Hướng Dẫn Cách Tổ Chức Trò Chơi Cờ Gánh Cho Trẻ Em

Vừa học vừa chơi – nghe qua thì chẳng hợp lý tẹo nào. Nhưng các bậc cha mẹ hãy yên tâm! Với trò chơi cờ gánh mà chúng tôi sắp giới thiệu dưới đây sẽ giúp các bé được trải nghiệm cảm giác vừa học vừa chơi mà không hề nhàm chán!

1. Cờ gánh có nguồn gốc từ đâu?

Cờ gánh (hay còn được gọi là cờ chém) là một trò chơi chiến thuật, dành cho hai người chơi, có xuất xứ từ Quảng Nam, Việt Nam.  Xoay quanh quá trình hình thành trò chơi này có khá nhiều giả thuyết. Giả thuyết hợp lý và được nhiều người công nhận nhất là việc môn cờ gánh được tạo ra từ môn cờ Vây, cờ Tướng của người Trung Hoa, cờ Vua của người phương Tây, người dân xứ Quảng đã lược giản cách chơi, kết hợp với các môn cờ dân tộc để làm nên cờ Gánh cho riêng mình. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giả thuyết chưa có bằng chứng xác thực.

Trên bàn cờ không có sự phân biệt quân to, quân nhỏ, không có vua, hậu hay tướng, sĩ mà các quân cờ đều bình đẳng như nhau, chỉ có một “vị tướng” đó chính là người chơi. Đây chính là biểu hiện của sự bình dân, sự cố kết trong tinh thần cộng đồng mà cờ Gánh muốn hướng đến. Điều này khác hẳn với cờ Tướng, cờ Vua khi có sự phân biệt ngay trong tên gọi của mỗi con cờ.

Người dân bản địa ban đầu chỉ sử dụng các vật dụng khá đơn giản để làm bàn cờ và quân cờ như vẽ bàn cờ lên nền gạch, sử dụng vỏ nghêu, vỏ sò, viên sỏi…Dạo gần đây, trò chơi này bắt đầu được thị trường ưu chuộng và được thiết kế các mẫu bàn chơi riêng, được bày bán nhiều tại các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm.

Tạm gác nguồn gốc và quá trình hình thành môn cờ gánh, trò chơi cờ gánh không chỉ còn giới hạn trong tỉnh Quảng Nam mà được lan rộng ra nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Cờ gánh trở thành trò chơi dân gian của Việt Nam. Từ Nam ra Bắc, ở đâu t cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hình bóng của trò chơi này.

2. Độ tuổi nào phù hợp với cờ gánh?

Cờ gánh vốn là trò chơi trí tuệ. Do vậy, cờ gánh dành cho tất cả mọi người. Đối với các bé, khi bước chân vào bậc tiểu học sẽ được ông bà, cha mẹ, thầy cô cho tập làm quen và chơi trò chơi này.

3. Cờ gánh cần bao nhiêu người chơi?

Trò chơi đến từ vùng đất Quảng Nam bản chất là trò chơi phân định thắng thua do vậy chỉ cần 2 người chơi. Người tổ chức trò chơi có thể chia các em thành nhiều cặp và cho các em thi đấu với nhau và tìm ra người chiến thắng.

4. Nên chơi cờ gánh ở đâu?

Mặc dù là một trò chơi khá phức tạp và thiên về tư duy nhưng lại không cầu kỳ về không gian chơi. Ba mẹ thầy cô có thể tự cho bé lựa chọn địa điểm chơi để bé cảm thấy thoải mái! Một số địa điểm lý tưởng à chúng tôi gợi ý cho bạn: công viên, sân chơi, sân thể dục, hoặc là không gian học tập của bé.

5. Hướng dẫn tổ chức trò chơi cờ gánh

Chuẩn bị:

  • Bàn cờ gánh cho bé chơi: Bố mẹ, thầy cô có thể đến các cửa hàng văn phòng phẩm để tìm mua bộ cờ. Hoặc có thể sử dụng một tờ giấy A4 kẻ theo khuôn mẫu của bàn cờ và sử dụng vỏ sò để làm quân cờ. Do trong trò chơi có luật thay đổi đặc điểm. Sử dụng vỏ sò được xem là phương án hợp lý nhất.
  • Tập hợp 2 người chơi hoặc là nhiều người chơi.
  • Mỗi người chơi được chia 8 quân cờ, có màu sắc (hoặc nhận dạng) khác với quân cờ của đối phương. Người chơi sắp xếp quân cờ như thiết lập bàn cờ ở trên.
Bàn cờ gánh
Bàn cờ gánh

Khi bắt đầu trò chơi, các quân cờ được đặt như sau:

  • 5 quân cờ của một bên được đặt ở 5 giao điểm hàng cuối cùng của bàn cờ mình.
  • 2 quân cờ được đặt tại 2 mép ngoài cùng của hàng thứ 2.
  • 1 quân cờ được đặt ở hàng thứ 3, ngoài cùng bên trái.

Luật chơi:

  • Sử dụng trò chơi oẳn tù tì hoặc tung đồng xu để tìm ra người chơi trước.
  •  Lần lượt mỗi bên người chơi di chuyển quân bất kì của mình đến một giao điểm trống lân cận trên lưới ô vuông, theo chiều ngang, chiều dọc hoặc chéo tùy ý, miễn sao chưa có quân nào tại ô đó và theo đúng đường lưới ô.
  • Người đổi hết màu (hoặc nhận dạng) của các quân cờ của đối thủ thành màu và nhận dạng quân cờ của mình, khiến một người chơi không còn quân cờ nào để đi. Lúc đó, người đổi hết màu sẽ giành chiến thắng.

Cách chơi:

  • Người chiến thắng sẽ có lượt đi trước, di chuyển quân cờ của bé theo ý đồ của bé.
  • Khi một quân cờ của phe này đi qua giữa hai quân cờ của phe kia ( tức là lúc này, hai quân cờ của đối phương ở hai bên, 3 quân cờ liên tiếp nhau thành một đường thẳng), thì hai quân cờ lân cận của đối phương bị coi là bị “Gánh” và bị đổi màu (hoặc nhận dạng) để trở thành quân cờ của ở giữa.
  • Người chơi chỉ gánh được khi chủ động đi quân cờ của mình vào giữa hai quân đối phương, chứ không thể gánh khi đối phương đi quân.
  • Trong nước đi để “gánh” quân của đối phương, có thể cùng một lúc gánh được 4 quân hoặc 6 quân đối phương. Nước đi này còn được gọi là “chầu” 4 hay “chầu” 6.
  • Khi quân cờ của một người chơi nằm xung quanh quân cờ của đối phương khiến cho nó không thể di chuyển được, lúc này quân cờ này bị coi là bị “Vây” hay “Chẹt” (giống kiểu chơi của cờ vây). Khi đó quân cờ bị vây sẽ bị đổi màu.
  • Trong một số trường hợp, người chơi có thể chủ động tạo ra thế cờ cho quân đối phương đi vào giữa để “gánh” quân mình. Mục tiêu có thể là sau đó người chơi sẽ gánh lại quân đối phương chầu 4 hoặc chầu 6, hoặc tạo đường đi cho các nước cờ xa hơn. Nước đi như vậy được gọi là nước “Mở”.
  • Khi người chơi chủ động tạo thế “mở” cho đối phương gánh, thì đến lượt đối phương, đối phương bắt buộc “phải gánh”. Đó là chiến thuật của người chơi. Thế cờ này không chỉ dùng để đổi màu nhiều quân cờ của đối phương nhưng cũng dùng để thoát ra khỏi một thế cờ bí.
  • Khi trên bàn cờ chỉ còn lại một loại quân cờ duy nhất thì người đó là người chiến thắng.
Cách chơi trò cờ gánh
Cách chơi trò cờ gánh

6. Lợi ích khi chơi cờ gánh

  • Cờ gánh giúp bé phát triển tư duy , trí tuệ, sự nhanh nhẹn và khả năng phán đoán thông quá quá trình chơi.
  • Mang lại cho bé phút giây giải trí sau giờ học tập vất vả, căng thẳng.

7. Chơi cờ gánh cần lưu ý gì?

  • Khi bé chơi cờ gánh, người tổ chức trò chơi cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cho bé, vệ sinh dụng cụ chơi để đảm bảo an toàn.
  • Bố mẹ, thầy cô cần chú ý dáng ngồi cho trẻ trong quá trình chơi để tránh bé bị ngồi gù lưng hay vẹo lưng.

Trên đây là những thông tin chi tiết cách tổ chức trò chơi cờ gánh dành cho các bậc cha mẹ hay thầy cô. Một điểm cần lưu ý, bố mẹ thầy cô nên tham gia chơi cùng với con trò chơi này, không chỉ giúp bé phát triển bản thân mà còn là cách để bé gần gũi với mọi người hơn. Hoặc bạn có thể chuẩn bị cho bé một món quà dành cho người chiến thắng để khích lệ tinh thần của bé!

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số trò chơi dân gian chiến thuật khác như:

  • Trò chơi ô ăn quan
  • Trò chơi cờ lúa ngô
5/5 - (2 bình chọn)

Từ khóa » Cách Chơi Cờ Chém Gánh