắm có thiết kế hình chữ nhật sẽ thuận tiện cho việc bày trí thiết bị, vật dụng. Nên hạn chế kiểu hình dạng đa giác hoặc bầu dục vì sẽ gây cảm giác bức bí cho không gian nhỏ.

Bố cục cho phòng tắm diện tích nhỏ 1
Bố cục tham khảo cho phòng tắm có diện tích nhỏ

Cách bố trí phòng tắm diện tích nhỏ phổ biến nhất là lavabo rửa mặt, bồn cầu vệ sinh và bồn tắm hoặc vòi sen được xếp cạnh nhau. Điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí xây dựng vì các thiết bị đường ống dẫn nước đều cùng nằm sau một bức tường.

Bố cục cho phòng tắm diện tích nhỏ 2
Đối với phòng tắm nhỏ, các thiết bị vệ sinh thường được bố trí liền kề nhau

Bố cục cho phòng tắm diện tích vừa

Đối với phòng tắm cỡ vừa, gia chủ có nhiều lựa chọn hơn trong việc sắp xếp bố cục. Hai phân khu khô – ướt cũng được tách biệt rõ ràng hơn.

Một trong những cách bố trí thường gặp là thiết bị tắm (bồn tắm, vòi sen) và lavabo, bồn cầu được đặt theo hướng đối diện nhau. Nhờ đó, tạo được khoảng không gian giữa đủ rộng để người dùng có thể thoải mái sinh hoạt.

Ngoài ra, các thiết bị vệ sinh được bao bọc bởi hai bức tường liền kề cũng là cách bố trí phòng tắm hợp lý và khoa học. Vì nó tạo nên tính liên kết và đảm bảo được khoảng giữa rộng rãi cho người dùng.

Bố cục cho phòng tắm diện tích vừa 1
Cách bố trí cho phòng tắm diện tích từ 4 – 6m2
Bố cục cho phòng tắm diện tích vừa 2
Bồn tắm và bồn rửa bố trí đối diện nhau – đem đến sự cân đối cho bố cục phòng tắm

Bố cục cho phòng tắm diện tích rộng

Đối với phòng tắm có diện tích từ 10m2 trở nên, nên chia bồn cầu – bồn rửa – bồn tắm thành 3 không gian riêng biệt. Tương ứng, chúng ta sẽ có 3 phân khu chức năng: khu vực vệ sinh, khu vực rửa và trang điểm, khu vực tắm.

Diện tích rộng cho phép gia chủ dễ dàng bố trí phòng tắm theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, cần đảm bảo có một khoảng không gian đủ thông thoáng tại khu vực trung tâm của căn phòng. Có thể cân nhắc lắp thêm vách ngăn riêng biệt cho khu vực tắm và cửa cho khu vực vệ sinh. Điều này sẽ đem đến sự riêng tư và thoải mái trong trường hợp các thành viên sử dụng chung phòng tắm cùng một thời điểm.

Bố cục cho phòng tắm diện tích rộng 1
Bố cục tham khảo dành cho phòng tắm có diện tích rộng

Lưu ý về độ cao lắp đặt các thiết bị vệ sinh

Lỗi lắp đặt thiết bị vệ sinh không đúng vị trí và độ cao không phù hợp gây ra nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng. Mặt khác, nó còn làm bố cục tổng thể phòng tắm thiếu hài hòa, cân đối. Dưới đây là độ cao lắp đặt thiết bị vệ sinh theo tiêu chuẩn của người Việt:

  • Độ cao lắp đặt đối với bồn cầu
Lưu ý về độ cao lắp đặt các thiết bị vệ sinh 1
Chiều cao tiêu chuẩn của bồn cầu và các thiết bị đi kèm

+ Chiều cao của bồn cầu là 40cm tính từ bệ ngồi so với mặt đất

+ Chiều cao của vòi xịt toilet và hộp khăn giấy là 65 – 75cm so với mặt đất, như vậy sẽ vừa tầm với của người ngồi.

  • Độ cao lắp đặt đối với vòi sen, bồn tắm

+ Chiều cao của bát sen từ 195 – 205cm.

+ Độ cao từ mặt sàn đến nguồn cấp nước (vòi sen tắm) là 75 – 80cm.

+ Kích thước bồn tắm linh hoạt, tùy thuộc vào diện tích tổng thể. Tuy nhiên, nên đảm bảo độ cao từ mặt sàn đến mép trên của bồn tắm là 60cm.

  • Độ cao lắp đặt bồn rửa mặt

Độ cao lý tưởng của bồn rửa tính từ mặt sàn là 80 – 85cm. Đối với bồn rửa dành cho trẻ em, độ cao phù hợp là 50cm.

Nếu phòng tắm rộng, nên lắp đặt bồn rửa mặt để bàn để tăng tính thẩm mỹ. Còn nếu phòng tắm có diện tích nhỏ hẹp, bồn rửa treo tường là lựa chọn tối ưu.

Lưu ý về độ cao lắp đặt các thiết bị vệ sinh 2

Chú ý lắp đặt thiết bị vệ sinh ở độ cao thuận tiện cho người dùng

  • Độ cao lắp đặt các thiết bị khác

+ Móc treo quần áo: 165 – 170cm

+ Móc treo khăn: 120 – 140cm

+ Mép trên của gương có độ cao tối thiểu 190cm so với mặt đất.

Nguyên tắc phong thủy trong bố trí phòng tắm

Theo quan điểm của người Á Đông, không gian phòng tắm có tác động khá lớn về mặt phong thủy. Do đó, khi bố trí phòng tắm, cần xác định vị trí, phương hướng sao cho thuận hòa, đem đến nguồn sinh khí tốt.

Vị trí phòng tắm

Theo phong thủy, phòng tắm nên được bố trí tại khu vực cuối căn nhà. Tốt nhất là nằm tại vị trí góc nhà để tránh uế khí ảnh hưởng đến sức khỏe, tài lộc của gia chủ. Nếu nhà bạn có hành lang dài, vị trí phòng tắm phù hợp là bên cạnh hành lang. Không nên đặt phòng tắm nằm cuối hành lang, vì nhiều chuyên gia phong thủy cho rằng để hành lang xông thẳng vào nhà vệ sinh sẽ mang đến nguồn năng lượng xấu.

Vị trí phòng tắm 1
Phòng tắm nên nằm tại ví trí cuối – trong góc của căn nhà

Ngoài ra, gia chủ cũng cần TRÁNH các vị trí bố trí phòng tắm đại kỵ sau:

  • Trung tâm của căn nhà.
  • Gần nhà bếp, khu vực thờ tự.
  • Nhà vệ sinh ở tầng trên nằm bên trên phòng ngủ ở tầng dưới.
  • Đối diện cửa lớn; đối diện hướng đi lên – xuống của cầu thang.
Một số gia đình thường tận dụng không gian dưới gầm cầu thang làm phòng vệ sinh. Tuy nhiên, đây là vị trí khuất, dễ bí khí và thiếu sáng. Vì thế, khi tận dụng khoảng không gầm cầu thang, gia chủ cần bố trí thêm hệ thống chiếu sáng và quạt thông gió ra bên ngoài.

Xác định hướng tốt cho phòng tắm

Về phương hướng phòng tắm, người xưa có quan niệm “tọa hung, hướng cát”. Nghĩa là đặt tại hướng xấu của căn nhà để nhìn về hướng tốt. Theo đó, nên bố trí phòng tắm tại hướng Tây Bắc hoặc hướng Đông. Hướng nên tránh là hướng Nam, Tây Nam, Đông Bắc.

Hướng bồn cầu trùng với hướng nhà được xem là đại kỵ.

Nguyên tắc trang trí phòng tắm

+ Gương là món đồ mang ý nghĩa lớn về mặt phong thủy. Ngoài mục đích để soi, gương có tác dụng làm cho không gian phòng tắm trở nên thoáng đãng, tươi sáng hơn. Kiểu dáng gương hợp phong thủy là hình bầu dục hoặc hình tròn. Khi đặt gương cần tránh vị trí đối diện với cửa ra vào.

+ Nếu có điều kiện, nên bố trí thêm chậu cây thủy sinh để tăng sinh khí cho căn phòng.

+ Nên ưu tiên sử dụng những gam màu tươi sáng với sắc độ nhạt khi thiết kế phòng tắm. Tránh những gam màu sẫm như đen, đỏ, tím, nâu đậm…

Nguyên tắc trang trí phòng tắm 1
Màu sắc tươi sáng giúp phòng tắm trông thoáng đãng, sạch sẽ hơn

+ Tránh đặt các món đồ nội thất góc cạnh, sắc nhọn trong phòng tắm.

+ Theo quan niệm phong thủy, nước chảy từ cao xuống thấp. Do đó, sàn phòng tắm phải thấp hơn so với sàn nhà.

Tips chọn nội thất cho phòng tắm cực chuẩn

Bên cạnh nhóm thiết bị vệ sinh, các món đồ nội thất cũng góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo tiện nghi, thẩm mỹ khi bố trí phòng tắm.

  • Gạch ốp sàn phòng tắm
Tips chọn nội thất cho phòng tắm cực chuẩn 1
Gạch lát sàn phòng tắm có độ nhám cao để chống trơn trượt

Do môi trường phòng tắm thường xuyên ẩm ướt, trơn trượt nên loại gạch sử dụng cần có độ nhám cao để đảm bảo an toàn. Mặt khác, gạch cũng cần có độ chống thấm nước tốt, nhất là đối với nhà vệ sinh ở tầng trên.

  • Gạch ốp tường phòng tắm

Gạch ốp tường có tác dụng trang trí rất hiệu quả. Tùy theo phong cách của phòng tắm mà bạn có thể chọn mẫu gạch với màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau. Song, chúng cần có đặc điểm chung là khả năng chống nước, chống ẩm; cho phép dễ lau chùi và khô nhanh.

  • Kệ, tủ, giá để đồ

Chất liệu kệ, tủ phù hợp cho môi trường phòng tắm là inox, kính, gỗ đã qua xử lý chống cong vênh, mối mọt. Nên bố trí vật dụng làm bằng gỗ tại nơi khu vực khô ráo, tránh tiếp xúc với nước để tuổi thọ được lâu bền.

Ngoài ra, có thể trang trí thêm cho phòng tắm bằng bình hoa, cây xanh, nến thơm, tranh treo tường.
Tips chọn nội thất cho phòng tắm cực chuẩn 2
Đặt thêm vài chậu cây để điều hòa không khí cho không gian phòng tắm

Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp

Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 1
Bố trí phòng tắm theo phong cách tối giản với gam trắng chủ đạo
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 2
Các chi tiết bằng gỗ đem đến vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi thiên nhiên cho phòng tắm
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 3
Phòng tắm theo phong cách thô mộc Brutalism
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 4
Gạch hoa văn và các thiết bị mạ vàng tạo nên phong cách tân cổ điển cho nhà tắm
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 5
Đối với nhà tắm có diện tích nhỏ hẹp, lắp lavabo vào góc tường có thể giúp tiết kiệm diện tích hiệu quả
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 6
Tông màu đen không thường xuyên được sử dụng cho phòng tắm. Tuy nhiên, nó mang đến vẻ đẹp rất sang trọng và thời thượng.
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 7
Lắp đặt gương đèn led để tăng hiệu ứng chiếu sáng cho phòng tắm
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 8
Phòng tắm với thiết kế hình bán nguyệt
Tham khảo một số ý tưởng thiết kế và bố trí phòng tắm đẹp 9
Tận dụng không gian tầng áp mái để bố trí phòng tắm

Trên đây là những tiêu chuẩn cơ bản để thiết kế và bố trí phòng tắm một cách khoa học, đẹp mắt. Hy vọng, qua nội dung Trang Kim vừa chia sẻ, bạn đọc đã có thêm nguồn tư liệu hữu ích để ứng dụng vào thi công thực tế phòng tắm cho ngôi nhà mình.

Nguồn tham khảo: https://cafeland.vn/xu-huong/quy-tac-thiet-ke-phong-tam-co-ban-92893.html https://idc.edu.vn/tin-tuc-chuyen-nganh/nguyen-tac-thiet-ke-phong-tam.html https://www.nguoiduatin.vn/nhung-loi-phong-thuy-khi-xay-dung-nha-ve-sinh-can-tranh-a494486.html https://www.bhg.com/bathroom/remodeling/planning/2021-bath-trends/

Từ khóa » Cách Bố Trí Phòng Tắm Nhỏ