Hướng Dẫn Cách Trồng Hoa Hồng đầy đủ - Cua Gạo Garden

Hương thơm cùng màu sắc rực rỡ của hoa hồng luôn mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn và vui sướng không thể nào sánh được. Cung bậc cảm xúc lại được nâng lên khi được ngắm nhìn thành quả do mình tự bón phân, chăm sóc. Trồng hoa hồng trong vườn nhà là một cách rất tuyệt vời, giúp lấy lại cân bằng tâm trạng sau một ngày tất bật với công việc.

Hoa hồng hợp với khí hậu ôn đới, và thường sinh trưởng tốt nhất tại vùng nhiệt độ từ 18-25oC. Do đó, trồng hoa hồng tại điều kiện thời tiết nóng như khí hậu của Việt Nam sẽ là một thử thách không hề nhỏ. Tuy nhiên, mơ ước có một giàn hoa hồng sai hoa, form hoa chuẩn, kích thước to và thơm ngát tại xứ nhiệt đới là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như bạn nắm bắt được kỹ thuật.

Cách trồng hoa hồng khỏe mạnh tại điều kiện khí hậu của Việt Nam không phải là không có, nhưng nó đòi hỏi yếu tố tâm lý và người trồng cần phải tận tâm với việc chăm sóc thì mới có kết quả khả quan. Việc chăm sóc hoa hồng tương đối đơn giản, nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì và phải mất nhiều thời gian.

Một ví dụ điển hình, khi bạn trồng hoa hồng tại nơi có khí hậu nóng như Tp Hồ Chí Minh thì mỗi ngày sẽ phải dành ra ít nhất vài phút cho việc tưới cây, rồi quan sát có bệnh hại hay không, có sâu bệnh tấn công hay không, và cần phải biết cách xử lý chúng. Người trồng khó thể có được trải nghiệm hoa đẹp nếu không thể dành ra 10 phút mỗi ngày cho cây hoa hồng của mình.

Nếu như bạn đang có ý định trồng hoa hồng trong vườn nhà thì hãy theo dõi chuỗi bài viết “kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng” của Cua Gạo Garden nhé.

Nội dung bài viết

I – Đặc tính của hoa hồng

Hoa hồng thuộc loại cây thân gỗ, sống lâu năm và cho ra hoa quanh năm. Số lượng hoa trên mỗi cây sẽ phụ thuộc vào số lượng mầm mà cây trổ mới. Do đó, muốn hoa hồng có nhiều hoa thì cần phải thực hiện biện pháp cắt tỉa, uốn cành cong hoặc vít gập cành nhằm kích thích cho cây bật thật nhiều mầm mới.

Rễ hoa hồng thuộc loại rễ cọc, có xu hướng đâm sâu xuống đất tầm 60 – 100cm, khi nhánh rễ chính ổn định thì các nhánh rễ cám sẽ phát triển giúp cây hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn.

Thân cây hoa hồng thuộc loại nhóm cây thân gỗ, trồng càng lâu thì càng phình to, lớp vỏ bên ngoài dày ra theo thời gian, có nhiều cành và thường có rất nhiều gai cong (một số ít không có gai).

Lá hoa hồng là kiểu lá kép lông chim, mọc cách bất đối xứng, tại vị trí cuống lá được gọi là nách lá mầm nhánh. Trên mỗi lá kép có từ 3-5 hoặc 7-9 lá chét tùy giống cây, xung quanh lá chét có nhiều răng cưa nhỏ. Tuỳ vào mỗi giống mà lá sẽ có màu sắc xanh đậm hay xanh nhạt, răng cưa nông hay sâu, hay có hình dạng lá khác.

Hoa hồng thuộc loại hoa lưỡng tính, nhị đực và nhị cái trên cùng 1 hoa, các nhị đực dính vào nhau bao xung quanh vòi nhụy. Khi phấn chín rơi trên đầu nhụy nên có thể tự thụ phấn, đài hoa có màu xanh.

Hoa hồng có quả quả hình trái xoan có các cánh đài còn lại. Còn hạt của hoa hồng rất nhỏ có lông, khả năng nảy mầm của hạt rất kém do có lớp vỏ dày Để có tỷ lệ nảy mầm tốt đòi hỏi môi trường phải đủ ẩm, nhiệt độ thích hợp và ánh sáng vừa đủ.

II – Tác động của ngoại cảnh tới chất lượng hoa

1 – Nhiệt độ

Nhiệt độ là yếu tố có ảnh hưởng rất tới quá trình sinh trưởng của hoa hồng. Nền nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều không tốt cho cây hoa hồng, khi nhiệt độ vượt quá 35 oC hoặc xuống dưới 18 oC đều ảnh hưởng tới sinh trưởng của hoa hồng.

Nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, hô hấp, sự tạo thành protein, axit amin nên nó chính là nhân tốt quyết định phần lớn tới năng suất ra hoa của cây hoa hồng.

Nếu nền nhiệt độ ban ngày quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến sự kéo dài của cành. Khi khiệt độ trung bình vượt quá 24 oC thì cành thường phát triển ngắn hơn, số lượng lá ít lại và chất lượng hoa cũng giảm đi. Điều này lý giải vì sao hoa hồng trồng tại Sài Gòn lại có form hoa bé, mỏng và ít cánh hơn so với điều kiện khí hậu Đà Lạt.

Tuy nhiên, vẫn có một số giống hoa hồng vẫn có thể ra form hoa đạt được tới 80 – 90% so với trồng tại khí hậu lạnh. Lựa chọn giống hoa hồng phù hợp quyết định tới thành bại của việc trồng hoa hồng tại xứ nóng, sẽ được đề cập tại phần dưới.

Nhiệt độ đêm còn quan trọng hơn nhiệt độ ngày, ảnh hưởng tới phần lớn chất lượng của hoa hồng. Đa phần các giống hoa hồng đều thích hợp với nhiệt độ đêm là 16 oC, vì tại nhiệt độ này có tác động rất tốt đến số lượng và chất lượng của hoa.

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng ảnh hưởng tới chất lượng của cây hoa hồng. Đối với ngày quang mây, thường có sự chênh lệch nhiệt độ tầm 5 – 8 oC, cây hoa hồng sẽ quang hợp tốt, giúp tích trữ dinh dưỡng tốt hơn. Lượng dinh dưỡng này được đem sử dụng phục vụ cho quá trình hô hấp vào ban đêm.

Tuy nhiên, nếu nền nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ ảnh hưởng tới quá trình quang hợp, cây sẽ tích trữ dinh dưỡng không đủ. Trong khi đó, quá trình hô hấp diễn ra cả ngày lẫn đem, nên lượng dinh dưỡng được tổng hợp được sẽ không đủ cho cây sử dụng. Nếu quá trình này diễn ra thường xuyên thì năng suất hoa sẽ không đạt.

Khi nhiệt độ cao hơn 25 oC thì quá trình quang hợp giảm nhanh. Các giống mẫn cảm với nhiệt độ thì khi nhiệt độ tăng quá trình cao quang hợp sẽ giảm, và hoạt động chủ yếu là cường độ hô hấp. Quá trình hô hấp diễn ra nhiều thì năng lượng tích trữ ít, hoa đạt chất lượng kém hơn.

2 – Độ ẩm

Cây hồng yêu cầu độ ẩm đất khoảng 60-70 % và độ ẩm không khí 80- 85%. Do tán cây hoa hồng thường rộng, có nhiều lá nên diện tích phát tán hơi nước của cây rất lớn. Nước tuy chỉ là một phần trong quá trình phản ứng quang hợp, nhưng lại có tác dụng tới sự cân bằng năng lượng trong cây.

Nếu duy trì độ ẩm thích hợp thì sẽ giúp độ dài cành tăng thêm, mà độ dài nhánh chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng chất lượng hoa.

3 – Ánh sáng

Hoa hồng là cây ưa sáng, khi được trồng tại nơi có ánh sáng đầy đủ sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, còn nếu thiếu ánh sáng cây sẽ sử dụng hết chất dự trữ có trong cây. Cây càng lớn thì yêu cầu về ánh sáng càng nhiều, bộ lá càng đóng vai trò quan trọng.

Ánh sáng là nhân tố quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và ra hoa của hoa hồng. Chẳng những có tác động trực tiếp tới cây hoa hồng, mà ánh sáng còn làm thay đổi các yếu tố xung quanh như là nhiệt độđộ ẩm. Thời gian chiếu sáng giảm thì chất lượng chất khô (Cacbonhydrat) tích lũy trong cây sẽ bị kém đi, tốc độ sinh trưởng chậm lại.

Do đó, muốn trồng hoa hồng thì cần phải có rất nhiều nắng, thời lượng trung bình phải trên 6h nắng mỗi ngày. Vẫn có một số giống hoa hồng vẫn có thể thích nghi được với điều kiện ít nắng như là hoa hồng Spirit of Freedom, hoa hồng For Your Home, … Khi trồng tại điều kiện thiếu nắng thì nhánh hoa hồng có xu hướng vươn dài hơn.

Nếu muốn cây hoa hồng ra hoa đẹp, kích thước to và chất lượng thì tốt nhất nên trồng tại vị trí có thật nhiều nắng, nơi nào càng có nhiều nắng thì cây phát triển càng tốt. Thời lượng nắng dưới 4h mỗi ngày thì không nên trồng hoa hồng.

III – Chọn giống hoa hồng phù hợp

Có thể trồng hoa hồng ra hoa đẹp tại điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhưng trước tiên là cần phải chọn được giống hoa hồng phù hợp. Mỗi loại hoa đều có những đặc tính riêng của chúng, có loại thích hợp với xứ lạnh, cũng có loại thích hợp với xứ nóng. Hoa xứ lạnh sẽ không thể nở rộ đẹp mắt như được trồng tại xứ nóng và ngược lại

Thật may mắn là có đến hàng vạn giống hoa hồng khác nhau, nên không phải lo thiếu hoa cho bạn lựa chọn. Việc của bạn là lựa chọn ra những giống hoa hồng phù hợp với nơi mình dự định trồng. Bạn vẫn có thể lựa chọn giống hoa hồng “trái xứ” mặc dù hoa không đẹp bằng đúng nơi nó phát triển.

Mỗi loại hoa hồng được lai tạo để phù hợp với mỗi điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau. Lựa chọn đúng loại là yếu tố quan trọng nhất để có một chậu hoa đẹp, còn kỹ thuật trồng và chăm sóc chỉ là phần nào thôi.

Nên nhiệt độ tại Sài Gòn tuy cao nhưng khá ổn định, chỉ loanh quanh mức 30 độ C, nên rất phù hợp với một số giống hoa hồng. Dưới đây là danh sách hoa hồng rất phù hợp với khí hậu Việt Nam.

  • 50 giống hoa hồng leo
  • 50 giống hoa hồng pháp
  • 54 giống hoa hồng ngoại
  • 30 giống hoa hồng cổ

IV – Chuẩn bị giá thể trồng hoa hồng

Hoa hồng có thể sinh trưởng được trên nhiều loại đất nhưng để chúng phát triển thuận lợi, ít bệnh về rễ thì việc sử dụng giá thể hỗn hợp sẽ vẫn tốt hơn. Hơn nữa, giá thể có trọng lượng nhẹ, lại thông thoáng, tơi xốp và thoát nước tốt hơn so với đất. Người chơi tại các thành phố lớn, thường có không gian nhỏ nên sử dụng giá thể sẽ phù hợp hơn.

Hoa hồng trồng trong vườn có không gian rộng hơn thì cũng cần phải xử lý đất trước khi trồng nhằm đảm bảo cho sự phát triển của cây. Cần trộn thêm thành phần tơi xốp như đá perlite, phân bò và xơ dừa để cải tạo đất, sau đó bổ sung thêm phân vi sinh, nấm Trichoderma, axit humic để đất gia tăng thêm độ màu mỡ.

  • Hướng dẫn cách trộn giá thể trồng hoa hồng

V – Chọn chậu phù hợp

Kích thước chậu to hay nhỏ không quyết định tới chất lượng cây hoa hồng nên lựa chọn chậu vừa tầm với cây là được, không nhất thiết cần phải chọn chậu quá khổ với suy nghĩ rằng cây sẽ phát triển khỏe hơn. Việc chọn chậu vừa với kích thước cây cũng giúp tiết kiệm chi phí mua chậu, phân bón và giá thể.

Nên chọn những loại chậu không cho ánh sáng xuyên qua được, vì rễ cây hoa hồng khá nhạy cảm với ánh sáng, có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ rễ. Hoa hồng có xu hướng mọc rễ sâu xuống đáy để giữ vững cây, nên chọn chậu có độ cao thì rễ sẽ phân bổ đều hơn.

  • Cây lớn, chiêu cao 1,5-2m => chọn kích thước cao tầm 40cm, đường kính 30.
  • Cây vừa, cao 1-1,5m => chọn kích thước cao tầm 30cm, đường kinh 25cm
  • Cây nhỏ, cao 0,5-1m => chọn kích thước cao tầm 25cm, đường kinh 20cm

VI – Cách trồng hoa hồng mới mua

Không nên trồng cây hoa hồng ngay khi vừa mới mua về là lời khuyên rất phổ biến trên mạng, nhưng điều này không hẳn là đủ hoàn toàn, mà còn tùy thuộc vào thể trạng của cây ra sao. Nếu được vận chuyển từ nơi có môi trường tương đương với nơi bạn định trồng, và quá trình vận chuyển không quá lâu, không làm ảnh hưởng tới bầu rễ thì vẫn có thể trồng ngay được.

Tuy nhiên, nếu như bạn mua cây hoa hồng được tại vùng có khí hậu lạnh chuyển sang nơi có khí hậu nóng, hoặc ngược lại, thì sẽ cần phải dưỡng lại, để cây dần thích nghi với môi trường mới rồi mới đem ra trồng. Lý do đến từ việc “sốc môi trường” khiến cho cây hoa hồng bị stress, cây thường “tuột” lá trong giai đoạn này, ảnh hưởng tới quá trình quang hợp.

Trong giai đoạn này bộ rễ đóng vai trò rất quan trọng để giúp cây mau chóng phục hồi lại, nếu đem cây đi trồng ngay thì có thể làm bộ rễ bị tổn hại thêm, cây sẽ rất khó phục hồi sau đó. Tốt nhất là nên kiên nhẫn dưỡng lại cây. Nên đặt cây tại vị trí mát mẻ nhưng vẫn phải có đầy đủ nắng trực tiếp

Sau đó có thể sử dụng chất kích rễ như Superthrive thì 3-4 ngày phun nồng độ 1 giọt/1 lít nước hoặc pha Atonik để phun qua lá với nồng độ 10ml/16lit, có thể kết hợp với phân bón lá rong biển hoặc axit humic để bón lá. Đối với phân bón kích rễ Humic thì có thể kết hợp tưới gốc rất tốt cho bộ rễ, nhưng không nên tưới quá nhiều vì Axit Humic giữ ẩm nhiều có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Sau khoảng một tuần dưỡng, bộ rễ dần ổn định, cây không còn hiện tượng vàng lá thì có thể đưa ra trồng. Lưu ý, trước khi trồng cần cắt tỉa lại toàn bộ hoa, nụ và cành tăm (cành nhỏ) để tập trung toàn bộ dinh dưỡng để nuôi cây, giúp mau chóng ra tược mới. Không bón thêm bất kì loại phân bón nào trong giai đoạn mới trồng từ 7 – 14 ngày.

Lựa chọn thời tiết chiều mát để trồng cây. Khi trồng cần thao tác nhẹ nhàng khi lấy bầu cây ra, tránh làm vỡ bầu đất gây đứt rễ. Đặt bầu cây vào giữa chậu, rồi bổ sung thêm đất trồng (giá thể ), rồi dùng tay nhấn nhẹ để gốc không bị lỏng. Phải tưới thật đẫm sau khi trồng để giá thể chặt gốc.

Không nên trồng quá sâu gây bí tắc, khó phát triển rễ mới. Sau đó, dùng cây chống để cố định cây, cột cành vào các khung để giúp cây có thể đứng thẳng và hạn chế bị lay gốc khi gặp gió. Sau khi trồng nên che chắn nắng nóng, hanh khô, tỉa lại tán để hạn chế thoát nước.

Cua Gạo Garden Team

Từ khóa » Cây Hoa Hồng Sống ở Loại Môi Trường Nào