Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Chọn Găng Boxing Hợp Lý

(VoThuat.vn) – Để nâng cao kỹ thuật, bạn thực sự cần một đôi găng Boxing phù hợp. Găng không tốt gây cảm giác khó chịu, thậm chí còn tăng nguy cơ chấn thương.

  • Những vũ khí kì lạ nhất lịch sử: Giết người trong chớp mắt
  • Đây là cách giữ bình tĩnh trước khi thượng đài

Dù vậy, làm thế nào để lựa chọn phụ kiện này hợp lý không hề đơn giản. Rõ ràng, bạn có thể chỉ cần bước vào cửa hàng thể thao và mua một đôi. Tuy nhiên, khả năng cao là hoặc bạn sẽ không thích, hoặc việc sử dụng chúng khiến bạn không hề thoải mái.

Vì vậy, để có được găng tay đúng với nhu cầu, hãy thử suy nghĩ kỹ và trả lời chín câu hỏi sau:

1. Bạn định dùng găng nhiều nhất cho hoạt động nào: Đấm bao cát, đấu tập, thi đấu boxing, hay MMA có cả đòn vật

2. Trình độ của bạn: người mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm?

3. Môn võ bạn đang học: Boxing, Muay Thái, MMA, Kickboxing hay môn khác?

4. Bạn định dùng găng để học tự vệ hay thi đấu?

5. Cân nặng của bạn là bao nhiêu?

6. Bạn thích găng có đệm xốp nhiều hay ít?

7. Bạn hứng thú với loại găng dán tiện lợi hay thắt dây cổ điển hơn?

8. Chất liệu găng bạn ưa chuộng là gì: da thật, giả da hay chất vinyl?

9. Bạn định mua găng ở mức giá nào: thấp, trung bình hay cao?

Nếu cho tới bây giờ mà bạn vẫn chưa quyết định được mình sẽ mua loại găng nào, hãy bớt chút thời gian nghiên cứu kỹ những điều dưới đây. VoThuat.vn sẽ phân tích từng khía cạnh nhằm giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến khi chọn găng. Xin lưu ý rằng, bạn có thể cần nhiều hơn là một đôi cho các loại hình tập luyện khác nhau. Do đó, việc tìm một đôi găng hoàn hảo cho mọi trường hợp là điều bất khả thi.

1. CÁC LOẠI GĂNG:

Găng đấm bao cát: Một bộ găng thích hợp có thể là loại kích cỡ thường, nhiều đệm, có chống sốc, hoặc là loại kích cỡ nhỏ, nhẹ hơn, ít đệm nếu bạn cần tập speed bag (đấm tốc độ nhanh). Bạn nên chọn găng có đệm xốp nhẹ để tốc độ ra đòn cao và thời gian tập luyện được lâu.

Găng luyện tập thông thường: Đây là loại găng bạn sẽ dùng trong 3/4 thời gian tập luyện trong nhiều trường hợp như đấm pad, đấm bao cát, đấm tốc độ nhanh, thậm chí là cả khi đấu tập.

Găng đấu tập: Găng phù hợp là loại có đệm xốp nhiều, nhất là quanh các đốt ngón tay nhằm đảm bảo an toàn.

Găng thi đấu: Bạn nên chọn găng loại nhẹ, nhưng môn võ cũng quyết định một phần sự thích hợp. Ví dụ, trong Boxing chuyên nghiệp, loại găng được sử dụng được giới hạn trong một số nhãn hiệu và hạng cân. Còn đối với Muay Thái, bạn phải đeo găng của các hãng đến từ Thái Lan với trọng lượng 8 oz hoặc 10 oz.

2. KÍCH CỠ VÀ TRỌNG LƯỢNG: Ở đây, găng thường được sản xuất theo các tiêu chuẩn phổ biến nhất như 12 oz (340 gr), 14 oz (397 gr) và 16oz (454 gr). Trọng lượng găng phụ thuộc phần lớn vào lượng đệm xốp bên trong. Đệm càng nhiều đồng nghĩa với tay được bảo vệ tốt nhưng cũng khiến tốc độ đấm giảm đi, đồng thời bạn sẽ mất sức nhanh hơn.

Găng 8 đến 10 oz: Tiêu chuẩn cho các trận đấu Boxing.

Găng 12 oz: Cân bằng giữa trọng lượng và đệm xốp. VoThuat.vn khuyên bạn nên dùng loại găng này nếu bạn thường tập đấm pad và đấm bao cát.

Găng 14 oz: Khi bạn cần các đòn đấm mạnh, bạn nên xem xét sử dụng loại găng này cho việc luyện tập thông thường.

Găng 16 oz: Phần lớn các phòng tập yêu cầu loại găng này cho việc đấu tập, thích hợp cho người nặng dưới 81kg.

Găng 18 oz (510 gr) đến 20 oz (567 gr): Dành cho hạng nặng.

Đề nghị của VoThuat.vn là bạn nên mua găng 12oz để tập luyện vì 90% thời gian bạn sẽ dùng găng loại này để đấm pad và đấm bao cát. Nếu bạn là một người nặng cân và đánh mạnh, bạn hãy xem xét sử dụng găng 14oz để tập luyện. Nếu bạn muốn sparring và bạn dưới 81kg, bạn sẽ cần phải mua một đôi găng 16oz. Nếu bạn trên 81kg, bạn có thể cần găng tay 18oz để sparring.

3. DỰA TRÊN ĐẶC ĐIỂM TỪNG MÔN:

Boxing truyền thống phương Tây: Găng dành cho đấm bốc sẽ giữ nắm đấm cùng ở trong một đường với mặt sau của găng và cổ tay. Găng sẽ kéo dài qua cả phần cổ tay giúp tạo lực ổn định để tập đấm bao cát.

Muay Thái: Hơi giống với găng cho Boxing, nhưng phần đệm phía sau găng thường dày hơn để giảm thiểu sức mạnh từ các cú đá của đối phương. Còn với phần đằng trước và ngón cái, găng được thiết kế nhằm đóng và mở tay linh hoạt khi vật, bắt đòn đá hay giữ người đối thủ. Găng Muay Thái ngắn dưới cổ tay, ngược với găng boxing.

Kickboxing: Bạn hoàn toàn có thể dùng găng tập Muay Thái cho môn võ này.

MMA: Bạn vẫn sử dụng găng Boxing hoặc Muay Thái cho MMA. Đặc biệt, một số găng có tính năng “khóa ngón cái”. Một cách dễ hiểu, ngón cái được bảo vệ khi tay thu về nắm đấm thay vì thò ra ngoài. Tuy nhiên, găng MMA rất khác ở hình dáng và chức năng so với các loại khác do nó đòi hỏi di chuyển tự do nhiều. Vận động viên MMA dùng găng 4 oz (110 gr) và để lộ ngón tay, cho phép tóm và giữ đối thủ theo luật thi đấu.

4. CHẤT LIỆU: Có ba loại chất liệu phổ biến như sau

Vinyl: Đây là một chất liệu dành cho găng rẻ tiền với tầm giá từ 20$ (470.000 VND) đến 40$ (930.000 VND), thường cho người mới bắt đầu tập. Nhưng vinyl dễ bị bào mòn, hơn nữa khi tập sẽ bị nóng cũng như ướt ở bên trong.

Giả da: Polyurethane (PU) nhìn giống da thật và có độ bền tốt hơn vinyl. Khoảng giá cho một bộ găng PU dao động từ 30$ (700.000 VND) tới 120$ (2.800.000 VND). Đây sẽ là một lựa chọn tốt cho những người mới bắt đầu.

Da thật: Với mức giá khởi điểm lên tới 60$ (1.400.000 VND) và 400$ (9.300.000 VND) cho những cặp găng chất lượng tốt nhất, hãy yên tâm rằng da thật sẽ khiến việc tập luyện trở nên dễ dàng hơn nhiều. Da thật sẽ vừa với tay hơn theo thời gian. Theo VoThuat.vn, hãy mua găng làm từ da thật vì cảm giác thoải mái, độ bền và chất lượng tổng thể hoàn toàn vượt trội.

5. THẮT DÂY HAY GĂNG DÁN: Chủ đề này luôn nhận được những ý kiến trái ngược nhau.

Thắt dây: Loại găng này lý tưởng cho tập đấm bao cát hay đấu tập chuyên môn cao. Nếu tham gia các giải đấu, bạn cần dùng đến nó. Buộc dây có nhược điểm lớn nhất là mất thời gian. Thông thường, cần tới sự giúp đỡ của người khác để đeo và tháo găng. Ngay cả việc uống nước hay đi vệ sinh cũng rất khó khăn khi phải mang găng thắt dây. Ngoài ra, dây chưa được cắt cẩn thận có thể làm người tập và đối thủ bị thương.

Khóa dán Velcro: Dù không thể giữ chặt tay người tập như loại thắt dây, đeo và tháo lại trở nên vô cùng đơn giản. Xét trên quan điểm cá nhân, đối với thời lượng tập luyện trung bình ở phần lớn các đối tượng, khóa dán velcro là hợp lý nhất.

Thêm vào đó, có một phụ kiện gọi là bộ chuyển giữa thắt dây và khóa dán. Đây là một giải pháp vô cùng hợp lý khi bạn đã sở hữu một đôi găng tay loại này mà không muốn mua thêm loại khác.

6. MÀU SẮC: Dù đây là một khía cạnh có vẻ kém quan trọng nhưng cũng có rất nhiều người đề cao tiêu chí này. Đơn giản là, hãy mua cặp găng có màu hợp với tính cách và sở thích bản thân. Trong thi đấu, thông thường có hai màu đỏ và xanh. Dù thường được chỉ định ngẫu nhiên, có thể bạn muốn chọn đỏ vì một số nghiên cứu chỉ ra màu đỏ sẽ giúp cho lợi thế về mặt tâm lý.

7. QUẤN TAY: Đây là một phụ kiện rẻ tiền nhưng không thể thiếu trong tập luyện do đôi tay của bạn phải sử dụng và chịu rất nhiều lực. Quấn tay là một nghệ thuật, mỗi người cũng như mỗi môn võ có cách thực hiện riêng. Thông thường, mọi người sẽ quấn theo hai cách cuối trong số bốn cách như sau:

Quấn vải nhẹ: Đây là loại đơn giản nhất và phổ biến nhất trong các lớp tập ở Thái Lan.

Quấn băng co giãn: Dù có một điểm lợi là băng đàn hồi đem lại lợi thế trong chiến đấu nhưng đòi hỏi người có kinh nghiệm thực hiện cho bạn, đồng thời gây mất thời gian quấn và tháo, thậm chí phải cần tới kéo cắt. Vì vậy, phương pháp này kém hiệu quả cho phần lớn mọi người.

Quấn vải không co giãn: Hai nhãn hiệu TWINS và TOP KING đều có mẫu sản phẩm này và đặc biệt là nó sẽ không bị nhăn theo thời gian.

Quấn vải co giãn: Bạn nên quấn kiểu này. Nó không đắt hơn là bao so với các phương pháp khác. Hơn nữa, nhờ sự đàn hồi tốt từ vải co giãn cũng như độ bám tay tốt, việc luyện tập và thi đấu sẽ trở nên thoải mái hơn.

8. ĐỊA ĐIỂM MUA GĂNG:

Qua mạng: Dĩ nhiên bạn sẽ được giá rẻ hơn, nhưng lại không được thử găng, một điều khá quan trọng, nhất là khi mới mua găng lần đầu tiên. Nên nhớ, chỉ một số nhà bán lẻ có chính sách hoàn tiền. Hãy tham khảo Amazon.com hay Ebay để so sánh giá. Cụ thể, giá ở Amazon thường thấp và có chính sách hoàn tiền, trong khi Ebay chiếm ưu thế nhờ vào sự đa dạng chủng loại. Nếu chọn được một thương hiệu, nhất là với các mẫu đắt tiền cũng như hiếm, bạn nên mua qua mạng.

Cửa hàng: Trong trường hợp không quen thuộc với bất cứ nhãn hiệu nào, hãy ra một cửa hàng chuyên về MMA hoặc Boxing, thử vài đôi và cảm nhận. Nếu tìm thấy một đôi bạn thích có thương hiệu cụ thể, đặt online thường tiết kiệm hơn. Nhưng tại cửa hàng, lựa chọn thường bị giới hạn do không phải mẫu nào cũng có sẵn.

9. GIÁ CẢ: Giá cả các loại găng sẽ khác nhau, trải dài từ 20$ (470.000 VND) tới 400$ (9.300.000 VND). Trên Amazon, găng Boxing kiểu Thái rơi vào tầm 60$ (1.400.000 VND) đến 70$ (1.600.000 VND), còn các thương hiệu sản xuất găng Boxing thường là từ 80$ (1.900.000 VND) tới 120$ (2.800.000 VND). Ngoài ra, một số găng Boxing thuần túy như Cleto, Grant hoặc Winning có giá thấp nhất là 200$ (4.700.000 VND).

Dưới 20$ (470.000 VND): Dùng găng này sẽ khiến bạn dễ gặp chấn thương.

Từ 30$ (700.000 VND) đến 50$ (1.200.000): Bạn có thể mua được món hời từ các nhãn hiệu như Title…

Từ 60$ (1.400.000 VND) đến 90$ (2.100.000 VND): Găng chất lượng tầm trung. Theo VoThuat.vn thì tỷ lệ giá và chất lượng tốt nhất nằm trong khoảng 70$ (1.600.000 VND) và 80$ (1.900.000 VND).

Từ 90$ (2.100.000 VND) đến 140$ (3.300.000 VND): Nhiều người tập MMA và Muay Thái dùng các mẫu găng ở khoảng giá này, nhất là ở các phòng tập tại Mỹ.

Từ 150$ (3.500.000 VND) đến 400$ (9.300.000 VND): Các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp sử dụng những cặp găng cao cấp này. Nhưng nếu bạn bị chấn thương tay hay cổ tay, hãy sử dụng một số găng 400$ từ Winnings có lớp đệm tốt nhất trên thị trường.

10. CÁCH BẢO QUẢN: Điều quan trọng nhất phải nhớ là hãy làm khô găng tay sau mỗi buổi tập để kéo dài tuổi thọ của chúng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Để găng ở nơi khô và thoáng mát: Độ ẩm khiến găng bị rách nhanh, đồng thời là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập gây mùi khó chịu. Bạn nên thử nhồi vụn gỗ vào một đôi tất rồi để vào cả hai bên găng, giúp hút ẩm và giữ sạch mùi.

Dùng nhiều bộ găng khác nhau: Sở hữu vài cặp găng tay và sử dụng chúng luân phiên theo ngày hay buổi tập. Lúc này sẽ có nhiều thời gian để găng khô thoáng.

Sử dụng sản phẩm chăm sóc găng da thường xuyên: Nếu có găng tay da, bạn nên xem xét một số nhãn hiệu, như Obenauf’s LP. Chỉ cần thoa lên găng bằng tay một lần một tuần, cặp găng của bạn sẽ được bảo vệ kỹ càng.

11. CÁC THƯƠNG HIỆU TỐT NHẤT: Câu nói “Tiền nào của nấy” đúng với mọi sản phẩm, kể cả găng Boxing. Mỗi thương hiệu có những nét riêng về thiết kế, đệm xốp, cách phân bổ trọng lượng nhằm phù hợp với từng đối tượng. Trên thị trường, nhãn hiệu và sản phẩm có thể đa dạng hơn, nhưng bạn nên cân nhắc danh sách sau để có một lựa chọn tối ưu nhất. Hãy cẩn thận vì có thể bạn sẽ mua phải các loại găng kém chất lượng đến từ Ấn Độ, Trung Quốc hay Pakistan.

  • Các môn võ Thái Lan

Twins Special: Rất phổ biến trong các giải đấu ở Thái Lan, thậm chí nó và Muay Thái được coi là một cặp bài trùng. Đặc điểm chính của sản phẩm từ Twins là đệm xốp nhiều và giá cả vô cùng phải chăng.

Fairtex: Chất lượng cũng như giá cao hơn không đáng kể so với Twins hay Top King. Thiết kế đơn giản nhưng bắt mắt, chất liệu tốt với kích cỡ và độ dày thấp hơn Twins. Thương hiệu này được đánh giá cao nhờ vào độ thoải mái, tính thời trang, sự vừa vặn và cả công năng sử dụng.

Top King: Thật ra người sở hữu hãng này là anh em ruột của nhà sáng lập Twins. Dù vậy, thiết kế các sản phẩm dường như nguyên thủy, có phần mạnh bạo hơn Twins. Bên cạnh đó, các găng Top King to và dày so với nhiều hãng khác, nhất là Fairtex và Twins.

Raja: Một đại diện tiêu biểu cho sự thoải mái và vừa vặn. Nó hướng tới thiết kế cho võ thuật Thái Lan truyền thống.

Boon: Hiện diện nhiều tại Úc.

Yokkao: Thương hiệu Italy với các sản phẩm được làm tại Thái Lan, được biết đến với tư cách nhà tài trợ cho huyền thoại Muay Thái Saenchai. Bạn có thể hứng thú với thiết kế thời thượng và đắt tiền nhưng chất lượng của các găng Yokkao chỉ ở mức trung bình.

Sandee: Tương tự Twins ở kiểu dáng và cảm giác sử dụng. Tuy nhiên, chúng là những món hời vì chất lượng tương đương Twins nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều. Một nhược điểm lớn là sản phẩm thường không có sẵn hàng.

Windy: Hơi giống Top King, có thiết kế phồng cùng chất liệu cao su chiếm chủ yếu.

Thaismai: Một hãng nhỏ khá vô danh tiểu tốt tại Thái Lan nhưng những bộ găng được làm thủ công rất tỉ mỉ.

Fighting: Hãng mới ở Thái Lan.

Muay Thai và Lumpinee: Hai thương hiệu giá rẻ.

  • Boxing phương Tây

Everlast: Thương hiệu này đã có mặt trên thị trường hàng thập kỷ. Cho dù có tham gia tài trợ các trận đấu lớn, sản phẩm của Everlast không còn tốt, nhất là khi có rất nhiều đối thủ với lựa chọn tốt hơn. Nếu muốn sở hữu một bộ găng tầm trung từ hãng này, số tiền bạn cần trả ít nhất là 80$ (1.900.000 VND).

Venum: Những ai mới bắt đầu nên tham khảo hãng này. Venum tài trợ cho nhiều vận động viên UFC. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận với chiêu trò marketing của hãng. Có hai loại găng với nhãn dán khác nhau: “Made in Thailand” và “Designed in Thailand”. Trong đó, loại thứ hai thường rẻ hơn và được sản xuất tại Trung Quốc hay Pakistan.

Hayabusa: Các sản phẩm Hayabusa thường hơi đắt nhưng lại có thiết kế rất tốt. Bên cạnh đó, găng tay của hãng được cải tiến dựa trên các nghiên cứu mang tính khoa học nhằm nâng cao hiệu năng tập luyện hoặc thi đấu.

Ringside: Được đi kèm với nhiều đặc tính thiết kế hữu ích như lớp xốp chống sốc làm từ bọt biển, những đôi găng này thực sự đáng đồng tiền.

TITLE: Giá cả rất phải chăng dành cho các tín đồ của Boxing cổ điển. Đôi khi bạn sẽ bắt gặp một vài bộ găng giá dưới 40$ (930.000 VND) mà chất lượng không hề thấp chút nào.

Lonsdale: Dù chung công ty chủ quản với Everlast, thương hiệu này không có tiếng lắm.

RDX: Trên Amazon, nhãn hiệu trên đang trở nên phổ biến. Dù vậy, chất lượng sản phẩm thấp và thiết kế đi mượn là hai yếu tố sẽ khiến bạn phải suy nghĩ kỹ.

Cleto Reyes: Được mệnh danh là “găng tay của những cú đấm”, với ít đệm xốp, rất nhiều vận động viên Boxing hàng đầu sử dụng găng tay của hãng này. Cụ thể, Manny Pacquiao chỉ tập luyện và thi đấu với găng Cleto Reyes.

Grant: Ở chiều ngược lại, Mayweather và nhiều nhân vật võ thuật hàng đầu khác đề cao thương hiệu này. Tuy nhiên, chúng khá khó mua, thay vào đó, bạn phải đặt trước. Bù lại, cảm giác sử dụng rất tốt, ở mức giữa của Winning và Cleto Reyes.

Winning: Công ty sản xuất găng đến từ Nhật Bản được biết đến với sự thoải mái, vừa vặn khi dùng, lớp đệm xốp nhiều và mức giá luôn thuộc hàng cao nhất trên thị trường. Thiết kế buộc dây đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao do lực được phân bổ đều nhất có thể, từ đó giảm thiểu tối đa chấn thương. Có lẽ đây chính là lý do tại sao các vận động viên nhà nghề lựa chọn Winning, nhất là trong đấu tập và đấm bao cát. Bạn sẽ phải bỏ ra 300$ (7.000.000 VND) đến 400$ (9.300.000 VND) để đặt hàng từ Nhật.

12. TỔNG KẾT VỀ GĂNG TAY TỐT NHẤT:

Dành cho tập luyện thông thường và đấu tập: Nếu chọn thương hiệu được yêu thích nhất, đó chắc chắn là Winning. Hãng này cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho đấm bao cát, đấm pad và sparring. Dù vậy, giá của chúng lên tới 300$ (7.000.000 VND).

Dành cho Boxing phương Tây: Chính là Grant hoặc Cleto Reyes. Cụ thể, Cleto hỗ trợ các cú KO, còn Grant đem tới cảm giác dễ chịu khi đeo, đồng thời có lớp đệm và thiết kế bắt mắt.

Dành cho tập luyện Muay Thái: Bạn sẽ thích thiết kế của Fairtex, cũng như cảm giác vừa vặn hoàn hảo từ Raja. Boon cũng là một lựa chọn hợp lý.

Dành cho thi đấu Muay Thái: Chắc chắn là Twins. Có tới 90% khả năng bạn sẽ bắt gặp chúng được dùng trong các trận đấu Muay Thái. Sẽ rất hợp lý nếu tập luyện bằng những loại găng bạn có thể dùng trong thi đấu sau này.

VoThuat.vn hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chọn được găng boxing ưng ý, hiệu quả, đáng tiền và bền nhất có thể.

Anh Thư – Phúc Lương

Từ khóa » Găng Tay Boxing Nặng Bao Nhiêu