Hướng Dẫn Cách Lấy Sổ Bảo Hiểm Xã Hội Khi Nghỉ Việc

Sổ bảo hiểm xã hội là giấy tờ quan trọng đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội. Người lao động sau khi nghỉ việc cần phải lấy lại sổ bảo hiểm xã hội của mình tại công ty cũ. Vậy cách lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc như thế nào? Tại sao cần lấy lại sổ BHXH? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Cách lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc.

Người lao động cần lấy lại sổ BHXH sau khi nghỉ việc ở công ty cũ

1. Tại sao phải lấy sổ BHXH sau khi nghỉ việc?

Người lao động cần lấy lại sổ BHXH sau khi nghỉ việc vì có nhiều lý do như sau:

1) Sổ BHXH là sổ dùng để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH.

2) Sổ BHXH là tài liệu quan trọng trong nhiều hồ sơ giấy tờ thủ tục hành chính.

3) Sổ BHXH giúp người lao động có thể tiếp tục đóng BHXH ở công ty mới hoặc đóng BHXH tự nguyện.

4) Sổ BHXH giúp người lao động rút tiền BHXH một lần khi đủ điều kiện.

Vì vậy, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, bạn nên yêu cầu công ty cũ chốt sổ và trả lại sổ BHXH cho bạn trong thời gian sớm nhất. Nếu công ty cũ không trả sổ BHXH, bạn có thể khiếu nại với cơ quan BHXH hoặc tòa án.

2. Cách lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 47, Bộ Luật lao động 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cũng như những giấy tờ khác của người lao động khi người lao động nghỉ việc.

Cũng theo quy định tại Khoản 5, Điều 21, Luật bảo hiểm xã hội 2014 đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phải phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động.

Như vậy, tùy vào việc đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động hay không người lao động sẽ thực hiện lấy sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ như sau:

2.1 Trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động, người lao động lưu ý thủ tục lấy sổ bảo hiểm như sau:

Bước 1: Người lao động yêu cầu chốt sổ BHXH.

Trước khi nghỉ việc, người lao động cần yêu cầu đơn vị sử dụng lao động hoàn thành các khoản đóng còn thiếu và chuẩn bị thủ tục chốt sổ BHXH. Nên báo cho đơn vị sử dụng lao động trước 1 tháng tính từ thời điểm người lao động nghỉ việc.

Bước 2: Chờ đơn vị sử dụng lao động tiến hành chốt sổ BHXH.

Khi người lao động nghỉ việc thì trong vòng 7 ngày, đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH (chậm nhất là 30 ngày). Đơn vị sử dụng lao động lưu ý các quy định trước khi báo giảm lao động và chốt sổ cho người lao động như sau:

- Nếu doanh nghiệp báo giảm và báo chốt sổ trễ hơn so với thời gian nghỉ thực tế thì sẽ bị truy thu lãi suất chậm nộp hồ sơ theo quy định của BHXH.

- Nếu thực hiện đồng thời báo giảm và báo chốt cho người lao động, đơn vị chỉ cần nộp 2 loại hồ sơ này 1 lần. Cơ quan BHXH sẽ giải quyết nếu hồ sơ hợp lệ và đã thanh toán tất cả tiền đóng BHXH cho người lao động đó.

Bước 3: Nhận lại sổ BHXH tại đơn vị cũ.

Người lao động nhận lại sổ BHXH của mình tại công ty cũ. Thời gian nhận sổ được người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trước. Khi được hẹn trả sổ BHXH người lao động lưu ý nên đến lấy sổ đúng hẹn, không nên để lâu.

Sổ BHXH là giấy tờ, tài liệu quan trọng để người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị làm việc mới hoặc làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời...

2.2 Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không còn hoạt động và tuyên bố phá sản

Trường hợp đơn vị/ doanh nghiệp không hoạt động và tuyên bố phá sản không chốt sổ BHXH cho người lao động, để lấy được sổ BHXH người lao động cần thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ tùy thân (Chứng minh thư, thẻ căn cước...) chứng minh nhân thân.

Bước 2: Đến tại cơ quan BHXH nơi quản lý sổ BHXH đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm doanh nghiệp bị đóng cửa.

Lưu ý: Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Như vậy, khi doanh nghiệp phá sản và không thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi quản lý sổ BHXH đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm doanh nghiệp bị đóng cửa.

lay-so-bao-hiem-xa-hoi-o-dau

Người lao động nhận lại sổ bảo hiểm xã hội ở đâu?

3. Sổ bảo hiểm xã hội lấy ở đâu?

Bạn muốn biết cách lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc hay khi mất sổ? Tùy theo trường hợp cụ thể mà người lao động có thể nhận lại sổ BHXH tại công ty cũ hoặc tại cơ quan BHXH.

- Nếu bạn muốn lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc, theo như những gì đã được chia sẻ ở trên người lao động cần yêu cầu đơn vị sử dụng lao động chốt sổ và nộp hồ sơ lên cơ quan bảo hiểm xã hội trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nghỉ việc. Sau đó, bạn sẽ được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội tại công ty cũ.

Trong trường hợp công ty cũ tuyên bố phá sản, không có nhân sự trả sổ BHXH cho người lao động thì bạn có thể nhận lại sổ BHXH tại cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý hồ sơ tham gia BHXH của công ty cũ.

- Nếu bạn muốn lấy sổ bảo hiểm xã hội khi mất sổ, bạn cần có giấy chứng nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp và đơn yêu cầu cấp lại sổ. Sau đó, bạn nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi bạn đang cư trú.

Người lao động sau nghỉ việc muốn rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, bạn cần có sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác theo quy định. Sau đó bạn nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi bạn đang cư trú.

Trên đây là những chia sẻ về cách lấy sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH. Hy vọng những câu trả lời trên có thể giúp ích cho bạn. Nếu bạn có thắc mắc gì khác, xin vui lòng liên hệ với EBH hoặc gọi đến tổng đài tư vấn BHXH Việt Nam 1900 9068 (1000đ/phút) để được hỗ trợ tốt nhất.

Tài Phạm - EBH

Từ khóa » Sổ Bhxh Lấy ở đâu