HƯỚNG DẪN CHƯƠNG TRÌNH 1 TRIỆU SÁNG KIẾN
Có thể bạn quan tâm
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 46 /HD-TLĐ | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 |
HƯỚNG DẪN
Thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo,
quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19”
Để thực hiện tốt, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, thống nhất về nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19” (sau đây gọi là Chương trình) trong các cấp công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện Chương trình với những nội dung cơ bản sau:
I. NỘI DUNG VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA SÁNG KIẾN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
1. Sáng kiến tham gia Chương trình là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó:
1.1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm:
- Sản phẩm, dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gen, thực vật, động vật biến đổi gen); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi;…
- Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật,...).
1.2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:
- Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, phần mềm, công nghệ, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu…);
- Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
1.3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó:
- Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);
- Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;
- Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;
1.4. Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật mớivào thực tiễn hoặc cải tiến, khắc phục những nhược điểm của giải pháp đang thực hiện.
1.5. Giải pháp trong hoạt động công đoàn là các cách thức tổ chức, điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hơn; các tác nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao hơn của công đoàn các cấp; nghiên cứu, đề xuất phương pháp, mô hình, cách làm mới; cải tiến phương thức, quy trình, cách làm cũ để thuận lợi hơn trong tổ chức hoạt động công đoàn; tham mưu, đề xuất nội dung mới hoạt động công đoàn, các cơ chế, chính sách, chế độ có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động….
1.6. Giải pháp trong phòng chống Covid -19: tham mưu cơ chế, chính sách mới trong công tác bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; đề xuất mô hình mới, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất và công tác; các giải pháp hiệu quả thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19…
1.7. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, ngành trên tất cả các lĩnh vực.
2. Điều kiện công nhận sáng kiến tham gia Chương trình gồm:
2.1. Sáng kiến có tính mới trong phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và được Hội đồng sáng kiến hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó công nhận.
2.2. Sáng kiến đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực (quy đổi được lợi ích thành tiền hoặc không quy đổi được lợi ích thành tiền nhưng xác định được lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp) gồm:
- Khả năng mang lại hiệu quả kinh tế: nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật…;
- Khả năng mang lại lợi ích xã hội: nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, học tập, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người,phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức…
2.3 Đề tài được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tế từ tháng 9/2021, đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi ứng dụng đề tài khoa học đó xác nhận hiệu quả ứng dụng thực tế.
2.4. Công nhận tác giả sáng kiến: trong trường hợp sáng kiến, đề tài có nhiều tác giả, thành viên thì công nhận cho chủ nhiệm đề tài hoặc tác giả, thành viên đề tài có tỷ lệ đóng góp cao nhất.
3. Các sáng kiến sau đây không được tham gia Chương trình:
- Sáng kiến đưa vào ứng dụng ngoài thời gian từ 01/9/2021 – 01/9/2023;
- Sáng kiến chưa được cấp có thẩm quyền công nhận;
- Sáng kiến có nội dung trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;
- Sáng kiến đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
II. CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU
1. Từ 01/9/2021 đến 31/5/2022: phấn đấu đạt 300.000 sáng kiến.
2. Từ 01/6/2022 đến 01/9/2023: phấn đấu đạt 700.000 sáng kiến.
3. Phấn đấu 10% đoàn viên, cán bộ công đoàn trở lên, công chức, viên chức, người lao động thuộc các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có sáng kiến tham gia Chương trình.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Ký kết chương trình phối hợp giữa công đoàn cơ sở với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó, có các điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo, điều kiện cơ sở vật chất thực hành, ứng dụng sáng kiến; có cơ chế khuyến khích tinh thần, khen thưởng vật chất tương xứng với giá trị làm lợi mang lại, ưu tiên điều kiện nâng lương, nâng bậc, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ, vị trí công tác cao hơn… cho tác giả sáng kiến có hiệu quả. Công đoàn cơ sở thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến giúp đoàn viên, người lao động hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến, hướng dẫn viết báo cáo sáng kiến và các thủ tục tham gia Chương trình.
2. Công đoàn các cấp nghiên cứu, cụ thể hóa và lựa chọn các giải pháp phù hợp với với điều kiện thực tiễn của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; định hướng chỉ tiêu phấn đấu cho từng nhóm đối tượng, từng giai đoạn, từng lĩnh vực đảm bảo hoàn thành mục tiêu “01 triệu sáng kiến” chung của Chương trình.
3. Nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, sức lan tỏa các giải thưởng hiện có của công đoàn các cấp, gắn với các sáng kiến tham gia chương trình.Khuyến khích công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở tổ chức các chương trình “Ngày hội sáng kiến”, “Ngày hội ý tưởng sáng tạo” để đoàn viên, người lao động có cơ hội chia sẻ, giới thiệu về các sáng kiến của mình, qua đó lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng thuận đưa vào ứng dụng trong thực tế, nhân rộng các sáng kiến hiệu quả.
4. Đẩy mạnh việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chương trình. Công đoàn cơ sở cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tác giả sáng kiến. Các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng công ty có thể tổ chức vinh danh qua mỗi đợt thi đua cao điểm.
5. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình; về các sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu tham gia Chương trình trên các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống công đoàn ở Trung ương và địa phương, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội của các cấp công đoàn. Khuyến khích cán bộ công đoàn năng động, sáng tạo, có các giải pháp hiệu quả trong thực hiện và lan tỏa sâu rộng về Chương trình.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đề xuất, tổng hợp, đánh giá và cập nhật sáng kiến. Sau khi được hội đồng sáng kiến hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công nhận, đoàn viên, CNVCLĐ hoặc các cấp công đoàn cập nhật sáng kiến của mình lên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam để tham dự Chương trình theo địa chỉ https://congdoanvietnam.org và giới thiệu nguyên nhân hình thành sáng kiến trên các nền tảng số (Website, mạng xã hội của các cấp công đoàn) (Có hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể kèm theo).
IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp nhận sáng kiến được Hội đồng sáng kiến công nhận từ ngày 01/9/2021 và đăng ký cập nhật trên cổng trực tuyến từ 7h00, ngày 08/01/2022 và kết thúc trước 24h00 ngày 01/9/2023, được chia thành 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Cập nhật sáng kiến tham gia từ 7h00 ngày 08/01/2022 đến trước 24h00 ngày 31/5/2022 đối với các sáng kiến đủ điều kiện trong giai đoạn từ 01/9/2021 đến 31/5/2022.
- Giai đoạn 2: Cập nhật sáng kiến tham gia từ 7h00 ngày 01/6/2022 đến trước 24h00 ngày 01/9/2023 đối với các sáng kiến đủ điều kiện trong giai đoạn này.
V. KHEN THƯỞNG
1. Tổng Liên đoàn:
- Ghi nhận hàng quý: các tập thể có số lượng sáng kiến tham gia Chương trình nhiều nhất trong mỗi cụm, khối thi đua thuộc Tổng Liên đoàn đồng thời có số sáng kiến gửi tham gia trong quý cao hơn chỉ tiêu phấn đấu trong chương trình của tập thể đó.
- Khen thưởng sơ kết đợt 01: Tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cho các tập thể có thành tích xuất sắc tham gia Chương trình được vinh danh dẫn đầu trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam và các tập thể có số lượng sáng kiến tham gia chương trình nhiều nhất ở mỗi cụm thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đạt tỷ lệ tham gia theo quy định.
- Khen thưởng Tổng kết Chương trình vào tháng 9 năm 2023: Khen thưởng các cá nhân có sáng kiến xuất sắc tiêu biểu nhất trong các nhóm đối tượng của Chương trình được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tổng Liên đoàn công nhận.
2. LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty, các ban, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: có hình thức ghi nhận, biểu dương khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc, các cá nhân có sáng kiến tiêu biểu theo thẩm quyền.
3. Công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dành nguồn kinh phí để biểu dương, khen thưởng hàng tháng, đột xuất đảm bảo động viên kịp thời, lan tỏa rộng rãi trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
- Văn phòng tham mưu hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chương trình tại các cấp công đoàn; tiếp nhận các thông tin phản hồi, kịp thời tham mưu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; tham mưu biểu dương, quý, khen thưởng sơ tổng kết và tôn vinh, khen thưởng toàn quốc; đưa nội dung Chương trình vào chỉ tiêu nhiệm vụ công tác hàng năm để đánh giá thi đua các cụm, khối và các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn;
- Ban Tuyên giáo tham mưu chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về Chương trình trong toàn hệ thống công đoàn đảm bảo mục đích, yêu cầu; chủ trì xây dựng và duy trì hoạt động của Chương trình trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam; xây dựng bộ nhận diện truyền thông và tài liệu tuyên truyền đa phương tiện liên quan đến Chương trình. Chủ động tổ chức thông tin về Chương trình trên Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội Công đoàn Việt Nam và trên các cơ quan báo chí có chương trình phối hợp tuyên truyền với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nghiên cứu phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức “Điểm hẹn sáng kiến” trên các nền tảng mạng xã hội và website.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Căn cứ nội dung Chương trình và Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn tại địa phương, ngành, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước tham gia thực hiện tốt Chương trình, đồng thời gắn nội dung chương trình vào nội dung phát động các phong trào thi đua của các cụm,khối, các ngành, địa phương hàng năm, định kỳ tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết, đề nghị khen thưởng các tập thể cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc.
- Cụm trưởng, Khối trưởng các cụm, khối thi đua thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm thống nhất đưa vào nội dung giao ước thi đua, đôn đốc các đơn vị thực hiện, đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu của từng đơn vị và chung của cụm, khối; coi đây là chỉ tiêu nhiệm vụ hàng đầu trong đánh giá kết quả hoạt động thi đua cụm, khối hàng năm.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở:
- Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ công đoàn cơ sở triển khai Chương trình, tổ chức phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
- Căn cứ nội dung Chương trình và chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên, cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ công tác hàng tháng, cả năm của cấp mình và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
- Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ký kết giao ước thi đua, biên bản ghi nhớ triển khai tốt Chương trình; tổ chức đăng ký sáng kiến, hướng dẫn đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình xây dựng, đăng ký sáng kiến, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tuyến trên hệ thống phần mềm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp công đoàn thường xuyên thông tin, báo cáo kết quả nội dung thực hiện Chương trình về Tổng Liên đoàn (qua Văn phòng) để kịp thời hướng dẫn, tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến./.
Nơi nhận: - Đồng chí Chủ tịch TLĐ (để b/c); - Các đồng chi Phó Chủ tịch TLĐ; - Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ; - Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và tương đương, CĐ TCTy trực thuộc TLĐ; - Lưu VT, VP. | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC (Đã ký) Trần Thanh Hải |
Từ khóa » Cuộc Thi 1 Triệu Sáng Kiến Công đoàn Việt Nam
-
Cổng Trực Tuyến Công đoàn Việt Nam
-
Hướng Dẫn Cập Nhật Sáng Kiến Tham Gia Chương Trình 1 Triệu Sáng ...
-
Chương Trình "1 Triệu Sáng Kiến" Của Tổng LĐLĐVN - Báo Lao Động
-
Đã Có 300.000 Sáng Kiến Tham Gia Chương Trình 1 Triệu Sáng Kiến
-
Để Chương Trình Thi đua “Một Triệu Sáng Kiến” đạt Hiệu Quả Cao Nhất
-
Khuyến Khích Nhiều ý Tưởng Sáng Tạo Của đoàn Viên Và Người Lao ...
-
Nỗ Lực Vượt Khó, Sáng Tạo, Quyết Tâm Chiến Thắng đại Dịch Covid-19
-
Nỗ Lực Vượt Khó, Sáng Tạo, Quyết Tâm Chiến Thắng đại Dịch Covid-19
-
Nỗ Lực Vượt Khó, Sáng Tạo, Quyết Tâm Chiến Thắng đại Dịch Covid-19
-
Lan Tỏa Chương Trình 1 Triệu Sáng Kiến - Báo Sóc Trăng
-
Nỗ Lực Vượt Khó, Sáng Tạo, Quyết Tâm Chiến Thắng đại Dịch COVID-19
-
Kết Thúc Giai đoạn 1, Chương Trình 1 Triệu Sáng Kiến Ghi Nhận Những ...
-
Chương Trình “1 Triệu Sáng Kiến”: Khuyến Khích Nhiều ý Tưởng ... - VOV
-
1 Triệu Sáng Kiến - Nỗ Lực Vượt Khó, Sáng Tạo, Quyết Tâm Chiến Thắng ...