Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Chứng Khoán (Hiểu 99.99% Những Gì ...

Hiểu cách đọc bảng chứng khoán là bài học cơ bản mà các nhà đầu tư nhất định phải học khi bước vào hành trình đầu tư chứng khoán.

cách đọc bảng chứng khoán online
Nhà đầu tư chứng khoản phải biết cách đọc bảng chứng khoán

Chúng tôi khảo sát được rằng: nhiều nhà đầu tư mới, thậm chí là nhà đầu tư lâu năm vẫn chưa nắm rõ cách đọc bảng chứng khoán, dẫn đến nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của họ

Có thể do đa phần nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) họ không có xuất phát điểm tài chính (không được hướng dẫn và đào tạo bài bản) họ tham gia đầu tư chứng khoán bởi vì họ nghĩ rằng chứng khoán là kênh dễ kiếm tiền, họ được môi giới chứng khoán – bạn bè – người thân giới thiệu, họ có số tiền nhàn rỗi trong lúc nhàn rỗi (phải ở nhà do dịch covid 19), họ có tâm lý sợ bị thị trường “bỏ lại phía sau”,… Nên phần lớn các nhà đầu tư này tham gia thị trường một cách vội vàng mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng…

Nếu bạn đã đầu tư hay đang có ý định đầu tư chứng khoán nhưng vẫn chưa biết hoặc chỉ “biết sơ sơ” cách đọc bảng chứng khoán thì bài viết này là dành riêng cho bạn.

Bạn sẽ hiểu đến 99.99% những thông tin từ cơ bản đến nâng cao được hiển thị trên bảng điện.

  • Bạn cũng có thể truy cập miễn phí series bài viết chuyên về kiến thức và kỹ năng đầu tư chứng khoán của tại đây

Hướng dẫn cách đọc bảng chứng khoán cho người mới

Trước khi bắt đầu hãy tìm hiểu một chút về bảng chứng khoán.

Bảng chứng khoán là nơi hiển thị các thông tin trực tuyến liên quan đến thị trường chứng khoán như mã cổ phiếu, giá cả, khối lượng giao dịch, chỉ số Index,… Vì vậy hiểu cách đọc bảng chứng khoán sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà đầu tư trong việc “soi” cổ phiếu và đưa ra các quyết định mua / bán cổ phiếu.

Ngoài ra bảng chứng khoán còn hiển thị các thông tin khác như chỉ số Index, chứng khoán phái sinh, chứng quyền,…

Trong bài hướng dẫn này chúng tôi sẽ sử dụng bảng chứng khoán của công ty chứng khoán kỹ thương Techcom Securities (viết tắt TCBS) để làm tài liệu hướng dẫn.

Để thuận tiện theo dõi và thực hành cùng chúng tôi bạn có thể truy cập bảng chứng khoán ngay tại đây.

Một lưu ý khác nữa: TCINVEST là một nền tảng đầu tư của TCBS. Nên nếu nội dung và hình ảnh bài viết có đề cập đến TCINVEST hoặc TBCS thì bạn cứ xem 2 tên này là 1 nhé!

Hình ảnh tổng quan về bảng chứng khoán

cách đọc bảng chứng khoán
Thực hành đọc bảng chứng khoán trực tuyến trên TCINVEST

Link vào bảng chứng khoán để thực hành: https://tcinvest.tcbs.com.vn/tc-price

Bảng chứng khoán thoạt đầu trông có vẻ đáng sợ vì có rất nhiều thông tin hiện diện. Tuy nhiên thật tế thì nó cũng khá đơn giản.

Hàng đầu tiên của bảng chứng khoán (Header)

cach doc bang gia chung khoan
Phần được khoanh vàng từ trái sang phải – những thông tin cơ bản
  • TCINVEST: Nền tảng đầu tư online của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương Techcom Securities – TCBS
  • Đăng nhập: Dành cho khách hàng đã có tài khoản chứng khoán của TCINVEST đăng nhập và giao dịch
  • Tiếp theo là nút xem tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm các thông số như thị phần, thống kê giao dịch theo tuần theo tháng. Bạn có thể xem chi tiết từng loại báo cáo bằng cách truy cập vào bảng chứng khoán tại link phía trên
  • Kế tiếp là nút để xem báo cáo phân tích đầu tư, tại đây bạn có thể xem hồ sơ doanh nghiệp, các phân tích cơ bản, đồ thị chứng khoán,…
  • KL (cp): Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh, nghĩa là tổng số lượng cổ phiếu giao dịch thành công tại thời điểm bạn xem. Số lượng này sẽ tính theo phiên từng ngày và được reset lại vào ngày giao dịch tiếp theo
  • GT: Giá trị khớp lệnh, nghĩa là tổng số tiền giao dịch thành công tại thời điểm bạn xem. Giá trị cũng chỉ tính theo ngày và được reset lại trong phiên giao dịch của ngày hôm sau
  • Giá: x1000: Chú thích về giá. Giá tiền hiện thị trên bảng nhân với 1000 sẽ ra giá trị của một cổ phiếu. Ví dụ cổ phiếu FPT trên bảng đang hiển thị là 92.00, tương đương với 92.00 x 1,000 = 92,000 VNĐ / 1 cổ phiếu
  • Khối lượng: x10: Chú thích về khối lượng (số lượng) hiển thị trên bảng đem nhân với 10 sẽ ra số lượng chuẩn xác
  • Hình chuông phía gốc bên phải: Thông báo các sự kiện, kết quả giao dịch dành cho nhà đầu tư (chỉ khi đăng nhập bằng tài khoản thì mới nhận được thông báo)
  • Tiếp theo là nút xem đồ thị và các báo cáo phân tích chuyên nghiệp dành cho nhà đầu tư. Bạn cũng cần đăng nhập để sử dụng tính năng này
  • Cuối cùng là nút Đặt Lệnh: Đặt lệnh để mua hoặc bán cổ phiếu. Cũng yêu cầu có tài khoản đăng nhập để sử dụng

Đồ thị và chỉ số trong bảng chứng khoán

bảng chứng khoán
Hệ thống đồ thị và chỉ số trong bảng chứng khoán
  • VN-INDEX: Chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh – HOSE
  • HNX-INDEX: Chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX
  • UPCOM: Chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCOM
  • Chỉ số phái sinh: Hiển thị chỉ số chứng khoán phái sinh phổ biến như VN30, HNX30,…
  • Top KL giao dịch: Thể hiện những mã cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất trong phiên giao dịch của ngày hôm đó. Bao gồm top khớp lệnh của sàn HOSE và sàn HNX. Ngoài ra, TCINVEST còn cung cấp cho các nhà đầu tư tỷ lệ % khớp lệnh của hiện tại so với khớp lệnh trung bình của 5 ngày giao dịch trước đó, con số này cho nhà đầu tư biết cổ phiếu nào đang được chú ý và giao dịch nhiều nhất
  • Chỉ số toàn cầu: Là các chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên một số sàn giao dịch chứng khoán lớn nào đó trên thế giới. DJIA là chỉ số Dow Jones (chỉ số Index của 30 công ty cổ phần lớn nhất và có nhiều cổ đông nhất trong nước Mỹ), chỉ số S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên New York), chỉ số Euro 50 (50 công ty vốn hóa lớn nhất khu vưc châu Âu), và chỉ số các sàn giao dịch chứng khoán lớn khác trên thế giới
  • Đọc thêm: Trái phiếu là gì? Lợi ích và rủi ro trong đầu từ trái phiếu

Ok, bây giờ chúng ta sẽ di chuyển xuống hàng thông tin thứ 3 trong bảng chứng khoán

Hàng thông tin này cũng sẽ rất đơn giản, trực quan và dễ hiểu:

hướng dẫn cách đọc bảng chứng khoán
  • Ô tìm kiếm: Nhập mã cổ phiếu vào đây sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra thông tin của cổ phiếu bạn cần
  • Danh mục: Nó giống như danh bạ điện thoại vậy. Bạn có thể tạo cho mình một hoặc nhiều danh mục để theo dõi những mã cổ phiếu bạn đang quan tâm và sở hữu. Ngoài ra, TCINVEST cũng theo dõi danh sách 15 cổ phiếu mà họ cho là tiềm năng “Tcprice Watchlist”. Để tìm danh mục hoặc tạo danh mục bạn chỉ cần rê chuột đến hình mũi tên kế bên nó
  • HOSE: Khi chọn HOSE, bảng điện tử bên dưới sẽ hiện thị tất cả mã cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Rê chuột để chọn những mục khác ví dụ như VN30, VN100, VNMidCap, VNSmallCap,…
  • HNX: Tương tự thì đây là bảng giá của sàn Hà Nội và các mục khác liên quan đến sàn HNX
  • UPCOM: Bảng giá sàn UPCOM và các mục khác
  • Ngành: Lọc ra những cổ phiếu theo ngành nghề kinh doanh. Ví dụ bạn chọn ngành Ngân hàng thì tất cả những mã cổ phiếu của Ngân hàng sẽ được hiển thị
  • Phái sinh: Nhấp chọn để xem các thông tin chứng khoán phái sinh
  • Chứng quyền: Chọn để xem các mã chứng quyền
  • TCBS Gợi ý: Những mã cổ phiếu tiềm năng được chia theo từng danh mục. Các cổ phiếu trên được lựa chọn bởi đội ngũ TCBS dành cho nhà đầu tư mua theo hoặc tham khảo
  • Lệnh nhanh: Hình thức đặt lệnh mua hoặc bán ngay trên bảng giá chứng khoán. Để sử dụng tính năng này bạn phải có tài khoản chứng khoán của TCBS
  • MarketWatch: Số liệu thống kê theo dõi thị trường theo ngày, tuần, tháng, năm
  • Cuối cùng chức năng cài đặt: Giúp bạn thêm hoặc bớt thông tin hiện thị (theo chúng tôi thì nên chọn hiển thị hết tất cả để không bị thiếu thông tin). Các cài đặt khác như cài đặt bước giá khớp lệnh, tự động khớp lệnh, tự động điền giá,… (theo chúng tôi thì những tính năng này chưa thật sự thích hợp cho nhà đầu tư mới)

Tiếp theo sẽ là hàng thông tin liên quan đến giá cả mua bán và những thông tin giao dịch khác

Đây là hàng thông tin quan trọng và được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Đọc hiểu những thông tin trên này giúp bạn giao dịch một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

đọc bảng chứng khoán
  • Mã: Mã chứng khoán – tên viết tắt duy nhất của một cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ví dụ như mã MWG là cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, mã FPT là cổ phiếu của Công ty Cổ phần FPT. Một mã chứng khoán có thể bao gồm các chữ cái, số hoặc kết hợp cả hai
  • Giá – Trần: Là mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán trong ngày giao dịch
  • Giá – Sàn: Mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán trong ngày giao dịch
  • Giá – TC: Giá tham chiếu. Là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (ví dụ như giá cuối cùng trong phiên giao dịch chiều hôm qua sẽ là giá tham chiếu của ngày hôm nay). Lưu ý: Giá tham chiếu của sàn UPCOM được tính bằng giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất
  • Dư mua: Là tổng những lệnh và khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư đang đặt mua (đang chờ khớp lệnh). Giá 1 sẽ là giá tốt nhất, tiếp theo là Giá 2 và giá 3. KL 1, KL 2, KL 3 thì sẽ tùy thuộc các nhà đầu tư muốn mua bao nhiêu. Bạn có thể hình dung thị trường chứng khoán như một cuộc đấu giá vô tận. Nơi mà người mua muốn mua cổ phiếu với giá thấp nhất có thể và người bán muốn bán cổ phiếu với mức giá cao nhất
  • Khớp lệnh: Lệnh mua và lệnh bán trùng khớp nhau về giá, cũng có nghĩa là giao dịch thành công. Giá khớp lệnh là giá bên bán trùng với giá bên mua, khối lượng khớp lệnh chính là số lượng cổ phiếu giao dịch thành công tại mức giá đó, +/- chỉ ra rằng tại giá khớp lệnh đó, cổ phiếu tăng hoặc giảm bao nhiêu so với giá tham chiếu
  • Dư bán: Ngược lại với bên dư mua, Giá 1 sẽ là giá muốn bán thấp nhất tiếp sau là Giá 23
  • Cao: Giá khớp lệnh cao nhất trong ngày giao dịch. Maximum là giá trần
  • Tr.bình: Giá chung bình. Trung bình cộng tất cả các giá khớp lệnh trong ngày
  • Thấp: Giá khớp lệnh thấp nhất trong ngày giao dịch. Minimum là giá sàn
  • T.KL: Tổng khối lượng. Là tổng số lượng cổ phiếu đã giao dịch thành công của ngày giao dịch

Lưu ý: Tại một số bảng chứng khoán, sẽ có thêm 2 cột là NN muaNN bán (Nước ngoài mua, Nước ngoài bán). 2 cột này thể hiện cho số lượng cổ phiếu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch

  • Đọc thêm: Top 5 loại tài sản bạn nhất định phải đầu tư nếu muốn trở nên giàu có và tự do tài chính

Okay, Bây giờ chúng ta thử ứng dụng đọc bảng chứng khoán dưới đây nhé!

hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán

Ta sẽ lấy ví dụ trên mã cổ piếu MWG – Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thế Giới Di Động:

  • Khi đưa chuột vào mã chứng khoán, nó sẽ hiện lên một số thông tin tóm tắt như tên công ty, cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch nào, ngành nghề kinh doanh,…
  • Nhấp vào dấu “dọc ba chấm” bên phải mã chứng khoán bạn sẽ xem được hồ sơ doanh nghiệp và các thông tin khác liên quan đến doanh nghiệp
  • Tiếp theo là đồ thị giá: mô tả chuyển động giá cổ phiếu trong phiên với khung thời gian 5 phút cập nhật một lần
  • Giá Trần – Sàn – TC lần lượt là 168.00×1000; 146.20×1000; 157.10×1000 <=> 168,000; 146,200; 157,100. Đơn vị là VNĐ/1 cổ phiếu
  • Giá bên mua cao nhất là 157,500 trong khi giá bên bán thấp nhất là 157,600
  • Trước đó đã có khớp lệnh 10×10 = 100 cổ phiếu với mức giá 157,600. Tằng 0.5×1000 = 500 đồng so với giá tham chiếu
  • Tổng khớp lệnh tại thời điểm đó là 417,500 cổ phiếu
  • Giá khớp lệnh cao nhất tại thời điểm đó là 159,800, thấp nhất là 157,300 và trung bình là 157,800

Lưu ý: Ngoài những thông tin cơ bản trên, bảng điện tử sẽ còn có 2 dạng hiển thị thông tin khớp lệnh là: ATO và ATC

  • ATO: Là viết tắt của At The Open – được hiểu là giá mở cửa. Bạn sẽ bắt gặp lệnh này nếu bạn truy cập vào bảng chứng khoán vào lúc 9:00 – 9:15 sáng
bảng giá chứng khoán giờ ATO
Lệnh ATO trên bảng điện tử lúc 09:02:51 sáng
  • ATC: Là viết tắt của At The Close – giá đóng cửa. Bạn sẽ thấy lệnh này vào khung giờ 14:30 – 14:45 khi thị trường chuẩn bị đóng cửa và kết thúc phiên giao dịch của ngày
bảng giá chứng khoán giờ ATC
Lệnh ATC trên bảng điện tử lúc 14:33:36 chiều
đọc bảng giá chứng khoán trực tuyến
  • Sổ lệnh: Danh sách lệnh mua và bán của bạn (yêu cầu tài khoản)
  • Tài sản: Bao gồm tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu, nợ, các khoản vay,… Nhìn vào tài sản sẽ biết được tình hình lãi/lỗ của bạn (yêu cầu tài khoản)
  • Lịch sử: Chủ yếu là thống kê lịch sử giao dịch của bạn (yêu cầu tài khoản)
  • iChat: một nền tảng trò chuyện trực tuyến giữa các nhà đầu tư. Bạn có thể đặt câu hỏi hay góp ý kiến tại đây (yêu cầu tài khoản)
  • Ghi chú: Bạn có thể tạo ghi chú cho mỗi mã cổ phiếu để không bị quên. Ví dụ bạn ghi chú bán cổ phiếu MWG khi nó đạt mức giá 160,000 (yêu cầu tài khoản)
  • Bộ lọc: Lọc mã cổ phiếu theo tiêu chí riêng của bạn ví dụ như ngành nghề, vốn hóa, % cổ tức, niêm yết tại sàn nào,… và rất nhiều tiêu chí khác nữa. Tính năng này giống như bạn lọc sản phẩm khi mua sắm tại Shopee, hay Lazada vậy 😀 (tính năng này cũng yêu cầu tài khoản)
  • Kế tiếp và tính năng refresh (làm mới bảng chứng khoán), tương tự như phím F5 của máy tính
  • Cuối cùng là thời gian hệ thống: Ngày/tháng/năm – giờ/phút/giây

Một số quy ước chung về cách đọc bảng chứng khoán

Quy ước về màu sắc:

  • Màu tím: Giá trần, khi giá tăng đến trần sẽ chuyển sang màu tím
  • Màu xanh lam: Giá sàn, khi giá giảm “sập sàn” sẽ nhảy sang màu xanh lam 🙁 màu buồn với đa số nhà đầu tư
  • Màu vàng đậm: Giá tham chiếu. Ở vị trí mua/bán/khớp lệnh cũng đều nhảy thành màu vàng đậm nếu giá bằng với giá tham chiếu
  • Màu xanh lá cây: Thể hiện sự tăng giá. Bất cứ giá nào cao hơn giá tham chiếu và thấp hơn giá trần sẽ có màu xanh lá
  • Màu đỏ: Thể hiện sự giảm giá, thấp hơn giá tham chiếu và cao hơn giá sàn
  • Đọc thêm: Đầu tư là gì? 6 điều bạn nên biết về đầu tư?

Quy ước về biên độ giao động giá:

  • Sàn HOSE là +- 7%, nghĩa là mức giá trần và sàn so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch là +7% và -7%. Ví dụ cổ phiếu VNM có giá tham chiếu là 100,000 thì mức giá cao nhất của ngày đó sẽ là 107,000 và thấp nhất là 93,000
  • Sàn HNX là: +-10% so với giá tham chiếu
  • Sàn UPCOM: +-15% so với giá bình quân phiên giao dịch liền trước

Tổng kết

Như vậy là TnD Blog đã cùng bạn “giải mã” cách đọc bảng chứng khoán online một cách chi tiết nhất có thể, thật tế cho thấy cách đọc bảng chứng khoán là không khó như mọi người vẫn nghĩ.

Bài viết tuy dài nhưng đảm bảo cung cấp đủ lượng kiến thức cho nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư mới (như bạn). Trong trường hợp có thông tin nào bị thiếu xót bạn có thể để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ xem xét và cập nhật ngay.

Nắm rõ kiến thức trong bài này, bạn hoàn toàn có thể đọc và hiểu tất cả các bảng giá chứng khoán hiện nay (bao gồm cả bảng chứng khoán sàn giao dịch nước ngoài). Từ bây giờ, bạn đã là “chuyên gia”, biết cách xem bảng chứng khoán, bạn có thể bàn luận “chém gió”, tư vấn và hướng dẫn lại cho bạn bè người thân của bạn.

Bạn có thể truy cập vào bảng giá TC Price bất cứ lúc nào để luyện tập và trãi nghiệm thêm.

Rất nhiều tính năng yêu cầu phải có tài khoản chứng khoán và đăng nhập thì mới có thể sử dụng được. Bạn có thể đăng ký tài khoản chứng khoán TCBS tại đây để có những trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng cũng như bắt đầu hành trình đầu tư chứng khoán của bạn.

Bài viết là toàn bộ tâm huyết của đội ngũ TnD Blog, nếu bạn thấy nó hữu ích hãy giúp chúng tôi chia sẻ nó. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào thì đừng ngần ngại để lại một bình luận ngay bên dưới bài viết này nhé!

  • Đọc trọn bộ bài viết miễn phí của TnD Blog để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và đầu tư cá nhân
  • Theo dõi chúng tôi trên Facebook và mạng xã hội Gapo

Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt

Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!

Từ khóa » Cách đọc Bảng Giá Chứng Khoán Tcbs