Hướng Dẫn Cách Tính Lãi Do Chậm Thanh Toán (Lãi Suất Chậm Trả Tiền)
Có thể bạn quan tâm
Liên hệ Dịch vụ Luật sư 0934.345.745
Lãi do chậm thanh toán tiền là gì? Khi nào được áp dụng?
Lãi do chậm thanh toán tiền theo hợp đồng hoặc theo thỏa thuận đã giao kết là khoản tiền bên vi phạm thời hạn thanh toán tiền phải trả cho bên bị chậm trả tiền. Khi áp dụng tính lãi chậm trả tiền các bên cần lưu ý:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận chi tiết về mức lãi suất áp dụng thì việc tính lãi chậm thanh toán tiền sẽ áp dụng theo thỏa thuận.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận về lãi do chậm thanh toán tiền thì áp dụng theo quy định pháp luật để xác định mức lãi suất áp dụng.
Thông thường, việc thanh toán không đúng theo thỏa thuận tại hợp đồng, theo đề nghị thanh toán, theo xác nhận công nợ hoặc theo một thỏa thuận đã ký kết giữa các bên là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên để phòng tránh phát sinh tranh chấp không đáng có thì các bên nên chủ động thông báo, thương lượng với nhau khi phát sinh việc chậm trả tiền, điều này cũng thể hiện sự tôn trọng đối tác trong kinh doanh.
Dịch vụ hữu ích: Dịch vụ luật sư kinh tế uy tín
Quy định về mức lãi suất chậm trả tiền theo hợp đồng, hoặc theo thỏa thuận
Theo Luật sư Trí Nam, khi các bên không có thỏa thuận về tiền lãi chậm thanh toán tiền nhưng khi khởi kiện tranh chấp lại có yêu cầu về khoản tiền lãi này thì người yêu cầu cần xác định cách tính lãi chậm trả tiền áp dụng theo luật nào. Bởi mức lãi chậm thanh toán tiền của Luật thương mại 2005 khác với cách tính lãi chậm thanh toán tiền của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
✔ Cách tính lãi suất chậm trả tiền theo Luật thương mại 2005
Lãi chậm thanh toán tiền được quy định tại Điều 306 trong phần CHẾ TÀI TRONG THƯƠNG MẠI của Luật thương mại 2005. Theo đó:
"Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Như vậy, khi xác định tranh chấp của mình thuộc đối tượng áp dụng của luật thương mại 2005 thì người yêu cầu thanh toán tiền lãi chậm trả tiền cần chuẩn bị các chứng cứ để xác định mức lãi suất áp dụng là bao nhiêu %, bởi quy định của Luật thương mại chưa chỉ ra chi tiết con số % cụ thể áp dụng.
✔ Cách tính lãi suất chậm trả tiền theo Bộ luật dân sự
Trường hợp lãi chậm thanh toán tiền trong vụ án của bạn không áp dụng theo Luật thương mại năm 2005 thì sẽ áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015. Theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất chậm trả tiền như sau:
“Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.
Trong khi đó khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 khẳng định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”, tức bằng 10%/năm của khoản tiền vay.
Một dạng hợp đồng trong kinh doanh rất phổ biến lại chỉ áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015 đó là Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC. Quý khách hàng khi tìm hiểu căn cứ quy định pháp luật cần lưu ý kỹ vấn đề áp dụng luật.
Tham khảo: Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh
Mức lãi suất chậm trả tiền chậm thi hành án dân sự
✔ Lãi suất chậm thi hành án được tính theo từng loại việc như sau: Kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Khi tính lãi chậm thi hành án chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa trả trong quá trình thi hành án.
✔ Do vậy, công thức tính lãi suất chậm thi hành án tùy theo từng thời điểm có khác nhau do mức lãi suất cơ bản ở mỗi thời điểm công bố khác nhau.
Ví dụ: Giả sử người phải thi hành án chậm thi hành án 03 tháng và lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán là 8%/năm. Trong trường hợp này, lãi suất chậm thi hành án sẽ được tính như sau:
Số tiền lãi chậm thi hành án = Số tiền chậm thi hành án x 8%:12 tháng x 03 tháng chậm thi hành án.
Được áp dụng lãi chậm trả đối với khoản tiền nào?
✔ Tiền hoàn trả từ hợp đồng vay
Hiện nay, chúng ta có hai loại vay là vay tín dụng và vay dân sự thông thường. Cả hai loại vay này đều làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản vay (thông thường là một khoản tiền) và trong trường hợp bên vay không hoàn trả tài sản vay đúng thời hạn thì bên vay phải chịu lãi chậm trả.
✔ Tiền hoàn trả do không thực hiện đúng hợp đồng
Theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định trên đề cập tới lãi chậm trả và có phạm vi điều chỉnh là “chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác” đối với những quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại. Thực tế thường xuyên gặp trường hợp bên bán nhận tiền nhưng không giao tài sản (hàng hóa) đúng hợp đồng (như không giao, không giao đủ hay giao nhưng không đảm bảo chất lượng) và phải hoàn trả khoản tiền đã nhận.
Không được áp dụng lãi suất chậm trả cho những khoản tiền nào?
Khoản tiền không được án lệ cho phát sinh lãi chậm trả bao gồm
✔ Tiền phạt vi phạm hợp đồng
Pháp luật hiện hành của chúng ta ghi nhận cơ chế phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể, theo Điều 300 Luật Thương mại cũng như Điều 418 BLDS 2015, “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận” vả “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Với quy định trên, phạt vi phạm hợp đồng được thể hiện bằng việc bên vi phạm trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền và câu hỏi đặt ra là ngoài khoản tiền phạt thì bên vi phạm có phải chịu lãi chậm trả không? Câu trả lời đã có trong Án lệ số 09/2016/AL với nội dung: “Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng”. Như vậy, Án lệ số 09/2016/AL đã theo hướng tiền phạt vi phạm hợp đồng không làm phát sinh lãi.
✔ Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Khi một chủ thể vi phạm gây thiệt hại như vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 302 trong Luật Thương mại theo đó: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. BLDS 2015 khẳng định tại Điều 13 và Điều 360 rằng “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” và “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Thông thường việc bồi thường thiệt hại được tiến hành bằng việc trả một khoản tiền và câu hỏi đặt ra là khoản tiền bồi thường này có làm phát sinh lãi không? Theo án lệ thì “Tòa án cấp sơ thẩm còn tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005”.
Tham khảo: Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế
✔ Tiền lãi chưa thanh toán
Có thể các bên thỏa thuận về lãi đối với một khoản tiền (như bên vay phải trả tiền lãi hàng tháng hay bên mua phải trả lãi hàng tháng trong trường hợp chậm trả tiền mua) và người có nghĩa vụ chậm trả lãi (bên cạnh việc chậm trả gốc). Ở đây, tiền lãi chưa trả (chưa được thanh toán) có làm phát sinh lãi không? Theo nội dung án lệ của Án lệ số 08/2016/AL “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán”. Với nội dung án lệ vừa nêu, lãi chậm trả chỉ được tính trên “số tiền nợ gốc chưa thanh toán” mà không tính trên khoản lãi chưa thanh toán. Hướng này loại trừ khả năng lãi mẹ đẻ lãi con.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng vay, BLDS 2015 đã có sự thay đổi về chủ đề này. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 466 BLDS 2015: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định này cho phép áp dụng lãi trên khoản lãi chưa thanh toán[10] nên đối với trường hợp thuộc phạm vi áp dụng của điều khoản trên của BLDS 2015 thì Án lệ số 08/2016/AL không có giá trị trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 NQ-HĐTP, theo đó: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư Trí Nam. Trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp đầu tư kinh doanh Quý khách hàng có vướng mắc về yêu cầu đối tác thanh toán lãi suất chậm trả cần hỗ trợ luật sư, hãy liên hệ0934.345.745 để được trợ giúp.
Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Từ khóa » Tiền Chậm Trả Là Gì
-
Lãi Chậm Trả Và Lãi Quá Hạn? Cách Tính Lãi Suất Chậm Trả Và Quá Hạn?
-
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ LÃI CHẬM TRÃI VÀ LÃI SUẤT QUÁ HẠN
-
Trả Chậm Là Gì ? Một Số Quy định Về Mua Bán Tài Sản Theo Pháp Luật
-
Quy định Về Lãi Suất Chậm Trả Theo Bộ Luật Dân Sự 2015 - Phamlaw
-
Bàn Về Lãi Suất Chậm Thanh Toán Trong Hợp đồng Mua Bán Hàng Hóa
-
03 Lưu ý Về Lãi Chậm Trả Theo Pháp Luật Việt Nam Và Các án Lệ
-
Tiền Lãi Quá Hạn được Tính Như Thế Nào - Apolo Lawyers
-
Cách Tính Lãi Quá Hạn 150% - Luật INS - Tư Vấn Doanh Nghiệp
-
Tiền Phạt Chậm Trả Lãi Có Phải Chịu Khi Vi Phạm Nghĩa Vụ Trong Hợp ...
-
Vướng Mắc Về Cách Tính Lãi Quá Hạn Trong Hợp đồng Vay Không Phải ...
-
Lãi Chậm Trả Trong Vụ Kiện Kinh Doanh Thương Mại | Le & Tran
-
Lãi Chậm Trả được áp Dụng Như Thế Nào Theo án Lệ
-
Phân Biệt Lãi Chậm Trả Và Lãi Quá Hạn Trong Tranh Chấp Hợp đồng ...
-
Mức Lãi Suất Chậm Trả Và Lãi Suất Quá Hạn Theo Quy định Mới