Hướng Dẫn Chẩn đoán Và điều Trị U Phì đại Tuyến Tiền Liệt - Sỏi Tiết Niệu

U phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (thuật ngữ khác: u xơ tuyến tiền liệt, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt) là một loại u lành tính thường gặp trong bệnh lý của hệ tiết niệu và thường xuất hiện ở nam giới lớn tuổi. Mặc dù có thể thấy bệnh xuất hiện ở người trẻ < 30 tuổi, nhưng chủ yếu u bắt đầu ở tuổi 40 và tỉ lệ tăng nhanh theo tuổi

U phì đại tuyến tiền liệt
                                                  U phì đại tuyến tiền liệt

I.  ĐẠI CƯƠNG U PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT

1.  Định nghĩa

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là một loại u lành tính thường gặp trong bệnh lý của hệ tiết niệu và thường xuất hiện ở nam giới lớn tuổi. Mặc dù có thể thấy bệnh xuất hiện ở người trẻ < 30 tuổi, nhưng chủ yếu u bắt đầu ở tuổi 40 và tỉ lệ tăng nhanh theo tuổi. Theo nghiên cứu của Barry và cộng sự năm 1984 trên tử thiết những bệnh nhân chết vì mọi nguyên nhân đã thấy u xuất hiện ở tuổi 40 và tăng nhanh theo tuổi: 50% ở tuổi 60, 70% ở tuổi 70, 90% ở tuổi 90.

Mô phỏng phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Ở nam giới trên 50 tuổi, khoảng 40,5% có triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS), 26,9% có TTL lớn lành tính (BPE) và khoảng 17,3% có tình trạng dòng tiểu kém nghi ngờ có tình trạng tắc nghẽn do TTL lành tính (BPO). Từ tuổi 50 đến 80, thể tích TTL có sự tăng lên đáng kể (24 lên 38ml) và tốc độ dòng tiểu giảm đi rõ (22,1 còn 13,7ml/s). Ở Việt nam hiện nay vẫn chưa có thống kê về tần suất mắc bệnh chung.

Một số khái niệm:

–           Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH: Benign prostatic hyperplasia): Được chẩn đoán thông qua giải phẫu bệnh lý. Đặc trưng về phương diện giải phẫu bệnh lý là sự tăng sinh lành tính của tế bào cơ, tổ chức liên kết và/hoặc tế bào chuyển tiếp.

–           Tuyến tiền liệt lớn lành tính (PBE: Benign prostatic enlargement): TTL của người trưởng thành khoảng 25ml. Gọi là tuyến tiền liệt lớn khi kích thước >25ml. Đo kích thước chính xác dựa vào siêu âm qua ngả trực tràng.

–           Tắc nghẽn do tuyến tiền liệt lành tính (PBO: Benign protastic obstruction): Niệu đạo bị chèn ép bởi tăng sinh lành tính TTL hoặc do TTL lớn lành tính.

–           Triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS: Lower urinary tract symtoms): Bao gồm các triệu chứng của đường tiết niệu dưới do tình trạng kích thích bàng quang, tắc nghẽn ở niệu đạo, các triệu chứng xuất hiện sau khi đi tiểu.

–           Tắc nghẽn đường tiết niệu dưới (BOO: bladder outlet obstruction); Xảy ra do tắc nghẽn cơ học đoạn từ cổ bàng quang đến miệng sáo.

Xem thêm: U phì đại lành tính tuyến tiền liệt là gì?

2.    Yếu tố nguy cơ u phì đại tuyến tiền liệt

Một số yếu tố liên quan

–           Tôn giáo: Nghiên cứu của Morrson 1978, Lytton 1968 cho thấy những người theo đạo Do Thái có tỉ lệ cao hơn bị BPH (gấp hơn 2 lần).

–           Yếu tố kinh tế xã hội: chưa có bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa thu nhập kinh tế với BPH. Giáo dục và tình trạng kinh tế xã hội không ảnh hưởng đến việc phản hồi các triệu chứng trong IPSS.

–           Hoạt động tình dục: Ekman 1989 cho rằng tăng sản mô cơ sợi của tiền liệt tuyến là kết quả của hoạt động tình dục. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy không có mối liên hệ này. Nhưng có một điều thực tế rằng, khi tuổi càng cao suy giảm chức năng tình dục đặc biệt là có kèm theo rối loạn cương dương thì triệu chứng bế tắc đường tiểu dưới càng xuất hiện nhiều.

–           Rượu và xơ gan: Chưa có bằng chứng thuyết phục liên quan giữa xơ gan và nghiện rượu mặc dù người ta biết rựou làm giảm testosteron máu và làm tăng độ thanh thải testosteron.

–           Tăng huyết áp: Do tuổi cao thường đi kèm với tăng huyết áp và triệu chứng của LUTS nên chưa có nghiên cứu chứng minh rõ ràng mối liên quan giữa BPH và tăng huyết áp.

–           Thuốc lá: nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa thuốc lá và BPH, thuốc lá làm tăng nồng độ testosteron và estrogen trong máu.

–           Các yếu tố khác: ít hoạt động thể lực, béo phì vùng bụng, BMI cao có liên quan đến BPH. Các loại thuốc chống trầm cảm, kháng histamin và giãn phế quản cũng làm tăng 2, 3 điểm trong IPSS.

3.    Nguyên nhân u phì đại tuyến tiền liệt

–           BPH bắt đầu phát sinh từ mô sợi quanh niệu đạo trên lồi tinh. Các tổ chức sợi này sẽ kết hợp với những mô tuyến thành những nhân xơ. Các nhân xơ sẽ phát triển dần và đẩy mô lành ra vùng chung quanh u. Giữa u và mô lành còn lại của TTL có một đường ranh giới rõ rệt, và mô lành trở thành vỏ bọc của u.

–           Trong u có 3 loại tổ chức: Tổ chức sợi chiếm trung bình 60%, tổ chức tuyến và tổ chức cơ mỗi loại chiếm trung bình 20%. Tổ chức sợi càng nhiều thì u càng sơ cứng gây ra hiện tượng bế tắc càng cao.

II.   LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG U TUYẾN TIỀN LIỆT

1.     Lâm sàng 

a. Triệu chứng cơ năng

Có 2 đặc điểm:

–           Bệnh phát triển rất chậm, kéo dài nhiều năm do đó bệnh nhân thích nghi dần, khó xác định được thời điểm khởi phát bệnh.

–           Các rối loạn lúc tăng lúc giảm do ảnh hưởng của chế độ làm việc, ăn uống hay nghỉ ngơi, do đó khó đánh giá được tác dụng của thuốc khi điều trị.

–           Các triệu chứng chủ quan gồm có hai nhóm chủ yếu:

–           Triệu chứng bàng quang quá mẫn cảm: Bàng quang chống đối sẽ dễ bị kích thích hơn bình thường. Thể hiện qua 2 triệu chứng:

+          Đái gấp tức là khi mót đi tiểu bệnh nhân khó nhịn lại được

+          Đêm phải đi tiểu nhiều lần (từ 2 lần trở lên và loại bỏ các yếu tố khác gây tiểu nhiều lần về đêm).

–           Triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu dưới: Gồm tiểu khó và còn nước tiểu tồn lưu.

+          Tiểu khó: phải rặn mới khởi động tiểu được, tia nước tiểu yếu, tiểu làm nhiều giai đoạn.

+          Còn nước tiểu tồn lưu: tiểu xong có cảm giác tiểu chưa hết, phải đi tiểu lại trong vòng chưa đầy 2 giờ.

Năm 1992, Hội niệu khoa Hoa Kỳ (AUA) thiết lập thang điểm dựa trên 7 triệu chứng than phiền kể trên gọi là International Prostate Symptom Score (IPSS). Sau này có bổ sung thêm 1 câu hỏi nữa dựa trên đánh giá của bệnh nhân về chất lượng cuộc sống (Quality of Life – QoL).

Đánh giá triệu chứng chủ quan của bệnh nhân dựa trên thang điểm IPSS giúp định hướng chẩn đoán BPH. Các dấu hiệu trên có lúc tăng lúc giảm trên cùng một bệnh nhân ở những thời điểm khác nhau. Do đó để đánh giá được đầy đủ cần lấy điểm trung bình của 5 lần đi tiểu và theo dõi trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, 7 triệu chứng kể trên hay còn gọi là triệu chứng của của đường tiểu dưới (LUTS) không chỉ đơn thuần là do BPH gây ra mà còn do một số nguyên nhân như: BPO, sỏi niệu đạo, u bàng quang, hẹp niệu đạo, viêm TTL, bàng quang thần kinh, nhiễm trùng niệu, dị vật đường niệu….

b. Triệu chứng thực thể

–           Khám hệ tiết niệu: khám thận, khám cầu bàng quang đặc biệt để xác định cầu bàng quang mạn, khám bộ phận sinh dục ngoài.

–           Thăm trực tràng là bắt buộc để đánh giá các đặc điểm của tuyến tiền liệt như kích thước, bề mặt, mật độ, giới hạn của tuyến tiền liệt với các cơ quan xung quanh.

–           Tiền sử: Chú ý khai thác kỹ các triệu chứng đường tiểu dưới trong tiền căn của BN.

2.       Cận lâm sàng u phì đại tuyến tiền liệt

–           Phân tích nước tiểu: nhằm xác định sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn niệu (nitrite, bạch cầu niệu), hồng cầu niệu, đường niệu…

–           Xét nghiệm máu.

–           Đánh giá chức năng thận: định lượng creatinine, ure máu.

–           Xét nghiệm định lượng PSA: theo khuyến cáo của Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, không thực hiện sàng lọc nhưng chỉ định cho bệnh nhân nhập viện nghi do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

i)PSA < 2.5 ng/l, xét nghiệm kiểm tra 2 năm/lần 

ii)PSA 2.5 – 4 ng/l, xét nghiệm kiểm tra mỗi năm/lần 

iii)PSA 4-10 ng/l, thử tỉ lệ tự do/toàn phần. Nếu tỉ lệ < 20: sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, nếu tỉ lệ >20: theo dõi năm/lần

iv) PSA >10 ng/l, chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, nếu kết quả bình thường, xét nghiệm kiểm tra PSA 1 năm/lần.

+ Chú ý: PSA có thể tăng theo thể tích tổ chức tuyến tiền liệt, hoặc trong trường hợp viêm tuyến tiền liệt, đặt thông tiểu, bí tiểu cấp…

–           Siêu âm

+          Khảo sát tuyến tiền liệt qua đường trên xương mu hoặc qua đường trực tràng: khảo sát hình thái, tính chất, thể tích tuyến tiền liệt.

+          Khảo sát toàn bộ hệ tiết niệu: đánh giá tình trạng thành bàng quang, giãn đường tiết niệu trên.

+          Đo thể tích nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu. Bình thường < 30ml. >100ml: có tình trạng tắc nghẽn có ý nghĩa.

Những xét nghiệm nên làm

–           Đo lưu lượng dòng tiểu (uroflowmetry): bằng máy hoặc phương pháp thủ công để đánh giá tốc độ dòng tiểu trung bình, tốc độ dòng tiểu cực đại (Qmax), lượng nước tiểu đi được, thời gian đi tiểu… Chỉ có giá trị chẩn đoán tắc nghẽn khi lượng nước tiểu mỗi lần tiểu > 150ml. Đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường tiểu dưới:

+          Trung bình: Qmax 10-15ml/s.

+          Nặng: Qmax <10ml/s

–           Cấy nước tiểu: trong trường hợp xác định nhiễm khuẩn đường tiết niệu và định danh vi khuẩn, sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh.

–           Chụp X quang hệ tiết niệu: khi nghi ngờ có sỏi bàng quang hoặc sỏi hệ tiết niệu kèm theo.

–           Soi bàng quang – niệu đạo:khi nghi ngờ có bệnh lý khác kèm theo ở bàng quang, niệu đạo như u bàng quang.

–           Đo áp lực bàng quang, niệu đạo: khi nghi ngờ có một số bệnh lý ở bàng quang kèm theo như bàng quang tăng hoạt.

III.    CHẨN ĐOÁN U PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT

1.        Chẩn đoán xác định

2.        Chẩn đoán phân biệt

Có 2 tình huống

–           Tuyến tiền liệt to lúc thăm khám trực tràng

+          Ung thư TTL: có nhân cứng, mất ranh giới, cần định lượng PSA, kiểm tra siêu âm (có vùng giảm âm, ranh giới bị phá hủy, túi tinh bị xâm lấn), chụp Xquang xương chậu, thắt lưng, sinh thiết vùng nghi vấn…

+          Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: bệnh nhân có tiền sử viêm TTL, viêm mào tinh hoàn, thăm trực tràng TTL to, ấn đau, có chỗ cứng…

–           Tuyến tiền liệt bình thường

+          Hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang: thăm khám niệu đạo, chụp niệu đạo, chụp niệu đạo ngược dòng, soi bàng quang.

+          Không có chướng ngại vật cần kiểm tra bàng quang thần kinh, ung thư bàng quang.

IV.    ĐIỀU TRỊ

1.        Xử trí ban đầu

Theo dõi

–           Chỉ định: cho bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới nhẹ và vừa, chưa có tình trạng tắc nghẽn nặng, bệnh nhân chưa có những than phiền về các triệu chứng trên. Các thông số trên xét nghiệm cận lâm sàng còn ở mức độ bình thường hoặc rối loạn mức độ nhẹ.

–           Các chỉ tiêu theo dõi: theo dõi định kỳ 6 – 12 tháng

+          Thăm khám để biết mức độ phàn nàn của BN về các triệu chứng đường tiết niệu dưới

+          Đánh giá chỉ số IPSS và QoL

+          Siêu âm đo kích thước tuyến tiền liệt, khảo sát hình thái hệ tiết niệu, đo thể tích nước tiểu tồn lưu

+          Xét nghiệm nước tiểu

+          Đo lưu lượng dòng tiểu (nếu cần thiết). Nếu các chỉ số trên có biến đổi theo hướng nặng dần thì cần chọn phương pháp điều trị thích hợp.

2.       Điều trị nội khoa

a.         Các thuốc Các thuốc chẹn alpha

–           Afuzosin: liều 10mg x 1lần/ngày.

–           Tamsulosin: Liều dùng 0,4mg/ngày, có thể tăng đến 0,8mg/ngày (1 lần) không cần điều chỉnh liều. Thuốc nên được uống 30 phút sau bữa ăn và cùng một thời điểm giữa các ngày, không được nghiền, nhai hay mở viên nang.

–           Doxazosin: Liều dùng 1mg/ngày, có thể tăng đến 2-4mg và tối đa 8mg.

–           Terazosin: Liều khởi đầu 1mg trước khi ngủ. Có thể tăng dần đến 5-10mg/ngày. Thuốc ức chế 5-alpha reductase (5 – ARI)

–           Dutasteride: thuốc ức chế cả hai men 5-alpha reductase type I và II, men này biến đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT). Liều dùng 0,5 mg/ngày.

–           Finasteride: thuốc ức chế men 5 alpha reductase type II, men này biến đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT). Liều dùng 5mg/ngày.

Thuốc kháng muscarinic

–           Các chất dẫn truyền thần kinh chiếm ưu thế của bàng quang là acetylcholine có thể kích thích thụ thể muscarinic (m-cholinoreceptors) trên bề mặt tế bào cơ trơn của cơ detrusor. Kháng thụ thể muscarinic sẽ làm giảm co thắt của bàng quang. Các loại thuốc được sử dụng hiện nay ở Việt Nam.

+          Oxybutynin ER 2-3 lần x 5 mg

+          Solifenacin: 1 lần x 5-10 mg Thuốc đối kháng vassopressin – desmopressin

–           Chỉ định cho bệnh nhân tiểu đêm do đa niệu ban đêm

–           Thuốc chống lợi niệu hóc môn arginine vasopressin (AVP) có vai trò chủ đạo trong việc giữ nước trong cơ thể và kiểm soát sự sản sinh nước tiểu do gắn với thụ thể V2 trong ống góp của thận.

–           Desmopressin: 1 lần x 0,1-0,4mg/uống trước khi đi ngủ Thảo dược

–           Một số các loại cây có tác dụng lên tuyến tiền liệt cũng đang được áp dụng trong điều trị ở nhiều nước, tuy nhiên cơ chế tác dụng cho đến nay vẫn chưa được rõ. Nguồn gốc dược thảo gồm: cây cọ lùn Nam Mỹ (serenoa repens), cây mận châu Phi (pygeum africanum), cỏ ngôi sao Nam Phi (hypoxis rooperi), cây thông, cây vân sam (pinus, picea), cây tẩm ma (urtica dioica et urens), phấn hoa (secale cereale), hạt bẩu bí (cucurbita pepo), hoa cây xương rồng (opuntia), cây trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium)…

b.         Chỉ định điều trị

–           Thuốc chẹn alpha: được sử dụng ưu tiên cho những trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng đường tiết niệu dưới, mức độ tắc nghẽn trung bình. Thuốc tác dụng sớm.

–           Thuốc 5ARI: thuốc được chỉ định cho những trường hợp có triệu chứng đường tiết niệu dưới, mức đô tắc nghẽn trung bình trở lên, tuyến tiền liệt lớn > 40ml. 5ARI có thể làm giảm nguy cơ bí tiểu cấp và phẫu thuật. Thuốc có công dụng làm giảm kích thước tuyến tiền liệt và đạt hiệu quả lâm sàng tối đa bắt đầu từ tháng thứ 3.

–           Phác đồ phối hợp 5ARI với thuốc chẹn alpha được chỉ định điều trị ưu tiên trong những trường hợp có triệu chứng đường tiết niệu dưới, mức độ tắc nghẽn trung bình trở lên, tuyến tiền liệt lớn > 40ml, Qmax giảm. Phác đổ phối hợp cũng có hiệu quả trong những trường hợp điều trị bằng thuốc chẹn alpha đơn thuần kém hiệu quả.

–           Thuốc kháng muscarinic được chỉ định cho bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng đường tiết niệu dưới, mức đô tắc nghẽn trung bình đồng thời có triệu chứng của bàng quang nổi trội. Cần thận trọng đối với bệnh nhân có tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, chống chỉ định khi thể tích nước tiểu tồn lưu > 100ml.

–           Phác đồ phối hợp thuốc kháng muscarinic với thuốc chẹn alpha có thể được sử dụng khi mỗi thuốc hiệu quả chưa cao.

–           Thuốc đối kháng vasopressin – desmopressin được chỉ định cho bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có tiểu đêm do đa niệu ban đêm.

–           Các thảo dược hiện nay chưa có khuyến cáo chỉ định một cách rõ ràng.

3.       Ngoại khoa

a.         Chỉ định

Chỉ định tuyệt đối

+          Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.

+          Có kèm sỏi bàng quang

+          Tiểu máu tái diễn

+          Bí tiểu cấp tái diễn

+          Giãn niệu quản nguyên nhân từ tắc nghẽn do tuyến tiền liệt lành tính

+          Túi thừa bàng quang

+          Suy thận nguyên nhân từ tắc nghẽn do tuyến tiền liệt lành tính Chỉ định tương đối

+          Điều trị nội khoa không hiệu quả

b.         Cắt đốt nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nội soi qua niệu đạo

–           Phương pháp này được thực hiện đầu tiên vào năm 1935, đến nay vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị phẫu thuật tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

–           Phương tiện: Dụng cụ cắt đốt nội soi qua đường niệu đạo. Dao cắt đơn cực, lưỡng cực, Laser.

–           Chỉ định: những trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

c.         Các thay đổi kỹ thuật nội soi qua niệu đạo Xẻ rãnh tuyến tiền liệt qua niệu đạo

–           Chỉ định: thể tích tuyến tiền liệt < 30ml và không có thùy giữa lớn. Nên chỉ định cho bệnh nhân < 60 tuổi.

–           Phương pháp này ít biến chứng hơn so với cắt đốt nội soi qua niệu đạo.

Cắt đốt tăng sinh tuyên tiên liệt nội soi qua niệu đạo bằng dao điện lưỡng cực

–           Phương tiện: Dụng cụ cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt. Dao cắt lưỡng cực

–           Chỉ định: như đối với cắt đốt nội soi bằng dao đơn cực.

–           Ưu điểm: so với cắt đốt bằng dao đơn cực thì hiệu quả tức thời tốt hơn. Có thể sử dụng nước muối sinh lý trong quá trình cắt đốt.

Bốc tuyến tiền liệt bằng laser Thulium, bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser Thulium

–           Bộ dụng cụ gồm có: Màn hình nội soi, nguồn sáng. Máy nội soi hiệu, có hệ thống tưới rửa liên tục dưới áp suất thấp (đường nước vào và nước ra). Máy LASER Thulium. Một số dụng cụ khác: thông Foley, bơm thủy tinh súc rửa, bơm tiêm….

–           Chỉ định: như đối với cắt đốt nội soi bằng dao đơn cực.

–           Ưu điểm: có thể sử dụng nước muối sinh lý trong quá trình cắt đốt nên không sợ biến chứng rối loạn điện giải.

Mổ mở

–           Phương pháp: sử dụng đường vào qua bàng quang hoặc đường sau xương mu bóc nhân tăng sinh tuyến tiền liệt.

–           Chỉ định:

+          Bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng đường tiểu dưới và có thể tích tuyến tiền liệt > 80ml, hoặc u tuyến tiền liệt nhưng có yếu tố cản trở không cắt đốt nội soi được

+          U tuyến tiền liệt kèm túi thừa bàng quang có chỉ định cắt bỏ.

+          Phẫu thuật nội soi thất bại.

+          Sỏi bàng quang lớn.

Điều trị bằng nhiệt vi sóng qua niệu đạo (Transrethral Microwave Therapy- TUMT)

–           Điều trị bằng nhiệt vi sóng dựa trên nguyên lý sử dụng bức xạ vi sóng phát ra từ một thiết bị an-ten đặt trong niệu đạo nhằm làm tăng nhiệt độ ở tuyến tiền liệt. Mô sẽ bị phá hủy khi nhiệt độ tăng lên trên ngưỡng gây độc tế bào (>450C).

–           Chỉ định: Giống chỉ định của TUNA.

Hủy TTL bằng kim nhiệt qua niệu đạo (Transurethral Needle Ablation – TUNA)

–           TUNA hoạt động trên nguyên tắc gây hoại tử bằng sự hoại tử đông ở vùng chuyển tiếp của tuyến tiền liệt.

–           Chỉ định cho bệnh nhân không muốn điều trị bằng cắt đốt nội soi tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt với ưu thế làm giảm tỉ lệ phóng tinh ngược dòng.

Chú ý: Cần cảnh báo cho bệnh nhân về tỉ lệ phải điều trị lại cao và ít cải thiện về triệu chứng cũng như chất lượng cuộc sống. Phương pháp này không chỉ định cho bệnh nhân có kích thước tuyến tiền liệt lớn (>75ml).

Bốc tuyến tiền liệt bằng laser Holmium

–           Sử dụng laser holmium: Yttrium-Aluminum-Garnet (Ho:YAG) với bước sóng 2140nm để bóc hoặc cắt tuyến tiền liệt. Đây là loại laser rắn.

–           Cắt tuyến tiền liệt nên chỉ định đối với tuyến <60ml.

–           Bóc tuyến tiền liệt có thể áp dụng đối với tuyến lớn hơn.

Bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser ánh sáng xanh 532 nm (‘Greenlight’) laser

–           Sự bốc hơi mô tuyến tiền liệt khi có sự tăng đột ngôt nhiệt độ trong mô từ 50oC đến 100oC nhờ năng lượng của laser.

–           Chỉ định: Bóc hoặc cắt tuyến tiền liệt bằng laser được chỉ định như cắt đốt nôi soi qua niệu đạo.

–           Nhược điểm: không có mẫu mô để làm giải phẫu bệnh lý.

4.         Biến chứng

Các biến chứng của phẫu thuật có thể gặp

–           Chảy máu

–           Tổn thương cơ quan lân cận

–           Hội chứng cắt đốt nội soi

–           Tiểu không tự chủ

–           Bí tiểu và nhiễm trùng niệu

–           Hẹp niệu đạo

–           Xơ hẹp cổ bàng quang

–           Phóng tinh ngược dòng

–           Rối loạn cương

5.         Xử trí một số tình huống lâm sàng

Bí tiểu cấp 

a.         Thông niệu đạo- bàng quang

–           Tiến hành đặt và lưu thông niệu đạo- bàng quang: dùng thông Foley 16-18Fr.

–           Thuốc:

+          Kháng sinh: đường uống hoặc tiêm

+          Thuốc chẹn alpha

–           Nghiệm pháp rút thông thử: cho rút thông Foley, thời gian rút dưới 3 ngày kể từ ngày đặt thông. Nếu bệnh nhân tiểu được, tiếp tục đánh giá để có thái độ xử trí tiếp. Nếu bệnh nhân không tiểu được, chọn lựa phương pháp điều trị ngoại khoa thích hợp.

b.         Thông niệu đạo-bàng quang thất bại

–           Trường hợp đặt thông thất bại, tiến hành dẫn lưu bàng quang trên xương mu bằng trô-ca. Sau đó đánh giá lại bệnh nhân và chọn phương pháp điều trị thích hợp.

c.         Suy thận do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

–           Bệnh nhân có tình trạng giãn niệu quản 2 bên, cầu bàng quang mạn, ure và creatinin tăng cao. Tiến hành đặt thông niệu đạo-bàng quang cho bệnh nhân, sau 2-3 ngày thử lại các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.

+          Nếu cải thiện và trở về bình thường, tiến hành đánh giá và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.

+          Nếu xét nghiệm chức năng thận có thay đối theo chiều hướng tốt lên nhưng chưa về bình thường, tiến hành dẫn lưu bàng quang trên mu bằng trô ca. Theo dõi và đánh giá tiếp cho đến khi chức năng thận trở về bình thường, chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.

d.         Tắc nghẽn do tuyến tiền liệt lành tính có viêm mủ bàng quang, niệu đạo, viêm tinh hoàn mào tinh hoàn, các bệnh lý nôi khoa nặng

–           Mở thông bàng quang trên xương mu.

Xem thêm: U phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị. 

Liên hệ:   0984 260 391 -   0886 999 115

Từ khóa » Chẩn đoán Phì đại Tiền Liệt Tuyến